Ba cách Đức Phanxicô cần sửa đổi: các thủ tục liên quan đến bệnh tật, cái chết và bầu Giáo hoàng
americamagazine.org, Thomas J. Reese, 2025-02-18
Nhân viên Bệnh viện Gemelli đón Đức Phanxicô ngày 11 tháng 7 năm 2021, ngài ngồi xe lăn bên trong Phòng khám đa khoa Agostino Gemelli, Rôma, ngài nhập viện để phẫu thuật đường ruột. (Vatican Media qua AP)
Mỗi lần Đức Phanxicô cảm lạnh, tôi lo lắng. Khi ngài vào bệnh viện, tôi sợ. Tôi yêu Đức Phanxicô và hy vọng ngài có thể tiếp tục làm giáo hoàng lâu dài nhưng tôi biết tôi không thực tế. Tất cả chúng ta đều phải chết và những ai đã ngoài 80 thì không cần phải nhắc chuyện này với họ.
Không như cựu Tổng thống Joe Biden, ông cho thấy ông không đủ năng lực tinh thần cho công việc của ông trong những lần ông xuất hiện gần đây, Đức Phanxicô có đủ năng lực tinh thần cho công việc, nhưng ngài lại yếu về thể chất. Bất kỳ ai trong hoàn cảnh của ngài, đặc biệt là Giáo hoàng đều chuẩn bị cho điều không thể tránh khỏi.
Sau đây là ba điều ngài cần làm để chuẩn bị cho sự suy yếu và cái chết không thể tránh khỏi của ngài. Thành thật mà nói, tôi ước gì ngài đã làm những việc này rồi.
Trước hết, ngài cần các tài liệu công khai nói những việc cần làm nếu ngài mất khả năng hành động.
Giống như mọi người, ngài nên ký giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe trong trường hợp ngài mất khả năng và không thể tự đưa ra quyết định y tế cho mình. Ai cũng nên làm điều này, không chỉ riêng Giáo hoàng.
Không gì làm tan vỡ gia đình khi phải cãi nhau về cách chăm sóc cha mẹ đang hấp hối. Chúng ta không muốn Giáo hội tranh cãi về cách chăm sóc một Giáo hoàng đang suy yếu. Ngài cần chỉ định người ngài tin tưởng, viết di chúc rõ ràng ngài muốn được chăm sóc như thế nào khi hấp hối.
Và trong trường hợp bi quan nhất, chúng ta cần biết ai là người có thẩm quyền để ngăn Giáo hoàng dùng các biện pháp y tế nếu những biện pháp này không còn mang lại lợi ích gì.
Giáo hội cũng cần có các quy trình để ứng phó trong trường hợp Giáo hoàng bị chứng mất trí hoặc hôn mê. Hoa Kỳ có Tu chính án để giải quyết trường hợp Tổng thống không có khả năng thực hiện nhiệm vụ của mình. Giáo hội công giáo cần các thủ tục tương tự.
Có tin cho biết Đức Phanxicô có một tài liệu mật để giải quyết những tình huống bất ngờ như vậy, nhưng sự bí mật lại tạo suy đoán và đồn đoán. Bất kỳ tài liệu nào do một hồng y tại Vatican làm sau khi giáo hoàng bị bệnh hoặc suy yếu sẽ làm cho những người theo thuyết âm mưu vô cùng thích thú. Các luật lệ do một số ít người đề ra và chưa bao giờ được ban hành chính thức theo yêu cầu của giáo luật sẽ bị thách thức.
Ngoài ra, các tài liệu quan trọng này cần được các thần học gia và luật gia giáo luật xem xét để họ có thể đề xuất những cải tiến. Giáo hội cũng cần thì giờ để nghiên cứu và hiểu các tài liệu. Chúng ta không muốn mọi người tranh luận về ý nghĩa của các văn bản trong lúc khủng hoảng. Giáo hội cần có các văn bản công khai nêu rõ luật lệ và thủ tục để giải quyết những tình huống này.
Thứ hai, Giáo hoàng cần cải cách các cuộc họp của các hồng y diễn ra trước mật nghị bầu giáo hoàng.
Những cuộc họp này được gọi là “đại hội đồng” là dịp để các hồng y thảo luận về các vấn đề mà Giáo hội đang phải đối diện. Dù các hồng y dưới 80 tuổi mới được tham dự mật nghị nhưng tất cả hồng y đều có thể tham gia các cuộc họp chung này.
Hầu hết thời gian của các cuộc họp này đều dành cho việc các hồng y phát biểu. Tại hội đồng chung trước mật nghị các bài phát biểu được giới hạn trong bảy phút, nhưng hầu hết các hồng y đều vượt quá thời gian quy định. Với khoảng 250 hồng y hiện nay, gồm cả những vị trên 80 tuổi, thì thời gian dành cho các bài phát biểu là quá nhiều.
