Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

13

Chọn danh hiệu, nhiệt thành truyền giáo, tinh thần đồng nghị: Đức Lêô  phác thảo các nét chính triều của ngài

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2025-05-10

Trong bài phát biểu trước các Hồng y ngày thứ bảy 10 tháng 5 năm 2025, Đức Lêô XIV mong muốn noi gương Đức Lêô XIII và Đức Phanxicô tiền nhiệm của ngài.

Giáo hoàng Lêô XIV, Robert Francis Prevost và các Hồng y tại Nhà nguyện Sistine sau khi được bầu làm Giáo hoàng. VATICAN MEDIA QUA AP/SIPA

Chưa đầy hai ngày sau khi được bầu, Đức Lêô đã có bài phát biểu trước các Hồng y ngày thứ bảy 10 tháng 5, tại hội trường Thượng hội đồng Vatican. Trong bài phát biểu, ngài giải thích tông hiệu Lêô, vinh danh Giáo hoàng Lêô XIII, tác giả của Thông điệp xã hội Tân sự Rerum Novarum (1891) được viết vào giữa cuộc cách mạng công nghiệp.

Đức Lêô XIV giải thích, giống như tiền nhiệm của ngài, triều của ngài diễn ra trong bối cảnh của cuộc cách mạng kỹ thuật mới, với sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo mang đến những thách thức về mặt thiêng liêng. Ngài khẳng định nhu cầu được các hồng y ủng hộ và mong muốn làm việc với họ – một yêu cầu được ngài đưa ra trong các phiên họp chung trước mật nghị.

Ngài giải thích mong muốn tiếp tục thực hiện Tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium (2013) của Đức Phanxicô: trở lại với quyền tối thượng của Chúa Kitô trong việc loan báo Tin Mừng, sự hoán cải truyền giáo của toàn thể cộng đồng kitô giáo, sự phát triển tính cộng đồng và công đồng, chú ý đến cảm thức đức tin – sensus fidei, đặc biệt dưới hình thức chân thực và bao gồm nhất như lòng mộ đạo bình dân, quan tâm đến những người nhỏ bé bị lãng quên nhất, và cuối cùng là “đối thoại can đảm và tin tưởng với thế giới đương đại trong các thành phần và thực tế khác nhau của thế giới này”.

Giáo hoàng của tổng hợp và hòa giải

Mở đầu bài phát biểu, ngài trích dẫn Sách Các Vua (1 V 19:12), mời gọi chúng ta “đến với Chúa qua làn gió nhẹ”.

Với bài phát biểu này, ngài khẳng định định hướng truyền giáo triều của ngài, đã được thể hiện rõ trong bài phát biểu đầu tiên của ngài ngày thứ năm 8 tháng 5 tại ban-công Đền thờ Thánh Phêrô. Khi đề cập đến những nét chính trong tầm nhìn của người tiền nhiệm Phanxicô, ngài cho thấy sự chú ý không phải tuyệt đối hóa tư tưởng của Đức Phanxicô như một ý thức hệ, nhưng xem đây là truyền thống và lịch sử của Giáo hội công giáo nhằm củng cố sự hiệp nhất.

Vì thế ngay từ những bước đi đầu tiên của ngài, Đức Lêô khẳng định ngài là giáo hoàng của tổng hợp và hòa giải, dù điều này đôi khi phải bỏ các nhãn mác đã có. Sau bài giảng đầu tiên mang âm hưởng của Bergoglio và Ratzinger ngày thứ sáu 9 tháng 5, ngài phát biểu trước các hồng y một lần nữa, cân bằng một cách tinh tế các thái cực khác nhau trong nhạy cảm của ngài: vừa rất xã hội vừa rất tâm linh, quan tâm đến tính đồng đoàn nhưng cũng quan tâm đến tính công đồng, kiên định và chu đáo.

Ngài phát biểu:

Anh em Hồng y kính mến!

Tôi xin chào và cám ơn anh em qua cuộc gặp này và các cuộc gặp của những ngày trước đó, đau buồn vì Đức Phanxicô qua đời, đòi hỏi vì trách nhiệm chúng ta cùng đối diện, đồng thời theo lời hứa Chúa Giêsu đã hứa với chúng ta, giàu ân sủng và an ủi trong Chúa Thánh Thần (x. Ga 14:25-27).

