Giovanni Maria Vian: “Sẽ có ngày tận thế nhưng Kinh Thánh không nói gì chính xác”

65

Giovanni Maria Vian: “Sẽ có ngày tận thế nhưng Kinh Thánh không nói gì chính xác”

Nhân dịp khai mạc Thượng hội đồng về cải cách Giáo hội, ông Giovanni Maria Vian, chuyên gia Vatican cho rằng nhiều dự án Đức Phanxicô mở ra vẫn còn chờ thực hiện cụ thể.

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2024-10-03

Cựu giám đốc của L’Osservatore Romano, ông Giovanni Maria Vian là sử gia về kitô giáo, ông khảo cứu các văn bản cổ nhất. Ông phát hành quyển sách làm chấn động và có nhiều thông tin, Giáo hoàng cuối cùng (Le Dernier pape, nxb. Du Cerf).

Hình ảnh Guillermo Simon-Castellvi / Jean-Christophe MARMARA/Le Figaro

Đức Phanxicô đã gây sốc cho một số tín hữu công giáo khi ngài tuyên bố ngài sẽ không đi Pháp ngày 8 tháng 12 để dự lễ khánh thành lại Nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn tàn phá ngày 15 tháng 4 năm 2019. Một quyết định chín chắn hay bất thường của ngài?

Sử gia Giovanni Maria Vian: Về cơ bản đã có thiếu thận trọng và nhất là hiểu lầm đưa đến việc xem đây chỉ là một giả định hoặc mong muốn của một ai đó, vì thế câu hỏi này đã được các nhà báo hỏi trực tiếp ngài khi ngài từ Châu Á về Rôma. Ngài không để bị thao túng hay buộc phải hành động dưới áp lực bên ngoài, ngài phản ứng mạnh mẽ theo cách của ngài… Nhưng lịch trình của ngài rất bận rộn và tuổi của ngài cũng đã cao, ngài sẽ 88 tuổi tháng 12 sắp tới. Tôi muốn nói thêm ưu tiên của ngài là đến thăm các nước nhỏ: gần một nửa số chuyến đi quốc tế của ngài dành cho các quốc gia có quy mô khiêm tốn này. Cuối cùng và trên hết, ngài là giáo hoàng không ở trong các giáo hoàng tiền nhiệm gần đây, tất cả đều có liên hệ với Pháp hoặc thân Pháp. Đức Gioan XXIII từng là Sứ thần Tòa Thánh tại Paris. Đức Phaolô VI và Đức Bênêđíctô XVI thấm nhuần văn hóa Pháp sâu sắc. Đức Gioan-Phaolô II đã thăm Pháp tám lần, gần bằng số lần ngài đi quê hương Ba Lan của ngài.

Tuần này Đức Phanxicô khai mạc phiên họp lần thứ nhì của Thượng Hội đồng về quản trị Giáo hội, chúng ta nên mong chờ  gì?

Hiện tại không có gì nhiều. Quan trọng nhất là phương pháp tham vấn ở mọi cấp độ của Giáo hội. Về mặt này, nhiều cuộc họp chuẩn bị đã được tổ chức ở địa phương, quan trọng hơn hai phiên họp ở Rôma của Thượng Hội đồng.

Vì sao Thượng Hội đồng bắt đầu bằng buổi sám hối với bảy tội mới?

Các tu sĩ Dòng Tên là chuyên gia của “các bài tập linh thao”, họ thường nhấn mạnh đến việc xét lương tâm. Là tu sĩ Dòng Tên, Đức Phanxicô không thêm định nghĩa giáo lý cho các tội này, nhưng ngài tìm cách chạm đến lương tâm của người đương thời, phạt “sự thờ ơ” của chúng ta trước những tội ác to lớn hiện nay.

Liệu Thượng Hội đồng này có làm thay đổi quyền lực giáo sĩ như ngài mong muốn không?

Thành thật mà nói, tôi thấy có quá nhiều mâu thuẫn về vấn đề này, dù phương thức tiếp cận này cần thiết để khôi phục vị trí xứng đáng của linh mục. Mặt khác, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội phải được xác định rõ hơn vì họ luôn ít được lắng nghe, họ là nạn nhân của lạm dụng tình dục, thiêng liêng và quyền lực. Rủi ro là chúng ta sẽ thấy họ ra đi.

Các cải cách của ngài sẽ còn lại gì?

Ngài đưa ra một con đường, hay đúng hơn là những con đường cho Giáo hội công giáo và cho các giáo phái kitô giáo khác. Ngài rất quan tâm đến cuộc đối thoại với các tôn giáo khác. Việc tiếp tục cuộc hành trình sẽ tùy thuộc vào các tín hữu.

Ông phát hành quyển sách có tựa đề hấp dẫn, Giáo hoàng cuối cùng: ý của ông là gì?

Ý tưởng này đến với tôi từ câu trả lời ngạc nhiên của Đức Bênêđíctô XVI năm 2016 trong quyển sách phỏng vấn, khi ngài trả lời câu hỏi liệu ngài có cảm thấy mình là “giáo hoàng cuối cùng” hay không, ám chỉ đến lời tiên tri nổi tiếng của tiên tri Malachi. Đức Bênêđíctô XVI trả lời ngài không thấy ngài thuộc về thế giới cũ nhưng thế giới mới vẫn chưa bắt đầu. Nói cách khác, ngài cho rằng ngay cả với người kế vị ngài, được bầu năm 2013, Giáo hội vẫn chưa đảm đương được hậu quả của sự biến đổi nhanh chóng của thế giới ngày nay. Theo ngài, vấn đề không ở giáo hoàng nhưng ở tầm của thông điệp và chứng tá của Giáo hội trong thế giới “mới”.

Nhưng lời tiên tri này của Malachi có đáng tin cậy không?

Đức Bênêđíctô XVI giải thích đây là lời tiên tri sai lầm. Đây là  các câu phương châm la-tinh áp dụng chung cho cả trăm giáo hoàng. Tài liệu này được cho là của một người bạn của Thánh Bênađô có từ thế kỷ 12. Thật ra các câu này có từ cuối thế kỷ 16 để thao túng tinh thần và ủng hộ một hồng y trong mật nghị mà cuối cùng hồng y này không được bầu làm giáo hoàng. Cho đến thời điểm đó, các câu phương châm khác bằng tiếng la-tinh hoàn toàn phù hợp với các giáo hoàng. Sau đó là những lời khá chung chung và bí ẩn. Chẳng hạn, Đức Bênêđíctô XVI, người cuối cùng trong danh sách này được cho là “vinh quang của cây ô liu” nhưng liệu câu này chỉ áp dụng cho ngài mà thôi không? Sau câu này là câu nói về một “Phêrô la-mã” sẽ là giáo hoàng vào ngày tận thế. Như thế triều Đức Phanxicô sẽ là triều kết thúc của ngôi vị giáo hoàng, thậm chí của cả thế giới? Tôi muốn nói triều giáo hoàng hiện nay đang ở  bước ngoặt quyết định trong lịch sử vì chúng ta phải tái tạo lại hình thức mà quyền lực giáo hoàng đã được thực thi kể từ khi kết thúc Chế độ Cổ đặc biệt là trong triều của giáo hoàng Phanxicô.

Tuy nhiên, Giáo hội nói về “thời kỳ cuối cùng” trong sách giáo lý?

Chắc chắn sẽ có ngày tận thế, nhưng trong Kinh thánh không có gì chính xác: Kinh thánh đưa ra những bối cảnh để chúng ta suy ngẫm. Trong quan điểm kitô giáo về lịch sử, mọi sự đã được hoàn thành nhờ Chúa Kitô nhập thể. Với Chúa Kitô, thời kỳ cuối cùng đã bắt đầu nhưng chưa kết thúc vì kitô hữu chúng ta đang chờ ngày Chúa đến lần thứ hai. Vì thế chúng ta sống trong tình trạng căng thẳng thường trực giữa “đã” và “chưa”, một công thức rất nổi tiếng trong thần học. Vì lý do này, một số học giả Kinh thánh cổ xưa và hiện đại khẳng định sách Khải Huyền không nói nhiều về tương lai mà nói về hiện tại.

Khi phân tích lịch sử của ngôi vị giáo hoàng, ông chứng minh “quyền lực” thiêng liêng của giáo hoàng lại thường là tù nhân của hoàn cảnh lịch sử?

Ngày nay, quyền lực giáo hoàng đã suy giảm khá nhiều nhưng quyền lực này vẫn là một quyền lực thực sự, chính xác, vì khi dùng quyền lực vật chất sẽ có nguy cơ làm hoen ố ảnh hưởng đạo đức và tinh thần của quyền giáo hoàng. Tôi nghĩ đến việc quản lý công lý ở Quốc gia Vatican nhỏ bé, bị chỉ trích nhiều vì thiếu phân chia quyền lực như chúng ta đã thấy trong vụ xét xử Hồng y Angelo Becciu, hoặc với cuộc cải cách tài chính còn dang dở. Chưa kể đến các thảm kịch và các vụ bê bối lạm dụng mà Giáo hội còn lâu mới có thể ngăn chặn được. Mặt khác, quyền lực thiêng liêng đã được khẳng định từ đầu thế kỷ 19 và còn hơn thế với sự mất đi của các Nhà nước Giáo hoàng năm 1870. Nói một cách dễ hiểu, Giáo hội càng có ít quyền lực vật chất thì càng có nhiều quyền lực thiêng liêng.

Ông đã theo dõi sát năm triều giáo hoàng gần đây, ông mô tả sự phát triển của chức vị giáo hoàng như thế nào?

Theo tôi, triều Đức Phaolô VI vẫn là triều mẫu mực. Ngài là giáo hoàng thực sự của Công đồng Vatican II, một công đồng ngài điều hành một cách tôn trọng và cương quyết. Triều của Đức Gioan-Phaolô I quá ngắn nhưng đặc biệt về khả năng truyền đạt. Nếu các phương tiện truyền thông đã giúp ích cho sự phát triển quốc tế của triều giáo hoàng, chúng ta phải thừa nhận ba giáo hoàng cuối cùng đã có những giới hạn rõ ràng trong việc điều hành theo hướng này hay hướng khác.

Liệu Đức Phanxicô có thay đổi hoàn toàn ngôi vị giáo hoàng không?

Ý định của ngài rất xuất sắc nhưng ngài độc đoán, các thành tựu vẫn chưa hoàn thành, thậm chí còn mâu thuẫn, đặc biệt liên quan đến ba cuộc cải cách thiết yếu: “Phi giáo quyền hóa Giáo hội, phân cấp quyền lực Giáo hội và cải cách giáo triều Rôma.”

Ông thấy sự kế thừa một nhân vật có cá tính mạnh mẽ như ngài sẽ như thế nào?

Việc kế vị vẫn chưa được công bố vì Đức Phanxicô vẫn tiếp tục dù tuổi đã cao, nhưng sẽ khó khăn vì sự chia rẽ rất gay gắt trong Giáo hội. Người kế vị của ngài sẽ làm việc hết mình để hàn gắn các chia rẽ trầm trọng trong Giáo hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Giovanni Maria Vian: “Nói về tội lỗi, Đức Phanxicô kêu gọi xét mình”