Lời khấn mà chúng ta không chọn  

79

Lời khấn mà chúng ta không chọn

Ronald Rolheiser, 2024-12-02

Là tu sĩ Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, tôi đã khấn bốn lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời và trung thành. Tôi đã tự nguyện khấn, không một ép buộc nào khác ngoài một cảm nhận mạnh mẽ trong lòng: tôi cần khấn những lời khấn này. Tự nguyện khấn, không một áp lực, nhưng là một xa xỉ mà hàng triệu người trên thế giới này không có được. Họ có thể khấn những lời khấn này (theo một phương thức khác) vì họ bị hoàn cảnh ép buộc phải làm như vậy. Trên thực tế, đó là những lời khấn mà người khác khấn giùm cho họ.

Nhà thơ người Anh William Wordsworth 91770-1850) đã viết câu thơ:

Trái tim tôi tràn đầy;

tôi không khấn nhưng lời khấn được làm cho tôi;

một ràng buộc được ban cho tôi mà tôi không biết,

để tôi phải như vậy,

nếu không tôi sẽ phạm một tội rất lớn.

Tôi nghĩ hầu hết chúng ta đều quen biết những người mà điều này là đúng với họ, họ không bao giờ chính thức khấn lời khấn tu trì, nhưng họ sống độc thân, vâng lời, khó nghèo và trung thành theo cách riêng của họ. Gần như suốt đời, hoàn cảnh đã buộc họ phải sống như vậy, đã lấy đi quyền tự do để họ không bao giờ có thể tự lựa chọn nơi nào họ sẽ đến, nơi nào họ sống, trường nào họ học, công việc nào họ làm và (không kém phần quan trọng) họ có nên kết hôn hay không. Thay vào đó, họ sống không tự do trong những năm tháng trưởng thành của mình, bị hoàn cảnh và nghĩa vụ ràng buộc, họ hy sinh các ước mơ và kế hoạch riêng của mình để phục vụ người khác.

Nhiều người trong chúng ta biết có những người vì hoàn cảnh nghèo đói, cha mẹ qua đời, hoàn cảnh gia đình hoặc bệnh tật cá nhân đã phải thề nguyện. Một số anh trai của tôi rơi vào trường hợp này. Nhưng, và đây là vấn đề, mặc dù những lời thề đó không được thực hiện một cách rõ ràng hoặc công khai, nhưng chúng là những lời thề được thánh hiến, thiêng liêng theo nghĩa Kinh Thánh.

Được thánh hiến có nghĩa là gì? Thánh hiến là gì?

Thật đáng buồn, ngày nay chúng ta đã biến từ này thành một “danh từ của nhà thờ”, chúng ta nói về các tòa nhà được thánh hiến (nhà thờ), các chén thánh được thánh hiến và những người được thánh hiến (các mục tử, những người tu hành đã khấn). Tại sao chúng ta lại nói về họ như những người được thánh hiến? Câu trả lời nằm ở ý nghĩa ban đầu của việc được thánh hiến.

Được thánh hiến đơn giản có nghĩa là được “đặt sang một bên” – dù đầu tiên không phải vì mục đích cho nhà thờ. Thay vào đó, quý vị nên tưởng tượng tình huống này: quý vị vừa rời khỏi nơi làm việc và đang lái xe về nhà thì gặp một vụ tai nạn. Quý vị không phải là người trong vụ nhưng quý vị là người đầu tiên ở đó. Lúc đó, quý vị mất tự do của mình. Quý vị không còn tiếp tục lái xe. Có người bị thương và quý vị ở đó! Quý vị phải hành động chỉ vì quý vị ở đó. Lúc đó quý vị là người thánh hiến, được thánh hiến do hoàn cảnh, do nhu cầu. Và chính lúc đó lời của nhà thơ Wordsworth áp dụng cho quý vị.

Có một tương đồng thú vị với tình huống mà ông Môsê gặp khi Chúa xin ông đưa người Israel ra khỏi Ai-cập để thoát khỏi chế độ nô lệ. Ông không muốn làm việc này, cũng không tình nguyện làm. Ông đưa ra nhiều lý do khác nhau để biện minh với Chúa vì sao ông không phải là người phù hợp, cuối cùng ông hỏi Chúa: “Tại sao lại là con? Tại sao không phải là anh em con?” Về bản chất, câu trả lời của Chúa là: “Vì con đã chứng kiến dân tộc con bị áp bức. Vì con đã chứng kiến nên con không còn tự do. Con giống như người đầu tiên có mặt tại hiện trường vụ tai nạn.”

Đó chính là ý nghĩa của việc được thánh hiến, được kêu gọi, có một ơn gọi. Trong khi chúng ta vẫn hoàn toàn tự do (lái xe tránh xa vụ tai nạn) nhưng chúng ta không còn tự do về mặt hiện sinh hay đạo đức nữa – nếu không, như nhà thơ Wordsworth nói, chúng ta sẽ phạm tội nghiêm trọng. Lựa chọn của chúng ta là phải tiếp tục cuộc sống hay ở lại giúp đỡ? Câu hỏi duy nhất của chúng ta là: trách nhiệm của tôi ở đây là gì? Hoàn cảnh đã đưa ra cho chúng ta lời khấn.

Có thể hữu ích khi hiểu ơn gọi, lời khấn và sự thánh hiến qua lăng kính này. Tôi đã từng tự do lựa chọn hiến mình cho một ơn gọi yêu cầu tôi khấn công khai, sống giản dị, từ bỏ hôn nhân và gia đình riêng, sẵn sàng phục vụ người khác và kiên trì trong suốt quãng đời còn lại. Một số anh chị em của tôi (và hàng triệu đàn ông, đàn bà) cũng làm điều tương tự nhưng không có sự công nhận và hỗ trợ của cộng đồng như lời khấn của chúng tôi. Họ cũng sống cuộc sống thánh hiến, dù không được công chúng công nhận.

Khi khẳng định điều này, tôi không loại trừ những người đã kết hôn, trong hôn nhân họ cũng như tôi, họ đã tuyên thệ công khai và nhận được sự công nhận và hỗ trợ của cộng đồng như tôi; ngoại trừ việc độc thân, lời khấn của họ cũng giống tôi.

Tất cả chúng ta đều thường xuyên ở hiện trường của một vụ tai nạn, không được tự do lái xe đi, bị bắt buộc, bị ràng buộc bởi những lời khấn được lập ra cho chúng ta. Điều đó được cho là có ơn gọi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch