Chúng ta để những người giúp chúng ta biết Chúa ở địa vị nào?  

41

Chúng ta để những người giúp chúng ta biết Chúa ở địa vị nào?

Hình ảnh Philippe Lissac / Godong

fr.aleteia.org, María Álvarez de las Asturias, 2025-07-02

Khi chúng ta nhờ ai đó để được biết Chúa, chúng ta biết ơn họ và đôi khi còn gắn bó với họ. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta không được nhầm lẫn người trung gian với Chúa.

Chúng ta có thể biết Chúa nhờ nhiều cách, nghe giảng, nghe chứng từ. Chúng ta nhận ơn và biết điều này mở ra cho chúng ta cánh cửa mới để đến một thế giới hoàn toàn mới. Chúa Thánh Thần thổi hơi sống mới, lòng chúng ta tràn ngập niềm vui hạnh phúc giống như hạnh phúc của các tông đồ: “Chúng tôi đã tìm thấy Đấng Thiên sai!” (Ga 1:41).

Thường thường cuộc gặp này qua trung gian: linh mục, giáo lý viên, thầy cô giáo, người hướng dẫn tâm linh… Và chúng ta biết ơn họ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, có một rủi ro tiềm ẩn: trái tim cháy bỏng tình yêu dành cho Chúa sẽ gắn bó với người dẫn dắt chúng ta đến với Ngài. Về mặt tâm lý, yêu mến họ là điều dễ hiểu – vì còn món quà nào lớn lao cho bằng được biết Chúa? Tuy nhiên, như Đức Phanxicô đã giải thích trong Kinh Truyền tin ngày 15 tháng 1 năm 2023: “Chúng ta cần cảnh giác trước những hành động thái quá có thể xảy ra trong trường hợp này.”

Nguy cơ gắn bó về mặt tình cảm

Thật vậy, khi một linh mục, một hướng dẫn viên, một giáo lý viên trở thành người chính yếu, người đó có thể tạo ảnh hưởng lớn. Người được hướng dẫn có nguy cơ nghĩ rằng theo Chúa có nghĩa là vâng lời và tin tưởng tuyệt đối vào người dẫn dắt họ. Tuy nhiên, điều cơ bản là không được nhầm lẫn công cụ của Chúa với chính Chúa.

Đôi khi một số linh mục hoặc người hướng dẫn tâm linh không nhận thức đủ về động lực này. Sự thiếu hiểu biết này làm cho họ thiếu thận trọng trước vấn đề này. Nếu không được sửa chữa, những ràng buộc này có thể dẫn đến sự phụ thuộc về mặt cảm xúc, tình trạng hỗn loạn về mặt tinh thần và trong những trường hợp nghiêm trọng nhất: đó là lạm dụng lương tâm.

Thánh Gioan Tẩy Giả là gương mẫu của khiêm nhường và vô tư

Đức Phanxicô mời gọi chúng ta suy gẫm gương của Thánh Gioan Tẩy Giả, người “mở cửa và đi ra”. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, ngài bước sang một bên để nhường chỗ cho Chúa Giêsu: “Người rao giảng quy tụ các môn đệ và đào tạo họ trong một thời gian dài. Nhưng ngài không ràng buộc ai với mình. Điều này thật khó khăn, nhưng đó là dấu hiệu của nhà giáo chân chính: không ràng buộc người khác với mình.”

Sứ mệnh của nhà giáo chân chính giúp chúng ta trưởng thành về mặt nhân cách và tinh thần. Người được hướng dẫn phải hiểu ở một thời điểm nào đó, họ có thể là công cụ của Chúa Quan Phòng, thì chỉ có một mình Chúa Giêsu là người họ phải theo.

Lớn lên trong tự do

Đức Phanxicô nhắc nhở các nhà giáo dục về tầm quan trọng của việc không được ràng buộc người khác với mình: “Chúng ta lôi kéo người khác đến với Chúa Giêsu hay đến với chính chúng ta? Với gương Thánh Gioan: chúng ta có vui mừng khi họ chọn con đường của họ, theo tiếng gọi của họ, dù họ phải tách biệt chúng ta không?”

Chúng ta phải duy trì sự tự do nội tâm này với người đã bằng cách này cách khác giúp chúng ta đến với Chúa Kitô. Dù biết ơn và lắng nghe lời khuyên là điều quan trọng, nhưng chúng ta nên nhớ gương Thánh Gioan Tẩy Giả: người hướng dẫn thực sự không tìm cách thu hút sự chú ý vào chính họ, nhưng hướng sự chú ý đó về Chúa Kitô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Em bé hồn nhiên chạy đến ôm chầm Đức Lêô

Đức Lêô và sự hồn nhiêu tự phát của một em bé

“Kim chỉ nam” của các cơ quan công quyền theo Đức Lêô nên như thế nào?