Giuse Nguyễn Quang Thành: từ Tỉnh dòng Truyền giáo Việt Nam đến Tỉnh Dòng Truyền giáo Nhật Bản

63

Giuse Nguyễn Quang Thành: từ Tỉnh dòng Truyền giáo Việt Nam đến Tỉnh Dòng Truyền giáo Nhật Bản

infoans.org, 2024-10-17

Giuse Nguyễn Quang Thành, đã truyền giáo ở Nhật từ năm 2023. Từ kinh nghiệm ngắn ngủi của mình, anh cho biết: “Chắc chắn truyền giáo không phải là một cuộc sống dễ dàng. Chúng ta cần khiêm tốn để lắng nghe, quan sát, học hỏi và trưởng thành.”

Xin chào anh, xin anh cho biết về anh…

Nguyễn Quang Thành: Tôi tên là Giuse Nguyễn Quang Thành. Tôi thuộc đoàn truyền giáo thứ 151, nhưng vì Covid tôi không dự được khóa đào tạo dành cho các nhà truyền giáo mới nên năm nay tôi đi khóa 155. Gia đình tôi có năm người, chúng tôi ở miền Nam Việt Nam, tạ ơn Chúa, gia đình tôi được bình an.

Điều gì đã làm anh chọn trở thành nhà truyền giáo?

Có hai nhà truyền giáo đã ảnh hưởng đến tôi: cha Germain Lagger và Attilio Stra, cả hai đều truyền giáo ở Việt Nam trước năm 1975. Do chiến tranh, họ buộc phải rời Việt Nam và chưa bao giờ quay trở lại. Sau khi rời Việt Nam, cha Stra tới Haiti và làm việc cho trẻ em đường phố. Tôi thường thấy cha khóc khi nói về Việt Nam: “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi”. Nước mắt của tình yêu. Cha Lagger đến Việt Nam khi tôi đang học tại Học viện Triết học Salêdiêng, cha có một bài nói chuyện rất xúc động, tràn đầy yêu thương. Cha còn hát một bài hát tiếng Việt dâng kính Đức Mẹ. Từ đó tôi nhận được ân sủng yêu mến Đức Maria.

Anh có hài lòng với nơi anh đến không? Anh có lo lắng, có sợ khi đến một nơi có một văn hóa khác không?

Nhật Bản là đất nước xinh đẹp và phát triển. Tôi nghĩ tôi sẽ mất nhiều thì giờ để thích nghi với cuộc sống ở đất nước này. Nhưng với ơn Chúa giúp đỡ, tôi sẽ cố gắng hết sức.

Chương trình và ước mơ của anh cho cuộc đời truyền giáo là gì?

Cuộc sống của một nhà truyền giáo chắc chắn không phải là một cuộc sống dễ dàng.

Khi đến một nơi có văn hóa khác văn hóa của mình, anh nghĩ gì?

Có người cho rằng mình được sinh lại. Và chúng ta cần ơn khiêm nhường để lắng nghe, quan sát, học hỏi và trưởng thành. Tôi có cùng ước mơ với Thánh Gioan Bosco: “Xin lấy đi các thứ khác nhưng xin cho con các linh hồn.”

Tấm gương truyền giáo vĩ đại nào anh muốn noi theo?

Khi tôi xin các Bề trên lời khuyên về đời sống truyền giáo, các ngài nói với tôi: “’Hãy tập trung vào Chúa Giêsu Kitô và đừng bao giờ quên sứ mệnh của chúng ta đến từ Ngài’. Vì thế tôi thưa với Ngài: ‘Xin ở bên con và hướng dẫn con trên đường con đi’”.

Sứ điệp của anh dành cho giới trẻ về việc chọn lựa và ơn gọi truyền giáo là gì?

Nếu phải chọn một thông điệp cho giới trẻ, tôi dùng những lời này của Chúa Giêsu: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,19-20).

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch