Chặng đàng Thánh giá của Đức Phanxicô

116

Chặng đàng Thánh giá của Đức Phanxicô

parismatch.com, Arthur Herlin, 2025-03-27

Trên đường về Vatican ngày 23 tháng 3, Đức Phanxicô ngồi băng ghế trước với người lái xe. © Tiziana Fabi / AFP

Sau 38 ngày chiến đấu với bệnh viêm phổi, Đức Phanxicô rời bệnh viện nhưng tình trạng sức khỏe của ngài vẫn còn đáng lo.

Nếu đức tin có một khuôn mặt thì chắc chắn đức tin có khuôn mặt của ngài: mỉm cười trở về từ cõi chết! Ngày 23 tháng 3, sau 38 ngày ở bệnh viện, lần đầu tiên Đức Phanxicô ra ban-công bệnh viện Gemelli để chào giáo dân. Vì mệt mỏi, ngài chỉ nói ngắn, nhưng ngài đã cho giáo dân một bài học hy vọng. Tôi nhớ lại sự xuất hiện của Đức Gioan-Phaolô II sau cơn bệnh hai mươi năm trước, trong lúc đau yếu, gần như ngày nào ngài cũng ngồi trước cửa sổ bệnh viện, ngài không nói được một lời. Với giọng yếu ớt, Đức Phanxicô cám ơn 3.000 giáo dân đến đây, ngài quyết tâm làm nhiệm vụ của mình đến cùng.

Sau khi xuất viện, ngài tiếp tục làm việc trong khả năng có thể. Ngài ký các đề cử, phát động cải cách mục vụ lớn dự kiến sẽ xong vào năm 2028. Các cộng tác viên của ngài khẳng định: trong đầu ngài không có chữ từ nhiệm! Nhưng các bác sĩ buộc ngài phải làm việc chậm lại. Theo nhật báo Ý Il Messaggero, ngài có hai thư ký trung tín là linh mục  Fabio Salerno và linh mục Juan Cruz Villalon. Họ làm trung gian với Hồng y đoàn để bảo đảm quyền quản lý trong giai đoạn này. Ngoài ra ngài còn có Nhóm ”C9” đảm trách công việc Giáo triều. Nhóm có sáu Hồng y: Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin; Hồng y Fridolin Ambongo Besungu, Tổng giám mục Kinshasa; Hồng y Juan José Omella, Tổng Giám mục Barcelona; Hồng y Gérald Cyprien Lacroix, Tổng Giám mục Québec, Canada; Hồng y Jean-Claude Hollerich, Tổng giám mục Luxembourg; và Hồng y Sergio da Rocha, Tổng Giám mục Salvador, Bahia. Trong số này có ba Hồng y trên 80 tuổi, tuổi nghỉ hưu.

Đức Phanxicô đến cầu nguyện ở đền thờ Đức Bà Cả

Đức Phanxicô chọn Đền thờ Đức Bà Cả là nơi an nghỉ của ngài. Ngài sẽ an nghỉ trong căn phòng nhỏ sau cánh cửa gỗ, bên cạnh nhà nguyện Pauline. © REUTERS

Ngày 23 tháng 3 sau khi rời bệnh viện, ngài đến đây nhưng ngài không xuống xe được. Trong quyển Hồi ký “Hy vọng”, ngài viết: “Tôi sẽ không chôn ở Đền thờ Thánh Phêrô.” Ngài sẽ không chôn cùng với 149 Giáo hoàng, phá bỏ truyền thống đã có từ sáu trăm năm nay. Từ thế kỷ 18, đa số các Giáo hoàng đều chôn ở Đền thờ nổi tiếng và quan trọng nhất này của Giáo hội công giáo. Truyền thống càng thêm kiên cố khi mộ Thánh Phêrô được tìm thấy dưới tán cây Bernin năm 1949. Đức Phanxicô nói: “Vatican là ngôi nhà nơi tôi phục vụ, không phải là nơi ở vĩnh cửu của tôi. Tôi chọn nơi vĩnh cửu của tôi bên cạnh Nữ vương Hòa bình, người Mẹ tôi tôn kính và nói chuyện như nói chuyện với mẹ  tôi.”

Sau Đức Clement IX 356 năm, ngài sẽ là Giáo hoàng thứ tám được chôn ở đây. Đây là một kỳ quan kiến trúc thuộc Vatican, nhưng ở xa Vatican và gần Ga Termini.

Chính tại nhà nguyện Pauline này có tượng Đức Mẹ Bảo vệ người dân La-mã: Salus Populi Romani. Một biểu tượng được cho là của Thánh Luca, “viên ngọc quý của Đền thờ”. Đức Phanxicô cho biết: “Cũng hơn cả trăm lần, Đức Mẹ đã giúp và bảo bọc tôi.” Ngài đã đến đây trước và sau mỗi chuyến tông du, để nói lên những lo âu, những rủi ro trong chuyến đi. Mỗi lần đi về, bất kể mệt mỏi, bất kể thời gian, ngài luôn mang hoa đến Đức Mẹ.

