Đức tin của các giáo lý viên

712

la-croix.com, Gwénola de Coutard, 2016-09-17

Gặp các giáo lý viên bỏ công sức thì giờ để nói về Chúa cho trẻ em. Một kinh nghiệm dưới hình thức khơi dậy thiêng liêng.

“Giờ giấc dạy giáo lý không thuận tiện cho bạn? Vậy bạn tình nguyện dạy giáo lý!” Mũi tên chạm đến anh Benoit Chain, 43 tuổi khi anh ghi tên cho đứa con thứ nhì vào học giáo lý. “Tôi hiểu là tôi có thể phục vụ thay vì được phục vụ.” Anh Chain là người trước đây chưa hề làm gì ở giáo xứ, nhưng trong vòng một năm nay, anh đến nhà thờ Thánh Têrêxa dạy giáo lý. “Từ đó tôi sốt sắng khi đi lễ”, anh kể, anh là người “không ở trong khuôn nhưng rất gắn bó với hình ảnh Chúa Giêsu Kitô mà các hành động của Ngài đã tác động trên anh rất nhiều”.

Cũng cùng giáo xứ, cô Mélanie Brunel 37 tuổi, cô đi dạy giáo lý vì giáo xứ nhờ cô và cũng vì đứa con gái 9 tuổi rất “thích nhà thờ”. Sinh trưởng trong một gia đình “giữ đạo sơ sơ nhưng lại giữ cẩn thận các giá trị của đạo công giáo”, bà mẹ gia đình trước hết có một vài e dè, vì thật sự cô “không còn giữ một kỷ niệm” nào về lớp giáo lý khi còn nhỏ… “Mọi người trấn an tôi, nói không bỏ tôi một mình, vậy thì tôi chấp nhận: tôi thấy đây là dịp để tôi tái khám phá lại đời sống của Chúa Giêsu.” Kinh nghiệm này bắt đầu cách đây một năm, bây giờ cô có cảm nhận “trở về với đức tin, ý thức có tiếng nói bên trong với Chúa” mà cô đã thấy trong suốt đời mình.

Còn về phần cô Astrid Buisset 34 tuổi, cô đã từng đi hướng đạo và làm từ thiện, các sinh hoạt đã có tác động trên cô. Cô làm nghề khuyến mãi, mẹ của ba đứa con, cô thú nhận trước đây cô xem “các bà đi dạy giáo lý là những bà nội trợ, họ có thì giờ đi dạy”, cô suy nghĩ lâu trước khi nhận lời yêu cầu của giáo xứ mới của cô, giáo xứ Narbonne ở Ande. Mỗi chiều thứ sáu cô đi thẳng từ sở lúc 16 h 55 để đến nơi dạy 20 phút sau. Trước mặt cô là 14 em 5-6 tuổi đang tìm đến đức tin… “Mới đầu tôi sợ phải bắt các em giữ kỹ luật. Tôi chuẩn bị kỹ các buổi học, để luôn có nội dung, tôi chuẩn bị các đồ lắp ráp, các bài hát để giúp các em chú ý. Dần dần, các chuẩn bị dụng cụ này trở thành công việc có tính cách thiêng liêng: cả tuần, tôi chuẩn bị để gặp các em, gặp Chúa”, cô kể. Một tư thế mới đã thay đổi đời sống cầu nguyện của chính gia đình cô. “Lớp giáo lý không còn là một sinh hoạt như các sinh hoạt khác, nơi mình gởi con rồi tới đón con. Chúng tôi nói chuyện với nhau, các con tự hào giúp tôi chuẩn bị cho lớp giáo lý. Suốt tuần chúng tôi suy nghĩ về đức tin của mình chứ không phải chỉ vào thánh lễ ngày chúa nhật.” Bây giờ cô khẳng định: “Phải dám đi dạy giáo lý, mọi người phải dấn thân! Công việc tế nhị này không được chỉ giao cho các bà nội trợ.”

Tiếng gọi này càng ngày các ông càng nghe, dĩ nhiên các ông không là thành phần đa số của các giáo lý viên. Anh Grégoire Béguin-Billecocq, 27 tuổi người Paris, anh hùng hồn: “Quan trọng là các em thấy có các ông chứ không phải chỉ các bà nói lên đức tin của mình!”.

