catholicnewsagency.com, Elise Harris, Vatican, 2016-08-31
Trong bài giáo lý buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 31-8, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phải có lòng can đảm để nhìn nhận tội lỗi của mình và xin Chúa tha thứ, để tiến về phía trước, chứ không để mắc kẹt trong mặc cảm xấu hổ và bị loại bỏ.
Đức Giáo hoàng nói: “Bao nhiêu lần trong lòng mình, chúng ta cảm thấy mình bị loại bỏ vì tội lỗi! Nhưng trong những lúc này, Chúa nói với chúng ta ‘Con hãy can đảm lên, hãy đến với Ta. Đối với Ta, con không bị loại bỏ, con hãy can đảm lên.’”
Đối diện với tội lỗi của chúng ta, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta, “đây là thời điểm của ân sủng, của tha thứ, của giây phút thấm nhập vào cuộc đời Chúa Giêsu, vào đời sống Giáo Hội. Đó là khoảnh khắc của lòng thương xót.”
Để được nghe “con không còn bị loại bỏ nữa, Ta tha thứ cho con, Ta ôm con,” đó chính là “lòng thương xót Chúa. Chúng ta phải có can đảm để đến với Ngài và xin Ngài tha thứ tội lỗi cho chúng ta, sau đó với lòng can đảm, chúng ta tiến về phía trước.”
Dưới cơn mưa tầm tã sáng thứ tư ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô tiếp tục giảng bài giáo lý bị bỏ dở tuần trước, khi phải ngưng để nói về trận động đất đã làm thiệt hại nặng miền Trung nước Ý. Hôm nay ngài tập trung vào đoạn Phúc Âm Thánh Matêô, Chúa Giêsu chữa người phụ nữ bị hoại huyết, bà đã chạm vào gấu áo Ngài trong hy vọng được chữa lành. Bà ở trong đám đông và nghĩ mình chỉ cần chạm vào gấu áo là được kành, Đức Phanxicô ngạc nhiên trước đức tin của bà, ngài cho rằng, bà nghĩ như thế “vì bà được thúc đẩy bởi một đức tin mạnh mẽ và với hy vọng chỉ cần chạm nhẹ để có được những gì lòng mình mong muốn”.
Người phụ nữ bị bệnh đã nhiều năm, đã gặp bác sĩ, đã tiêu hết tiền để chữa chạy, nhưng bệnh chỉ có nặng hơn. Kết quả là, bà đã “thành dơ bẩn” và “bị loại trừ khỏi nghi thức phụng vụ, khỏi đời sống hôn nhân, khỏi các quan hệ bình thường với người khác.”
“Bà là một phụ nữ bị xã hội ruồng bỏ”, Đức Phanxicô giải thích, “vì điều này nên bà cảm thấy Chúa Giêsu có thể chữa mình khỏi bệnh và khỏi tình trạng sống bên lề, sống sỉ nhục. Nói tóm lại, bà cảm thấy Chúa Giêsu có thể cứu bà.”Khi Chúa Giêsu quay lại xem ai đã chạm vào mình, Ngài “ngưỡng phục đức tin của bà,” và chuyển biến thành “cứu rỗi,” Đức Giáo Hoàng nói thêm, “trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, con đường giải thoát và cứu rỗi mở ra cho tất cả mọi người; đàn ông cũng như đàn bà trong mọi lúc và ở mọi nơi”.
Đức Phanxicô nói về tình trạng bị loại bỏ của bà như thế nào, người phụ nữ “hành động kín đáo, sau lưng Chúa Giêsu” để không ai thấy được.
Tuy nhiên, thay vì nhìn tình trạng bị ruồng bỏ của bà và trách bà, Chúa đã đối xử với bà với lòng thương xót và dịu dàng. Đức Thánh Cha nói: “Chúa Giêsu biết điều gì đã xảy ra và Ngài tìm một cuộc gặp gỡ với bà, bà là người phụ nữ có ước muốn sâu đậm.”
“Điều này có nghĩa, Chúa Giêsu không chỉ chào đón bà, nhưng coi bà xứng đáng với cuộc gặp gỡ, để Ngài trao ban cho bà món quà chữa lành và sự chú tâm của Ngài.”
Khi nói người phụ nữ “hãy can đảm lên, hỡi con gái, đức tin của con đã cứu con,” Chúa Giêsu bày tỏ “trọn vẹn lòng thương xót” cho những người mà Ngài gặp, đặc biệt những người bị ruồng bỏ, Đức Phanxicô nói.
Chúa Giêsu không chỉ phục hồi sức khỏe cho bà, nhưng Ngài đổ tràn đầy hy vọng cho bà bằng cách xóa bỏ nỗi thất vọng của bà, Ngài đưa bà vào cộng đồng và “giải thoát bà khỏi bị xã hội và tôn giáo kỳ thị,” Đức Phanxicô nói.
Những gì Chúa Giêsu ban cho bà sau đó, “là sự cứu rỗi toàn diện, bao gồm cuộc sống của người phụ nữ trong các lĩnh vực yêu thương của Chúa, đồng thời, phục hồi nhân phẩm trọn vẹn cho bà.”
Đức Phanxicô chấm dứt buổi nói chuyện với lời ghi nhận, “Chúa Giêsu là nguồn duy nhất, từ đó sự cứu rỗi nảy sinh đến mọi người. Đức tin là nền tảng cơ bản để bà được đón nhận.”
Một lần nữa, “Chúa Giêsu, với thái độ đầy lòng thương xót đã chỉ dẫn cho Giáo Hội biết con đường phải đi để gặp gỡ mọi người, vì vậy mà mỗi người có thể được chữa lành cả tinh thần lẫn thể xác, phục hồi nhân phẩm mình là con cái của Chúa.”
Trương Ngọc Thạch chuyển dịch