Đức Phanxicô có nói đến diệt chủng ở Armênia không?

162

 

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2016-06-24

Đức Phanxicô ở Etchmiazdin

Một chữ có làm nên điều khác biệt không? Chữ – «diệt chủng» – Đức Phanxicô có nói lên hay không, ngài đến Armênia hôm nay, thứ sáu 24 tháng 6, ngài có thay đổi được gì trong chuyến đi ba ngày này? Hai chữ diệt chủng có phải là mật khẩu mà nếu nói lên sẽ thay đổi bộ mặt của lịch sử không? Và tái lập lại thực tế về vụ thảm sát một cách có hệ thống, được Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức trong các năm từ 1915 đến 1918, với sự  đồng tình của nước Đức và của người Kurde, để loại bỏ dân tộc Armênia của những bang thuộc Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ. Gần 1.2 triệu người… Không quên việc thanh trừng người dân theo kitô giáo, assyro-chaldéen, gần 200 000 người. Tất cả đều bị giết hại một cách dã man, bắn hoặc thiêu sống, đổ dầu lên đối với đàn bà và trẻ em… Vì họ là người Armênia, vì họ là người kitô giáo như tài liệu bây giờ chứng tỏ cho biết…

Một sự kinh hoàng vừa được Nghị viện Đức công nhận ngày 2 tháng 6… 2016. Điều này đã làm cho Thổ Nhĩ Kỳ tức giận. Thổ Nhĩ Kỳ không muốn nghe đến chữ «diệt chủng». Thổ Nhĩ Kỳ triệu đại sứ của mình ở Đức về và cho biết, nước Đức vừa phạm một «sai lầm lịch sử». Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cùng bản chất với phản ứng họ chống Tòa Thánh cách đây một năm. Nước này cũng triệu hồi đại sứ của mình ở Vatican về, vì ngày 12 tháng 4 năm 2015, trong dịp kỷ niệm 100 năm tử đạo của người Armênia ở Rôma, Đức Phanxicô đã dám nói, đây là vụ «diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20».

Thật ra Đức Phanxicô chỉ trích lại lời của Đức Gioan-Phaolô II. Tháng 9 năm 2001, trong chuyến đi Armênia của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã ký một bản tuyên bố chung với Đức Thượng phụ Armênia Karékine II và ngài dùng chữ diệt chủng. Tuy nhiên trong bài diễn văn của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã gọi là «MedzYeghem». Có nghĩa là một «sự dữ lớn», «cuộc tàn sát lớn», một cuộc «thanh trừng dân chúng». Theo Đức ông Antranig Ayvazian, nhà sử học của Armênia, thì đây là một chữ dùng «rất nặng» trong ngôn ngữ Armênia.

Nó còn «nặng hơn» là chữ «diệt chủng», linh mục Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh tin chắc. Như để chuẩn bị tinh thần rằng, Đức Phanxicô sẽ không tuyên bố chữ này vào cuối tuần này, chữ diệt chủng mà người dân Armênia mong chờ nghe. Khi giới thiệu chuyến đi thứ 14 của Đức Phanxicô với báo chí, linh mục dằn mạnh, nhân danh Vatican: «Chúng tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Không một ai chối cãi là đã có các vụ thảm sát tàn khốc này (…) và chúng tôi biết. Nhưng chúng tôi không muốn làm đây thành cái bẫy cho những cuộc thảo luận chính trị-xã hội.»

Dù sao, ngày thứ bảy 25 tháng 6, Đức Phanxicô cũng sẽ đến tưởng niệm vụ diệt chủng người Armênia tội đồi Tsiternakaberd, ở Erevan, thủ đô Armênia. Ở đây ngài sẽ gặp con cháu của nạn nhân vụ diệt chủng, những người mà trước đây Đức Bênêđictô XVI có tiếp họ ở Castel Gandolfo.

«Cái bẫy» mà linh mục Lombardi nói đến là chuyện thường kỳ của tất cả các giáo hoàng khi họ phiêu lưu trên lãnh vực chính trị, lịch sử hay các đề tài gây tranh cãi. Chỉ đơn giản một sự hiện diện, một lời nói, được giữ lại hay nói quá là sẽ bùng lên tranh cãi cho những ai muốn đưa giáo hoàng vào phe bên này hay bên kia.

Dù phải bị cho là nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ, Đức Phanxicô cũng không muốn mình bị làm con tin. Ngày thứ ba 22 tháng 6, trong video gởi tín hữu Armênia trước, ngài đã xin người Armênia đừng quá nhìn vào quá khứ, dù đúng là «tổ tiên của anh chị em đã sống trong chính da thịt mình» các «thảm kịch» và những «đau khổ trong số những đau khổ khủng khiếp mà nhân loại đã phải trải qua». Ngài xin hãy nhìn về tương lai: «Chúng ta không cho phép các kỷ niệm đau đớn xâm chiếm tâm hồn chúng ta, dù phải đối diện với những sự tấn công của sự dữ được lặp lại.» Ngài mong muốn, qua chuyến đi này của mình, sẽ đưa giáo dân suy nghĩ đến «con đường hòa bình»«trên đường đi của giải hòa, con đường làm nảy sinh hy vọng». Nhưng con đường này còn dài.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch