Nguyễn Thanh Việt viết về những người tị nạn mà chúng ta không còn nhớ đến
americamagazine.org, Quang Tran, 2017-02-02
Khi quyển tiểu thuyết đầu tay đầy táo bạo và lôi cuốn Cảm tình viên (The Sympathizer) của Nguyễn Thanh Việt, đoạt giải Pulitzer 2016 cho tác phẩm hư cấu, ông đã vô cùng ngạc nhiên. Chạy trốn khỏi Việt Nam vào năm 1975 từ lúc còn nhỏ, Nguyễn Thanh Việt là nhà Mỹ gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer. Quyển Cảm tình viên, với giọng văn mãnh liệt và thâm thúy, đã đấu tranh với những vấn đề đặc tính và trung thành qua lời thú nhận của một điệp viên cộng sản nhị trùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Tháng này, nhà xuất bản Grove Atlantic sẽ phát hành quyển Những Người Tị Nạn (The Refugees) một tuyển tập tám truyện ngắn mà ông đã viết trong 17 năm qua. Những câu chuyện của ông nói về ma quỷ và chủ nghĩa ái quốc, bệnh tâm thần và sự thiếu chung thủy, vai trò giới tính và đồng tính luyến ái, cùng với những chủ đề khác nêu bật các căng thẳng và phức tạp trong cuộc tìm kiếm đặc tính và điểm chung trong xã hội mới.
Tôi đã có dịp nói chuyện với ông qua Skype lúc ông nghỉ Giáng Sinh với gia đình tại San Jose. Bài phỏng vấn này đã được biên tập và làm cô đọng lại.
Trong quyển Những Người Tị Nạn, ông làm cho độc giả gặp khó khăn để xác định được đâu là “kẻ thù thật sự.” Các câu chuyện của ông không chấp nhận những câu trả lời dễ dàng.
Chúng phản ánh cách tôi trải nghiệm cuộc sống trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Chúng chỉ là rất nhiều tình huống mà những người trong cuộc thật sự không dễ tìm ra câu trả lời. Người ta chịu đau khổ đủ kiểu. Họ là những con người cố gắng sinh tồn ở Mỹ, nhưng cũng phải đương đầu với đủ loại phức tạp trong gia đình, với con cái và bố mẹ. Một vài người có các chọn lựa tốt, vài người thì không, và một số nữa có những chọn lựa mà hậu quả tốt xấu lại tùy vào cách bạn nhìn nhận.
Ông có tài nhân cách hóa các nhân vật của hai phía đối lập.
Nghề của chúng tôi là làm cho các cộng đồng xuất thân của mình trở nên dễ đón nhận với những người không biết gì về cộng đồng chúng tôi. Đó là điểm quan trọng, nhưng cũng rất giới hạn, vì các nhà văn không thuộc các cộng đồng thiểu số không cảm thấy mình có bổn phận đó. Họ không cảm thấy mình phải nhân cách hóa bất kỳ ai, bởi người ta đã thấy họ là con người rồi. Nếu họ thuộc nhóm đa số, và độc giả của họ cũng thuộc nhóm đa số, thì họ không cần phải giải thích sự nhân văn của cộng đồng mình cho bất kỳ ai trong cộng đồng mình.
Mỗi nhóm tuổi trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ đón nhận các câu chuyện của ông trong quyển Những Người Tị Nạn theo các cách khác nhau, và chắc chắn cũng khác với những người không phải là người Mỹ gốc Việt. Khi viết những câu chuyện này, ông hình dung độc giả của mình là ai?
Tôi đã nghĩ đến hai nhóm độc giả khác nhau. Tôi có những độc giả mà tôi nghĩ là tôi muốn vươn đến họ. Và đó là những người Mỹ thường, và cả người Mỹ gốc Việt. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những độc giả có thể thật sự tạo nên sự khác biệt cho một nhà văn, đó là các nhà biên tập, nhà xuất bản. Và chuyện này làm cho tôi rất nao núng. Tôi đã lo lắng cho sự nghiệp, sự thừa nhận của đại chúng, và đủ kiểu lo lắng thực tế khác… Còn với quyển Cảm tình viên, tôi lại có một độc giả rất khác, đó chính là tôi.
Chủ đề đức tin thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của ông, ông đã rất nhiều lần nhắc đến đạo Công giáo. Ông lớn lên trong một gia đình Công giáo? Nhà ông có các tượng ảnh và tràng chuỗi như nhà tôi không?
Nếu tôi quay webcam qua một chút, thầy có thể thấy trước mặt tôi là ba tấm hình đạo Công giáo mà bố mẹ tôi đã treo lên đó. Thầy cũng biết, đó là hình Chúa Giêsu với Đức Mẹ và thánh Giuse, hình thánh Têrêsa và hình Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Tôi lớn lên với những tấm hình này trên tường phòng mình. Và bố mẹ tôi là người Công giáo rất sốt sắng. Họ sinh ra ở miền Bắc thời trước 1954, rồi di cư vào Nam. Tôi được nuôi dạy trong môi trường Công giáo, theo học trường Công giáo, rồi đến trường dự bị đại học của Dòng Tên. Tôi đi lễ hàng tuần. Vậy nên tôi lớn lên trong thần thoại Công giáo, tùy cách nói, những cũng là văn hóa Công giáo. Trớ trêu là, dù cho bố mẹ đã đổ biết bao công sức và tiền bạc để tôi trở thành người Công giáo, nhưng tôi không phải là người Công giáo tốt.
Ông đã theo học trường dự bị Bellarmine của Dòng Tên ở San Jose. Lúc đó ông cảm thấy thế nào khi là một người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhất trong một ngôi trường toàn da trắng?
Tôi có nhiều cảm nghiệm tốt xấu lẫn lộn. Một mặt, ở đó việc đào tạo rất tốt. Tôi đọc đủ thứ mà tôi nghĩ những người cùng tuổi tôi sẽ không đọc. Tôi đã đọc Faulkner, Joyce và Karl Marx. Và tôi cũng được dạy về các giá trị của việc phục vụ, một phần chính trong giáo trình ở Bellarmine, và điều này luôn ghi khắc trong lòng tôi… Nhưng mặt khác, nó là một ngôi trường chủ yếu là da trắng, giáo trình cũng gần như dành cho sinh viên da trắng, và điều đó có một tác động tiêu cực lên tôi và các sinh viên da màu thời đó. Chúng tôi không có ý thức chính trị, nên không thể khẳng định rõ chúng tôi là ai. Nhưng chúng tôi biết là mình khác biệt.
Chủ đề về đặc tính xuất hiện rất nhiều trong quyển Những Người Tị Nạn. Các vấn đề đặc tính và chung phần xã hội, chủng tộc và phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á, thời nay khác với thời ông như thế nào?
Tôi đã thấy những người Mỹ gốc Á trẻ tuổi hơn lớn lên ở California, vùng ngoại ô, mặc nhiên xem mình là người Mỹ gốc Á. Quanh họ luôn là những người Mỹ gốc Á, nên họ ít có động lực tạo đặc tính. Họ chưa cảm nghiệm chuyện bị kỳ thị, họ chưa cảm nghiệm mình không phải là một phần của nhóm đa số. Đấy là một cảm nghiệm rất khác so với thời của tôi. Tôi nghĩ rằng đó là lý do khi học đại học, tôi thấy cần phải chọn các lớp nghiên cứu Mỹ-Á, và các lớp nghiên cứu sắc tộc.
Trong hầu hết các câu chuyện của ông trong quyển Những Người Tị Nạn, giữa những căng thẳng và đấu tranh, dường như nơi hậu trường luôn có một người phụ nữ mạnh mẽ mà kín đáo. Mục đích của ông là thế nào?
Chắc chắn là có rồi. Và nó rất khác với quyển Cảm tình viên. Quyển Cảm tình viên được viết từ góc nhìn nam giới dị tính luyến ái, và do đó có rất nhiều sự kỳ thị giới tính trong quyển này. Nhưng trong quyển Những Người Tị Nạn, tôi thật sự cố gắng nắm bắt những cảm nghiệm đa dạng, nghĩa là tôi nghĩ, “Được rồi, ta có phụ nữ không nào? Ta có các cô gái không? Ta có người già không? Ta có thường dân không? Ta có cựu chiến binh không?” Tôi thật sự muốn có một cái nhìn rộng hơn về cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Ông có nhiều câu chuyện về vai trò của phụ nữ, tính dục và xu hướng tình dục, và sự chung thủy. Đâu là sợi dây xuyên suốt tất cả những câu chuyện đó?
Với tôi, rõ ràng đó là cuộc sống con người, dù cho họ có bị định hình và hạn chế theo sắc tộc và chủng tộc, họ thấy mình là người Việt Nam trong một đất nước da trắng. Như thế, họ xác định bản thân qua tính dục và giới tính, vị trí đàn ông hay đàn bà, hay là những chàng trai cô gái học để trở thành người đàn ông đàn bà. Họ rất ý thức về những chọn lựa chiếu theo giới tính của mình, và cả những chọn lựa trong đời sống tình dục nữa. Đấy là một phần rất lớn khi là một người Việt giữa đất nước này. Tôi đã nghe những câu chuyện về bạo hành gia đình và cha mẹ lạm quyền với con cái, hay chuyện những người đàn ông trở lại Việt Nam và không bao giờ về Mỹ nữa, vì rõ ràng họ đã tìm thấy một bạn đời khác rồi. Và người ta đánh mất đặc tính của mình vì họ không còn có thể là đấng trượng phu trong gia đình nữa.
Tôi đặc biệt biết ơn ông. Là người Việt thế hệ thứ hai, đọc những câu chuyện này, tôi thấy chúng rất đồng điệu với cảm nghiệm của mình, và tôi chắc chắn là với cả thế hệ trước tôi nữa.
Tôi hy vọng những người Mỹ gốc Việt sẽ tìm thấy điều gì đó trong những câu chuyện này. Tôi không biết thầy lớn lên ở đây như thế nào, nhưng thời của tôi, không tìm đâu ra những câu chuyện như thế này. Và tôi cũng hy vọng quyển sách này đến với độc giả ở Việt Nam. Quyển này sẽ được dịch, và tôi nghĩ ở Việt Nam, người ta hiểu lầm rất nhiều về cộng đồng người Việt hải ngoại. Nên tôi hy vọng quyển sách này sẽ giúp giải thích cho một vài cảm nhận đó.
Gioan Nguyễn Minh Sơn dịch