Havard Business Review – Gary Hamel – 14-4-2015
Giáo hoàng Phanxicô không giấu diếm ý định cải tổ triệt để cơ cấu điều hành của Giáo hội Công giáo mà ngài thấy là thiển cận, độc đoán, và quan liêu. Ngài hiểu rằng trong một thế giới vô cùng năng động, thì các lãnh đạo tự quy và ám ảnh trong bản thân là một trở lực.
Năm ngoái, ngay trước Giáng Sinh, giáo hoàng đã có bài nói chuyện với các lãnh đạo của Giáo triều Roma, là các hồng y và giới chức khác chịu trách nhiệm vận hành mạng lưới phẩm trật và các cơ quan điều hành của giáo hội. Thông điệp của giáo hoàng với các đồng sự của mình rất thẳng thừng. Các lãnh đạo dễ mắc phải một loạt bệnh tật gây suy yếu con người, bao gồm sự kiêu căng, bất dung, thiển cận, và nhỏ nhen. Khi không trị được các bệnh này, thì thể chế sẽ bị suy yếu. Để có một giáo hội lành mạnh, chúng ta cần có những lãnh đạo lành mạnh.
Qua nhiều năm, tôi đã nghe nhiều chuyên gia về quản lý liệt kê ra các phẩm chất của một lãnh đạo tuyệt vời. Nhưng, hiếm khi họ nói rõ về các ‘căn bệnh’ của lãnh đạo. Giáo hoàng thẳng thắn hơn nhiều. Ngài hiểu rằng, là con người chúng ta có những khuynh hướng nhất định, và không phải tất cả đều cao đẹp. Dù thế, các lãnh đạo phải có một tiêu chuấn cao, bởi phạm vi ảnh hưởng của họ khiến cho các bệnh tật của họ dễ tiêm nhiễm cho người khác hơn nhiều.
Giáo hội Công giáo là một hệ thống quan liêu: một phẩm trật với thiện tâm nhưng dù gì vẫn là bất toàn. Như thế, cũng có thể nói là cũng không khác tổ chức của bạn lắm. Đó là lý do vì sao lời khuyên bảo của giáo hoàng cũng phù hợp cho lãnh đạo ở khắp nơi.
Với ý này, tôi đã chuyển dịch bài nói chuyện của giáo hoàng sao cho gần hơn với lối nói của công ty tập đoàn. (Tôi không biết liệu có bị cấm diễn giải các tuyên bố của giáo hoàng hay không, nhưng vì không phải là một người Công giáo, nên tôi sẵn sàng mạo hiểm thử xem)
Và đây là ý của Giáo hoàng (ước chừng là thế)
********************************************************************
Đội ngũ lãnh đạo không ngừng được mời gọi cải thiện và phát triển về quan hệ và trí khôn ngoan, để thực hiện chu toàn nhiệm vụ của mình. Và như thế, như tất cả mọi người khác, như mọi cơ thể khác, lãnh đạo cũng bị mắc bệnh, bị truc trặc và bị suy yếu. Ở đây, tôi muốn đề cập đến một vài ‘căn bệnh [của lãnh đạo].’ Đây là những bệnh tật và cám dỗ có nguy cơ gây suy yếu tính hiệu quả của bất kỳ tổ chức nào.
- Bệnh nghĩ rằng mình bất diệt, miễn nhiễm, hay không thể thay thế, (và do đó) làm ngơ nhu cầu kiểm điểm thường xuyên. Một đội ngũ lãnh đạo không tự phê bình, không theo kịp mọi sự, không tìm cách để tốt hơn, là một lãnh đạo mắc bệnh. Một buổi viếng thăm nghĩa trang sẽ giúp chúng ta thấy tên của nhiều người tưởng rằng mình bất diệt, miễn nhiễm và không thể thay thế. Đây chính là căn bệnh biến người ta thành các lãnh chúa và chủ nhân ông, nghĩ về mình trên người khác và trên cả công tác của mình. Đây chính là bệnh quyền lực, đến từ phức cảm tự tôn, từ tính ái kỷ say mê ngắm nghía hình ảnh của mình và không nhìn thấy gương mặt của người khác, đặc biệt là những người yếu nhất và cần giúp đỡ nhất. Liều thuốc cho bệnh này, chính là sự khiêm nhượng, nói được thật lòng rằng: ‘Tôi chỉ là nô bộc. Tôi chỉ làm bổn phận của mình mà thôi.’
