Đức Lêô cho biết ngài rất mong muốn đi thăm Việt Nam

67

Đức Lêô cho biết ngài rất mong muốn đi thăm Việt Nam

Giáo dân Việt Nam mong chờ và hy vọng ước muốn chân thành của họ sớm được thực hiện.

Ngày thứ hai 30 tháng 6, Đức Lêô tiếp bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Vatican Media

ucanews.com, Alex Hoang, 2025-07-01

Trong thời điểm ngoại giao và mục vụ quan trọng, ngày 30 tháng 6 Đức Lêô đã tiếp bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Việt Nam tại Dinh Tông tòa. Ngài nói lên ước muốn mạnh mẽ của ngài: được đi thăm Việt Nam trong tương lai gần, đã khơi dậy hy vọng và phấn khích trong lòng giáo dân Việt Nam, từ lâu họ đã mong muốn Giáo hoàng đến thăm.

Cho đến nay, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho chuyến đi của một Giáo hoàng đến Việt Nam – một ý tưởng chừng như không thể.

Tuyên bố của ngài được đưa ra trong cuộc họp kéo dài 45 phút của ngài với Bà Võ Thị Ánh Xuân và phái đoàn của bà. Ngài cho biết, ngài thực sự mong muốn đi Việt Nam để được gặp trực tiếp giáo dân. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bà Ánh Xuân đã gởi lời mời chính thức đến Giáo hoàng, đất nước Việt Nam sẽ rất vinh dự được chào đón ngài trong tinh thần hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau.

Đây là lần đầu tiên một Giáo hoàng đương nhiệm công khai bày tỏ mong muốn đến thăm Việt Nam trong cuộc họp ngoại giao cấp cao, báo hiệu một bước ngoặt tiềm tàng trong quan hệ Vatican-Việt Nam, tạo niềm hy vọng trên khắp đất nước.

Giấc mơ của hàng triệu người

Trong nhiều thế hệ giáo dân Việt Nam hy vọng được Giáo hoàng đến thăm, bây giờ hy vọng này ở trong tầm tay của họ. Nước Việt Nam có khoảng 6 triệu giáo dân (7% dân số), họ vui mừng mong chờ Đức Lêô đến thăm.

Ông Gioan Trần Minh, một giáo dân đứng đầu một giáo xứ nhỏ ở nông thôn cho biết: “Mới 10 năm trước đây, ý tưởng có một Giáo hoàng đến thăm Việt Nam là giấc mơ xa vời. Nhưng ngày nay, ý tưởng này đã là hiện thực. Với Chúa, không gì là không thể. Chúng tôi tạ ơn Chúa.”

Tin này được giáo dân chia sẻ nhanh chóng trên mạng, một giáo dân trẻ ở Sàigòn thấy sức mạnh cảm xúc trong cách ngài dùng chữ, anh viết trên Facebook: “Ngài không chỉ đồng ý đến, nhưng ngài muốn đến; điều này nói lên tất cả.”

Nhiều người so sánh chuyến đi này với chuyến đi lịch sử của Đức Gioan-Phaolô II khi ngài đi Đông Âu, chuyến đi đã giúp hàn gắn các chia rẽ chính trị và trao quyền cho các giáo hội địa phương trong thời kỳ chuyển tiếp quan trọng.

Dù Việt Nam và Tòa thánh vẫn chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ, nhưng mối quan hệ hai bên đã được ổn định trong 20 năm qua.

Năm 2009, một Nhóm công tác chung đã được thành lập để duy trì đối thoại giữa hai bên. Năm 2011, Vatican bổ nhiệm một đại diện không thường trú tại Việt Nam – một bước tiến nhỏ nhưng quan trọng. Gần đây hơn, năm 2023, vị trí này được nâng thành đại diện thường trú của Giáo hoàng có trụ sở tại Hà Nội, một bước đột phá đáng kể.

Những nỗ lực này đã giúp xây dựng lòng tin

Trong chuyến đi Vatican, Bà Phó Chủ tịch Nước đã gặp Tổng giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các quốc gia của Vatican. Bà tái khẳng định thiện chí của Việt Nam trong việc hỗ trợ công việc của đại diện Tòa thánh tại Hà Nội và tiếp tục thúc đẩy đối thoại. 

Một chuyến đi có thể tạo nên lịch sử

Nếu chuyến đi của Đức Lêô được thực hiện, ngài sẽ là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử đặt chân đến đất nước Việt Nam. Với giáo dân Việt Nam, sự kiện này mang một ý nghĩa rất lớn. Đây sẽ là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy Giáo hội không quên họ và Giáo hoàng muốn gần gũi với người dân của mình, bất kể họ ở đâu.

Ngoài tính biểu tượng, chuyến thăm có tác động cụ thể: một khích lệ cho Giáo hội địa phương rất lớn, đặc biệt trong các lãnh vực giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ người nghèo, mở ra cánh cửa mới cho sự hợp tác giữa các cộng đồng tôn giáo và các tổ chức của chính quyền. Sự hiện diện của của ngài mang một ý nghĩa tích cực về sự hòa hợp tôn giáo ở một quốc gia có nhiều tín ngưỡng khác nhau.

Theo nghĩa rộng, mối quan tâm của Giáo hoàng với Việt Nam phù hợp với cách tiếp cận lặng lẽ nhưng vững chắc của Vatican với ngoại giao ở Châu Á. Thay vì dựa vào các bài phát biểu lớn hoặc tuyên bố chính trị, Tòa thánh thường xây dựng các cây cầu thông qua các mối quan hệ, sự hiện diện và cử chỉ cá nhân. Đó là điều làm cho các khoảnh khắc này trở nên quan trọng – không chỉ với Việt Nam mà còn với các Giáo hội khác trong khu vực.

Nhìn về phía trước

Giáo dân Việt Nam cầu nguyện và hy vọng mong muốn chân thành này của Đức Lêô sẽ sớm trở thành hiện thực. Mặc dù Vatican chưa xác nhận thời gian, nhưng hai bên cam kết tiếp tục các cuộc thảo luận ngoại giao qua các kênh hiện có.

Khi Giáo hội hoàn vũ đón nhận kỷ nguyên mới của tính công đồng, việc Đức Lêô muốn đi Việt Nam là một thông điệp rõ ràng và cảm động: không có cộng đồng nào là quá xa xôi, và không có ai là người bị lãng quên.

Marta An Nguyễn dịch

Đức Lêô có đi Việt Nam không?

Sự cải thiện được xác nhận giữa Tòa Thánh và Việt Nam

Ngày thứ hai 30 tháng 6, Đức Lêô tiếp bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ảnh: Vatican Media