Anh Even dạy năm nay là năm thứ tư, với anh, đây là bước khởi đầu mới trong đức tin, một “loại giáo lý cho người lớn”, anh là chuyên viên kiểm toán tài chánh, năm ngoái anh dạy giáo lý trẻ em ở một giáo xứ quận 13. Anh được một nữ giáo lý viên kinh nghiệm hỗ trợ, anh thích được “các em xem như người anh lớn, người anh mà các em có thể nói chuyện đá banh” và anh cố gắng trao truyền cho các em “không những là hiểu biết, nhưng một tình yêu cho Chúa”.

Còn ông Rémi Gluais 76 tuổi, ở Saint-Avertin gần thành phố Tours, ông mới bắt đầu dạy giáo lý cách đây ba năm, ông nói “không bao giờ quá già để là giáo lý viên”. Ông đã là ông nội, ông ngoại, đã dấn thân từ lâu trong các sinh hoạt nhà thờ, ông rất quan tâm trong vai trò trao truyền các giá trị Kitô giáo cho giới trẻ. “Tôi muốn chúng hạnh phúc, như tôi đã hạnh phúc tin vào Chúa, vào lề luật yêu thương của Chúa trong suốt cả đời tôi”, ông nhiệt thành nói.

Cũng một tâm tình như thế nơi ông Georges Garraud, ông dạy giáo lý ở giáo xứ Thánh Tâm ở Toulon từ 20 năm nay. “Đó là niềm vui được cho và các em trả lại cho bạn!”, cựu nhân viên các công trường hải quân 66 tuổi cho biết. Một niềm vui dù ông vừa có tang vợ, vợ ông là người “giúp ông tìm con đường đến với Chúa”. Ông so sánh “thánh lễ như cuộc họp ở công trường, nơi mình lên chương trình phải làm gì”, dạy giáo lý đối với ông là câu trả lời cho “nhu cầu chia sẻ Lời Chúa”.

“Trẻ em làm cho tôi sống lại! Không có chúng, tôi sống đời sống đức tin đơn điệu”, bà Nicole Boulet 62 tuổi cho biết. Bà dạy giáo lý ở Jurançon gần thành phố Pau từ ba mươi năm nay. Bà thán phục sự “tươi mát, hồn nhiên” của trẻ em, một sự tươi mát đã làm cho chúng “tái khám phá Phúc Âm dưới các góc cạnh khác”. Theo bà, “là giáo lý viên, trước hết là vui vẻ đón nhận. Đôi khi chúng tôi thấy các em sống trong những hoàn cảnh khó khăn. Tôi cố gắng làm sao để các em có thể nói được trong lớp giáo lý, để các em biết mình được lắng nghe. Mình không bao giờ biết mình đã gieo… nhưng vài năm sau khi gặp các em trong lễ Thêm Sức, mình cảm nhận mình là một móc xích trong chuỗi dây.”

Ông Damien Roger 40 tuổi cho biết: “Như câu chuyện ông Giôna trong Thánh Kinh, là giáo lý viên, là nhận sứ mệnh, rao giảng Tin Mừng là chấp nhận kết quả không thuộc về mình”. Bây giờ ông dạy giáo lý cho các em trung học, trước đó, trong vòng sáu năm, ông tháp tùng ba tân tòng ở giáo xứ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Grenelle, quận 15 Paris. “Tôi học để nói lên đức tin của tôi, không phải trong các cuộc tranh luận, nhưng yên lặng làm chứng. Từ tư thế tự vệ, tôi qua tư thế rao giảng”, ông Roger kể, ông là cha của bốn đứa con, ông được lớn lên trong một gia đình giữ đạo, “theo quá trình cổ điển” là đi hướng đạo và làm từ thiện, cũng có những giai đoạn hoài nghi nhưng ông không đặt lại vấn đề căn bản.

“Nghe những người ở tuổi tôi, đến từ các tầng lớp hoàn toàn khác nhau, kể cho tôi nghe cuộc gặp gỡ của họ với Chúa, làm cho tôi tự hỏi: Chúa Giêsu Kitô có thật sự là một người đáng kể đối với tôi không? Và tôi nhận ra tầm mức thật cao, cuộc gặp gỡ này không phải là cuộc gặp gỡ dứt khoát nhưng là cuộc gặp gỡ phải làm lại mỗi ngày.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

giao-ly