“Đúng, Giáo hội có vấn đề”

21

“Đúng, Giáo hội có vấn đề”

osservatoreromano.va, Marie-Lucile Kubacki, 2024-03-02

Phụ nữ, tình huynh đệ, sự khác biệt: phỏng vấn Tổng Giám mục Jean-Paul Vesco, giáo phận Algiers

Tổng Giám mục người Pháp-Alger Jean-Paul Vesco, 61 tuổi, giáo phận Alger, ngài đã suy nghĩ rất nhiều về khái niệm tình huynh đệ và tính khác biệt, một trong những thành quả qua kinh nghiệm của ngài ở Algeria và việc ngài thuộc dòng Đa Minh đã soi sáng suy nghĩ của ngài về phụ nữ.

Giáo hội Công giáo có vấn đề với phụ nữ không?

Giám mục Jean-Paul Vesco. Câu hỏi của bà hơi khiêu khích, nhưng đúng vậy, trong nhiều thế kỷ, Giáo hội có vấn đề với phụ nữ, giống như hai tôn giáo đơn thần khác (hồi giáo và do thái giáo) và có lẽ là hầu hết các tôn giáo. Đây không phải là lời bào chữa, nó sẽ rất tốt và chính đáng nếu nó đã khác đi ngay từ đầu! Với một vài trường hợp ngoại lệ đáng mừng gần đây, ngoài ra phụ nữ gần như vắng mặt trong việc quản trị và giảng lễ, nhưng họ lại có mặt ở mọi nơi khác. Họ là xương thịt của các giáo xứ, là linh hồn của các giáo hội tại gia, là chuyên gia dạy giáo lý.

Trong cách chúng ta giới thiệu, theo định nghĩa Giáo hội là vượt thời gian, một Giáo hội phụ hệ nằm ngoài dòng thời gian, ngoài thời trang, ngoài sự đào thải của thời gian. Tuy nhiên, nếu Giáo hội không có sự tham dự mạnh mẽ hơn của phụ nữ vào các vị trí trách nhiệm và tầm nhìn, Giáo hội chúng ta có nguy cơ là một Giáo hội lỗi thời, không phải phi thời gian nhưng lỗi thời, lỗi thời trong tổ chức của mình. Giáo hội công giáo là Giáo hội phổ quát, nếu Giáo hội không thuộc về thế giới thì Giáo hội đã được khắc ghi rõ ràng trên thế giới và không thể dựa vào logic tự quy chiếu trong mối quan hệ với thế giới. Câu hỏi về trách nhiệm của giáo dân, từ đó là câu hỏi trách nhiệm của phụ nữ trong các cuộc tham vấn trước Thượng Hội đồng đã rõ ràng. Cuộc chiến giữa các cậu bé giúp lễ quanh bàn thờ như đã thấy ở một số nơi, không còn xảy ra nữa. Trong các thánh bộ của Vatican, nơi phụ nữ bắt đầu đông hơn trước, họ đảm nhận các trách nhiệm cao hơn, những nơi đó bầu khí đã hoàn toàn khác. Chỉ cần một vài phụ nữ là giáo triều không còn là cộng đồng giáo sĩ vốn rất dễ bị kỳ thị.

Người ta thường nói bây giờ không thể triệu tập một công đồng ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ do khó khăn vật chất khi tập hợp hơn 5.000 giám mục. Nhưng bây giờ không còn là vấn đề nữa. Hình ảnh Thượng Hội đồng ở Hội trường Phaolô VI với các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ, giáo dân nam nữ ngồi quanh các bàn đồng cấp cho thấy thời đã thay đổi, nhận thức Thượng Hội đồng không thể chỉ do các giám mục quyết định. Một cách nào đó, Thượng Hội đồng về tính đồng nghị rất tự nhiên đã làm cho triển vọng về một Công đồng Vatican III trở nên lỗi thời! Ngày nay ai có thể tưởng tượng tương lai của Giáo hội chỉ được Hội đồng Giám mục chỉ định?

Vị trí của phụ nữ trong việc quản lý giáo phận Algiers là gì?

Trong giáo phận của chúng tôi, tôi muốn có một nhóm nhỏ phụ nữ bên cạnh các hội đồng khác nhau, bao gồm các nhân vật lãnh đạo giáo phận: tổng đại diện, tổng thư ký, thủ quỹ, phó thủ quỹ, chịu trách nhiệm về diakonia và tôi, tạo thành một đội gồm bốn phụ nữ và hai nam giới. Hầu hết các quyết định, chúng tôi đều cùng nhau suy nghĩ. Nói chung, tôi sống trong môi trường chủ yếu là nữ và đó là niềm vui của tôi mỗi ngày! Nhưng điều này không có nghĩa là không có va chạm. Một ngày nọ, một phụ nữ nói với tôi: “Cuối cùng thì việc này tùy thuộc vào cha!” Đó là sự thật và đó cũng là vấn đề. Trong Giáo hội công giáo chúng ta, các giám mục đưa ra quyết định và thực hiện chúng. Mô hình chắc chắn có thể phát triển. Về mặt này, các mô hình quản trị đời sống tu trì có thể cho cảm hứng: nhiều quyết định được đưa ra trong các cuộc họp tổng tu nghị hoặc trong Hội đồng đã được bầu chọn, và những hạn chế về quyền ra quyết định của bề trên không làm mất đi quyền lực biểu tượng của họ. Theo tôi, có vẻ như trong hầu hết các trường hợp, điều này nói lên lòng tin tưởng nảy sinh từ sự hiểu biết nhau và theo đuổi một dự án chung, có nghĩa phần lớn các quyết định đều đã được đồng thuận rộng rãi khi nói đến những vấn đề chưa nhất trí. Dù sao, ý kiến của mỗi người và mọi người đều được lắng nghe và cân nhắc theo cách này hay cách khác trước các quyết định có ảnh hưởng đến họ. Tôi nghĩ đó là một kinh nghiệm mạnh mẽ cho tất cả mọi người, kể cả tôi!

Đằng sau vấn đề của phụ nữ là vấn đề chỗ đứng của giáo dân…

Tất nhiên! Trong giai đoạn cấp giáo phận, tại giáo phận Algiers, mong muốn của giáo dân trong nước là được tham gia vào đời sống của Giáo hội. Họ xem Giáo hội là Giáo hội của họ một cách đúng đắn vì đó là Giáo hội Algeria. Tuy nhiên, họ cảm thấy bị gạt ra ngoài lề để ủng hộ những thành viên thường trực như chúng tôi, cơ bản là tu sĩ và là người nước ngoài, những người kể từ khi đất nước độc lập đã chiếm đa số trong sinh hoạt Giáo hội. Trên thực tế, họ gần như vắng mặt trong các cơ quan ra quyết định. Chúng tôi đã nghe thấy lời kêu gọi này và đã nghiêm túc xem xét trong các ban kinh tế và các ban mục vụ khác của Hội đồng Giám mục. Trong Hội đồng Giám mục có ba linh mục, một nữ tu, một giáo sĩ và bốn giáo dân người Algeria trong đó có hai phụ nữ. Và đã làm bầu khí thay đổi hoàn toàn. Một lần nữa, chúng tôi thoát ra tình cảnh chỉ có chúng tôi với nhau. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng, các chuyện cũ phải cất giữ trong tủ. Chúng tôi phải học cách hiểu bản thân và đo lường vực thẳm của sự khó hiểu, đôi khi ngăn cách mà chúng tôi không nhận thức vì  không có nơi để trình bày. Giáo hội phải thành Giáo hội ít giáo sĩ hơn, đây là một thách thức với Giáo hội hoàn vũ ở mọi cấp độ và mọi nơi. Vấn đề này không phải là không có yêu sách về quyền lực, với tất cả những gì có thể làm khó chịu. Nhưng trách móc người khác vì họ muốn nắm quyền thường có nghĩa là mình muốn thực hiện quyền đó nhưng lại không ý thức được điều này. Đó là lý do vì sao tôi cảm thấy rất khó nghe khi các yêu cầu của phụ nữ trong Giáo hội bị bác bỏ với câu hỏi: “Tại sao họ lại muốn quyền lực?”

Trong một số xã hội, hoạt động của Giáo hội bị căng thẳng vì  những vấn đề này với lý tưởng dân chủ!

 Nguyên tắc tổ chức thứ bậc của Giáo hội bắt nguồn từ chế độ quân chủ… việc kế thừa cha truyền con nối phải được bảo tồn! Chính tổ chức của con người đã bảo đảm cho sự thống nhất gần như ngay từ đầu và nó đã chứng tỏ được mình. Trong mọi trường hợp, chúng ta là như vậy. Điều này không loại trừ các hoạt động và cơ quan dân chủ hơn bên trong, giống như các chế độ quân chủ hiện đại. Anh chị em của chúng ta trong các Giáo hội tin lành về bản chất có văn hóa dân chủ này, nghĩa là có tính đồng nghị, chắc chắn chúng ta sẽ học được rất nhiều từ họ trong phong trào lớn lao về tính đồng nghị theo kiểu công giáo do Đức Phanxicô khởi xướng. Động lực đồng nghị sẽ không dừng lại, nó sẽ mở rộng và lan rộng đến mọi cấp độ của Giáo hội mà không đặt câu hỏi về cơ cấu bí tích của nó. Bất kỳ bước lùi nào cũng sẽ thành lỗi thời hoàn toàn vì Giáo hội là công việc của tất cả những người đã được rửa tội. Niềm tin sâu sắc của tôi là trách nhiệm trong Giáo hội, trong đó các vấn đề về quyền lực bị bóp méo, trách nhiệm sẽ gia tăng cùng lúc với việc nó được chia sẻ. Chia sẻ trách nhiệm có nghĩa là tăng trách nhiệm này và Giáo hội chúng ta đang gặp tình trạng thiếu sót lớn trong việc đảm nhận trách nhiệm.

Cha nghĩ gì về chức phó tế nữ?

Cá nhân tôi, tôi hy vọng được như vậy! Theo tôi, dường như không thể lấy đi quyền của các tín hữu, và do đó cũng là của cả tôi, trong việc nữ giới tiếp nhận Lời Chúa. Không có một lý lẽ nào biện minh thuyết phục được tôi. Vì vậy, đúng, tôi muốn vấn đề chức phó tế nữ sẽ được đi tới hoặc ít nhất một bước nữa được thực hiện theo hướng trao quyền cho phụ nữ và những giáo dân được đào tạo để chú giải Lời Chúa trong thánh lễ ngày chủ nhật. Khác với thừa tác vụ linh mục, chức phó tế nữ có nguồn gốc từ truyền thống của Giáo hội và tôi thấy khó khăn khi gặp phản đối. Vấn đề mục vụ này cũng như vấn đề quản trị, chân trời sẽ mở rộng ra khi chúng ta tiến bước. Những gì ngày hôm qua tưởng như không thể, ngày mai sẽ thành dễ dàng. Ngày nay sự hiện diện độc quyền nam giới trong đoàn rước khi tiến lên bàn thờ là chuyện hiển nhiên. Nhưng liệu một ngày nào đó nó sẽ thành lỗi thời không? Chỉ riêng việc đặt câu hỏi đã mang lại sự thay đổi trong cách nhìn…

Có phải vấn đề xuất phát từ thực tế, ơn gọi của phụ nữ thường không được cho là tự thân nhưng liên quan đến ơn gọi của nam giới không?

