Nghiên cứu của Pew cho thấy bách hại tôn giáo lan tràn mạnh trong năm 2015

360

 

CNA | Matt Hadro

Bách hại tôn giáo toàn cầu năm 2015 tăng hơn năm trước, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew.

“Những cấm đoán của chính quyền đối với tôn giáo và sự thù địch xã hội liên quan đến tôn giáo tăng trong năm 2015, lần đầu tiên chuyện này có chiều hướng tăng trong vòng ba năm.”

Năm 2015, mức độ oán thù cao hay rất cao đối với các nhóm tôn giáo ở 40% các quốc gia trên toàn cầu, dù là bằng những luật cấm đoán của chính quyền nhắm đến các nhóm tôn giáo hay bằng những hành động xách nhiễu và bạo lực nhắm đến các nhóm tôn giáo cụ thể từ các thành viên khác trong xã hội.

Năm 2014, có 34% các quốc gia toàn cầu có những hành vi thù địch tôn giáo, và con số này đã tăng thêm 6% trong năm 2015.

Báo cáo của Pew lấy từ nhiều nguồn khác nhau về tự do tôn giáo, cả từ chính phủ Hoa Kỳ, Liên hiệp Âu châu, Liên hiệp Quốc, và các tổ chức phi chính phủ khác.

Báo cáo này là một phần của “Dự án Tương lai Tôn giáo Toàn cầu – Pew”

Có một số quốc gia và vùng lãnh thổ thể hiện sự thù địch đặc biệt với các nhóm tôn giáo. Nga, Ai Cập, Ấn Độ, Pakistan, và Nigeria vừa có sự xách nhiễu từ chính quyền vừa có sự thù địch xã hội đối với một số nhóm tôn giáo nhất định.

Một vài hành vi phổ biến nhất của sự thù địch này là “bạo lực băng nhóm” tấn công những người có đạo, hoặc bạo lực nhân danh tôn giáo, và còn có cả “sự xách nhiễu của chính quyền đối với các nhóm tôn giáo.”

Các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi đều có hai loại thù địch tôn giáo này ở mức độ cao.

Tuy nhiên, các quốc gia ở Hạ Sahara cho thấy “sự tăng mạnh những hành vi xách nhiễu của chính quyền với các nhóm tôn giáo,” còn châu Âu thì tăng đáng kể “những hành vi thù địch liên quan đến tôn giáo.”

Ở châu Âu, đã có nhiều vụ quấy nhiễu hoặc bạo lực chống lại người Hồi giáo và Do Thái. Đây là sự tiếp nối thái độ bài Do Thái ở châu lục này, và một sự xách nhiễu bằng lời nói hay pháp chế đối với người Hồi giáo khi làn sóng tị nạn tăng mạnh từ các quốc gia theo Hồi giáo như Syria và Iraq.

Ví dụ như, ở Thụy Sỹ đã có những động thái bao gồm lăng mạ một nghĩa trang Hồi giáo, và  những kẻ tấn công người Do Thái đã hô lớn “Heil Hitler!”

Các đền thờ Hồi giáo bị tấn công hoặc bị phá hoại, khởi đi từ những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào tòa soạn Charlie Hebdo và một chợ ở Paris.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết các vụ việc liên quan đến bài Hồi giáo đã tăng gấp ba lần trong năm 2015, bao gồm những lời lẽ thù ghét, phá hoại, và bạo lực.

Năm 2015, có 32 quốc gia ở châu Âu cho thấy sự thù địch xã hội đối với người Hồi giáo, trong khi con số này vào năm 2014 là 26.  Trong lúc đó, con số các quốc gia châu Âu thù địch với người Do Thái vẫn còn cao.

Các viên chức chính phủ cũng cho thấy sự thù địch với các nhóm tôn giáo qua những luật áp đặt mới hay những bài diễn văn.

Pháp và Nga là các nước có chiều hướng thù địch tăng mạnh nhất, với hơn 200 vụ các viên chức chính phủ chống lại các nhóm tôn giáo.

Một vài chính phủ đặc biệt áp đặt và cấm đoán tự do tôn giáo suốt nhiều năm qua, như Trung Quốc, Ả-rập Saudi, Iran, Ai Cập và Uzbekistan. Các nước khác gần đây đang cho thấy sự thù địch tôn giáo tăng cao, như Iraq, Eritrea, Việt Nam, và Singapore.

Các Kitô hữu là đối tượng bị xách nhiễu nhiều nhất của các chính quyền vùng Châu Á – Thái Bình Dương, nơi có 33 quốc gia xách nhiễu các Kitô hữu trong năm 2015.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch