cath.ch, Maurice Page, 2016-05-22
Để kỷ niệm 10 năm thành lập, Hội đồng các tôn giáo Thụy Sĩ đã thuê một chiếc xe lửa đặc biệt đi xuyên nước Thụy Sĩ.
Các tôn giáo gần nhau hơn là họ xa nhau. Đó là xác tín được chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập hội đồng các tôn giáo Thụy Sĩ. Để đánh dấu sự kiện này, ngày 22 tháng 5-2016, hội đồng đã thuê một chiếc xe lửa đi từ ga Saint-Gall, Genève với rất nhiều khách mời của nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác nhau. “Xin quý vị lên tàu!”
“Nếu tôi tin vào một cái gì hay tin vào ai, tôi phải chứng minh được điều này. Hôm nay giữa những người trẻ cùng tuổi tôi, luật chung là không tin gì hết”, cô Laurianne Sallin cho biết. Hoa hậu Thụy Sĩ năm 2015 không giấu giếm gì xác tín kitô giáo của mình. Cô công dân trẻ tỉnh Fribourg mở đầu buổi trao đổi, mà mỗi khách được mời lên để nói chứng từ cá nhân của mình.
Các đại diện của các Giáo hội, các tôn giáo, các chính trị gia, các nghệ sĩ, các nhân vật trong ngành trình diễn và các tín hữu đã lên chuyến tàu đặc biệt đi từ miền Đông qua miền Tây Thụy Sĩ và ngừng ở nhiều trạm. Trao đổi, bài đọc, trình diễn nghệ thuật xen kẽ nhau trong năm giờ lên tàu, qua nhiều phong cảnh khác nhau của đồng bằng Thụy Sĩ. Trên hai toa tàu-phòng khách, các khuôn mặt đa dạng của nhiều giới: kitô hữu của nhiều tín ngưỡng và ngôn ngữ khác nhau, hồi giáo, do thái giáo hoặc cả giáo phái alévie (một giáo phái hồi giáo-chính thống đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ), tất cả cùng chia sẻ xác quyết thâm sâu của họ, không ngần ngại, không giảng lui giảng tới, cũng không hoang mang.
Đức Giám mục Charles Morerod, giám mục các địa phận Lausanne, Genève và Fribourg, cô Laurianne Sallin, Hoa hậu Thụy Sĩ năm 2016, ông Gottfried Locher, Chủ tịch hội đồng Liên bang các Giáo hội Tin Lành Thụy Sĩ, bà Géraldine Savary, Uỷ viên hội đồng tỉnh Vaudois hay bà Sybel Arslan, Ủy viên hội đồng tỉnh Bâlois, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, đó là một vài nhân vật được mời trên chuyến xe lửa này. Phong cảnh tuyệt đẹp mùa xuân đang lướt qua trước mắt họ.
Từ Berne đến Lausanne
Ausserholligen là ngoại ô của Berne, xe lửa đi qua trước nhà của các tôn giáo, một tòa nhà to lớn, mặt tiền đậm màu với các khung kiếng lớn rực sáng. Ông Guido Albisetti, một trong những người có sáng kiến làm tòa nhà này, ông kể làm sao trong vòng 8 năm, ông đã tìm cách gây quỹ để thực hiện công trình này. Ngày nay, có tám tôn giáo cùng ở chung “như một gia đình. Có người hát và ồn ào nhưng cũng có người thích thinh lặng. Nhưng cuối cùng, mọi người đều giải quyết trong đối thoại.”
Bà Sibel Arslan, Ủy viên hội đồng tỉnh Bâlois, thuộc giáo phái alévie giải thích cho biết, trong đời sống hàng ngày người Alévie không khác nhiều so với người kitô giáo. Vì thế có thể giải thích vì sao họ hội nhập tốt. Đến mức, năm 2012, tỉnh Bâle đã công khai thừa nhận họ.
Được hỏi về vấn đề châm biếm giữa các tôn giáo, mục sư Locher cho rằng phải có khả năng trào phúng những chuyện nghiêm túc. Hội đồng các tôn giáo Thụy Sĩ đã tranh luận rất nhiều. Tuy nhiên không phải dễ để ấn định một giới hạn. Ông Fahrad Afshar, Chủ tịch Ủy ban phối hợp các tổ chức hồi giáo Thụy Sĩ đề nghị phải phân biệt giữa chế giễu một tôn giáo và chế giễu các tín hữu. Khi tấn công những người cầu nguyện là tấn công những người yếu nhất, nhà xã hội học người gốc Iran nhấn mạnh. Một đề xuất được giám mục công giáo-kitô Thụy Sĩ Harald Rein đồng ý.
“Tôi không bao giờ bắt đầu một ngày mà không chiêm niệm một lời hay một suy tư Thánh Kinh. Đó là thức ăn thiết yếu nuôi dưỡng tâm hồn tôi”, họa sĩ người Thụy Sĩ nói tiếng Đức Franz Bucher cho biết. Ông kể thử thách của căn bệnh ung thư ông đã trải qua. Đó là con đường từ thương khó đến sống lại.” “Một ngày nào đó ông có thể trang hoàng một nguyện đường hồi giáo không? Tại sao không?” Lúc này, xe lửa đang đi qua vùng Lavaux, một vùng có phong cảnh tuyệt đẹp trong tiếng nhạc của Vivaldi với giọng hát nam cao của nghệ sĩ Stéphane Renevey.