Gần đây ngài cho biết: “Tôi rất vui vì nhân viên ở đây cho tôi biết mọi sự đã sẵn sàng.” Mộ của ngài ở bên cạnh mộ của hai Giáo hoàng và nhiều Hồng y thuộc gia đình Borghese, gia đình vẫn là chủ của nhà nguyện. Một trong các người thừa kế của gia đình cho biết: “Chúng tôi xem đây là ngôi nhà thứ hai của gia đình.” Vì thế Đức Phanxicô không được chôn ở nhà nguyện này. Một dịp để ngài thể hiện lòng khiêm tốn vì đây là nhà nguyện tráng lệ nhất do đức Phaolô Paul V xây vào thế kỷ 17 trong thời kỳ hoàng kim của triều Borghese. Không gian lộng lẫy với đá cẩm thạch quý giá và đầy màu sắc, nơi nghệ thuật trở nên thánh thiêng khi có tượng Đức Mẹ Bảo vệ Người dân Rôma nổi tiếng ở đây. Tác phẩm có bốn cột trụ bằng đá jaspe Barga, các thanh ngang bằng mắt hổ và năm mươi khung màu xanh lam bằng đá lapis lazuli có các đường vân vàng bắt chéo. Một trang trí tương phản với sự gần gũi người nghèo của ngài. Ngài nói: “Tôi sẽ ở nơi bây giờ cất những ngọn nến.”

Nhân cơ hội này, ngài thổi một làn gió tươi mát vào đạo công giáo, vào các quy tắc đã được áp dụng từ hàng ngàn năm nay. Trong cái chết, Giám mục Rôma sáng tạo nhất trong các Giám mục Rôma vẫn tuân thủ các nghi thức của Giáo hội mà ngài phục vụ. Sau khi trút hơi thở, Hồng y nhiếp chính người Ai-len Kevin Farrell sẽ chính thức xác nhận cái chết của Giáo hoàng trước sự chứng kiến của người chủ trì nghi lễ phụng vụ, trước khi bác sĩ và công chứng viên của Vatican chứng thực. Để ngăn chặn hành vi làm giả các tài liệu chính thức, các con dấu giáo hoàng, nhẫn ngư ông mà Đức Phanxicô đã tế nhị làm bằng bạc thay vì bằng vàng sẽ bị hủy. Biểu tượng kết thúc uy quyền của ngài. Sau đó thi thể sẽ được quàn ở Đền thờ Thánh Phêrô để giáo dân đến viếng, thời gian tang lễ sẽ là chín ngày. Một nghi thức nghiêm ngặt… mà ngài tuân phục theo tinh thần luôn đơn giản: “Đám tang trang trọng như bất cứ đám tang nào của một tín hữu kitô.”

Ngài từ chối quàn trên bục với các khăn trải sang trọng giữa đền thờ, quan tài của ngài sẽ được đặt dưới đất. Ngài viết: “Chỉ một quan tài bằng gỗ, không lồng thêm quan tài thứ hai bằng chì, quan tài thứ ba bằng gỗ sồi.” Trong thánh lễ, sau nghi thức mở đầu, người chủ trì nghi lễ phụng vụ và Hồng y Pietro Parolin sẽ phủ tấm khăn trắng lên mặt Đức Phanxicô trong khi Hồng y nhiếp chánh rảy nước thánh lên thi thể. Nhưng trước khi đóng quan tài, người chủ trì tang lễ sẽ không đặt chiếc túi có những đồng tiền được in trong triều của ngài, cũng như không đặt chiếc túi đựng bài điếu văn vào quan tài như các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài. Ngài muốn như vậy. Với cái chết của mình, ngài muốn kéo dài đời sống của một “người phục vụ”. Đó là dấu ấn, là kỷ niệm ngài muốn để lại cho Lịch sử. Đó là người “môn đệ” không ở trong số “những người quyền lực của thế gian” này.

Cuộc chiến chưa thắng được

Giáo hoàng khiêm tốn này chỉ xin Chúa một ơn cuối cùng: “Chúa biết, con yếu đuối khi con bị đau thể xác… vì vậy, xin Chúa cho con cái chết đừng quá đau đớn.” Ngày 14 tháng 2 tình trạng sức khỏe của ngài đột ngột xấu đi, ngài bị một căn bệnh khác tác động: cô đơn. Ngài bị cách ly ở tầng thứ mười của Bệnh viện Gemelli. Trong một “dãy phòng trắng”, không có ánh sáng tự nhiên và cắt đứt với thế giới bên ngoài, xa những người “nhỏ bé” thân thiết của ngài. Dù đã về nhà, sự cô lập còn kéo dài. Không còn những buổi tiếp kiến chung, những buổi lễ dưới ánh nắng gay gắt hay dưới cơn mưa lớn, không còn các chuyến tông du ở các vùng ngoại vi xa xuôi. Lại còn không được gần trẻ em hoặc tụ tập chung quanh các em để tránh nhiễm thêm vi-rút khác.

Ngài về Nhà Thánh Marta nhưng cuộc chiến vẫn còn tiếp, ngài vẫn còn thở bằng ống thông oxy, tập vật lý trị liệu vận động và hô hấp để lấy lại giọng nói. Hai tháng dưỡng bệnh chờ ngài ở tòa nhà rất đông người lui tới, nơi có khoảng 70 giám chức và hàng chục nhân viên làm việc ở đây. Theo các báo Ý tại đây bắt buộc mọi người phải mang khẩu trang. Nhưng biện pháp này có chận được một cơn khủng hoảng mới hay không? Các bác sĩ ở bệnh viện Gemelli cho biết: “Dù ngài bình phục bệnh viêm phổi nhưng ngài phải sống với căn bệnh này suốt đời, tương lai sẽ trở nên bất định.” Vì thế một đơn vị y tế nhỏ có các thiết bị hỗ trợ và phục hồi chức năng hô hấp đã được thành lập ở đây.

Một thử thách lớn đang chờ Đức Phanxicô, người đã quen với việc đi khắp hành tinh để mang hy vọng đến cho những tâm hồn thất vọng. Vào hoàng hôn của cuộc đời, người luôn đi gặp người khác để phục vụ bây giờ người này phải tìm một cách khác để phục vụ. Để không cắt đứt thông hiệp.

Marta An Nguyễn dịch