Tôi học được năm điều bất ngờ khi viết về Đức Lêô XIV

52

Tôi học được năm điều bất ngờ khi viết về Đức Lêô XIV

americamagazine.org, Colleen Dulle, 2025-07-11

Một bức ảnh không để ngày của Đức Lêô XIV khi còn trẻ. (Ảnh của Tỉnh Dòng Thánh Augustinô Đức Mẹ Chỉ bảo Đàng lành).

In Illo uno – trong Người là Một” tóm tắt tầm nhìn của ngài: hiệp nhất nội tâm, hòa hợp trong giáo hội, hòa bình giữa các dân tộc.

Đức Lêô chào giáo dân tại Quảng trường Thánh Phêrô trong giờ Kinh Truyền Tin ngày 6 tháng 7 năm 2025. (Ảnh của CNS/Vatican Media).

 

Khi Hồng y Dominique Mamberti tuyên bố “Robertum Franciscum Prevost” sẽ là Giáo hoàng tiếp theo lấy tông hiệu là Lêô XIV, tôi không biết phải nghĩ gì. Phản ứng đầu tiên của tôi là sốc khi một người Mỹ được bầu lãnh đạo Giáo hội Công giáo, tôi biết rất ít về ngài ngoài những thông tin cơ bản trong lý lịch của ngài.

Trong hai tháng qua, nhóm podcastBên trong Vatican” đã có loạt bài chuyên sâu gồm ba phần nhằm trả lời câu hỏi “Đức Lêô XIV là ai?”.  Chúng tôi trả lời câu hỏi này ở nhiều góc độ khác nhau, nói chuyện với nhà phả hệ học, người đầu tiên tìm ra nguồn gốc gia đình Creole của Đức Lêô, một người bạn thời thơ ấu và các tu sĩ Dòng Âugustinô đã biết ngài trong nhiều thập kỷ, các giáo dân của ngài ở Peru và các đồng nghiệp của ngài ở Vatican.

Dĩ nhiên không có cuộc phỏng vấn nào có thể cho biết toàn bộ bí ẩn của ngài, và khi cả thế giới đang cùng một lúc đi tìm câu trả lời, nhiều mô tả được lặp đi lặp lại nhiều lần: ngài là người lắng nghe, ăn nói nhỏ nhẹ, người xây dựng cầu nối. Nhưng có một số điều làm tôi ngạc nhiên vì tôi chưa từng thấy trong các bài viết về ngài. Sau đây là năm điều tôi tâm đắc nhất.

1. Ngài là người bạn tốt

Linh mục John Merkelis, Dòng Âugustinô (O.S.A.) là bạn của Đức Lêô, từ khi cả hai còn nhỏ, linh mục thường gọi thân mật Đức Lêô là Bob. Cả hai học tại chủng viện trung học Augustinian ở Holland, Michigan và tiếp tục học tại Đại học Villanova, sau đó là Liên hiệp Thần học Công giáo.

Vào một dịp cuối tuần Lễ Lao động, khi cả hai còn là sinh viên, hầu hết các sinh viên sống ở Chicago đều lái xe xuống St. Louis. Merkelis ở lại, anh Merkelis bị đau bất ngờ, anh đang ở gần gia đình ở Chicago khi anh nhận tin cha mình qua đời. Anh để lại lời nhắn tại Dòng Augustinian (đây là thời kỳ chưa có điện thoại di động) và về với gia đình vài ngày.

Khi về nhà khoảng 1:30 sáng, anh thấy có một bóng người đang ngồi trên bậc thềm trước nhà: Bob Prevost, Robert thấy lời nhắn của Merk và thức đợi anh về nhà.

Merk nói với tôi trên podcast, khi cả hai chúng tôi đều rưng rưng nước mắt: “Thật xúc động, Robert đã nghĩ rất nhiều đến bạn.”

2. Sứ vụ của ngài ở Peru rất mạo hiểm

Bắt đầu năm 1985, linh mục Bob Prevost làm việc ở Peru một năm, sau đó ngài về Peru từ năm 1987 đến năm 1999, thành lập các giáo xứ, đào tạo các linh mục trẻ cho Dòng Augustinô và Giáo phận Trujillo. Những năm 80 và 90 ở Peru là thời kỳ nguy hiểm. Bắt đầu từ những năm 1980, ở vùng nông thôn phía nam đất nước, hai nhóm khủng bố đã bắt đầu tàn phá đất nước, phá hủy cơ sở hạ tầng và ám sát người nước ngoài cũng như các nhà lãnh đạo chính trị.

John Lydon, Dòng Âugustinô, một trong hai người bạn cùng nhà của Cha Prevost ở Trujillo, nhớ lại việc ban lãnh đạo Dòng Augustinô đã xin các thành viên của mình ở Peru nên có kế hoạch rời Peru, nhưng họ từ chối. Trong suốt thời gian Cha Prevost làm linh mục ở đây, làn sóng khủng bố lan rộng về phía bắc, Nhà nước tấn công lại, giết chết khoảng 70.000 người Peru, nền kinh tế và nền dân chủ trên bờ sụp đổ.

Vào giữa những năm 1990, Tân Tổng thống Alberto Fujimori lên nắm quyền. Dù được bầu cử dân chủ, ông ở lại quá hạn nhiệm kỳ năm năm, giải tán Quốc hội và trở thành nhà độc tài. Cha Lydon cho biết, dưới sự cai trị của ông, người dân Peru bị đàn áp, bị vi phạm nhân quyền.

Phản ứng lại, các nhóm sinh viên và xã hội dân sự đã tuần hành phản đối sự lạm dụng của chế độ, và Cha Prevost – lúc này được biết đến nhiều hơn với tên gọi là Padre Roberto – đã tổ chức ở hai giáo xứ Augustinô, vẽ biểu ngữ và diễu hành cùng người dân trên đường phố.

Cha Lydon giải thích: “Tôi, Bob và các linh mục khác đều là người nước ngoài, vì màu da và tất cả những điều này, nên cảnh sát và mọi người đều thấy rõ chúng tôi là người nước ngoài và là linh mục. Vì vậy, hai yếu tố này đóng vai trò… lá chắn bảo vệ, để không có bất kỳ sự đàn áp công khai nào đối với cuộc diễu hành.”

3. Là mục tử, ngài đã trao quyền cho giáo dân

Vào cuối những năm 1960, các tu sĩ Dòng Augustinô ở Peru bắt đầu một thử nghiệm mục vụ lấy cảm hứng từ các sáng kiến của các giám mục Mỹ Latinh tại Medellin, Colombia năm 1968 và Puebla, Mêxicô năm 1979. Thử nghiệm này có tên “Hình ảnh Mới của Giáo xứ”, nhằm mục đích trao cho giáo dân khả năng lãnh đạo việc truyền giáo và sứ mệnh trong cộng đồng của họ; việc trao quyền cho giáo dân là điều cần thiết, nhất là ở các vùng nông thôn vì linh mục còn ít và ở xa.

Theo kế hoạch “Hình ảnh Mới”, mỗi giáo xứ được chia thành các khu vực địa lý nhỏ hơn, một nhóm giáo dân lãnh đạo các hoạt động của giáo xứ tại khu vực đó. Cha Lydon giải thích: “Các hoạt động này rất đa dạng: phát tin tức giáo xứ đến nhà giáo dân, dạy giáo lý và tổ chức quyên góp để đáp ứng nhu cầu vật chất của cộng đồng. Các tu sĩ Dòng Augustinô, kể cả Cha Prevost và Cha Lydon đã đào tạo và hỗ trợ giáo dân, nhưng vai trò lãnh đạo thuộc về các nhóm giáo dân.”

Ông Socorro Cassaro Novoa, nhà lãnh đạo giáo xứ Santa Rita de Cascia giải thích: “Cha Roberto là người kết nối với tất cả giáo dân, người lớn, thanh thiếu niên, kể cả trẻ em. Ngài đến với tất cả mọi người, ngài khuyến khích mọi người tham gia vào công việc mục vụ. Đó không chỉ là việc xây dựng giáo xứ; mà còn là việc vươn ra ngoài, thực hiện sứ mệnh, giúp đỡ người khác và loan báo những gì có thể loan báo cho anh chị em mình. Đó là công việc tốt đẹp và tất cả chúng tôi đều tham gia, đặc biệt là với Cha Roberto, Cha đã khởi xướng mọi thứ.”

