Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

118

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Đức Lêô XIV tại ban-công Đền thờ Thánh Phêrô ngày 8 tháng 5 năm 2025.

fr.aleteia.org, Paul Airiau, 2025-05-10

Thưa Giáo hoàng, ngài có bao nhiêu binh đoàn? Quyền lực thực sự của ngài là gì? Dù nguyên tắc tối thượng của sự liên tục áp đặt lên các giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô, nhưng Tân Giáo hoàng Lêô XIV chắc chắn sẽ đối diện với một thực tế: chính nội tại cơ cấu của Giáo hội có khuynh hướng phân mảnh, như sử gia Paul Airiau phân tích.

Một Tân Giáo hoàng vừa được bầu. Điều này lâu lâu lại xảy ra. Và ngay lập tức, mọi người mong chờ những thay đổi có thể mang lại cho Giáo hội, cho thế giới công giáo và cho cả nhân loại. Có người hy vọng điều kỳ diệu, có người e ngại tai họa, có người tin vào sự tiếp nối. Những mong đợi đó dựa trên một giả định sơ khai thuộc dạng “xã hội học tự phát” mà ngành khoa học xã hội đã nhiều lần ra sức bác bỏ một cá nhân đơn lẻ có thể thay đổi cả thế giới.

Một người đơn độc?

Quan điểm này có thể hiểu được trong nội bộ công giáo, vì trong đức tin kitô giáo, một người-chính là Đức Kitô đã thực sự thay đổi thế giới trong tương quan với Thiên Chúa và ơn cứu độ. Nhưng bên ngoài niềm tin này, quan điểm này cho thấy một sự thất bại dai dẳng trong việc phổ biến kiến thức khoa học, đồng thời phản ánh nhu cầu không cưỡng của truyền thông, của giới bình luận và của công chúng về một thiên anh hùng ca, một nam anh hùng hay nữ anh hùng đối diện với nghịch cảnh và hoàn thành sứ mệnh. Đó là hình ảnh quen thuộc: người đơn độc chống lại giông tố, người phụ nữ vượt qua nghịch cảnh, đứa trẻ mồ côi thoát khỏi định mệnh bi đát, người công chính chiến thắng thế lực dữ… Những câu chuyện này đánh động cảm xúc và khơi gợi lòng tin. Tuy nhiên, chính thực tế của Giáo hội công giáo qua hai triều gần đây của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô cho thấy, một người đơn độc không thể làm được gì nhiều nếu họ đi ngược lại với cơ chế vận hành của một định chế lớn. Các nhà lãnh đạo đương thời cũng cho thấy ý chí cá nhân kể cả trong lời nói không thể thay thế cho một chính sách hiệu quả. Hitler là một ví dụ. Hiện nay chúng ta dễ dàng thấy sự hạn chế trong thành công của những “anh hùng” nghĩ rằng “muốn là được”.

Động lực nội tại của cơ cấu

Tuy nhiên, cảm quan thông thường không hoàn toàn sai. Không thể phủ nhận vai trò cá nhân, nhất là khi họ giữ trọng trách lớn ở những vị trí chưa bị cố định quá chặt. Giáo hoàng là một ví dụ tiêu biểu: một quân chủ tuyệt đối, không theo hình thức cha truyền con nối, được một nhóm “quý tộc trọn đời” bầu, được người tiền nhiệm chọn và các quy định về tuổi tác hay thể thức tuyển chọn hoàn toàn có thể được điều chỉnh. Với những điều kiện này, quyền giáo hoàng còn lớn hơn quyền của nhiều nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo doanh nghiệp hay huấn luyện viên thể thao, thậm chí còn vượt xa nhiều nhà độc tài, vì chính những nhà độc tài cũng chỉ tồn tại khi họ phục vụ lợi ích của những nhóm đặc quyền, điều này giới hạn hành động của họ.

