la-croix.com, Marie Malzac, 2017-04-20
Tân Tổng thống Mỹ rồi cuối cùng cũng sẽ đến Vatican trong chuyến đi họp hội nghị thượng đỉnh G7 tại Ý vào cuối tháng 5-2017, dù trong giới thân cận ông cho biết ông không định xin yết kiến Đức Giáo hoàng.
Giải thích qua ba câu hỏi.
- Từ lúc nào có tin đồn sẽ có cuộc gặp gỡ này?
Báo chí Mỹ loan tin có thể Tổng thống Donald Trump thay đổi ý kiến. Ngày 11 tháng 4, báo chí đồn về lời tuyên bố của ông Sean Spicer, người công giáo, phát ngôn viên của tổng thống. Ông này cho biết, cho đến giờ phút này, không có một loan báo nào liên hệ đến việc Tổng thống Donald Trump gặp Đức Giáo hoàng trong chuyến đi họp G7 này. Ông chính xác nói: “Một cuộc gặp gỡ có thể có. Nhưng không phải lần này”.
Một tuần sau, có tin một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ và Đức Giáo hoàng là điều có thể xảy ra. Ông Sean Spicer xác nhận với báo chí: “Chúng tôi sẽ tiếp xúc với Vatican để tổ chức một buổi tiếp kiến, và sẽ là vinh dự cho Tổng thống Mỹ được Vatican tiếp vào cuối tháng 5 trong lần ông đi dự hội nghị G7 tại Taormina vào ngày 26 và 27 tháng 5. Hội nghị này năm giữa buổi gặp với OTAN ở Bruxelles ngày 25 tháng 5 và Ngày Tưởng niệm ở Mỹ ngày 29 (Memorial Day).
Về phần Tòa Thánh, Tổng Giám mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh xác nhận với hãng tin Ý ANSA, “Đức Phanxicô luôn sẵn sàng tiếp đón các nguyên thủ Quốc gia xin yết kiến”.
Ông Greg Burke, phát ngôn viên Tòa Thánh tuyên bố với hãng tin AFP: “Vào cuối tuần vừa qua, chúng tôi chưa nhận một lời yêu cầu chính thức nào cho một buổi tiếp kiến, nhưng một lời yêu cầu như vậy sẽ được đón nhận”, ông cho biết không có cản trở gì về lịch trình để ngăn một cuộc gặp gỡ như vậy.
Thường thường các lãnh đạo nước ngoài phải gởi lời xin tiếp kiến trước nhiều tháng và trên nguyên tắc là sẽ được chấp thuận, ngoại trừ vì lý do kỹ thuật (logitic).
- Giữa Trump và giáo hoàng, các quan hệ có thật sự rắc rối không?
Là người thất thường nên đây không phải là lần đầu tiên ông Trump gây ngạc nhiên. Các quan hệ của ông với giáo hoàng bị căng thẳng trong thời gian ông vận động tranh cử vòng đầu của đảng Cộng hòa. Trên chuyến bay từ Mêhicô về Rôma, Đức Phanxicô tuyên bố: “Người nào muốn xây tường và không muốn xây cầu thì không phải là tín hữu kitô”. Lời tuyên bố này đã làm cho Donald Trump cho rằng “xấu hổ” cho một lãnh đạo tôn giáo đã “nghi ngờ đức tin của một người”. Sau đó ông tìm cách dịu giọng.
Các quan sát viên cho biết, từ khi ông Trump được trúng cử vào tháng 11-2016, Đức Phanxicô tỏ ra “thận trọng” đối với ông, khi có dịp, ngài kêu gọi ông lo cho người nghèo.
Có một số người nghi ngờ người thân cận của Donald Trump đã khuấy động gây nên chống đối với Đức Phanxicô ngay trong lòng Giáo hội công giáo. Gần đây, các phương tiện truyền thông chính trị bảo thủ Breitbart, do ông Steve Bannon điều khiển, ông Bannon là một trong các cố vấn đặc biệt của Trump, bị cho là liên quan đến việc loan tin đồn chống Đức Phanxicô.
- Tại sao có vụ quay ngược này?
Theo nguyên tắc chung, các tân tổng thống Mỹ khi đến Ý lần đầu sẽ đến Rôma yết kiến Đức Giáo hoàng. “Nhưng lần này không phải như vậy, vì Donald Trump đến Sicile”, ông Junno Esteves cho biết như trên, ông là tùy viên báo chí ở Vatican của hãng tin Catholic News Service, một hãng tin của hội đồng giám mục Mỹ.
Tuy nhiên tin đồn và các lập luận cho thấy nếu không đi thăm sẽ là một sự “khinh suất” đối với Đức Giáo hoàng nên đã làm cho Donald Trump quyết định lại, ông sẽ đến Vatican.
Quan điểm của Donald Trump và quan điểm của Đức Phanxicô dường như bất đồng trên một số vấn đề chính: vấn đề di dân, vấn đề thay đổi khí hậu và các vấn đề khác. Các vấn đề này có thể là nội dung của các cuộc thảo luận, cũng như vấn đề nạn khủng bố, xung đột ở nước Syria, tổng thống Donald Trump đã gây ngạc nhiên khi gần đây ông ra lệnh bỏ bom căn cứ không quân của chính quyền Syria sau vụ Syriadùng dùng vũ khí hóa học tấn công ở Khan Cheikhoun.
Một vấn đề trao đổi khác là việc bổ nhiệm tân đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh. Chức vụ này hiện nay vẫn còn để trống. Bà Callista, vợ của ông Newt Gingrich, cựu ứng viên vòng đầu đảng Cộng hòa năm 2012 là người thường được báo chí Mỹ nhắc đến trong chức vụ này.
Được đa số người công giáo Mỹ trắng ủng hộ, ông Donald Trump bị nhiều người công giáo Mỹ gốc dân tộc thiểu số chỉ trích mạnh mẽ.
Về phần mình, hội đồng giám mục Mỹ dường như cùng chia sẻ quan điểm về tân tổng thống: lên án quan điểm của ông về vấn đề di dân nhưng khen ngợi ông về hành động ủng hộ sự sống của ông.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch