Canh tân Đặc sủng: “Chúng ta không còn rao giảng Phúc Âm như cách đây 50 năm”

322

la-croix.com, Céline Hoyeau, Rôma, 2017-06-04

Nhân dịp trên 50 000 thành viên Canh tân Đặc sủng quây quần chung quanh Đức Giáo hoàng để kỷ niệm 50 năm thành lập phong trào, báo Thập giá có cuộc phỏng vấn với ông bà Dominique và Marie-Christine Ferry, 72 tuổi, thành viên Cộng đoàn Con đường Mới (Chemin-Neuf).

Báo Thập giá: Chúng ta có thể rao giảng Phúc Âm như cách đây 50 năm không?

Dominique Ferry: Nội dung của chúng tôi thì không thay đổi, đó là làm sao có được kinh nghiệm riêng tư với Chúa qua “rửa tội trong Thần Khí”. Nhưng cách đây 50 năm, chúng tôi giảng cho những người còn biết giáo lý, dù lúc đó đã có những thay đổi trong xã hội. Họ vẫn còn ở trong truyền thống công giáo, đơn giản họ chỉ cần quay trở lại với cuộc sống. Còn bây giờ, là tuyên úy cho các sinh viên ở Anh, chúng tôi thấy người trẻ không còn đức tin, cũng như các ý thức hệ lớn của tự do hay của cộng sản của thế kỷ 20 cũng không còn. Thế giới không thay đổi, chỉ có nhiều chiến tranh và còn có nhiều hơn nữa.

Như thế, nếu nói về tôn giáo thì người trẻ không nghe chúng ta. Khi chúng tôi đưa các tờ sinh hoạt trên danh nghĩa công giáo Anh, các người trẻ lịch sự cám ơn chúng tôi.

Chúng tôi cũng đối diện với cùng khó khăn của sự dấn thân: cách đây 15 năm, những ai ghi tên tham dự vào các ngày lễ hội chúng tôi tổ chức cho người trẻ thì xem như họ phải tham dự từ ngày đầu đến ngày cuối. Nhưng bây giờ chúng tôi uyển chuyển hơn: Xin mời bạn đến và bạn sẽ thấy, nếu bạn không thích, bạn có thể ra đi.

Cũng như vậy với Tiến trình Alpha. Nếu mình nói họ phải đi 12 tuần thì không ai đi. Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy, đến bữa ăn tối thứ ba, con số người tham dự sẽ ổn định vì họ đã hiểu tình huynh đệ làm điều tốt cho họ. Họ nói với chúng tôi, họ cảm động khi được tiếp đón nồng hậu.

Như Tổng Giám mục Justin Welby, giáo phận Cantorbéry nói, nếu muốn rao giảng Phúc Âm cho người trẻ ngày nay thì Giáo hội phải là nơi lắng nghe, nơi có lòng trắc ẩn và “tái tạo”. Cũng như những gì Đức Phanxicô nói với chúng ta, khi ngài nói đến sự “trìu mến” của Giáo hội.

Phong trào Canh tân Đặc sủng không bị đuối sức?

Dominique Ferry: Tôi muốn nói chúng tôi đang ở trong thời kỳ hai của Phong trào: trong mấy chục năm vừa qua, chúng tôi cần nguồn suối thiêng liêng để lưu hành, giáo dân đi từ một đức tin nhận được qua sự gặp gỡ với Chúa Kitô sống động. Nhưng đến đây, Phong trào Canh tân vẫn còn là một “nhóm”, có nghĩa là bây giờ phong trào bị hụt sức.

Ngược lại, khi phong trào tháp nhập vào đời sống bác ái, gần với những người vô gia cư, những người đồng tính hay biết lắng nghe nhu cầu của người đương thời thì phong trào lấy lại sức sống.

Marie-Christine Ferry: Tôi rất kinh ngạc thấy, dù thiếu vắng sự trao truyền đức tin, nhưng Thần Khí tiếp tục làm việc trong tâm hồn con người. Chẳng hạn, chúng tôi thấy trong Tiến trình Alpha có rất nhiều người có gốc gác là người hồi giáo đến tham dự, họ cảm thấy khổ trong tôn giáo của họ, họ muốn đẩy cánh cửa nhà thờ để cảm nhận có sự hiện diện của Chúa ở đây.

Phúc âm hóa trực tiếp ngày nay có ít thích ứng hơn không?

Marie-Christine Ferry: Đối với chúng tôi, những người ở trong phong trào Canh tân Đặc sủng, ngày nay chứng từ đức tin vẫn còn quan trọng, với điều kiện không phải đơn thuần dùng các chữ như – “Chúa Giêsu cứu bạn” – nhưng phải có một kinh nghiệm hiện thân, một đời sống thiêng liêng đích thực.

Chúng ta không thể rao giảng Phúc Âm bằng các khẩu hiệu. Phải có đời sống nhất quán. Trong nghĩa này, nguy cơ của phong trào Canh tân là ngừng ở kinh nghiệm được sống ban đầu, dậm chân tại chỗ ở những gì mình đã có được và không đi tới”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

 

Ông Dominique Ferry, thành viên Cộng đoàn Con đường Mới