Elisabetta Piqué: “Đức Giáo hoàng Phanxicô, một chân dung rất giống”

2150

Elisabetta Piqué: “Đức Giáo hoàng Phanxicô, một chân dung rất giống”

e-pique

Nữ ký giả Argentina Elisabetta Piqué

lefigaro.fr, Marie-Noelle Tranchant, 2016-09-28

Nữ ký giả Argentina Elisabetta Piqué đã gặp Đức Jorge Mario Bergoglio năm 2001 khi ngài còn làm Tổng Giám mục Buenos Aires, từ đó bà là bạn thân tình với ngài. Bà viết quyển tiểu sử «Phanxicô, cuộc đời và cách mạng» (Francisco vida y revolucion), quyển này đã cảm hứng cho nhà đạo diễn Tây Ban Nha Beda Docampo Feijoo thực hiện cuốn phim về Đức Phanxicô, cuốn phim đã chiếu trên các màn ảnh Âu châu tuần này, 28 tháng 9-2016.

Le Figaro: Trong cuốn phim tiểu sử này, bà có tìm lại được con người mà bà đã từng quen biết?

Elisabetta Piqué: Có, cuốn phim nắm rất vững con người của Đức Jorge Mario Bergoglio trước khi là Giáo hoàng Phanxicô. Rất nhiều người không biết đời của ngài, quá khứ làm Bề trên Tỉnh Dòng Tên ở Buenos Aires và Tổng Giám mục Buenos Aires. Như thế cuốn phim đã giúp người xem hiểu ngài trong sự nhất quán sâu đậm của ngài. Đó là một người có đời sống thiêng liêng sâu đậm, một lòng nhân cao cả, với đôi chân đạp đất, không ngồi trong văn phòng của mình, nhưng đi ra đến vùng ngoại vi như ngài vẫn thường khuyến khích. Tuy nhiên đây cũng là một người “siêu chính trị”, không bao giờ để quyền lực làm thoái hóa, người luôn suy nghĩ theo tinh thần Phúc Âm: quyền lực là để phục vụ. Khi ngài là Tổng Giám mục Buenos Aires, ngài không muốn ở dinh tòa giám mục, cũng không muốn có xe riêng tài xế riêng, ngài từ chối hết mọi biểu tượng thời thượng của quyền lực. Và cuối cùng, một khía cạnh đáng kể khác trong nhân cách của ngài là ngài có tinh thần hài hước rất cao.

“Nhờ ngài mà Buenos Aires đã phát triển một cách mạnh mẽ và có hệ thống một tinh thần mục vụ cho các thành phố ổ chuột, nơi ngài đến thăm một cách rất kín đáo.”

Đâu là các khía cạnh chính trong hoạt động xã hội và chính trị của ngài ở Argentina?

Ngài không ngừng tố cáo nạn nghèo đói, bất công xã hội, nạn tham nhũng, nạn buôn người, buôn ma túy. Nhờ ngài mà Buenos Aires đã phát triển một cách mạnh mẽ và có hệ thống một tinh thần mục vụ cho các thành phố ổ chuột, nơi ngài đến thăm một cách rất kín đáo, không có máy quay phim đi cùng như các chính trị gia thường hay làm. Tôi nghĩ cuốn phim không để quên một khía cạnh nào, đã cho thấy sự dấn thân về mặt xã hội của ngài để lo cho những người bị bỏ rơi.

Bối cảnh gia đình của ngài có đúng là bối cảnh của một gia đình thượng lưu sống thoải mái không? Đức Giáo hoàng có xuất thân từ một môi trường bình dân hơn không?

Đúng là một điểm mà chuyện tưởng tượng hơi xa thực tế. Cuốn phim không phải là cuốn phim tài liệu nên đôi khi có tiểu thuyết hóa câu chuyện, như trong cách nhìn về nhân vật của tôi.

Có phẩm tính Dòng Tên, có nhân cách Châu Mỹ La Tinh nơi ngài?

“Ngài đã đọc tiểu sử tôi viết về ngài và quyển sách này đã được dùng để làm nền tảng cho cuốn phim (…) Nhưng ngài chưa xem phim.”

Phẩm tính Dòng Tên, đó là khả năng lắng nghe, khả năng nhận định giữa các thần khí của Chúa và tinh thần thế gian, hành động một cách cụ thể với một tinh thần tự do cao cả của Phúc Âm. Nhân cách người Châu Mỹ La Tinh nơi ngài là tính thích cười đùa, không xem mọi chuyện quá nghiêm túc.

Bà có dịp nói chuyện về cuốn phim với ngài không? Ngài nghĩ gì?

Ngài đã đọc quyển tiểu sử tôi viết về ngài và quyển này được dùng để làm phim, và ngài biết tôi tham dự vào việc thực hiện phim trong cường vị người cố vấn kịch bản và quay phim. Nhưng ngài chưa xem phim vì không có thì giờ và cũng vì e lệ. Ai có thể vui khi xem một cuốn phim nói về mình? Chắc chắn không phải là một người như ngài, người lúc nào cũng khiêm tốn, không bao giờ ra vẽ mình là một nhân vật biểu tượng cho sự đạo đức toàn cầu. Ngài vẫn là con người thật sự khiêm tốn, với một tình yêu bao la cho người nghèo.

Marta An Nguyễn chuyển dịch