Đức Phanxicô: “Tôi cảm thấy như đang ở nhà tôi”

11

Đức Phanxicô: “Tôi cảm thấy như đang ở nhà tôi”

parismatch.com, Arthur Herlin, 2024-12-18

Đức Phanxicô và Hồng y François Bustillo, cùng là François như François Assisi: Thánh Phanxicô Assisi tận tụy cho người nghèo. © Stephan Gladieu / Paris Match

Suốt 2.000 năm nay, người dân đảo Corsica đã chờ ngài. Chưa bao giờ có một Giám mục Rôma đặt chân đến đảo. Trung thành với lời hứa “thăm các vùng ngoại vi”, Đức Phanxicô đã làm mọi người ngạc nhiên khi ngài chọn hòn đảo này của Pháp cho chuyến tông du thứ 47, một tuần sau khi ngài từ chối lời mời của Tổng thống Pháp đến dự lễ mở cửa lại Nhà thờ Đức Bà. Ngài đến với người dân trên đường phố Ajaccio. Tám giờ chia sẻ cảm xúc với một tâm sự khi rời đảo: “Tôi cảm thấy như tôi đang ở nhà tôi.”

Trên các đường phố chật hẹp của thành phố Ajaccio, nhiều em bé đứng đón ngài, các cha mẹ bồng con lên để được ngài ban phép lành, ngài hôn. Ngài không giấu được niềm vui. Mệt mỏi sau một ngày bận rộn, trên chuyến bay về Rôma, ngài nói với các nhà báo: “Quý vị có bao giờ thấy trẻ em nhiều như thế này không? Chúng ta không thấy trong các chuyến đi khác! Tôi rất vui khi thấy một dân tộc có trẻ em, đó là tương lai!”

Niềm đam mê ngài chia sẻ trong những khoảnh khắc thân mật hiếm hoi với Hồng y Bustillo, người mời ngài đến thăm đảo. Hồng y tâm sự: “Ngài đánh giá rất cao đức tin của người dân. Khi nói chuyện với ngài, tôi cảm thấy ngài khao khát được gần gũi. Ngài có một sức mạnh nội tâm. Trong thời bất ổn này, đất nước chúng ta cần sức mạnh này! Sức mạnh đã thúc đẩy ngài đến với 40.000 tín hữu, hàng ngàn người đi phà để đến gặp ngài. Một chuyến đi độc đáo, một giáo hoàng làm thay đổi các quy ước.”

Gần gũi với người dân dù phải có một hệ thống an ninh đặc biệt. Đức Phanxicô và Hồng y François Bustillo tại Quảng trường Miot, Ajaccio ngày 15 tháng 12. SIPA / © Fanny Hamard

Đức Phanxicô trên chiếc xe giáo hoàng vừa được trang bị ghế xoay. SIPA / © Thibault Camus/AP

Trước các giáo sĩ Pháp, ngài cảnh báo về “mối nguy hiểm của sự phù phiếm”. Một số người xem đây là lý do vì sao ngài không đến Nhà thờ Đức Bà Paris

Đến nhà thờ chính tòa, Đức Phanxicô không còn biết rẽ vào đâu khi nhìn thấy dòng người chen chúc bên cửa sổ, giương biểu ngữ Corsican. Với hai ca sĩ Patrick Fiori và Alizée hát bài “Terra Corsa”, ngài đưa ngón tay cái nổi tiếng của ngài lên trước khi bước vào nhà thờ. Ngay lập tức, ngài cảnh báo giới tu sĩ Pháp về mối nguy hiểm của tinh thần thế tục, phù phiếm, khoe khoang, quá chú trọng đến bản thân. Một số người xem đây là lý do ngài không đến Nhà thờ Đức Bà Paris, ngài thích tâm hồn con người hơn là những phiến đá vô tri và gặp các nguyên thủ quốc gia. đó là sự nhìn nhận công khai, bằng mọi giá ngài muốn tìm lại sự đơn giản và gần gũi ngài đã có ở Buenos Aires, dù phải thay đổi thói quen của Tòa thánh.

Một giai thoại của một trong những cộng tác viên thân cận của ngài minh họa hoàn hảo cho tâm trạng này: gần đây, ngài mời một nhóm linh mục trẻ Chi-lê đến ăn trưa tại phòng ăn Nhà Thánh Marta nơi ngài ở. Như mọi người, ngài tự bưng khay đồ ăn. Nhưng sau khi ăn xong, điều bất ngờ đã xảy ra. Lúc chia tay, theo thông lệ ngài tặng họ tràng chuỗi Mân Côi làm kỷ niệm. Một lúc sau, một người nhận ra mình quên món quà quý giá này nên chạy vào phòng ăn. Khi đẩy cửa vào, ông sững người: trước mặt là Giáo hoàng, một mình, tay áo xắn cao đang xếp khay đĩa để phụ những người làm việc ở đây. Một cảnh gần như không có thật nói lên rất nhiều về con người của ngài.

