“Mối đe dọa ngày càng cụ thể của một cuộc chiến tranh thế giới”

28

“Mối đe dọa ngày càng cụ thể của một cuộc chiến tranh thế giới”

cath.ch, I.Media, 2025-01-09

Ngày thứ năm 9 tháng 1-2025, Đức Phanxicô chúc Ngoại giao đoàn đầu năm 2025. © Truyền thông Vatican

Một lần nữa khi chúc đầu năm Ngoại giao đoàn, Đức Phanxicô lo ngại cho “mối đe dọa ngày càng cụ thể của một cuộc chiến tranh thế giới”.

Trong bài phát biểu hàng năm được quan tâm nhiều nhất, ngài nêu rõ đường hướng ngoại giao của Tòa Thánh – nơi duy trì quan hệ chính thức với 184 quốc gia – phác thảo các đặc điểm của “nền ngoại giao hy vọng”. Vì ngài bị cảm nên bài diễn văn được linh mục người Ý Filippo Ciampanelli đọc: “Năm mới là dịp nghỉ ngơi và suy nghĩ về các mối quan hệ gắn kết chúng ta để chúng ta không là người lang thang hy vọng nhưng là người hành hương hy vọng. Và năm 2025 là Năm Thánh của Hy vọng.”

Linh mục Filippo Ciampanelli 

Tin tức giả về khí hậu

Lên án “bầu khí bất an” của các hành động khủng bố ghê tởm như các hành động vừa xảy ra gần đây ở Magdeburg, Đức và ở New Orleans, Hoa Kỳ. Ngài chỉ trích tin tức giả đã làm méo mó lương tâm và tạo bầu khí nghi ngờ khơi dậy lòng căm thù. Các cuộc tấn công nhằm vào Tổng thống Chính phủ Cộng hòa Slovakia và Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ là những ví dụ bi thảm về điều này. Những lời này như lời muốn nói với Tổng thống Donald Trump, người có mối quan hệ khó khăn với Giáo hoàng, sau khi đắc cử, ông đã bổ nhiệm ông Brian Burch, người công khai thù nghịch với đường lối của Đức Phanxicô làm đại sứ Mỹ tại Tòa Thánh.

Đối thoại với “kẻ khó chịu nhất”

Trong bài diễn văn, Đức Phanxicô nhắc lại đường lối ngoại giao của Vatican, ngài xin các đại sứ “đối thoại với mọi người, kể cả những người bị cho là phiền phức hoặc không được cho là hợp pháp để đối thoại”.

Ngài lên án khuynh hướng “tạo biên giới mới là biên giới phân định danh tính” bên cạnh các biên giới địa lý đã chia cắt “đảo Síp trong hơn năm mươi năm và bán đảo Triều Tiên trong hơn bảy mươi năm. Năm 2021 và 2014 ngài đã đến thăm hai quốc gia này.

Không thể chấp nhận quyền phá thai

Ngài kêu gọi “một nền ngoại giao chân lý”, lên án khuynh hướng tạo chân lý cho riêng mình và coi thường tính khách quan của chân lý. Trong lãnh vực ngoại giao, ngài kêu gọi có một ngôn ngữ đơn giản, rõ ràng và thống nhất, chỉ trích nỗ lực dùng các văn bản đa phương – thay đổi ý nghĩa các thuật ngữ hoặc đơn phương diễn giải lại nội dung các hiệp ước nhân quyền để thúc đẩy các hệ tư tưởng gây chia rẽ.

Một lần nữa, ngài lên án “chủ nghĩa thực dân về mặt ý thức hệ bao gồm các chương trình được lên kế hoạch cẩn thận và tập trung vào quyền cá nhân, bỏ bê nghĩa vụ với người khác”. Khi nói về quyền phá thai, ngài nhấn mạnh: “Đây là điều không thể chấp nhận, ngược với quyền con người, đặc biệt là quyền được sống (…) Không có trẻ em nào là sai lầm hay có tội khi ‘tồn tại, cũng như không có người già hay người bệnh nào người có thể bị tước mất hy vọng hoặc bị không cho sống’.”

Nhân loại lạc lối hơn bao giờ hết

Ngài nói tiếp: “Nhân loại chưa bao giờ chứng kiến nhiều tiến bộ, phát triển và giàu có đến như vậy, và có lẽ chưa bao giờ con người thấy mình cô đơn và lạc lõng đến như vậy, con người thích nuôi động vật hơn nuôi con.”

Về vấn đề thao túng lương tâm, ngài lo ngại cho các phương tiện truyền thông hiện đại và trí tuệ nhân tạo, ngài kêu gọi chú ý đến “quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm việc làm cho hàng triệu người, tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ môi trường, chống lại rác thải điện tử.”

Lên án “diệt chủng” ở Gaza và chủ nghĩa bài Do Thái

Trước cộng đồng quốc tế, ngài đã có bài phát biểu nhằm giải quyết nhiều cuộc xung đột đang tàn phá toàn cầu, ủng hộ chính sách ngoại giao của tha thứ. Trước hết, ngài kêu gọi chấm dứt cuộc chiến đẫm máu đã tàn phá Ukraine trong gần ba năm và chữa lành vết thương do cuộc xâm lược gây ra, nhưng ngài không nêu đích danh Nga.

Tiếp nối lời kêu gọi liên tục của ngài trong hơn một năm, ngài kêu gọi ngừng bắn ở Đất Thánh và trả tự do cho các con tin Israel ở Gaza, “nơi tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng và đáng sợ”.

Gần đây ngài đã có những lời lẽ rất gay gắt về hành động của Israel, ngài lên án “cuộc diệt chủng“ ở Dải Gaza. Ngài kiên quyết lên án những biểu hiện ngày càng gia tăng của chủ nghĩa bài Do Thái, ảnh hưởng ngày càng nặng trên nhiều Cộng đồng Do Thái trên toàn thế giới.

Ngài nhắc lại lập trường của Tòa thánh ủng hộ hai nhà nước Israel và Palestine, duy trì vị thế Giêrusalem là thành phố gặp gỡ, nơi những người theo Thiên chúa giáo, Do Thái và Hồi giáo chung sống hòa thuận và tôn trọng nhau.

Sẵn sàng thảo luận với Nicaragua

Tại Syria, ngài kêu gọi bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất cho người dân Syria, cho những người theo Thiên chúa giáo để có những cải cách hiến pháp cần thiết. Tại Lebanon, ngài kêu gọi ổn định thể chế, tái thiết miền Nam đất nước bị chiến tranh tàn phá và thực thi đầy đủ Hiến pháp và Hiệp định Taif.

Ngoài ra ngài liệt kê các cuộc xung đột vẫn còn tồn tại ở lục địa Châu Phi, gồm Sudan, Sahel, Sừng Châu Phi, cuộc khủng hoảng chính trị ở Mozambique, cũng như chủ nghĩa khủng bố ở các khu vực phía đông Cộng hòa Dân chủ Congo. Ngài cũng nhắc đến Myanmar, đến Haiti, ngài đề cập đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela. Ngài kêu gọi tôn trọng quyền của những người bị bắt trong các cuộc biểu tình ở Bolivia và Colombia. Về phía Nicaragua, ngài đảm bảo Tòa thánh sẵn sàng đối thoại, ngài lo ngại về các biện pháp chống lại người dân và các tổ chức của Giáo hội.

Tiếp tục đối thoại với Trung Quốc

Ngài phản đối các cuộc đàn áp tín hữu kitô của các nhóm khủng bố ở Châu Phi và Châu Á, phản đối các hình thức hạn chế tự do tôn giáo rất tinh vi đôi khi xảy ra ở Châu Âu.

Và ngài hoan nghênh một số dấu hiệu đáng khích lệ gần đây như việc gia hạn Hiệp định tạm thời giữa Tòa thánh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc bổ nhiệm giám mục. Ngài hoan nghênh ý nguyện tiếp tục đối thoại tôn trọng và mang tính xây dựng vì lợi ích của Giáo hội và của toàn thể người dân Trung Quốc. Ngài hy vọng nối lại các cuộc thương thuyết về năng lượng hạt nhân của Iran.

Nô lệ lao động hiện đại

Về vấn đề nô lệ lao động hiện đại, ngài lên tiếng: “Hai ngàn năm kitô giáo đã góp phần xóa bỏ chế độ nô lệ khỏi mọi hệ thống pháp luật, nhưng nhiều hình thức nô lệ khác nhau vẫn dai dẳng tồn tại, đặc biệt là chế độ nô lệ lao động, ít được biết đến nhưng lại diễn ra rộng rãi.

Ngoài ra bài phát biểu của ngài còn nhắm vào hai hình thức nô lệ khác: nghiện ma túy – đặc biệt nơi người trẻ – và tình trạng buôn bán ma túy nhục nhã khi buôn bán trên sự khốn khổ của người khác. Về vấn đề người di cư, ngài kêu gọi có các tuyến đường di cư an toàn, loại bỏ những nguyên nhân thúc đẩy người dân phải ra đi.

Loại bỏ án tử hình

Nhân dịp Năm Thánh khai mạc ngày 24 tháng 12, ngài kêu gọi xóa án tử hình ở mọi quốc gia và xóa bỏ các khoản nợ của những quốc gia không bao giờ có khả năng trả. Ngài nhắc đến “nợ sinh thái” của  Bắc Bán cầu với Nam bán cầu. Ngài kêu gọi chuyển ngân quỹ dành cho vũ khí sang ngân quỹ chống đói.

Tại Rôma, trong những tháng gần đây, công trình xây dựng để chuẩn bị cho Năm Thánh đã tạo nhiều bất tiện, ngài cám ơn người dân Rôma đã kiên nhẫn trước dòng người hành hương đông đảo, dự kiến sẽ có hơn 30 triệu người hành hương về Rôma trong Năm Thánh này.

Marta An Nguyễn dịch