Từ Giáo hoàng này đến Giáo hoàng khác
wherepeteris.com, Mike Lewis, 2025-07-12
Nhà báo Mike Lewis, Tổng biên tập, sáng lập trang Nơi Phêrô ở (Where Peter Is). Ông cùng bà Jeannie Gaffigan đồng dẫn chương trình Field Hospital, một podcast Công giáo Hoa Kỳ.
Trước khi đi sâu vào suy nghĩ của tôi về Đức Lêô và quá trình chuyển từ triều Đức Phanxicô qua triều Đức Lêô, tôi nghĩ tôi tôi nợ độc giả một lời giải thích ngắn – và có thể là một lời xin lỗi nho nhỏ.
Tôi đã dành phần lớn thời gian trong tuần vừa qua để viết một bài viết dài có nhiều tài liệu tham khảo – và tính đến hôm nay, bài viết này bất ngờ bị chia thành hai phần. Tôi hy vọng hai bài này sẽ đưa ra những khía cạnh khác nhau trong phong cách lãnh đạo của Đức Lêô. Xin quý độc giả thắt dây an toàn! (Nếu quý độc giả có thói quen này), tôi sẽ làm xong nhanh!
Thật không may, khi tôi viết các bài này, có nghĩa là các bài khác sẽ ứ lại! Có một số tác giả xin tôi cập nhật bài viết họ đã gởi. Tôi đã nói với họ… “ngày mai” hoặc “tuần sau”, để rồi “những ngày mai, hững tuần sau” này có khi là 8 tháng trước. Tôi đã gặp những người thất vọng, họ tức giận rút lại bài đã gởi, buộc tội tôi không quan tâm đến bài viết của họ, nhưng sự thật là tôi chưa bao giờ thấy bài viết của họ hoặc tôi đã hoàn toàn quên. Tôi luôn mang cảm giác tội lỗi về chuyện này, cũng như nỗi lo lắng thường xuyên tôi đã quên mất điều gì đó quan trọng. Tôi luôn sống trong nỗi lo sợ này, sẽ có người thất vọng về tôi vì một chuyện gì đó tôi không ngờ tới.
Tôi rất vui vì hai bài viết xuất sắc gần đây – của Carlos Colorado và của Claudio Remeseira – đã không bị lãng quên theo thời gian, vì tác giả đã nhẹ nhàng nhắc tôi (Xin cám ơn!)
Thành thật mà nói, tôi thấy nực cười khi chúng tôi bị cáo buộc cố tình thúc đẩy một chương trình nghị sự toàn cầu hóa, hoặc chúng tôi được Vatican, Dòng Tên, hay nhà tỷ phú Mỹ George Soros tài trợ, vì rõ ràng họ chẳng biết “xúc xích” được làm ra như thế nào. Nhưng đó là lời khen rất lớn, vì nó khẳng định tài năng và trí tuệ của những người đóng góp, đồng thời cho thấy công việc của chúng tôi được đánh giá là chuyên nghiệp và chu đáo.
(Tuy vậy, nếu bất kỳ quan chức Vatican, Dòng Tên, hay thành viên nào của gia đình Soros đọc bài viết này và muốn tài trợ cho trang web, xin vui lòng liên hệ với tôi tại articles@wherepeteris.com.)
Thật khó tin dù chúng tôi có những thiếu sót – và chúng tôi vẫn còn thiếu sót – sau bao nhiêu năm tôi vẫn lộn xộn như ngày nào. Một người viết tiểu sử của Giáo hoàng đã từng nói với tôi nếu “Nơi Thánh Phêrô ở” thực sự là công trình của Chúa Thánh Thần, thì nó sẽ được tiếp tục. Và chúng tôi đang ở đây. Chúng tôi được tình yêu cho đức tin Công giáo và lòng trung thành với Đấng Kế vị Thánh Phêrô nâng đỡ.
(Tôi không có ý định biến điều này thành bài suy gẫm, nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi không giỏi lên kế hoạch cho mọi việc.)
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đức Phanxicô, tôi đã cảm thấy gần gũi với ngài nhờ tính tự phát, không hình thức, lòng đồng cảm và xu hướng nói ra bất cứ điều gì nảy ra trong đầu của ngài. May mắn thay, ngài rất tự tin và kiểm soát được một số hỗn loạn (và cũng không có gì bất lợi với tư cách là Tổng giám mục và Giáo hoàng, ngài có đội ngũ trợ lý giúp ngài theo dõi mọi việc.) Đức Phanxicô làm Giáo hoàng khi ngài đã 76 tuổi, ngài thoải mái với con người của ngài và với những hạn chế của ngài.
