Linh mục Guy-Emmanuel Carriot giải thích cách ngài trừ quỷ

27

Linh mục Guy-Emmanuel Carriot giải thích cách ngài trừ quỷ

Linh mục Guy-Emmanuel Carriot

Nghi thức trừ quỷ diễn ra như thế nào? Dấu hiệu bị quỷ ám là gì? Trang Gia đình Kitô giáo phỏng vấn Linh mục Guy-Emmanuel Carriot, nhà trừ quỷ của giáo phận Pontoise, nước Pháp về sứ mệnh đặc biệt tiếp xúc với điều siêu nhiên hàng ngày của ngài.

famillechretienne.fr, Cyriac Zeller và Louis Jaboulay, 2024-11-22

Ngày nay một linh mục trừ quỷ có còn nhiều việc không?

Linh mục Guy-Emmanuel Carriot. Vẫn còn nhiều việc để làm, không nhất thiết là làm những nghi thức trừ quỷ nhưng tất cả những việc liên quan như đón nhận những người cảm thấy mình bị ma quỷ tấn công.

Xin cha cho biết cha tiếp khoảng bao nhiêu người bị quỷ ám?

Khoảng năm hoặc sáu người mỗi tuần, vài trăm người mỗi năm.

Những người này cảm thấy họ bị các thần linh hoặc ma quỷ khống chế?

Một số người tự họ chẩn đoán, họ nói: “Tôi bị quỷ ám” hoặc “Tôi bị như vậy như kia”. Có người đến xin tôi khuyên nhủ, họ nói: “Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra trong đời tôi. Xin cha giải thích cho tôi.” Dù sao tôi là người phân định và chẩn đoán, cả với những người họ nghĩ họ bị quỷ ám.

Cụ thể, sự phân định này được thực hiện như thế nào?

Tôi lắng nghe họ một thời gian dài. 100% họ bị tắc nghẽn, thường là họ bị cô lập. Họ cảm thấy có vấn đề trong cuộc sống. Tôi hỏi một số câu hỏi, đặc biệt về những chuyện họ chưa nói ra, vì vấn đề nằm ở đó. Tôi nghe hơn một giờ, tôi ghi chép và hẹn họ trở lại vài tuần sau, tôi giao cho họ một số việc để làm như đi xưng tội, giúp đỡ ai đó. Tôi cũng xin họ đi hành hương đến những nơi quen thuộc như Lộ Đức, Rue du Bac ở Paris. Ba tuần hoặc một tháng sau tôi kiểm lại. Nếu họ không làm được gì, không có gì thay đổi, có thể đó là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó bên trong đang chống lại việc hoán cải.

Những dấu hiệu nào cho thấy cần phải trừ quỷ?

Tôi mong có một danh sách chính xác và dễ hiểu về các dấu hiệu này để xác định, nhưng rất tiếc là không có. Một số dấu hiệu được mô tả trong nghi thức: ác cảm rõ rệt với các vật linh thiêng như thánh giá hoặc các biểu tượng. Tuy nhiên, chỉ riêng những dấu hiệu cũng không phải là bằng chứng dứt khoát họ bị quỷ ám, nhưng cần phải ghi lại một số biểu hiện này.

Nghi thức còn đề cập đến những hiện tượng như biết các ngoại ngữ chưa từng biết, những thông tin ẩn giấu, đôi khi liên quan đến cuộc đời của nhà trừ quỷ. Sức mạnh thể chất phi thường cũng có thể là một dấu hiệu: tôi đã thấy một bà cụ nâng bàn của tôi lên… Nhưng tất cả những dấu hiệu này chỉ là thứ yếu. Dấu hiệu thực sự là đoạn tuyệt hoàn toàn với Chúa: họ không thể vào nhà thờ hoặc có phản ứng thù nghịch như gầm gừ khi cầu nguyện, nhưng tất cả những yếu tố này cũng không bao giờ mang lại sự chắc chắn tuyệt đối.

Thông thường trong quá trình trừ quỷ, các biểu hiện xảy ra rõ ràng hơn, cho thấy quyền năng Chúa Giêsu đang hoạt động. Trong Tin Mừng, khi Chúa Giêsu vào thành Ca-pha-na-um, Ngài đối diện với người đàn ông lao vào Ngài. Không phải Chúa Giêsu gọi ma quỷ mà là ánh sáng thần linh của Ngài soi sáng và đối đầu với kẻ thù. Tương tự như vậy, trong nghi thức trừ quỷ, một người dường như có đủ khả năng để cầu nguyện bình thường, trước khi đột ngột thay đổi. “Công tắc” này ma quỷ dường như nắm quyền kiểm soát, đó là khoảnh khắc đáng lo ngại, ngay cả với nhà trừ quỷ có kinh nghiệm.

Đối diện với cuộc đối đầu này, nhà trừ quỷ phải nhớ mình không hành động nhân danh mình mà nhân danh Giáo hội và sứ mạng được Chúa Thánh Thần ủy thác qua Giám mục của mình. Đây là một phần di sản của chính Chúa Giêsu, Đấng đã trừ quỷ và xem sứ mệnh này là nhiệm vụ thiết yếu của Giáo hội.

Có nhiều nghi thức trừ quỷ khác nhau, có nghĩa là có nhiều loại quỷ khác nhau?

Quỷ hành động theo hai cách chính. Trước hết nó cám dỗ, tất cả chúng ta đều biết: nó khuyến khích làm điều xấu, nhượng bộ trước những suy nghĩ như: “Làm đi, bạn không cần phải theo quy tắc, ai cũng làm như vậy.” Cách này là tầm thường, mặc dù phổ biến. Hành động ngoại thường thì cụ thể hơn và thuộc phạm vi trừ quỷ. Nó biểu hiện dưới bốn hình thức riêng biệt.

Bực tức: Hình thức này tác động đến thân thể. Một số người cho biết họ cảm thấy bị va đập, trầy xước hoặc các hiện tượng vật lý không giải thích được. Trong trường hợp này, quỷ dường như tác động từ bên ngoài lên cơ thể nạn nhân.

Bị ám ảnh: Tâm lý bị ảnh hưởng của những suy nghĩ xâm nhập hoặc những cám dỗ đặc biệt mãnh liệt như có ý định tự tử. Phân định trong những trường hợp này rất phức tạp, đặc biệt do các rối loạn tâm thần cũng có những triệu chứng tương tự.

Chiếm hữu: Đây là hình thức được biết đến nhiều nhất, quỷ dường như hành động từ bên trong, dùng cơ thể như một con rối. Nhưng chúng ta cần nhớ một điều quan trọng: họ vẫn là con của Chúa, dù họ ở trong tình trạng này. Nếu ma quỷ có thể tạo ấn tượng là đang nắm quyền kiểm soát thì chính Chúa là Đấng duy trì quyền năng kiểm soát.

Phá hoại: Biểu hiện này liên quan đến đồ vật và địa điểm. Về mặt thần học, điều này khó hiểu hơn vì không có quyền tự do cụ thể cho một địa điểm hoặc một đối tượng. Tuy nhiên, nó vẫn tồn tại: một số nơi dường như là nơi xảy ra ảnh hưởng xấu xa. Thỉnh thoảng tôi đến trong những căn nhà này để cầu nguyện.

Vì thế có huyền thoại về căn nhà bị quỷ ám. Có nơi nào bị quỷ ám không?

Có khả năng một số căn nhà bị quỷ ám nhưng không thể đưa ra bằng chứng dứt khoát. Thông thường, khi họ nêu lên mối lo này, tôi mời họ đến gặp tôi tại văn phòng, họ tả cho tôi những hiện tượng họ quan sát, tôi đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn. Mục tiêu của tôi là xác định xem họ có cố ý hay không, họ có mở “cánh cửa” cho loại tác động này không, qua các hoạt động tâm linh, giữ các đồ vật lạ hoặc những lời cầu nguyện đáng ngờ nào đó.

Sau đó phải kiểm tra lịch sử căn nhà, các hoạt động nào đã diễn ra ở đó? Có những người không tốt hoặc có sự kiện tội phạm không? Điều đó cho biết, sự hiện diện đơn giản của một cái chết trong căn nhà không phải là dấu hiệu đủ để kết luận rằng có phá hoại. Suy cho cùng, ở tất cả mọi nhà đều có người đã chết ở đó. Cái chết là một phần của cuộc sống và không nhất thiết phải có những hậu quả về mặt tinh thần.

Có lần tôi được mời đến làm phép cho một căn nhà ở thành phố. Chủ nhà là người phụ nữ thường đi lễ, bà muốn tôi làm phép căn nhà của bà. Khi vào các phòng, tôi thấy nhiều đồ vật liên quan đến các sinh hoạt huyền bí: những cuộn giấy như các cuộn giấy trong đạo Do Thái, nhưng đó là các công thức ma thuật. Tôi quyết định ngưng làm phép, giải thích cho bà các vấn đề liên quan đến những đồ vật này. Tôi nhấn mạnh đến việc bà cần xác định và củng cố đức tin của bà vào Chúa. Tôi không phán xét bà, vì cách bà làm rõ ràng là do sợ hãi. Bà vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận Chúa Kitô là Đấng giải thoát, bà mong chờ ở các ma thuật hơn là có một cách tiếp cận tâm linh thực sự. Nhưng, trừ tà không phải là hình thức ma thuật. Với tư cách là nhà trừ quỷ, tôi tuyên bố Chúa Giêsu là Thầy, nhưng sự thật này phải được những người liên hệ đón nhận.

Hai tháng sau, tôi đến lại, bà đã thực sự tiến bộ, cả về đức tin và đời sống hàng ngày. Nỗi sợ của bà đã biến mất, tâm hồn bà đã thanh thản. Ngày hôm đó, phép lành của tôi không phải là phép trừ quỷ, vì sự giải thoát nội tâm của bà đã được hoàn thành.

Những người đến gặp cha bị ai chiếm hữu? Con quỷ? Thần linh xấu?

Rất khó để xác định chính xác đó là ma quỷ. Trên Internet, có rất nhiều trang web liệt kê và đặt tên cho chúng, nhưng tôi rất thận trọng với cách tiếp cận này. Đằng sau những mô tả này luôn ẩn giấu Satan, kẻ thù thực sự.

Có nhiều thần linh và ác quỷ khác nhau, đại diện cho vô số thiên thần sa ngã. Họ có thể can thiệp theo các cách khác nhau. Nhưng trong nghi thức trừ quỷ, Satan, thủ lĩnh của quỷ thường được trực tiếp nhắc đến. Cũng như việc cầu nguyện trực tiếp với Chúa thường hiệu quả hơn là cầu nguyện với các vị trung gian, trong bối cảnh này, đó là việc chiến đấu với Satan, kẻ thù chính.

Và chúng ta bị quỷ ám như thế nào?

Một số yếu tố có thể đưa đến hình thức bị quỷ ám. Phổ biến nhất là tiếp xúc với ma thuật và phù thủy. Theo kinh nghiệm của tôi, những thực hành này chắc chắn sẽ rơi vào thế giới của bóng tối, dù đó là nạn nhân hay thủ phạm. Ma thuật, phù thủy và mê tín mở ra những “cánh cửa” tâm linh, đôi khi một cách vô thức. Nhiều người không nhận thức được sự nguy hiểm của chúng và họ làm.

Ở mức độ tâm linh, thực tại có tính nhị phân: chỉ có Chúa hoặc ma quỷ. Rõ ràng Thiên Chúa vượt trên tất cả, không có trung gian. Vì thế điều  quan trọng là chỉ cầu khẩn với Chúa, vì nếu không, ngay cả khi không cố ý, chúng ta có nguy cơ kêu gọi ma quỷ. Tất nhiên, sự thiếu hiểu biết này có thể làm giảm bớt trách nhiệm của con người, nhưng nó không ngăn cản việc mở ra những cánh cửa tâm linh.

Ví dụ, gần đây tôi gặp một bà coi bài tarot. Bà nói: “Cuộc sống của con bị bế tắc.” Tôi hỏi bà làm nghề gì, bà trả lời: “Con xem bài tarot để biết tương lai.” Như thế là hiển nhiên: việc làm của bà là nguồn gốc của những rắc rối của bà. Tôi khuyên bà dừng lại ngay lập tức, nhưng bà giải thích đó là nghề sinh sống của bà, bà kiếm được 5.500 âu kim mỗi tháng, một số tiền lớn. Tôi thẳng thắn nói với bà: “Bà phải lựa chọn, làm việc này sẽ đưa bà đến cái chết vĩnh viễn. Bà không còn tự do, dù bà nghĩ bà đang làm điều tốt.”

Thật vậy, ngoài những ý nghĩa tâm linh, các thực hành này còn có hại, cả về sức khỏe tinh thần và cảm xúc. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo rất rõ ràng: xem tử vi cũng bị cấm vì làm chúng ta mất niềm tin vào Thiên Chúa. Tin rằng tương lai của mình được viết ở đâu đó là phủ nhận quyền tự do của con người.

Sự tự do này rất quý giá: cả khi mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, như bệnh tật, như các sự kiện quốc tế, chúng ta vẫn có quyền lực to lớn với cuộc sống của mình. Chúng ta có những lựa chọn, từ bỏ những hành động nào đó và đặt niềm tin vào Chúa. Chúng ta có nhiều chìa khóa để định hình tương lai của mình. Tin vào Chúa là liều thuốc giải độc cho mọi thuyết tất định.

Phép phù thủy có thể là một trong những nguyên nhân gây ra quỷ ám, có những nguyên nhân khác không?

Một số người đến hỏi tôi sau khi họ là nạn nhân của bùa chú, của lời nguyền. Những lời nguyền này có thể được làm qua các vật thể lạ để lại trên tấm thảm chùi chân, các xác động vật hoặc thực vật. Điều này đã xảy ra với cá nhân tôi. Những hành vi này tạo ra sự khó chịu sâu sắc vì chúng phản ánh mong muốn làm hại ai đó.

Dù hiếm nhưng vẫn có người thờ ma quỷ. Đa số họ không đến gặp nhà trừ quỷ vì lối sống của họ thường dẫn họ đến hành vi tự hủy hoại bản thân, nghiện ngập nghiêm trọng hoặc thành điên loạn để cuối cùng họ ra đi. Tôi tình cờ gặp một người theo chủ nghĩa Satan công khai, nhưng chuyện này là chuyện ngoại lệ. Những người tin quỷ hoặc thích phim ma quỷ, thờ Satan rất ít, nếu có, họ chỉ là một thiểu số nhỏ bé.

Những trường hợp này hẳn rất khó khăn?

Một số người sẵn sàng từ bỏ tự do của mình, kể cả việc làm các hiệp ước hoặc có những hành động nghiêm trọng khác để mở những cánh cửa đi vào trong sâu thẳm tâm hồn họ. Dù họ có thể được cứu, vì Chúa vĩ đại hơn tất cả những điều này, nhưng hậu quả của những lựa chọn này thường rất phức tạp để sửa chữa.

Cũng có những trường hợp hiếm hoi, có người bị tấn công không phải vì lỗi lầm của họ, nhưng vì họ thánh thiện. Đó là trường hợp của các thánh vĩ đại như Cha xứ Ars, Thánh Antôn Pađua hoặc các nhân vật tâm linh khác, đôi khi họ bị quỷ ám tạm thời. Không nên hiểu sai các trường hợp này. Sẽ sai lầm nếu một nhà trừ quỷ hoặc bề trên Dòng như cha viện trưởng, mẹ viện trưởng bị quỷ ám, không nhất thiết họ có hành vi đáng trách nhưng có thể vì họ thánh thiện sâu sắc, thu hút sự căm ghét của ma quỷ. Trong những trường hợp này, sự giải thoát dựa trên lòng trung thành nội tâm và dấn thân chiến đấu của họ. Đó là con đường đầy thử thách, nhưng là con đường làm chứng cho chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa trên mọi hình thức sự dữ. 

Cụ thể việc trừ quỷ diễn ra như thế nào?

Thường nghi thức này diễn ra trong nhà nguyện và yêu cầu phải riêng tư, không được công khai hoặc quay phim. Nhiều nhà báo xin tham dự nhưng không thể, chúng tôi hiểu lý do vì có thể làm nhục người bị quay phim, có thể họ sẽ có những hành vi kỳ cục.

Như thế trên thực tế nghi thức này sẽ như thế nào? Nghi thức được làm ở nguyện đường, ở nhà nguyện có những ngọn nến được thắp trên bàn thờ. Nhà trừ quỷ và những người tham dự cầu nguyện, có thể họ đã cử hành thánh lễ hoặc xưng tội. Các tu sĩ nam nữ cầu nguyện trong nguyện đường của họ. Sau đó mọi người làm theo nghi thức, điều này rất quan trọng vì không được để ma quỷ dẫn dắt, vì thế phải theo nghi thức. Bắt đầu làm dấu thánh giá, rảy nước thánh, nhắc lại phép rửa và quyền năng của Thiên Chúa trên các thế lực sự dữ. Sau đó đọc kinh cầu các thánh. Điều rất quan trọng là Hội Thánh Thiên Đàng có mặt tại đây, lúc này. Tiếp theo là phần phụng vụ Lời Chúa, đọc một thánh vịnh và Tin Mừng. Lời mở đầu Tin Mừng Thánh Gioan thường được đọc trong nghi thức trừ quỷ. Linh mục vừa đọc kinh cầu thứ hai vừa đặt tay lên đầu người bị quỷ ám, tuyên xưng đức tin và tuyên bố từ bỏ Satan. Cuối cùng đọc Kinh Lạy Cha, “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”.

Tiếp theo là phần dựng thánh giá và bắt đầu nghi thức trừ tà. Có hai loại trừ tà: trừ tà khẩn xin và trừ tà nguyền rủa. Trừ tà khẩn xin là cầu nguyện với Chúa, “Lạy Chúa, xin giải thoát tôi tớ Chúa khỏi các trở ngại của ma quỷ.” Nhà trừ quỷ trực tiếp nói với ma quỷ: “Ta ra lệnh cho ngươi, hoàng tử của bóng tối, ra khỏi người này!”.

Chúng ta có thể dùng nhiều công thức và bắt đầu lại từ đầu, nếu cần đọc cả hai câu. Tùy trường hợp, người bị quỷ ám có thể tỉnh táo cho đến phút cuối cùng. Sau vài ngày, nhà trừ quỷ hỏi đương sự những gì họ đã trải qua và những gì họ nhớ được. Thường thường họ không nhớ gì, và như thế lại tốt hơn. Có lần tôi bị một phụ nữ sỉ nhục tôi suốt một giờ. Tôi mừng vì bà không nhớ bà đã nói gì, tôi cẩn thận không nhắc lại vì điều đó chẳng ích gì.

Có thể xảy ra trường hợp người đó được giải thoát ngay lời cầu nguyện đầu tiên. Nếu không, vài tháng sau phải lặp lại việc trừ quỷ, tùy theo mức độ bị quỷ ám, quan trọng là họ biết họ ở trong tình trạng nào với ma quỷ, vì ngay cả người bị quỷ ám cũng vẫn giữ được một phần tự do. Con người có tự do. Các động vật như chuột đồng hay cá vàng không có được tự do này. Con người có tự do này. Đức tin không thể tồn tại nếu không có tự do, dù có khi tự do bị cản trở.

