Làm thế nào Đức Lêô XIV được bầu trong vòng 24 giờ

34
Làm thế nào Đức Lêô XIV được bầu trong vòng 24 giờ
la-croix.com, Mikael Corre và Matthieu Lasserre, Rôma, 2025-05-21
Các Hồng y trước khi bắt đầu mật nghị tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican vào ngày 7 tháng 5 năm 2025. VATICAN MEDIA/HO / AFP
Mật nghị ngày 7 và 8 tháng 5 vẫn chưa tiết lộ hết mọi bí mật. Hai tuần sau khi bầu Đức Lêô XIV các phóng viên của báo La Croix ở Rôma cố gắng tìm hiểu những diễn biến dẫn đến cuộc bầu cử Hồng y Robert Prevost.
Điều tra mật nghị là mạo hiểm bước vào một thế giới mà im lặng là thiêng liêng. Các hồng y cử tri phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối, bất kỳ một tiết lộ nào về mật nghị đều tự động bị vạ tuyệt thông. Chấp nhận những hạn chế này, ít nhiều thông tin có thể làm sáng tỏ mật nghị. Việc các hồng y bảo thủ bầu đã làm nhanh chóng cuộc bầu cử.
Ở vòng bỏ phiếu thứ tư, Hồng y Prevost đã có 100 phiếu trong số 133 phiếu, như thế đã vượt quá con số 2/3 cần thiết. Những gì xảy ra trước đó không rõ ràng lắm, các số liệu liên tục thay đổi. Ngay vòng đầu, báo chí Ý đã dự đoán Hồng y Pietro Parolin sẽ thắng với số phiếu cách biệt từ 40 đến 50 phiếu, kế đó là Hồng y Prevost kém khoảng 10 phiếu. Các con số, các bài viết ngược nhau, thậm chí còn trích dẫn những nguồn… không uy tín. Theo thông tin của báo La Croix, có rất ít thông tin về vòng bầu thứ hai và thứ ba để quyết định cuộc bầu cử. Phải mất 6 năm mới có kết quả của mật nghị năm 2013!
Quyết định cuối cùng
Ngày thứ tư 7 tháng 5 năm 2025, lúc 5:46 chiều, cánh cửa Nhà nguyện Sistine đóng lại với 133 hồng y cử tri. Cuộc họp kín bắt đầu.
Cảnh này rất quen thuộc với những ai đã có kinh nghiệm: 12 chiếc bàn phủ vải màu xám được kê ở gian giữa nhà thờ. Trên bàn có ghi tên từng hồng y. Sơ đồ chỗ ngồi không ngẫu nhiên. Gần bàn thờ và bức tranh Phán xét cuối cùng của danh họa Michelangelo là năm ghế của các hồng y-giám mục – cấp bậc cao nhất. Trong năm ghế này có ghế của một người ít được ai biết: Hồng y Prevost. Một hồng y chia sẻ: “Khi tôi vào Nhà nguyện Sistine, ngài là người duy nhất ngồi cùng bàn với tôi mà tôi không biết.”
Ngồi giữa Hồng y Louis Raphael Sako (người Chalđê ở Iraq) và Hồng y Luis Antonio Tagle (Phi Luật Tân), Hồng y Robert Francis Prevost là người mới vào nhóm nhỏ này. Được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm hồng y-giám mục ngày 6 tháng 2, ngài nhận tước vị này một tuần trước khi Đức Phanxicô nhập viện. Một quyết định cuối cùng. Đã có dấu hiệu rồi sao? Một cộng sự thân cận của Hồng y Prevost cho biết: “Nhìn lại thái độ của Đức Phanxicô với Hồng y Prevost, tôi thấy có điều gì đó như một cách chuẩn bị cho Hồng y.” Hồng y Ấn Độ Oswald Gracias, cựu cố vấn của Đức Phanxicô, điềm tĩnh bình luận: “Những gì có thể được xem là hình thức chuẩn bị thực ra không phải cố ý.”
Ở bàn bên cạnh
Tối thứ tư 7 tháng 5, tại Nhà nguyện Sistine, Hồng y Raniero Cantalamessa vẫn tiếp tục giảng tĩnh tâm. 45 phút. Hồng y Joseph Tobin nhớ lại: “Cuối buổi tĩnh tâm, ngài xin Giáo hoàng tương lai trung thực với chính mình.” 9 giờ tối, khói đen đầu tiên bốc lên.
Sáng hôm sau, nỗi lo lắng tăng lên. Số phiếu bầu của ngày hôm qua sẽ tiếp tục như thế nào? Một hồng y bỏ phiếu cho Hồng y Prevost ở vòng đầu tự hỏi: “Ai sẽ là người bảo thủ nhất bỏ phiếu sáng nay cho người thứ ba?”
Ở phía sau, gần bàn thờ, chỉ có ba chiếc ghế ngăn cách hai người giành số phiếu cao trong vòng bỏ phiếu đầu tiên: Giáo hoàng tương lai và Ngoại trưởng Pietro Parolin. Hai người đã quen biết nhau khi họ cùng làm việc về Giáo hội Peru vào đầu nhiệm kỳ Đức Phanxicô. Họ đã có được hai phần ba số phiếu bầu của Hồng y đoàn. Ở lần bỏ phiếu thứ hai, vẫn chưa có gì quyết định. Luôn có khả năng bị bế tắc, đòi hỏi phải có những tên mới. Giống như mật nghị tháng 10 năm 1978 khi bầu Đức Gioan-Phaolô II.
Nhưng tiến trình của Hồng y Prevost đang có dấu hiệu thay đổi. Từ vòng thứ hai, số phiếu bầu cho ngài tăng lên dần dần.  Ở vòng thứ ba, ngài gần đạt 89 phiếu bầu cần thiết để có thể đắc cử và như thế sẽ không còn bất ngờ nào nữa. Lúc 11:51 sáng, khói đen bốc lên ở Quảng trường.
Các hồng y khi về Nhà Thánh Marta ăn trưa, họ đã biết Hồng y Prevost sẽ là người kế vị thứ 267 của Thánh Phêrô. Hồng y Jozef De Kesel nước Bỉ cho biết: “Ngày thứ năm, khi bỏ phiếu lần thứ ba (áp chót) tôi nghĩ: đêm nay, chúng tôi sẽ có Tân Giáo hoàng.” Một hồng y Á châu xác nhận: “Đến vòng bỏ phiếu thứ ba, chúng tôi biết đó sẽ là Đức Lêô.” Trong giờ nghỉ trưa, Hồng y Prevost có thì giờ chuẩn bị bài phát biểu, ngài viết trên ba tờ giấy trắng, các giáo hoàng tiền nhiệm đã phải ứng biến bài phát biểu của họ.
Hành động của Chúa Thánh Thần
Không có cuộc thảo luận hay thương thuyết nào giữa hai vòng họp buổi sáng. Theo quy định của mật nghị, các hồng y ở lại Nhà nguyện Sistine, không giải lao uống cà phê, chỉ im lặng cầu nguyện giữa hai lần bỏ phiếu. Một Hồng y kể: “Chúng tôi không rời đi, không được thảo luận. Chúng tôi cảm thấy có một cái gì đó mở ra cho chiều kích siêu việt, cho hành động của Chúa Thánh Thần. Khi kiểm phiếu lần thứ ba và tên được công bố, đã có một điều gì đó xảy ra. Không phải từ bên ngoài, nhưng từ trong nội tâm. Chúng tôi bị nhốt trong chính chúng tôi, chỉ mở lòng ra với Chúa.”
Nhưng việc bỏ phiếu cho cựu Giám mục ở Peru, quốc gia ngài nhập tịch năm 2015 không phải là chuyện tự nhiên của ngày 8 tháng 5. Trong nhiều ngày, tên của ngài đã lan truyền trong các bữa ăn tối và các cuộc họp kín đáo khác quy tụ hơn hai mươi hồng y, như cuộc họp được tổ chức vào đầu tuần tại khuôn viên trường Cao đẳng Úc, phía nam khu Trastevere.