4. Ngài kiên định nhưng có thể thay đổi quyết định

Trong những ngày sau mật nghị, khi tôi hỏi thăm về Hồng y Prevost, tôi nghe đi nghe lại một điều: ngài là người lắng nghe, sẵn sàng lắng nghe mọi khía cạnh của cuộc tranh luận, nhưng một khi đã quyết định, ngài rất kiên định. Linh mục Dòng Âugustinô Arthur Purcaro đã làm việc chặt chẽ với Cha Prevost khi Cha lãnh đạo dòng Augustinô (2001-2013), cũng đã khẳng định như vậy trong cuộc nói chuyện trước buổi phỏng vấn podcast này, tôi đã hỏi Cha Prevost đã kiên định như thế nào trong các quyết định của cha. Có bao giờ ngài đưa ra quyết định rồi thay đổi quyết định không?

Cha Purcaro đã làm tôi ngạc nhiên khi cha cho biết cha đã kiểm tra với chính Đức Lêô để xác nhận chi tiết về một ký ức mà cha có về việc Đức Lêô đã thay đổi quyết định – và ngài đã cho phép cha chia sẻ chuyện này.

Cha Purcaro giải thích: “Khi Cha Prevost còn là Bề trên Tổng quyền Dòng Augustinô, nhiều dòng tu nam khác đã bắt đầu ‘quan tâm đến tạo vật’, đưa vào các sáng kiến hòa bình và công lý xã hội của họ. Cha Purcaro đã hỏi Cha Prevost liệu Dòng Augustinô có thể làm như vậy không. Cha Purcaro nói: “Ngài đã suy nghĩ rất kỹ, lắng nghe và nói không. Nhưng sau khi Cha Prevost tham dự một cuộc họp của Liên hiệp Bề trên Tổng quyền các bề trên Dòng tu nam, ngài đã thay đổi quyết định. Ngài quay lại với tôi và nói: ‘Cha biết đấy, tôi nghĩ chúng ta thực sự nên làm điều này’. Điều này cho tôi biết con người của ngài.”

5. Đức Giáo hoàng Lêô không phải là Robert Prevost

Bà Emilce Cuda, thư ký của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ La-tinh, hai năm trước khi được bầu làm giáo hoàng bà đã làm việc chặt chẽ với Hồng y Prevost khi ngài đứng đầu Ủy ban này. Bà kể cho tôi nghe suy nghĩ của bà về ngài, nhưng bà cảnh báo tôi: “Chúng ta đang nói về Prevost, nhưng Lêô sẽ không phải là Prevost. Ngài sẽ là Lêô, Giáo hoàng.”

Bà nói rất đúng. Được bầu làm Giáo hoàng là một sự kiện làm thay đổi cuộc đời mà hầu hết chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được. Hồng y Prevost đi từ giáo sĩ cấp cao sống kín tiếng trở thành một trong những người nổi tiếng nhất thế giới. Việc bầu chọn các Giáo hoàng tiền nhiệm của ngài đã thay đổi họ: Đức Phanxicô cho biết khi ngài còn là Hồng y Jorge Mario Bergoglio, ngài đã sẵn sàng nghỉ hưu, nhưng sau khi được bầu, ngài đã có một nguồn năng lượng mới giúp ngài vượt qua 12 năm bận rộn tiếp theo.

Bình luận của Tiến sĩ Cuda làm tôi nhận ra, dù tôi đặt câu hỏi “Giáo hoàng Lêô XIV là ai?” nhưng câu hỏi tôi được trả lời là “Robert Prevost là ai?”. Đó là câu trả lời cho biết Giáo hoàng Lêô sẽ là ai, nhưng sẽ không cho chúng ta biết toàn bộ. Câu trả lời cho câu hỏi này đang hiện ra dần trước mắt chúng ta qua từng ngày của triều giáo hoàng mới này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Các linh mục không hoàn hảo phục vụ giáo dân

Roberto, cha xứ mà người dân ở Trujillo đều muốn ở bên cạnh ngài

Thông điệp, thánh lễ, bổ nhiệm Giáo triều… Chương trình “nghỉ hè” của Đức Lêô sẽ như thế nào?