- Một bệnh khác là chứng bận rộn thái quá. Bệnh này ở nơi những người đắm chìm trong công việc và chắc chắn là bỏ quên việc ‘nghỉ ngơi một lát.’ Quên mất sự nghỉ ngơi cần thiết dẫn đến căng thẳng và kích động. Một thời gian nghỉ ngơi, cho những ai đã hoàn thành công việc, là điều cần thiết và bắt buộc, mà chúng ta phải nghiêm túc thực hiện: dành thời gian cho gia đình mình và biết xem trọng những ngày nghỉ và những lúc nạp lại năng lượng.
- Còn có bệnh ‘chai đá’ tinh thần và cảm xúc. Bệnh này nơi những lãnh đạo có tâm hồn chai đá, ngoan cố, những người theo thời gian dần đánh mất sự thanh bình nội tâm, sự hoạt bát và táo bạo, giấu mình sau đống giấy tờ, biến mình thành những con người bàn giấy hơn là một con người biết cảm thương. Thật nguy hiểm khi đánh mất cảm tính nhân văn cho chúng ta có thể khóc với người khóc và cười với người cười. Bởi theo thời gian, tâm hồn chúng ta dần chai cứng và trở nên bất lực không thể yêu thương tất cả những người quanh mình. Làm một lãnh đạo nhân văn nghĩa là có suy nghĩ khiêm nhượng và không ích kỷ, vô tư và độ lượng.
- Bệnh lên kế hoạch và vị chức năng quá đáng Khi một lãnh đạo lên kế hoạch mọi thứ cho đến từng chi tiết nhỏ cuối cùng, và tin rằng với kế hoạch hoàn hảo này mọi thứ sẽ đâu vào đấy, thì người đó trở nên một kế toán viên hay một điều hành cứ cố thủ trong văn phòng. Cần phải chuẩn bị mọi thứ chu đáo, nhưng đừng rơi vào cám dỗ loại trừ những gì bộc phát và bất ngờ, vốn luôn linh hoạt hơn bất kỳ kế hoạch nào do bàn tay con người. Chúng ta mắc căn bệnh này là bởi thật dễ dàng và thuận tiện khi ngồi yên một chỗ và bám chặt vào những đường lối không đổi.
- Một khi các lãnh đạo đánh mất ý thức cộng đồng, một khi cơ thể đánh mất tính hòa hợp chức năng và ổn định, thì nó trở thành một dàn nhạc không chơi nhạc mà phát ra những âm thanh lộn xộn, các thành viên không chung tay làm việc và mất đi tinh thần thân ái và làm việc chung. Khi chân nói với tay: ‘Tôi không cần bạn’ hay khi tay nói với đầu ‘Tôi làm sếp’ thì sẽ xuất hiện sự khó chịu và hẹp hòi.
- Còn có bệnh Alzheimer của lãnh đạo. Đây là bệnh quên đi mất ai là người nuôi dưỡng, dạy dỗ và nâng đỡ chúng ta trên đường đời của mình. Chúng ta thấy bệnh này nơi những người đã mất ký ức về cuộc gặp gỡ của mình với các lãnh đạo vĩ đại đã truyền cảm hứng cho họ, nơi những người hoàn toàn chăm chăm vào thời điểm hiện tại, vào đam mê của mình, vào những bốc đồng và ám ảnh của mình. Bệnh này cũng có nơi những người xây tường và đào hào quanh bản thân, rồi ngày càng nên nô lệ của thần tượng do chính tay họ tạo nên.
- Bệnh thù địch và tự đắc Khi vẻ ngoài, vênh vang và danh tước trở nên mục đích trên hết trong đời, thì chúng ta quên mất trách nhiệm căn bản của người lãnh đạo là ‘không làm gì do bởi ích kỷ hay tự phụ, nhưng phải có lòng khiêm nhượng xem người khác tốt hơn mình.’ Là lãnh đạo, chúng ta không được chỉ nhìn vào lợi ích của mình, nhưng phải lo đến lợi ích của người khác nữa.
- Bệnh tê liệt hiện sinh Đây là căn bệnh của những người sống hai mặt, do bởi sự giả nhân giả nghĩa điển hình của những kẻ tầm thường, và do bởi sự trống rỗng cảm xúc ngày càng tăng mà không một danh tước nào có thể lấp đầy nổi. Đây là bệnh thường đánh vào những người không còn trực tiếp giao thiệp với các khách hàng cũng như các nhân viên ‘thường’ của mình, và khóa chặt bản thân trong những việc quan liêu bộ máy, đánh mất liên kết với hiện thực, với những con người cụ thể.
- Bệnh đàm tếu, cằn nhằn, và đâm lén sau lưng người khác. Đây là một bệnh nghiêm trọng, mà lại rất dễ mắc phải, bắt đầu chỉ với một cuộc chuyện trò nhỏ, và rồi biến mình thành ‘người gieo cỏ lùng’ và trong nhiều trường hợp là sát thủ máu lạnh giết chết thanh danh của đồng nghiệp. Đây là căn bệnh của những người hèn nhát, thiếu can đảm để nói thẳng, và rồi đi nói xấu sau lưng người khác. Chúng ta hãy tự bảo vệ mình tránh khỏi chủ nghĩa khủng bố của thói đàm tếu!
- Bệnh thần tượng hóa cấp trên. Đây là căn bệnh của những người dựa vào cấp trên với hi vọng được ưu ái. Họ là nạn nhân của thói tham danh vọng và chủ nghĩa cơ hội, họ sùng bái, xem trọng những con người, hơn là sứ mạng sứ mạng lớn hơn của mình với tổ chức. Họ chỉ nghĩ về những gì họ có thể thu lợi chứ không nghĩ mình có thể trao những gì. Đây là những người nhỏ nhen, bất hạnh, và chỉ làm việc vì sự ích kỷ chết người của mình mà thôi. Các lãnh đạo cấp trên cũng có thể mắc bệnh này, khi cố gắng thu tóm sự phục tùng, trung thành, và sự lệ thuộc tinh thần của các thuộc cấp, nhưng kết quả cuối cùng chỉ là một sự đồng lõa độc hại.
- Bệnh lãnh đạm hờ hững với người khác. Đây là bệnh mà các lãnh đạo chỉ nghĩ về mình, và đánh mất sự chân thành và nồng hậu trong quan hệ người với người. Điều này có thể xảy ra theo nhiều cách. Khi người hiểu biết nhất không dùng hiểu biết đó để giúp cho các đồng nghiệp thiếu hiểu biết hơn, khi bạn học được điều gì và rồi giữ riêng cho mình chứ không chia sẻ hữu ích với người khác, khi vì ghen tỵ hay ác tâm mà bạn vui sướng thấy người khác vấp ngã, và chẳng giúp họ đứng lên hay nâng đỡ họ gì cả.
- Bệnh khuôn mặt u ám. Bạn thấy bệnh này nơi những người rầu rĩ và khắc khổ, nghĩ rằng nghiêm túc là phải mang gương mặt u sầu và nghiêm khắc, đồng thời đối xử với người khác, nhất là những cấp dưới, một cách cứng ngắc, cộc cằn, và ngạo mạn. Thật vậy một vẻ bi quan cằn cỗi và nghiêm khắc thường là triệu chứng của nỗi sợ và bất an. Một lãnh đạo phải nỗ lực hết sức để nhã nhặn, bình tâm, nhiệt tình và vui vẻ, một người truyền niềm vui ở bất cứ nơi nào đặt chân đến. Một tâm hồn hạnh phúc tỏa ra niềm vui lây lan: đây là hiển hiện tức thì! Vậy nên một lãnh đạo không bao giờ được đánh mất tinh thần vui tươi, hài hước và thậm chí là tự biếm, một đức tính cho con người ta dễ mến ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Một liều hóm hỉnh thật có ích biết bao! …
- Bệnh thu tích Bệnh này ở nơi những lãnh đạo cố gắng lấp đầy một khoảng trống rỗng hiện sinh trong lòng bằng cách thu tích của cải, không phải vì cần thiết nhưng là để thấy an toàn. Sự thật rằng chúng ta không thể đem của cải vật chất theo mình khi rời bỏ đời này, do bởi ‘áo liệm không có túi’ và rằng kho tàng của chúng ta sẽ không bao giờ có thể lấp đầy khoảng trống rỗng mà chỉ làm cho nó sâu thêm và cồn cào thêm mà thôi. Thu tích của cải chỉ chất thêm gánh nặng và làm trì trệ hành trình!
- Bệnh nhóm khép kín, khi việc ở trong một bè lũ mạnh hơn việc chia sẻ đặc tính chung. Bệnh này luôn mở đầu với những ý định tốt, nhưng theo thời gian nó nô lệ hóa các thành viên và trở thành một khối u đe dọa sự hòa hợp của tổ chức và gây tai họa khủng khiếp, đặc biệt là sự ác đối với những người chúng ta xem là kẻ ngoài cuộc. Bị đồng đội bắn sau lưng, là mối nguy lớn nhất, hiểm họa nhất. Đây là sự dữ nổi lên từ bên trong. Như kinh thánh có viết, ‘Mọi vương quốc phân rẽ là tự diệt.’
- Cuối cùng, là bệnh phung phí và phô trương Bệnh này xảy đến khi một lãnh đạo biến vị trí của mình thành quyền lực, và dùng quyền lực đó để thu lợi vật chất, hay để leo lên vị trí quyền lực cao hơn. Đây là bệnh của những người tham lam vô độ cố gắng thu tích quyền lực và đến cuối cùng sẵn sàng vu khống, nói xấu, và làm mất tín nhiệm người khác. Những người này phô trương để thể hiện mình có năng lực hơn người khác. Bệnh này gây hại lớn bởi nó dẫn người ta đến độ dùng mọi phương cách bất kỳ để đạt được mục tiêu của mình, mà thường là bằng cách mượn danh công lý và minh bạch! Tôi còn nhớ một lãnh đạo đã từng gọi các nhà báo đến để kể những chuyện riêng tư bí mật bịa đặt ra về các đồng sự của mình. Điều duy nhất ông bận tâm là được lên mặt báo, bởi điều đó cho ông cảm thấy mình quyền lực và sáng chói, nhưng lại gây hại vô cùng cho người khác và cho tổ chức.
Các bạn à, những bệnh này là mối nguy cho tất cả mọi lãnh đạo và mọi tổ chức, chúng có thể đánh vào từng cá nhân cũng như cả cộng đồng.
********************************************************************
Vậy bạn là một lãnh đạo lành mạnh? Hãy dùng loạt bệnh lãnh đạo mà giáo hoàng đề ra để kiểm chứng. Hãy tự hỏi mình, theo thang điểm từ 1 đến 5 . . . xem thử mình đến đâu:
- Cảm thấy thượng đẳng trên những người làm việc cho mình?
- Thể hiện sự mất cân bằng giữa công việc và các mảng đời sống khác?
- Lấy hình thức thay cho sự thân thiết thực sự giữa người với người?
- Quá bám chặt vào kế hoạch và không đủ trực giác hay ứng biến?
- Dành quá ít thời gian để xây các nhịp cầu?
- Không thường xuyên thấy hàm ơn những người thầy của mình và các người khác nữa?
- Quá thỏa mãn với vẻ vênh vang và các đặc quyền của mình?
- Tách li khỏi các khách hàng và các nhân viên cấp thấp?
- Xem thường động lực và thành quả của người khác?
- Thực hiện hay dung dưỡng sự tôn kính quá đáng đến độ hèn hạ?
- Đặt thành công của mình lên trên thành công của tất cả?
- Không thể xây dựng được một môi trường làm việc vui tươi?
- Ích kỷ khi phải chia sẻ phần thưởng và danh dự với người khác?
- Khuyến khích thói bè phái hơn là cộng đồng chung?
- Hành xử như thể mình là trung tâm vũ trụ?
Cũng hệt như trong chuyện sức khỏe, sẽ tốt khi hỏi người này người kia. Hãy nhờ đồng nghiệp chấm điểm cho bạn. Đừng ngạc nhiên khi họ nói, ‘Sếp à, sếp có vẻ không được tốt.’ Những câu hỏi trên sẽ giúp các bạn ngăn chặn mình khỏi mắc những chứng bệnh này, và cải thiện sức khỏe. Tinh thần lãnh đạo của một Giáo hoàng có lẽ rộng hơn thế này một ít. Nhưng hãy nhớ, khi làm lãnh đạo, trách nhiệm và tác động của bạn lên đời sống người khác là rất lớn. Vậy tại sao lại không hướng về giáo hoàng, một lãnh đạo tinh thần của các lãnh đạo, để tìm lời khuyên và khôn ngoan?
J.B. Thái Hòa chuyển dịch