Thượng Hội đồng Giám mục gần đây đã chỉ ra cách tốt hơn để tiến hành các cuộc họp này. Tại Thượng hội đồng, “các cuộc đối thoại trong Thánh Thần” đã được tiến hành tại các bàn tròn gồm 10 người. Những bàn thảo này là giây phút cầu nguyện, lắng nghe và phân định, được các hồng y đánh giá cao. Một quá trình tương tự sẽ giúp họ chuẩn bị tốt hơn cho mật nghị thay vì một loạt các bài phát biểu nhàm chán. như thế sẽ giúp các hồng y, đặc biệt là các tân hồng y có thời gian làm quen nhau.
Ban Thư ký chung của Thượng Hội đồng nên được trao quyền để tạo điều kiện cho những cuộc thảo luận như vậy. Các cuộc thảo luận có thể kéo dài một tuần và tập trung vào ba chủ đề: tình hình thế giới, tình hình Giáo hội và những phẩm chất cần có ở Giáo hoàng tiếp theo.
Thứ ba, Giáo hoàng cần khôi phục lại các thủ tục bỏ phiếu truyền thống tại mật nghị.
Trong nhiều thế kỷ, trước thời Đức Gioan-Phaolô II, việc bầu giáo hoàng đòi hỏi phải có hai phần ba số phiếu hồng y, chủ ý khuyến khích sự đồng thuận thay vì nguyên tắc đa số, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải tìm ra một ứng cử viên thỏa hiệp.
Đức Gioan-Phaolô II đã ra sắc lệnh mà không giải thích gì, Ngài quyết định rằng sau khoảng 30 lần bỏ phiếu, các hồng y có thể bầu giáo hoàng bằng số phiếu đa số. Một số người cho rằng ngài làm vậy để tránh mật nghị kéo dài, dù kể từ năm 1831, chưa có một mật nghị nào kéo dài hơn bốn ngày.
Trên thực tế, nó đã tạo tiền đề cho việc bầu Đức Bênêđíctô XVI. Khi nhận được đa số phiếu bầu, các hồng y biết có thể bầu theo các thủ tục mới nếu họ bỏ phiếu đủ số lần. Theo các thủ tục cũ, một phần ba cộng thêm một hồng y có thể ngăn chặn cuộc bầu cử và buộc phải thỏa hiệp. Theo thủ tục mới, không cần phải có hai phần ba số phiếu bầu, nhưng chỉ cần 30 vòng phiếu. Kết quả là nhóm thiểu số phản đối sẽ bỏ cuộc và bỏ phiếu cho ngài thay vì kéo dài điều không thể tránh khỏi.
Đức Bênêđíctô XVI lại thay đổi các thủ tục một lần nữa, theo đó thay vì bầu cử bằng đa số phiếu, các hồng y sẽ có vòng bầu cử thứ hai giữa hai ứng viên có số phiếu cao nhất. Ngài cũng yêu cầu ứng viên chiến thắng phải nhận được hai phần ba số phiếu bầu, như thế sẽ mở đường cho mật nghị trong trường hợp bế tắc vì không có ứng viên nào có được hai phần ba số phiếu cần thiết. Như thế sẽ là một thảm họa cho Giáo hội.
Cách bầu theo truyền thống bằng hai phần ba số phiếu tốt hơn các cách mới, khuyến khích việc bầu ra một ứng viên được đồng thuận thay vì chỉ bầu một ứng viên đại diện cho phe đa số. Như thế cho phép mật nghị bỏ phiếu cho các ứng viên khác nhau cho đến khi có một ứng viên nhận được hai phần ba số phiếu bầu.
Tôi yêu mến Đức Phanxicô vì ngài là Giáo hoàng mục vụ quan tâm đến người tị nạn, người di cư, người nghèo và môi trường. Nhưng ngài không phải là luật sư chuyên ngành giáo luật, nên những thay đổi mà tôi thúc đẩy không phải là ưu tiên của ngài. Có lẽ giải pháp tốt nhất là giao những chủ đề này cho một chuyên gia về giáo luật, chẳng hạn như Hồng y Gianfranco Ghirlanda, Hồng y có thể soạn thảo các đề xuất để thảo luận công khai trong Giáo hội.
Nếu may mắn, chúng ta có thể không phải đối diện với những vấn đề này trong tương lai gần, nhưng các thể chế không nên phụ thuộc vào may mắn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Phanxicô ở bệnh viện: Vatican tạm ngưng các bản tin sức khỏe hàng ngày
Điều gì sẽ xảy ra nếu Đức Phanxicô không còn đủ năng lực để điều hành Giáo hội?