Một trong những đức tính tôi ngưỡng mộ và mong muốn nơi ngài: đó là ngài chấp nhận triệt để con người của ngài: đón nhận sâu sắc nhân tính của mình và niềm tin chắc nịch ngài được Chúa yêu thương. Ngài nhận ra các tài năng và hạn chế của mình mà không hề xấu hổ hay giả vờ. Ngài không biết hát, nên ngài không hát. Ngài biết tiếng Anh của ngài kém, ngài nói ngài “không nhạy cảm với âm điệu” nên ít khi ngài nói. Đầu gối của ngài bị đau, nên ngài không quỳ. Khi khả năng di chuyển của ngài kém, ngài không cử hành thánh lễ được, ngài lặng lẽ chuyển sang ngồi ghế chủ tế để chủ trì các buổi cầu nguyện, một Hồng y sẽ cử hành các nghi thức phụng vụ đòi hỏi có thể lực nhiều hơn.
Thỉnh thoảng có những lời chỉ trích về chuyện này nhưng ngài không bận tâm. Ngài biết đó không phải việc của họ. Ngài không mang “mặt nạ”, tính nhân văn của ngài ngay cả những sai lầm và cơn giận dữ thỉnh thoảng của ngài, đều hiện rõ trước mắt mọi người.
Phong cách lãnh đạo của ngài là tham vấn (đồng nghị), tuân theo quy trình phân định, nhưng với tư cách là Giáo hoàng, ngài biết mọi quyết định cuối cùng rồi cũng ở trên vai ngài. Do đó, khi đưa ra quyết định, ngài là người quyết định. Đó là lý do vì sao ngài không gặp vấn đề khi đưa những người có quan điểm khác thường hoặc thậm chí là dị giáo vào bàn thảo luận. Ngài nghĩ không có gì phải sợ hãi khi ngài có quyền của Thánh Phêrô, nên càng đông càng vui. Đức Phanxicô tin tưởng vào sự dẫn dắt và che chở của Chúa Thánh Thần: đó là điều không thể đánh giá thấp. Những người chỉ trích cho rằng ngài “cố gắng làm cho Giáo hội được dân chủ” thực sự họ không hiểu ngài.
Tôi ngưỡng mộ khả năng ứng biến và khởi xướng những sáng kiến sáng tạo và táo bạo của ngài mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Tầm nhìn của ngài về công cuộc truyền giáo – về một Giáo hội không hướng nội hay giữ thế phòng thủ, nhưng vươn ra ngoại vi và đồng hành cùng người nghèo, người bị tổn thương và người đau khổ – đã làm thay đổi trái tim tôi.
Tôi rất vinh dự được viết về ngài và bảo vệ ngài trong tám năm cuối cùng triều của ngài. Ban đầu, những người sáng lập trang web này đã nghĩ nhiệm vụ của chúng tôi một cách khá đơn giản. Người công giáo (kể cả các hồng y, giám mục, thần học gia) tuyên bố họ “bối rối” trước các lời huấn dạy của Đức Phanxicô, đưa ra những tuyên bố sai lệch về giáo lý Công giáo về quyền tối thượng và thẩm quyền của giáo hoàng. Giải quyết vấn đề đó sẽ khá đơn giản.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, rõ ràng sự phản đối Đức Phanxicô không phải là vấn đề bối rối, mà là vấn đề bác bỏ thẩm quyền và giáo lý của ngài. Chỉ mất khoảng năm phút để giải thích tính chính thống của Tông huấn Niềm vui Tình yêu Amoris Laetitia hoặc bản sửa đổi năm 2018 về giáo huấn của Giáo hội về án tử hình. Thật không may, với nhiều người Công giáo, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, “tính chính thống” bị định nghĩa là “phản đối Giáo hoàng Phanxicô”. Cứ như thể họ nghĩ điều duy nhất bất khả ngộ về ngài là sự sai lầm bất khả ngộ của ngài.
Cũng như Đức Phanxicô đã nói về Thiên Chúa của những điều bất ngờ, ngài là giáo hoàng của những điều bất ngờ – không chỉ vì chúng ta không bao giờ biết ngài sẽ nói gì tiếp theo, nhưng còn vì ít nhất một lần một tuần, những người chỉ trích ngài sẽ cố gắng đưa ra một lời buộc tội mới về ngài. Chẳng hạn tháng 10 năm 2019, với sự hoảng loạn về mặt đạo đức phân biệt chủng tộc liên quan đến “thờ ngẫu tượng ở Vatican”, một trong những vụ bê bối giả mạo bị lan truyền. Đôi khi, dường như toàn bộ cộng đồng Công giáo trên mạng (cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối) đang chờ xem WPI sẽ phản ứng như thế nào. Thông thường, khi mọi chuyện lắng xuống, phản ứng của chúng ta sẽ được chứng minh là đúng.
Trong những năm đầu triều của ngài – khi nhiều nhân vật, đồng nghiệp và bạn bè trong giới công giáo bảo thủ của tôi bắt đầu rời xa và quay lưng lại với ngài – tôi quyết định đi theo bản năng Công giáo của tôi và bám chặt vào nguồn gốc Công giáo. Đó là bước nhảy vọt của đức tin. Tôi đã chọn đi theo Người kế vị Thánh Phêrô. Tôi chưa bao giờ hối hận về điều này. Trải nghiệm của tôi với triều Giáo hoàng Phanxicô giống như cưỡi rồng – phấn khởi, truyền cảm hứng, chói tai, đáng sợ, thay đổi cuộc đời.
Chúng ta đã được nghe nhiều lần, Đức Phanxicô bắt đầu ngày của ngài bằng lời cầu nguyện. Sau đó, ngài chỉ tiếp tục phần còn lại của ngày với niềm tin mạnh mẽ Chúa sẽ nâng đỡ và dẫn dắt ngài. Cách tiếp cận này đã làm cho nhiều người chỉ trích ngài lo lắng và họ truyền lo lắng này cho nhiều người. Tôi nghĩ chúng ta chưa thảo luận đủ về sự táo bạo không ngừng nghỉ của ngài. Ngài đã rất táo bạo. Tôi nhớ điều đó. Tôi nhớ ngài.
Ngày nay, chúng ta đang tìm hiểu Giáo hoàng Lêô. Ngài có một khởi đầu đầy hứa hẹn. Nhưng phong cách của ngài rất khác với phong cách của Đức Phanxicô. Không thăng trầm như Đức Phanxicô, Đức Lêô điềm tĩnh, làm việc có phương pháp và cẩn thận – có lẽ hơi giống con la ngài cưỡi ở vùng nông thôn Peru. Nhiều người từng chỉ trích Đức Phanxicô, họ đang cố gắng một lần nữa kiểm soát hình ảnh của Đức Lêô (như họ đã làm trong các triều của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI), tô vẽ ngài như người ủng hộ lý tưởng của họ. Họ dự đoán ngài sẽ đảo ngược các cải cách, giáo huấn của Đức Phanxicô, thậm chí nới lỏng các hạn chế năm 2021 với Thánh lễ Tridentine.
Hai tháng sau khi nhậm chức, Đức Lêô vẫn chưa ban hành một học thuyết hay kỷ luật nào có tác động đáng kể đến tín hữu toàn cầu. Có tin đồn ngài đang soạn thông điệp đầu tiên và đang chuẩn bị thực hiện những thay đổi quan trọng trong Giáo triều Rôma (nơi ngài là nhân vật rất quan trọng hai năm trước khi được bầu chọn), nhưng chúng ta sẽ không biết ngài sẽ viết gì hoặc sẽ bổ nhiệm ai cho đến khi các quyết định của ngài được công bố. Chúng ta có một số manh mối về quan điểm thần học và cách tiếp cận giáo lý của ngài, nhưng chúng ta không nên quên lời dạy ngày xưa “chức vụ giáo hoàng có thể thay đổi một con người”.
Không thể dự đoán chắc chắn ngài sẽ làm gì về bất kỳ vấn đề cụ thể nào. Nhưng tôi nghĩ nói lên ấn tượng về tính cách và bản chất của ngài dựa trên thông tin chúng ta có là công bằng. Và ấn tượng của tôi là Đức Lêô, Robert Francis Prevost, là người nhân từ và thánh thiện.
Với tôi, điều này đặc biệt rõ ràng trong video được Vatican Media phát hành bằng tiếng Tây Ban Nha với phụ đề tiếng Anh, giới thiệu ngài qua góc nhìn của những người ngài đã sống và phục vụ họ ở Peru, với tư cách là linh mục Dòng Augustinô và Giám mục Chiclayo. Tình yêu của họ dành cho ngài tỏa sáng trong ánh mắt và giọng nói của họ. Ngài yêu thương họ và họ yêu thương ngài.
Vào ngày ngài được bầu, tôi nhắn tin cho người bạn quen biết ngài để hỏi suy nghĩ của họ về việc bầu chọn ngài.
Anh bạn trả lời: “Ngài là nhà truyền giáo đích thực.”
https://x.com/i/status/1942903572150292974
Hình ảnh: Đức Lêô cưỡi la ở Peru.
Marta An Nguyễn dịch