Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

29

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Hình ảnh – Antoine Mekary | ALETEIA

fr.aleteia.org, Jean Duchesne, 2025-05-20

Những bước đầu của một tân giáo hoàng luôn thách thức và phong phú. Theo nhà khảo luận Jean Duchesne, khi Đức Lêô tập trung bài phát biểu của ngài vào hòa bình và tầm quan trọng của mối quan hệ với Chúa Kitô, ngài đã lấy Chúa Kitô làm trọng tâm và Con Thiên Chúa là Đấng Cứu Thế duy nhất.

Cho đến nay, những bước đi đầu tiên của Đức Lêô được cho là ‘hoàn hảo’. Không ai tìm thấy ngài có lỗi gì: làm hoặc không làm. Mọi người đều đồng ý không thể phân loại ngài “tiến bộ hay tự do”, “bảo thủ hay truyền thống”. Nhưng không ai đi xa đến mức cho rằng các phân loại này đã lỗi thời, kể cả về mặt chính trị, nơi chủ nghĩa dân túy bị cho là “cánh hữu” khó tiếp cận hoặc về mặt xã hội bị cho là “cánh tả”. Ít người mất công giải thích thông điệp của ngài, chỉ thấy đó là những lời khuyên hữu ích, không đáng lo ngại vì những lời khuyên này đi theo chủ nghĩa hiện thực giản dị của tình trạng thế giới hiện nay và sứ mệnh mà Giáo hội và các nhà lãnh đạo hiện tại đang đảm nhiệm.

Bình an của Chúa Kitô

Trên thực tế, hai chủ đề chính nổi bật từ bài phát biểu đầu tiên của ngài là hòa bình và tầm quan trọng của mối quan hệ với Chúa Kitô. Giáo dân không mong chờ gì nhiều ở một Tân Giáo hoàng. Mọi người đều hiểu các sự kiện hiện nay đều bị chiến tranh chi phối (quân sự, kinh tế, văn hóa và cả tôn giáo), gây ra bất công, đau khổ và bất hạnh mà chúng ta không dám thờ ơ. Và thật tầm thường khi chúng ta nghĩ nhà lãnh đạo công giáo nhắc Giáo hội chỉ phục vụ cho mục đích duy trì sự hiện diện tích cực và nồng nhiệt của người sáng lập Giáo hội!

Nhưng nếu chúng ta xét kỹ, Đức Lêô đã nêu rõ hòa bình không chỉ đơn thuần là không có xung đột, nhưng là một khuynh hướng bên trong tâm hồn. Điều này không thể có được chỉ thông qua hòa giải, qua thỏa hiệp, cũng không thể có được nhờ sức mạnh đơn phương của ý chí, của quyết tâm tránh đối đầu và bảo vệ bản thân bằng sự thanh thản. Vì đó là ơn của Chúa cần phải xin và chia sẻ để có thể nhận được, có nghĩa là mở lòng ra với Đấng Duy Nhất – Chúa Giêsu Nadarét bị đóng đinh và phục sinh – Đấng mang đến bình an.

Một thông điệp không thông thường như chúng ta nghĩ

Hai trục của bài giảng khai mạc: một bên là thế tục (hòa bình trên trái đất) một bên là thiêng liêng (tinh thần sẵn sàng với Chúa Kitô) vì thế cả hai hội tụ và trở thành một. Và mọi việc diễn ra rất tốt đẹp. Đầu tiên, vì không ai tuyên bố chống hòa bình: người ta chỉ tuyên bố tiến hành chiến tranh để tự vệ hoặc ngăn chặn “kẻ xấu” làm hại. Vì chúng ta cho rằng Giáo hoàng nói về Chúa Kitô là điều tự nhiên, nhưng chúng ta không để ý nhiều, đức tin bị cho là vấn đề riêng tư và thân mật, trong đó tôn giáo và biểu hiện văn hóa chỉ là một (không phải là yếu tố quyết định nhất) trong số nhiều yếu tố can thiệp vào tiến trình của thế giới.

Đức Lêô XIV không giấu sự thật: hòa giải đòi hỏi can đảm và tha thứ

Tuy nhiên, thông điệp này không mang tính thông thường như chúng ta thường nghĩ để không bị làm phiền, bằng cách phân loại những gì thuộc phạm vi công cộng, bằng cách xếp những gì có thể thách thức trực tiếp mọi người vào phạm vi nội tâm bất khả xâm phạm, như thế trong mọi trường hợp đều không thể bình luận. Nhưng trong một tương lai không xa, Giáo hoàng có thể gây ngạc nhiên, thất vọng, khó chịu, cả trong và ngoài Giáo hội. Khi đó, việc ghi nhớ những phát biểu đầu tiên của ngài sẽ rất hữu ích, vì rõ ràng những phát biểu này là những điều cốt yếu (ít nhất theo ngài) và có thể dùng làm tài liệu tham khảo.