Thế nhưng, ngay cả khi là quốc trưởng duy nhất của một quốc gia xã hội chủ nghĩa toàn diện (thành quốc Vatican nơi mọi hoạt động kinh tế đều do nhà nước quản lý và được bao quanh bởi những bức tường làm nhiều người chống di dân phải ghen tị), và là thủ lãnh tối cao của Giáo hội, thì Giáo hoàng Lêô XIV vẫn bị chi phối bởi chính cơ cấu của định chế mà ngài là “Lãnh tụ tối cao”. Dù ngài có thể đưa ra Tự sắc “motu proprio” tùy ý, xoay chuyển các nguyên tắc dưới danh nghĩa “nhu cầu thời đại”, “lòng thương xót vượt trội công lý” hay “đức tin trên luân lý”, thì ngài vẫn luôn phải chứng minh quyền lực của ngài dù dựa trên sự hợp nhất giữa đặc sủng và quyền hợp pháp không hẳn là hoàn toàn phá vỡ truyền thống. Điều này trong Giáo hội công giáo là điều cực kỳ khó khăn.

Mệnh lệnh phải tiếp nối

Vì trong Giáo hội, dù lời Tin Mừng khẳng định “chúng ta có thể rút ra từ đó kho tàng của mình cả mới lẫn cũ”, thì cái mới vẫn phải bắt nguồn từ cái cũ. Không phải cách diễn giải nào cũng được chấp nhận, vì nhiều con đường đã bị khóa lại bởi Mặc khải, bởi các Giáo phụ, bởi các giáo hoàng tiền nhiệm và bởi các công đồng đã qua.

Nếu Đức Lêô XIV muốn quay lưng với hướng đi từ Lêô XIII đến Piô XII vốn đã làm chủ nghĩa hiện đại (modernisme) không còn chỗ đứng, không phải chỉ vì không thể dung hòa giữa khoa chú giải lịch sử-phê bình và thần học học thuật hiện đại, nhưng vì chúng ta không chấp nhận việc nội dung đức tin bị đánh giá dựa trên sự tiếp nhận của xã hội, đó sẽ là một cuộc cách mạng thực sự, mà một số người vẫn đang tha thiết mong chờ.

Mệnh lệnh về sự tiếp nối và nhất quán trong đạo công giáo lại càng gay gắt hơn sau Công đồng Vatican II. Công đồng đã thực hiện việc “cập nhật” (aggiornamento) mà lý do chính yếu là tiếng gọi “tiên tri” của giáo hoàng triệu tập, người kế nhiệm tiếp nối và chính các nghị phụ, được biện minh bằng thẩm quyền pháp lý-hợp lý của công đồng, dựa vào quyền giáo hoàng, và cuối cùng được chính ngài phê chuẩn. Đây chính là mô hình điển hình của kiểu điều hành trong Giáo hội Rôma từ cuối thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XX. Việc thiếu một lý giải rõ ràng cho những thay đổi xảy ra cùng với việc chưa bao giờ thẳng thắn đóng lại nhiều con đường tư duy mà chúng ta nghĩ là hợp với “cập nhật” làm Công đồng trở nên huyền thoại, và tiếp tục nuôi dưỡng sự bất định trong cách hiểu. Điều này làm cho Giáo hội công giáo ngày càng phân mảnh hơn: mỗi người, mỗi nhóm tự tạo cho mình một “công giáo” riêng, cho rằng mình trung thành với đức tin và luân lý chân chính, theo cả “nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.

Quyền lực của chiếc nhẫn

Đây chính là thách đố mà Hồng y Robert Francis Prevost, nay đã là Giáo hoàng, chắc chắn sẽ phải đối diện khi người tiền nhiệm Jorge Bergoglio gần như đã phó mặc vấn đề này, bằng cách cổ vũ cho một mục vụ dựa trên sự linh hoạt tối đa, trên thiện chí rộng mở và hình thức “liên tục” đầy bất định theo kiểu Joseph Ratzinger giải thích Karol Wojtył và Giovanni Battista Montini sau năm 1965, nhất là sau 1968.

Làm sao để dù có khác biệt chính đáng đức tin và luân lý, Công giáo vẫn là một và như nhau tại Ulaanbaatar, Bangkok, São Paulo, Kinshasa, Amsterdam hay Anchorage, trong khi mô hình trung ương tập quyền thời thế kỷ XIX không còn hữu hiệu, và có lẽ cũng không còn thích hợp?

Có ai dám ứng cử ngôi vị giáo hoàng mà sẵn sàng đối diện với vấn đề gai góc này một cách cụ thể, vượt lên những lời ca tụng về hội nhập văn hóa, về tính hiệp hành, về cuộc “đối thoại trong Thánh Thần” hay về “hiệp thông Giáo hội”?

Vì thật khó để buông bỏ quyền lực của chiếc nhẫn ràng buộc mọi chiếc nhẫn khác…

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