Đức Phanxicô và Tổng giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp. Hình ảnh đẹp nhất / © Zuma Press

Đức Phanxicô, Hồng y Bustillo và Viện phụ Constant, tổng đại diện của Ajaccio. Bestimage / © Zuma Press

Trung thành với Tin Mừng ngài rao giảng: phục vụ hơn là được phục vụ.

Là Giáo hoàng, nhưng Đức Phanxicô luôn có những giây phút sống thật với lòng mình. Cách đây không lâu, ngài mời một bạn linh mục cũ nhân dịp ông về Rôma uống cà phê. Linh mục nói với ngài: “Tôi không thể vì tôi đi với mẹ tôi.” Sau đó Đức Phanxicô bắt linh mục phải cho ngài gặp mẹ của ông. Dù lịch làm việc bận rộn, họ đã nói chuyện với nhau trong hơn một giờ! Những giai thoại đơn giản làm chứng cho đức tính khiêm nhường sâu đậm của ngài, người không hào nhoáng, luôn trung thành với Tin Mừng ngài rao giảng: phục vụ hơn là được phục vụ.

Từ đức tính khiêm tốn này, ngài có những lời khuyên quý giá cho các tu sĩ Corsica, bị tác động nặng nề vì cuộc khủng hoảng ơn gọi: “Sự khó nghèo của linh mục là một ơn, vì nó giúp chúng ta loại bỏ được tính kiêu hãnh. Người ở trọng tâm là Chúa, không phải chúng ta!” Và trong tòa giải tội, linh mục phải có lòng thương xót của Thiên Chúa: “Hãy tha thứ mọi sự, luôn luôn và cho mọi người.” Kết hợp lời nói với hành động, ngài tâm sự: “Trong 53 năm làm linh mục, tôi chưa bao giờ từ chối giải tội cho bất cứ ai.” Ngài thừa nhận “làm mục vụ rất mệt” và mình phải biết chăm sóc bản thân, ngài nói đùa: “Không phải để căng da mặt, nhưng để đến gần Chúa hơn!” Mọi người cười ồ!

Đức Phanxicô trong giờ Kinh Truyền Tin, ngài kêu gọi hòa bình thế giới và cầu nguyện cho nạn nhân của cơn lốc xoáy thảm khốc gây thiệt hại nặng nể ở đảo Mayotte, nước Pháp. ABACA / © Franck Castel

Ở mọi lúc, ngài đều xuất hiện đơn giản và ấm áp. Với một tấm lòng khiêm tốn đáng kinh ngạc, ngài để nhiếp ảnh gia của chúng tôi hướng dẫn chụp hình.

Sau giấc ngủ trưa là giờ chụp hình ở dinh giám mục, ngài để nhiếp ảnh gia của chúng tôi hướng dẫn với sự khiêm tốn đến khó tin, khi ngài để họ điều chỉnh cây thánh giá ngài đeo trước ngực và chiếc khăn quàng cổ của ngài. Sau đó ngài đến Quảng trường Austerlitz, dưới bức tượng của Hoàng đế Napoléon, một bàn thờ trắng tinh được dựng lên để cử hành thánh lễ, trên đó có viết chữ in hoa: “Pace, hòa bình”. Hôm nay ngài mặc áo lễ màu hồng ngày chúa nhật Gaudete, dấu hiệu vui mừng khi Giáng sinh đến gần, ngài hòa vào ánh hoàng hôn dịu nhẹ tô điểm cho bầu trời mùa đông Corsica.

Với sự giản dị và hài hước, ngài để nhiếp ảnh gia điều chỉnh cây thánh giá của ngài. © Vatican Media/Divisione Fotografica

Trước mặt ngài, đám đông đã tụ tập: các hướng đạo sinh mặc đồng phục, người dân trong y phục truyền thống, một số mặc màu đỏ như y phục của các hồng y. Có khoảng 10.000 người đến dự, đoàn kết trong một tinh thần có thể cảm nhận được. Các bài thánh ca làm tăng vẻ đẹp vượt thời gian của thời điểm này, nơi truyền thống và tâm linh hòa quyện. Một cảnh tượng như vậy chỉ có thể xảy ra nhờ lòng đạo đức bình dân của ngài, thường là trái tim của cuộc gặp, trao đổi văn hóa và dâng mừng.

Một giáo hoàng dưới quyền một hoàng đế. Dưới chân tượng Napoléon, Đức Phanxicô làm lễ trước 10.000 tín hữu. Paris Match / © Pascal Rostain

“Ai sống cho mình sẽ không bao giờ hạnh phúc!”

Đức Phanxicô đến không để làm vui lòng mọi người, nhưng để nhắc nhở mọi người về những điều thiết yếu. Trong thánh lễ, trong bài giảng, một lần nữa ngài đánh động tâm trí mọi người khi ngài tố cáo cơn sốt tiêu dùng trong các ngày lễ. Ngài nhấn mạnh: “Tôi thấy nhiều người ở Rôma, đêm Giáng sinh họ đi mua sắm, mua sắm, mua sắm…”, ngài ra khỏi bài diễn văn soạn sẳn: “Sự điên cuồng của chủ nghĩa tiêu dùng làm mờ những chuyện tốt đẹp và không để lại điều gì tích cực. Một xã hội xây dựng trên chủ nghĩa tiêu dùng sẽ không bao giờ hài lòng vì không biết cho đi! Ai sống cho mình sẽ không bao giờ hạnh phúc! Đó là vấn đề mà tất cả chúng ta đều có thể gặp phải, kể cả Giáo hoàng!”

Hồng y Bustillo được Đức Phanxicô tặng chén thánh. Paris Match / © Pascal Rostain

Vì vậy, ngài xin giáo dân tìm lại ý nghĩa sâu sắc của mùa Giáng sinh: chia sẻ, đơn giản, gần gũi với những người khiêm nhường nhất. Tại đất nước Corsica gắn bó sâu đậm với người lớn tuổi, lời Đức Phanxicô kết hợp họ và mang một tác động đặc biệt: “Đã có nhiều người con bỏ rơi cha mẹ trong viện dưỡng lão. Xin anh chị em chăm sóc người lớn tuổi, họ là trí tuệ của một dân tộc!”

Bà Jeanne Mari thức dậy từ sáng sớm, bà đợi Đức Phanxicô ở giếng rửa tội Thánh Gioan với tấm bảng: 108 tuổi, và “chào mừng” bằng tiếng Corsican. SIPA / © Alessandra Tarantino/AP

Xúc động rơi nước mắt trước phép lành của Đức Phanxicô, bà Jeanne Mari cho biết bà chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gặp được Giáo hoàng. SIPA / © Vatican media/IPA

Đức Phanxicô nói chuyện với Tổng thống Emmanuel Macron

Tổng thống Emmanuel Macron đã có chuyến đi cấp tốc đến tiễn Đức Phanxicô trước khi ngài về Rôma, hai người nói chuyện rất tự nhiên, nhẹ nhàng. Lúc trao đổi quà, Đức Phanxicô tỏ ra vui vẻ tinh nghịch như đứa trẻ, một giây phút trái ngược với sự nghiêm túc của các chủ đề được thảo luận trong buổi nói chuyện kéo dài hơn 45 phút. Họ không quên nói đến tình huống bi thảm ở Mayotte, vì như Đức Phanxicô giảng trong thánh lễ: “Niềm vui kitô giáo không vô tư hay hời hợt. Trong mọi lúc, giữa mọi hoạn nạn, mọi thử thách, Chúa Kitô là nguồn vui của chúng ta. Để mang niềm vui đi khắp mọi nơi, chúng ta phải luôn giữ niềm vui này trong lòng. Chúng ta thích than thở! Chúng ta xin Chúa biến nỗi đau của chúng ta thành hân hoan.”

Lời kêu gọi tốt đẹp dành cho đảo Corsica và toàn thế giới

Ngài mang niềm vui này suốt chặng đường về Rôma, khi các nhà báo làm ngài ngạc nhiên với chiếc bánh sinh nhật, ngài giơ ngón tay cái lên và nở nụ cười tinh nghịch. Một khoảnh khắc tiếp xúc thể hiện rõ cá tính của ngài: thích tự do, thích vùng ngoại vi hơn các đô thị lớn, thích chiếc Fiat 500 hơn xe limousine, thích tinh thần trẻ thơ trong những bài phát biểu quan trọng.

Sau buổi nói chuyện với Tổng thống Emmanuel Macron tại phi trường Ajaccio, Đức Phanxicô nói chuyện với một nghị sĩ Corsican trước khi lên đường về Rôma. REUTERS / © AFP

Bánh mừng sinh nhật 88 tuổi các nhà báo tặng ngài nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của ngài. AFP

Marta An Nguyễn dịch