Sau mười năm kinh nghiệm, tôi nhận ra những dấu hiệu bên ngoài như mặt mày nhăn nhó, đó chỉ đơn giản là những biểu hiện thể chất không quan trọng. Nó như các bức tượng đầu thú chúng ta thấy ở các nhà thờ như Nhà thờ Đức Bà Paris. Bên trong Giáo hội, chúng ta bước vào một thế giới đẹp đẽ, cân bằng và trật tự. Bên ngoài có những nếp nhăn. Tôi nhìn những cái nhăn mặt này vì chúng báo cho tôi, chủ yếu phải tập trung vào nghi thức của tôi. Tôi ở đây nhân danh Giáo hội, nhân danh Chúa Giêsu Kitô.

Trong những nghi thức này, cha xưng hô với ma quỷ bằng những công thức cố định. Quỷ có trả lời cha không?

Có thể có những lúc ma quỷ lên tiếng, đặt câu hỏi hoặc cho thấy nó tiết lộ nhiều điều. Chẳng hạn: “Ông không thể làm gì được. Người đó là người của tôi.” Về nguyên tắc tôi không bao giờ tin nó, nó là kẻ nói dối. Hơn nữa, trong nghi thức có câu: “Im đi, cha của dối trá, im đi!”.

Cha có bao giờ cảm thấy sợ hãi trong các nghi thức trừ tà không?

Lúc đầu tôi sợ, nhưng với kinh nghiệm thì ít hơn. Điều luôn làm tôi ngạc nhiên là sự “chuyển đổi“ như tôi đã nói, nó có thể xảy ra rất đột ngột. Tôi không mong điều này, nhưng có khi bỗng nhiên có một tiếng nổ, một tiếng hú, một tiếng động dữ dội. Có thể có người ngã xuống đất hoặc tự đánh mình. Trong những lúc này, tôi ngạc nhiên, khi đó tôi tập trung vào những hình ảnh giúp ích cho tôi. Chẳng hạn tôi nghĩ đến hình ảnh Cha Carriot với nghi thức của ngài, sau đó tôi thấy Giám mục của tôi ở phía sau, sau đó là Đức Phanxicô với vẻ mặt đe dọa và cuối cùng là mái vòm của Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Và tôi tự nhủ tôi có cả Giáo hội ở bên tôi, tôi không đơn độc trong cuộc chiến này.

Chính Chúa Giêsu là kẻ bị ma quỷ ghét. Với tư cách linh mục của Chúa Giêsu, tôi được Ngài nâng đỡ. Tôi có hình ảnh này trong đầu, chỉ cần một giây, hình ảnh này giúp tôi trở về với cuộc chiến. Quả thực đây là cuộc chiến không hề dễ dàng, nhưng tôi tự nhủ đó là một phần sứ mệnh của chúng ta.

Cha có nguy cơ bị quỷ ám cao hơn khi trừ quỷ không?

Nó không xảy ra qua tiếp xúc thể lý, nó không phải là Covid! Nhưng chúng ta bị ảnh hưởng nhiều hơn ở mức độ tâm lý vì chúng ta phải đối diện 100% với những người đang đau khổ. Để có thể làm được, tôi cần thư giãn như cầu nguyện và đi thăm bạn bè. Điều quan trọng là đừng bị kẹt trong buồn bã, vì Thiên Chúa là niềm vui và những người bị quỷ ám thường không có niềm vui, và thật quá quý khi họ thoát được quỷ ám. Khi họ tìm lại được nụ cười, niềm vui từ những điều nhỏ nhặt, niềm vui của thiên nhiên, niềm vui được tiếp xúc với người thân yêu. Đó là niềm vui to lớn của tôi.

Tôi xin kể một chuyện rất hay về chuyện này. Ba cô gái trẻ đến gặp tôi cùng với cô em 16 tuổi của họ, họ nói người em của họ đang gặp rắc rối lớn và họ nghĩ người em bị quỷ ám. Họ kể về một người chú đã làm pháp  thuật trên cô em. Tôi lắng nghe và hỏi cô gái. Tôi thấy rõ ràng cô có vấn đề tâm lý, tôi để ý đến lời của các cô chị. Họ kể người chú rất tức giận gia đình họ và làm pháp thuật phù thủy chống họ. Trong trường hợp này, tôi không trừ tà nhưng dùng lời cầu nguyện để giải thoát. Không bị quỷ ám nên không có nghi thức trừ tà. Năm người chúng tôi cầu nguyện cho người em được giải thoát.

Một tháng rưỡi sau, họ quay lại gặp tôi, tôi nghĩ có lẽ mình sẽ phải bắt đầu lại. Nhưng bốn cô ăn mặc rất xinh đến gặp tôi, họ hát rất hay bài Magnificat nhiều bè. Tôi muốn khóc, quá đẹp và quá cảm động.

Xin cha chia sẻ buổi trừ tà đáng nhớ nhất của cha.

Đó là một phụ nữ đến từ Châu Phi có cuộc sống khủng khiếp và khó khăn với rất nhiều bạo lực và tội lỗi. Cô bị ép phải mại dâm và buôn bán ma túy, cô sống nghề cướp bóc và tà thuật để tự bảo vệ mình. Cô trả tiền cho các linh mục để họ trừ tà, họ cho cô uống thuốc. Khi cô đến gặp tôi, cô đã là một tín hữu kitô nhưng cô còn bị ám và đau khổ về thể xác, cô bị khuyết tật và phải đi nạng. Trong lần trừ tà đầu tiên, cô đứng dậy không cần nạng và nhảy múa lả lơi, cho thấy đây là quá khứ của cô.

Sau đó, cô bò quanh nhà nguyện rất nhanh, lúc đầu một số người muốn ngăn cô, nhưng tôi bảo cứ để cô làm. Chúng tôi ngồi xuống, nhắm mắt và cầu nguyện trong thinh lặng. Ma quỷ không thích im lặng. Cô quay ba, bốn lượt rồi gục xuống trước bàn thờ. Lúc đó tôi tiếp tục trừ tà. Rất ấn tượng. Cô được giải thoát và sau đó tôi gặp lại cô vài lần. Đây là một hành trình chữa lành tốt đẹp.

Tất cả điều này không thú vị lắm. Thực tế đáng buồn là sự dữ ma quỷ vẫn làm với chúng ta hàng ngày. Thật là buồn. Phạm tội trọng còn tệ hơn bị quỷ ám.

Có khí cụ nào để bảo vệ chúng ta chống lại ma quỷ không?

Khí cụ chính của chúng ta là đức tin. Khi chúng ta tin, chúng ta có tự do của mình, đó là ơn chúng ta nhận được. Điều quan trọng là phải có hành động đức tin với Chúa, chẳng hạn mỗi buổi sáng thức dậy nói với Chúa: “Lạy Chúa, con thờ phượng Chúa với hết cả tấm lòng của con”. Lặp đi lặp lại lời cầu nguyện này nhiều lần trong ngày. Không phải là câu thần chú nhưng là câu để nói lên đức tin chân thành của chúng ta.

Ngoài đức tin, chúng ta cũng phải thường xuyên xưng tội, vì tội lỗi là tật xấu tạo cơ hội cho ma quỷ can thiệp vào cuộc sống chúng ta. Chúng ta có đồng minh là Mẹ Thiên Chúa, Đức Trinh Nữ, Đấng hoàn toàn là ánh sáng. Chúng ta lần hạt Mân Côi, cầu khẩn các thánh, hành hương và đi lễ ngày chúa nhật. Những chữa lành này giúp chúng ta củng cố đức tin và xua tan bóng tối.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch