Đức Giáo hoàng kêu gọi các chính trị gia Ba Lan chào đón những người dang phải chạy trốn chiến tranh và nạn đói

428

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 27-07-2016

Từ Krakow

‘Cần có tinh thần sẵn sàng chào đón những người đang phải chạy trốn chiến tranh và nạn đói.’

Pope calls on Polish politicians to welcome those fleeing wars and hungerChuyến tông du Ba Lan của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bắt đầu. Tại Lâu đài Wawel, Đức Phanxicô đã được tổng thống Andrzej Duda chào đón. Đức Phanxicô chào hỏi các nhà chức trách, các học giả hàng đầu và các ngoại giao đoàn ở sân lâu đài, mời gọi đất nước Ba Lan chào đón những người di dân và tị nạn.

Trong bài diễn văn chào mừng, tổng thống Andrzej Duda nhắc đến thánh Gioan Phaolô II, bày tỏ hi vọng Đức Phanxicô sẽ truyền dẫn và đem lại sự thiện mà thế giới và nhân loại đang rất cần kíp.

‘Đây là chuyến tông du đầu tiên của tôi ở vùng trung đông châu Âu,’ Đức Giáo hoàng mở lời, ‘và tôi vui mừng khi được mở đầu bằng Ba Lan, quê hương của vị thánh không thể nào quên Gioan Phaolô II, người khai sinh và thăng tiến Đại hội Giới trẻ Thế giới. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô thích nói rằng châu Âu thở với hai lá phổi. Ý niệm về một chủ nghĩa nhân văn châu Âu được hứng khởi nhờ hai lá phổi đầy sáng tạo và cộng tác, nền văn minh chia sẽ với những gốc rễ thâm sâu nơi Kitô giáo.

Bất kỳ lúc nào Đức Wojtyla nói về một dân tộc, ngài đều bắt đầu từ lịch sử, để đưa ra kho tàng nhân văn và thiêng liêng của dân tộc đó.’ Nói về lễ kỷ niệm mới đây mừng 1050 năm Ba Lan được rửa tội, Đức Giáo hoàng nhìn nhận rằng, ‘ý thức về căn tính của mình, không có khuynh hướng muốn hơn hẳn người khác, là điều bắt buộc phải có để thiết lập một cộng đồng quốc gia.

Đối thoại không thể tồn tại, trừ phi mỗi bên đều bắt đầu từ căn tính của mình. Trong đời sống thường nhật của mỗi cá nhân và xã hội, đều có hai dạng ký ức, tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Ký ức tốt là những gì Kinh thánh cho chúng ta trong kinh Magnificat, bài tụng ca của Đức Mẹ, chúc tụng Thiên Chúa và công trình cứu rỗi của Ngài. Ký ức tiêu cực lại giữ tâm hồn và trí óc bị ám ảnh theo sự dữ, nhất là sự dữ của người khác.

Nhìn vào lịch sử mới đây của Ba Lan, tôi tạ ơn Chúa vì anh chị em đã có thể đặt những ký ức tốt đẹp lên trên, ví dụ như bằng cách kỷ niệm 50 năm biến cố tha thứ và đón nhận giữa hàng giám mục Ba Lan và Đức sau những biến cố của Thế chiến II. Còn có ký ức tốt đẹp về tuyên bố chung giữa Giáo hội Công giáo Ba Lan và Giáo hội Chính thống Nga, một hành động mở đầu tiến tình tái thiết lập quan hệ và tình huynh đệ. Quốc gia Ba Lan cao đẹp đã cho thấy cách để nuôi dưỡng những ký ức tốt đẹp và để lại đàng sau những ký ức xấu. Điều này cần có một đức tin và đức cậy vững vàng vào Đấng hướng dẫn vận mệnh của các dân tộc, Đấng mở các cánh cửa đóng kín, biến vấn đề thành vận hội và tạo các khả dĩ mới từ những bối cảnh tưởng như vô vọng. Cần phải có sự dũng cảm của sự thật, và sự tận tâm không ngừng về đạo đức, để bảo đảm những quyết định và hành động, cũng như mối quan hệ người với người sẽ luôn tôn trọng phẩm giá con người. Cần đến mọi tầm mức hành động, kể cả những bận tâm về kinh tế và môi trường, và tìm cách giải quyết vấn đề nhập cư hiện nay đang rất phức tạp.

Đây là một vấn đề không dễ dàng gì, nên cần có sự khôn ngoan và cảm thông, để vượt qua nỗi sợ và đạt được sự thiện lớn lao hơn, cần biết nghĩ đến những người đã phải rời khỏi Ba Lan và mong được về lại đây, cũng như những người đã trốn thoát xung đột và khốn cùng để đến được đây. Cần phải tìm ra những lý lẽ hợp lý để đưa người di dân từ Ba Lan đi, và để thuận tiện hóa cho những người mong muốn hồi hương. Cũng cần có tinh thần sẵn sàng chào đón những người chạy trốn chiến tranh và nạn đói, cần tình tương thân tương ái với những người đã bị tước đoạt những quyền căn bản, kể cả quyền được tuyên xưng đức tin trong tự do và an toàn. Cùng lúc đó, cần phát triển nhiều dạng trao đổi và hợp tác trên tầm quốc tế để giải quyết xung đột và chiến tranh đang khiến quá nhiều người phải bỏ nhà bỏ quê hương.’

Cuối cùng, Đức Giáo hoàng Phanxicô dành một phần để nói về bảo vệ sự sống, nhắc nhở rằng: ‘Sự sống luôn luôn được chào đón và bảo vệ. Đây là hai việc khắng khít với nhau, chào đón và bảo vệ, từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên. Tất cả chúng ta được kêu gọi tôn trọng và chăm lo cho sự sống.

Trách nhiệm của Nhà nước, Giáo hội và xã hội, là đồng hành và giúp đỡ một cách sáng tạo cho những ai đang gặp khó khăn, để một đứa trẻ không bao giờ bị xem là gánh nặng, nhưng là một tặng vật, và làm sao để những người nghèo nhất dễ bị tổn thương nhất không bị ruồng bỏ.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch