Ðức Phanxicô sẽ là giáo hoàng cuối cùng không?

93

Ðức Phanxicô sẽ là giáo hoàng cuối cùng không?

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2024-09-14

Đức Phanxicô trong cuộc gặp liên tôn tại Jakarta, Indonesia, ngày 5 tháng 9 năm 2024.

Phỏng vấn nhà vatican học Giovanni Maria Vian, ông được Ðức Bênêđíctô XVI bổ nhiệm làm Giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano chính thức của Vatican (2007-2018), ông đã làm cho tờ báo này thành tờ báo tin tức, nghệ thuật và văn hóa quốc tế. Ðức Phanxicô tái bổ nhiệm ông, sau đó ngài cách chức ông một cách không thương tiếc. Theo ông sẽ không còn giáo hoàng chủ quyền nào có thể thực thi quyền lực của mình như Ðức Phanxicô đã làm. Ông là một trong những người sành sỏi nhất về Vatican, ông viết quyển sách về trọng tâm triều giáo hoàng của Ðức Bênêđíctô XVI và Ðức Phanxicô từ góc độ lịch sử lâu dài kitô giáo sẽ xuất bản ngày 19 tháng 9. Trong cuộc phỏng vấn này, ông đánh giá gay gắt Ðức Phanxicô, theo ông ngài nói nhiều với thế giới hơn là với người công giáo. Báo Le Point trích dẫn một số đoạn.

Ông Giovanni Maria Vian Sử gia Giáo hội và Giáo hoàng, nguyên giám đốc L’Osservatore romano. – Francesco ALESI /PARALLELOZERO/ REA

Có khiêu khích không khi gọi Ðức Phanxicô là “giáo hoàng cuối cùng”?

Giovanni Maria Vian: Không, đó là quan sát về sự kết thúc của một thời đại. Năm 2016, Ðức Bênêđíctô XVI đã đoán trước điều này khi trả lời câu hỏi của nhà báo Peter Seewald, người viết tiểu sử của ngài: “Tôi không còn thuộc về thế giới cũ nữa, nhưng trên thực tế, thế giới mới vẫn chưa bắt đầu.” Người kế vị ngài là Ðức Phanxicô, giáo hoàng có chủ quyền cuối cùng như chúng ta đã biết trong hai thế kỷ qua. Theo ông, giáo hoàng đã đạt đến đỉnh cao trong việc thực thi quyền lực khi khẳng định tính không thể sai lầm của giáo hoàng. Giáo điều này có từ năm 1870, khi Giáo hoàng mất Nhà nước. Không như các giáo hoàng tiền nhiệm khác, Ðức Phanxicô tuyên bố quyền tối thượng của mình bằng cách tái khẳng định quyền tối cao Giáo hoàng để chống lại sự phản đối nội bộ trong Giáo hội. Hơn nữa, trong luật cơ bản cuối cùng của Vatican, có hiệu lực từ năm 2023, ngài khẳng định quyền lực tạm thời của ngài vì ngài là người kế vị Thánh Phêrô. Chưa bao giờ có một giáo hoàng nào từ vị trí Giám mục Rôma lại có quyền lực nguyên thủ quốc gia, như thế xác nhận Vatican là một chế độ thần quyền.

Ðức Phanxicô thực thi quyền lực của mình với thẩm quyền lớn lao, thậm chí theo chủ nghĩa độc tài. Nhưng ngài lại có hình ảnh của một giáo hoàng khiêm tốn…

Ngài cho thấy mình như vậy, nhưng thật ra ngài thực thi chức vụ với rất nhiều quyền lực, kể cả độc tài. Ngài đặt lên bàn cân các vấn đề của Thượng Hội đồng cần giải quyết, nhưng ngài đã quyết định trước. Ngài mời gọi tranh luận về chức phó tế nữ hay luật độc thân của các linh mục, nhưng ngài lại khẳng định sẽ không có gì thay đổi.

Theo ông, Ðức Phanxicô bảo thủ?

Khi còn ở Argentina, ngài bị cho là theo chủ nghĩa Peronist đến mức ngài bị cho là theo chủ nghĩa dân túy. Thật ra ngài nhìn thế giới dưới mắt của người Châu Mỹ La-tinh, nên ngài không thiện cảm với nước Mỹ, bị cho là cường quốc thuộc địa.

Ngài nói Ukraine đang tử vì đạo, nhưng ngài không bao giờ nêu tên kẻ xâm lược Nga.

Trong các cuộc chiến ở Ukraine và Armenia, ngài có thất bại không?

Ngài là mục tiêu của những lời chỉ trích có căn cứ. Ngài tuyên bố Ukraine tử đạo nhưng ngài không bao giờ nêu tên nước Nga xâm lược, đến mức một số người cho rằng ngài ủng hộ Putin. Ngài không tìm cách chỉ định thiện hay ác, ngài có tầm nhìn cân bằng để cố gắng xoa dịu xung đột. Mệt mỏi! Chúng ta có thể thấy rõ có một mối lo ngại, vì chính sách ngoại giao của Tòa thánh thường tìm cách nâng cao vị thế của họ. Ngoại trưởng Pietro Parolin – nhân vật số hai của Vatican – và Ngoại trưởng Paul Richard Gallagher đã nhiều lần nói người Ukraina có quyền tự vệ chính đáng. Ở Armenia, Ðức Phanxicô đã làm rất nhiều việc, ngài tuyên bố từ “diệt chủng”, một từ bị Thổ Nhĩ Kỳ cấm nêu. Tuy nhiên, trong cuộc chiến với Azerbaijan, ngài đã chọn im lặng. Ðiều này đặt ra một vấn đề mang tính toàn cầu hơn: liệu chúng ta có thể quản lý bằng cách hành động một mình không? Các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài dựa vào Phủ Quốc vụ khanh hoặc chính sách ngoại giao của Tòa thánh, dẫn đến việc giao tiếp có chừng mực hơn. Ngày nay, chúng ta chỉ nghe thấy tiếng nói của Giáo hoàng. Trước đây có nhiều diễn đàn hơn một chút, tạo được nhiều không gian để hành động. Giọng điệu và cách truyền đạt của Ðức Phanxicô rất đơn giản, đã tạo bối rối, thất vọng và bất an cho giáo dân. Những gì ngài nói làm dư luận quốc tế quan tâm, nhưng người công giáo thận trọng hơn.

Ðức Phanxicô có nhiều chuyến đi xa, gần đây ngài đi Châu Ðại Dương. Những chuyến đi này tương ứng với thế giới quan của ngài như thế nào?

Ðây là cái nhìn khá cổ điển của một giáo hoàng. Giáo hoàng luôn quan tâm đến sự công bằng trong mối quan hệ giữa các quyền lực. Ðóng góp quan trọng nhất của Ðức Phanxicô là sinh thái, Thông điệp Laudato si’ của ngài sẽ vẫn được giữ nguyên. Nhưng Ðức Bênêđíctô XVI và Ðức Gioan Phaolô II cũng như Thượng phụ Chính thống giáo của Constantinople Bartholomew, người có biệt danh là “Thượng phụ Xanh” cũng đã quan tâm đến vấn đề này.

Cho đến nay kết quả triều của ngài là “sáng-tối, chiaroscuro” như ông viết…

Trong hoạt động, chúng ta thấy rõ ràng ngài muốn đổi mới, như việc ngài muốn có các cuộc tham vấn trong Giáo hội. Ðây là điểm tích cực. Nhưng hiện tại, nó chưa mang lại kết quả gì. Chúng ta chỉ có một đánh giá tạm thời về triều của ngài, nhưng các xu hướng thì đã thấy khá rõ. Ý định của ngài về nhiều chủ đề là tốt, nhưng vẫn là… ý định. Những gì ngài chủ trương phải được lan truyền trong Giáo hội, trong cộng đồng và được các giáo hoàng kế vị ngài áp dụng. Hiện tại, cuộc khủng hoảng trong Giáo hội vẫn tiếp diễn với những mâu thuẫn sâu sắc. Chắc chắn do các vụ bê bối lạm dụng tình dục, cựu tu sĩ Dòng Tên Marko Ivan Rupnik bị cáo buộc lạm dụng nhiều phụ nữ vẫn chưa bị trục xuất. Ông bị dứt phép thông công nhưng một tháng sau ông được hồi phục. Và truyền thông Vatican tiếp tục dùng tranh khảm của ông trên các phương tiện truyền thông. Giáo hoàng mở lại phiên tòa tài chính, nhưng chưa có một kết quả cụ thể nào. Tôi nhớ cuộc họp báo đầu tiên của ngài, thật hy vọng vì chúng tôi thấy ngài tự do, ngài nói ngài được yêu cầu đóng cửa ngân hàng IOR, từ lâu bị cho là nơi rửa tiền, nhưng IOR vẫn tồn tại và hoạt động của ngân hàng vẫn không rõ ràng. Ngài nhờ một Cơ quan kiểm soát bên ngoài làm việc, về mặt phương pháp rất đang khen ngợi nhưng kết quả? Không có.

Cuối cùng, liệu Ðức Phanxicô có đưa Giáo hội công giáo tiến lên phía trước không?

Có, nhưng phải nhấn mạnh Giáo hội tự mình tiến lên. Rõ ràng  những lời nói ở Rôma ngày càng ít đến tai người công giáo.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch