Cuộc tranh cãi về tiệm ăn McDonald’s ở Vatican đưa đến việc lo cho người nghèo

269

Đây là kiểu giải quyết mâu thuẫn bằng “bất bạo lực”, một đường lối giải quyết mới cần được khuyến khích, từ tầm mức nhỏ đến tầm mức lớn theo Đức Phanxicô.

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-01-13

Sự hiện diện của tiệm ăn nhanh của Mỹ trong khu vực lịch sử và du lịch Borgo Pio ngay cạnh Vatican đã gây tranh cãi giữa những người cư ngụ ở đây, trong số này có nhiều hồng y, họ chống đối việc này và đã công khai chỉ trích quyết định này trên các báo Ý, cho đây là một việc “đang nghi ngờ, sai lạc và không trách nhiệm” theo truyền thống kiến trúc và ẩm thực của thành phố cổ.

Nhưng dù vậy, ngày 30 tháng 12 tiệm ăn nhanh lớn toàn cầu đã khai trương, tiệm chỉ cách Đền thờ Thánh Phêrô hai bước, và bối cảnh sự việc đã đổi ngược, biến đây thành cơ hội để nâng đỡ và tỏ ra độ lượng với người vô gia cư, người bị loại trừ trong thành phố. Những người mà cách đây hai tháng, Đức Giáo hoàng đã “nhân danh các tín hữu kitô đã quay đầu với họ” để xin lỗi họ, những người mà ngài không ngừng lên tiếng, nêu gương, có nhiều sáng kiến giúp họ, để chứng tỏ, từng hành vi nhỏ mỗi ngày có thể kéo theo một cuộc “cách mạng văn hóa đích thực”, như ngài đã giải thích trong buổi tiếp kiến chung.

Bàn tay của Đức Giáo hoàng?

Cùng với sự giúp đỡ của Hiệp hội Tương trợ Y tế Ý “Medicina Solidale”, một hội săn sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ nhất và Hội Từ thiện giáo hoàng, một hội đặc trách các công việc từ thiện của Đức Giáo hoàng, bắt đầu ngày 16 tháng 1, tiệm McDo sẽ phân phát cả ngàn bữa ăn cho những người vô gia cư trong khu vực. Các người trong ban tổ chức cho biết, “việc phân phối sẽ kéo dài trong nhiều tuần, đó là bước đầu đối thoại, và chúng ta sẽ biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó”. Từ 50 đến 100 bữa ăn, một cheeseburger, khoai tây và nước uống sẽ được các sinh viên thiện nguyện phân phối mỗi thứ hai hàng tuần.

Từ mâu thuẫn đến tương trợ

Trong một cuộc phỏng vấn với đài Radio Vatican, bà Lucia Ercoli nhấn mạnh, sáng kiến này là để đáp ứng cho “đợt lạnh khẩn cấp” trong mùa đông này của thành phố, và một cách rộng hơn là đáp ứng với sự “nghèo khổ ngày càng gia tăng mạnh” trong thành phố, nhiều người đã phải ra đường sống. Chính các chống đối và các tranh cãi gây ra chung quanh việc mở tiệm ăn này đã làm cho những người có trách nhiệm trong các tổ chức từ thiện và tương trợ có sáng kiến trên. Họ nói: “Thay vì để cho cuộc tranh cãi cứ lớn lên, thì chúng ta liệu xem có mở được một mạng, có xây được các cây cầu giữa những người có phương tiện và những người không có gì và họ đang đau khổ không”.

Biến một cớ gây mâu thuẫn thành một dịp để mở lòng độ lượng. Đó là những gì Đức Phanxicô rao giảng từ đầu triều giáo hoàng của mình. Một chiến thuật được ghi trong khuôn khổ lớn hơn, một đường lối chính trị mới, đường lối “bất bạo lực”, như ngài đã triển khai rộng rãi trong sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình lần thứ 50, ngài cổ vũ “các dân tộc, các quốc gia, các nguyên thủ Quốc gia, các nhà lãnh đạo dân sự và tôn giáo” nên áp dụng đường lối bất bạo lực trong mục đích “sáng tạo và tích cực”.  Một đường lối khuyến khích giải quyết các vấn đề từ nhỏ đến lớn bằng “đường lối hợp lý”. Trong sứ điệp của mình, ngài đã xin “tinh thần bác ái và bất-bạo lực hướng dẫn cách chúng ta đối xử với nhau trong các quan hệ liên cá nhân, các quan hệ xã hội cũng như trong các quan hệ quốc tế”.

Còn về phần tiệm ăn phục vụ nhanh của Mỹ, trong những năm trước đây tiệm bị cho là có tinh thần bài-người vô gia cư, nhất là ở Pháp, năm 2000, tiệm đã cho một nhân viên nghỉ việc vì nhân viên này đã tặng cho một phụ nữ vô gia cư bánh mì hamburger, và tiệm đã đe dọa “phạt và có thể cho nghỉ việc” nhân viên nào tỏ ra “quá rộng lượng”, những gì đang xảy ra ở Vatican là dịp tốt để cho họ “chuộc lỗi” (hoặc để quên không?) khi vào thời đó ban giám đốc đã giải thích: “McDonald’s không có chủ đích nuôi tất cả những người đói ăn trong vùng!”, lời tuyên bố đã làm cho mọi người sốc và đã được lan truyền nhanh trên mạng.

Chẳng có ích gì để phải “la hét”

Theo Đức Phanxicô, Năm Thánh Lòng thương xót vừa qua là dịp các tín hữu kitô học lại để “nhìn vào chiều sâu tâm hồn mình và để lòng thương xót Chúa thấm nhập vào mình”. Ngài luôn nhấn mạnh, các Cửa Thánh đã đóng nhưng cửa của lòng thương xót, cũng như cửa của “tình tương trợ và quảng đại” thì không đóng. Ngày 8 tháng 1 vừa qua, vào ngày lễ Chúa Giêsu rửa tội, Đức Phanxicô đã nhắc các tín hữu kitô bổn phận của những người “đã được rửa tội” là bổn phận phải có tình huynh đệ “thật sự”, một tình huynh đệ “không có biên giới, không có rào cản”, ngài còn nhấn mạnh thêm một lần nữa, chẳng có ích gì để “la hét”, để “mắng ai” nhưng hành động một cách cụ thể, chứng nghiệm rằng, “bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta có thể là nghệ nhân của hòa bình”.

Marta An Nguyễn chuyển dịch