Sứ mệnh trong thế giới

Khi tuyên bố ngài sẽ làm mọi thứ để bảo đảm “vũ khí sẽ im lặng và yêu cầu chúng ta gặp nhau, đối thoại và thương thuyết”, Đức Lêô không mong chờ lời nói của ngài sẽ được lắng nghe và tuân theo, như thể những lời này có sức mạnh kỳ diệu, như thể ngài có công thức không thể sai lầm. Vì ngài không giấu sự thật hòa giải đòi hỏi can đảm và tha thứ – nói cách khác, đòi hỏi hoán cải trong bối cảnh nhiều người “thấy đức tin kitô giáo là phi lý, chỉ dành cho những người yếu đuối và thiếu thông minh… họ thích những điều chắc chắn khác, như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực, lạc thú…”.

Chính tình trạng này của thế giới làm việc truyền giáo trở nên cấp bách. Bắt đầu bằng việc tập trung lại vào sứ mệnh không chỉ của những người kế vị các tông đồ và những người liên kết với họ, mà còn của tất cả những người đã chịu phép rửa tội, những người, trong một môi trường như vậy cuối cùng sẽ sống trong chủ nghĩa vô thần. Kitô giáo kiểu bên ngoài này có thể bao gồm lòng trung thành với một cộng đồng hoặc với một tổ chức tôn giáo, với các giá trị, với đạo đức, và ngay cả với Chúa Giêsu “được ngưỡng mộ như một con người” nhưng bị hạ xuống thành một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn siêu phàm.

Chủ nghĩa kitô giáo

Vì thế ngài rao giảng một “chủ nghĩa lấy Chúa Kitô làm trọng tâm”, trong đó Con Thiên Chúa làm người không phải là hình ảnh lý tưởng của con người, nhưng là Đấng Cứu Thế: Đấng ban cho con người những gì họ cần nhưng không thể tự mình có được hoặc không thể hình dung ra. Và Chúa Giêsu không áp đặt điều gì, Ngài mặc khải qua những gì Ngài nói, Ngài làm và trải qua, bí mật của Sự sống mạnh hơn cái chết, đó là hiến dâng chính mình, không giữ lại bất cứ điều gì, không sợ đánh mất chính mình. Ngài đề nghị chúng ta hãy hiệp nhất với Ngài, đón nhận Chúa Thánh Thần để trở thành con của Chúa Cha trên trời.

Mối quan hệ cá nhân này với Chúa Kitô, nơi chúng ta hiến mình cho Thiên Chúa và cho người khác, không phải là điều mới mẻ. Các tông đồ của Chúa Giêsu và các thánh tử đạo đầu tiên đã trải nghiệm trước khi các nhà thần học và các nhà thần bí nghĩ đến. Thánh Augustinô, nguồn cảm hứng của Đức Lêô đã làm chứng điều này trong quyển Tự Thú, ngài vượt ra ngoài những tranh cãi về giáo hội học trong thời kỳ Cải cách, trường phái Pháp của Hồng y de Bérulle đã tạo nên thời kỳ phục hưng lấy “Chủ nghĩa Kitô giáo làm trung tâm”. Vào thời hiện đại, các Thánh John Henry Newman, Thánh Têrêxa Hài đồng và Charles de Foucauld đã xem tâm linh là trải nghiệm mật thiết khi kết hợp với Chúa Kitô.

Câu hỏi thực sự duy nhất

Cũng vậy với Đức Gioan-Phaolô II năm 1978, ngài đã tuyên bố: “Anh chị em đừng sợ! Anh chị em hãy mở rộng cánh cửa đón Chúa Kitô.” Thông điệp đầu tiên của ngài, Đấng Cứu Độ Con Người, Redemptor hominis đã trình bày Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế. Quyền tối thượng được Chúa Kitô công nhận để cứu rỗi sẽ thúc đẩy việc giải phóng Đông Âu và do đó không giới hạn vào một khái niệm trừu tượng an ủi. Ngược lại, sự kết hợp với Chúa Con, Đấng đã chiến thắng cái chết, buộc chúng ta phải thực tế đối diện với thế giới, một mặt phải cam kết, mặt khác phải hiện thực mà không tuyệt vọng. Đây chắc chắn là động lực thúc đẩy Đức Lêô quyết tâm làm hết sức để chấm dứt xung đột vũ trang. Giống như các Giáo hoàng tiền nhiệm, ngài sẽ dựa vào khôn ngoan theo hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, ngay cả khi giáo dân ít nhiều không còn chú ý đến Chúa nữa.

Việc nhấn mạnh vào Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế làm sáng tỏ cách ngài sẽ giải quyết các cuộc tranh luận đang diễn ra trong Giáo hội, dù đó là việc thực thi quyền lực, phụng vụ, vị trí của phụ nữ, tình dục, lạm dụng mọi hình thức, hay bộ máy quan liêu và tài chính của Vatican. Bất kể những đề xuất hay yêu cầu nào, chúng ta có thể chắc chắn các tiêu chuẩn sẽ không là tiêu chuẩn của chủ nghĩa duy lý thực dụng, cũng không phải của hệ tư tưởng bình đẳng hay tinh hoa, thức tỉnh hay phản thức tỉnh, mà là câu trả lời cho một câu hỏi duy nhất trong mọi trường hợp: đó là đón nhận và đi theo Chúa Kitô là Đấng Cứu Rỗi duy nhất. Đây là lập luận chúng ta quan tâm, chúng ta chỉ có thể hài lòng về điều này.

Marta An Nguyễn dịch

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