Đúng vậy, theo truyền thống, ơn gọi của phụ nữ trong Giáo hội được cho là ơn gọi bổ sung. Điều này không còn đủ, ơn gọi này phải được nghĩ theo một dạng khác. Ơn gọi nữ giới tự nó có giá trị riêng của nó. Chiều kích khác biệt này có trong đời sống hôn nhân. Các nhiệm vụ được chia sẻ, cha mẹ đều làm việc, đều chăm sóc con cái… mỗi người hoàn thành công việc của mình theo giới tính, theo tính cách… Nhiệm vụ giống nhau nhưng cách thực hiện khác nhau và đúng cho tất cả mọi người. Làm sao chúng ta có thể nghĩ không có tiếng vang của sự tiến hóa xã hội trong Giáo hội theo cách thực thi các đặc sủng và mục vụ; truyền thống không phải là một xác chết nhưng là một thân thể sống, vừa bất động vừa luôn chuyển động.

Câu hỏi về sự khác biệt này là câu hỏi về tình huynh đệ. Thật vậy, tình huynh đệ vừa đòi hỏi, vừa làm cho sự khác biệt trở nên khả thi. Điều này không hoàn toàn đúng với tình phụ tử thiêng liêng. Tôi tin vào tình phụ tử thiêng liêng, là tu sĩ được Dòng Đa Minh đào tạo, tôi trải nghiệm được điều này. Nhưng tình phụ tử thiêng liêng này tôi nhận được từ người anh em của tôi, của một bản ngã khác tiến bộ hơn tôi rất nhiều trong đời sống tu trì cũng như trong sự thánh thiện. Nếu ngài không chết trước đó, tôi đã có thể là bề trên Tỉnh Dòng của ngài. Tôi gặp khó khăn với tình phụ tử thiêng liêng bị thể chế hóa như chúng ta có kinh nghiệm trong Giáo hội. Các vai trò này không bao giờ đảo ngược, giống như vai trò làm cha trong đời thực với các mối quan hệ tiếp tục phát triển giữa cha mẹ và con cái trong suốt cuộc đời. Sẽ có ngày con cái chăm sóc cha mẹ. Việc gia trưởng giữ quyền của mình cho đến chết lại là một chuyện khác. Theo nghĩa này, với tôi, tình phụ tử thiêng liêng bị thể chế hóa dường như giống mô hình gia trưởng hơn là tình cha cha con. Tình huynh đệ, giống như anh chị em thực sự, làm cho mọi hình thức quan hệ trở nên khả thi. Trong một thời gian, người chị lớn có thể đóng vai người mẹ cho em trai mình. Sẽ luôn còn lại một điều gì đó, nhưng mọi người sẽ trải nghiệm sự khác biệt cơ bản mà họ nhận được khi họ là con cùng một cha một mẹ. Cuộc sống sẽ làm phát triển mối quan hệ và có thể có khi làm đảo ngược mối quan hệ này.

Tôi tin sâu sắc Giáo hội chúng ta nên xem mình như một cộng đồng gồm các anh chị em. Đó là lời chứng cao nhất Giáo hội có thể đưa ra cho thế giới. Hơn cả tranh giành quyền lực, sự tái cân bằng cần thiết giữa giáo sĩ và giáo dân, giữa nam và nữ là vấn đề của sự khác biệt và tình huynh đệ. Nếu tôi thích được gọi là sư huynh hơn là cha hay Đức ông thì không phải vì khiêm tốn hay làm bộ làm tịch, nhưng chính vì khác biệt ở đây không phải là một lựa chọn, nhưng là điều hiển nhiên: Tôi cần các anh, các chị của tôi ở giáo phận của tôi, tôi cần anh em Đa Minh của tôi để tôi là của họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tổng giám mục Vesco về các nữ phó tế: “Điều dường như không thể hôm nay sẽ trở thành điều tự nhiên ngày mai”