Một hồng y dự nhiều cuộc họp xác nhận: “Đã có nhiều cuộc họp.” Có thể nói, đây là những cuộc họp tự do trao đổi quan điểm về những đức tính các hồng y muốn thấy nơi Tân Giáo hoàng.
Một tổng hợp vui vẻ
Không giống như mật nghị năm 2013, trong đó sự can thiệp của Đức Phanxicô tại Hội đồng được cho là đặc biệt nổi bật, sự can thiệp điềm tỉnh của Đức Robert Prevost năm nay về việc hỗ trợ các linh mục tương lai đã không có tác dụng này. Hồng y Robert McElroy lưu ý: “Vấn đề không phải ở bản chất mà là ở cách ngài nói chuyện. Sự điềm tĩnh, khả năng lắng nghe của ngài đã tạo ấn tượng mạnh.”
Và tiếng nói của các Hồng y Mỹ la-tinh vui mừng khi bầu được người trong số họ, đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ các hồng y ở bắc bán cầu, những người bị thuyết phục trước bối cảnh một công dân Chicago có thể đứng đầu Giáo hội.
Trước mật nghị, Hồng y Pietro Parolin bị các phương tiện truyền thông cực kỳ bảo thủ Ý chỉ trích, họ bịa ra nỗi bất an của người Ý, vì thế Đức Lêô với con đường tâm linh vững chắc đã thuyết phục được họ. Một hồng y người Châu Phi nhấn mạnh, sau khi đưa ra các đức tính khác nhau của Hồng y Prevost, họ tin chắc Tân Giáo hoàng sẽ tôn trọng học thuyết. Về phía châu Á, các Hồng y Phi Luật Tân lưu ý, ngoài khả năng tiếng Anh hoàn hảo của ngài, ngài đã nhiều lần đến thăm đất nước của họ, họ đã mời ngài trở lại đất nước của họ.
Trong những ngày trước mật nghị, một hồng y châu Âu, khi thúc đẩy việc chọn một ứng viên khác, đã nghĩ rằng Hồng y Prevost có thể là “ứng viên thỏa hiệp” trong trường hợp bị bế tắc. Nhưng họ đã có được một tổng hợp vui vẻ chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ.
Trong quá trình kiểm phiếu lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng, vào giữa buổi chiều, Hồng y Tagle thấy Hồng y Prevost đầu gục vào tay. Có vẻ như ngài đang suy nghĩ. Hơi thở của ngài mạnh khi người kiểm phiếu đọc to lá phiếu. Khi đủ đa số, tiếng vỗ tay vang lên. Niềm vui vỡ òa. Hồng y De Kesel cho biết: “Chúng tôi nhanh chóng tìm được người được mọi người đồng ý.”
Sau đó theo nghi thức, Tân Giáo hoàng mặc áo chùng trắng ra ban-công Đền thờ Thánh Phêrô.
Bấn loạn trong bếp
Nhà bếp Nhà Thánh Marta không biết bữa ăn tối hôm nay phải chuẩn bị gấp rút bánh flan, bí ngô sốt đậu, măng tây và cơm risotto, thịt bò nướng với nước sốt nâu. Nhưng rồi đâu cũng vào đó. Chúng ta đã có Tân Giáo hoàng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Làm thế nào Đức Lêô có thể tác động tích cực nhất đến chính trị Hoa Kỳ

Đức Lêô XIV phác thảo những nét chính triều của ngài

Nhà văn Peter Seewald: “Tôi phải nói cuộc bầu cử giáo hoàng này đã vượt quá các mong chờ điên rồ nhất của tôi.”

Phòng Nước Mắt, nơi không thể thiếu của Tân Giáo hoàng

Các viễn cảnh của triều Đức Lêô theo nhà báo George Weigel