Các Hồng y thân mến, anh em là cộng sự thân cận nhất của Giáo hoàng, tôi được an ủi khi nhận gánh nặng rõ ràng vượt quá sức lực của tôi, cũng như của bất cứ ai khác. Sự hiện diện của anh em nhắc tôi nhớ, Thiên Chúa giao phó cho tôi sứ mệnh này, Ngài không để tôi đơn độc gánh trách nhiệm một mình. Trên hết, tôi biết tôi luôn có thể trông cậy vào sự giúp đỡ của Chúa, nhờ Ân sủng và Quan phòng của Ngài, nhờ vào sự gần gũi của anh em và của nhiều giáo dân trên thế giới, những người đặt lòng tin vào Chúa, yêu Giáo hội và hỗ trợ Đại diện của Chúa bằng lời cầu nguyện và các việc làm tốt.

Tôi xin cám ơn Hồng y Giovanni Battista Re, Niên Trưởng Hồng y đoàn – ngài xứng đáng được vỗ tay nhiều lần – ngài là người trí tuệ, thành quả của một cuộc đời dài và nhiều năm phục vụ trung thành cho Giáo hội, đã mang lại lợi ích to lớn cho chúng ta, đã giúp đỡ tôi trong thời gian này. Tôi xin cám ơn Hồng y Nhiếp chính Kevin Joseph Farrell – tôi tin ngài có mặt ở đây – vì vai trò quan trọng và đầy thách thức ngài đảm nhiệm trong thời gian trống tòa và trong quá trình triệu tập mật nghị. Tôi cũng xin gởi lời chia buồn đến các anh em hồng y đã không có mặt ở đây vì lý do sức khỏe, tôi xin hiệp thông trong tình cảm và lời cầu nguyện.

Ở thời điểm vừa buồn vừa vui, được Chúa quan phòng bao bọc trong ánh sáng Phục Sinh, tôi muốn chúng ta cùng nhìn vào sự ra đi của Đức Phanxicô quá cố và Mật nghị Hồng y như một sự kiện Phục Sinh, một chặng đường trong cuộc xuất hành dài qua đó Chúa tiếp tục hướng dẫn chúng ta đến cuộc sống viên mãn; trong bối cảnh này, chúng ta phó thác cho “Cha nhân từ và là Thiên Chúa của mọi niềm an ủi” (2 Cr 1:3) linh hồn của Cố Giáo hoàng Phanxicô và tương lai của Giáo hội.

Giáo hoàng, từ Thánh Phêrô đến tôi, người kế vị không xứng đáng, là người tôi tớ khiêm nhường của Chúa và của anh em, không gì khác hơn. Tấm gương của rất nhiều vị tiền nhiệm của tôi đã chứng minh rõ điều này, và gần đây hơn là tấm gương của Đức Phanxicô, với phong cách tận tụy phục vụ và lối sống tỉnh táo, phó thác cho Chúa khi truyền giáo, tin tưởng thanh thản khi về nhà Cha. Chúng ta tiếp nhận di sản quý giá này và lên đường, với niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin.

Chính Đấng Phục Sinh, hiện diện giữa chúng ta, Đấng bảo vệ và hướng dẫn Giáo hội, Đấng tiếp tục làm cho Giáo hội hồi sinh trong hy vọng, qua tình yêu “Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta, ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Chúng ta là những người ngoan ngoãn lắng nghe tiếng nói của Ngài, phục vụ trung thành cho kế hoạch cứu rỗi của Ngài, biết rằng Ngài đến với chúng ta trong “làn gió nhẹ” (1 V 19:12), trong “tiếng nói nhẹ nhàng của thinh lặng”. Đây là cuộc họp quan trọng, không thể bỏ lỡ, chúng ta phải giáo dục, hướng dẫn và đồng hành với toàn thể dân Chúa đã được giao cho chúng ta.

Trong những ngày gần đây, chúng ta thấy được vẻ đẹp và cảm nhận được sức mạnh của cộng đồng rộng lớn này, những người đã chào đón và thương tiếc mục tử của mình với tình cảm và lòng tôn kính sâu sắc, đồng hành cùng ngài bằng đức tin và lời cầu nguyện khi ngài gặp Chúa. Chúng ta đã thấy được sự vĩ đại đích thực của Giáo hội, một Giáo hội sống trong đa dạng của các thành viên hiệp nhất với Đấng lãnh đạo duy nhất là Chúa Kitô, Đấng chăn dắt bảo vệ linh hồn chúng ta. Hôm nay tôi muốn chúng ta cùng nhau đổi mới việc tuân thủ hoàn toàn con đường mà Giáo hội hoàn vũ đã đi theo trong nhiều thập kỷ sau Công đồng Vatican II. Đức Phanxicô đã nhắc lại và cập nhật nội dung của Tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii Gaudium. Tôi muốn nhấn mạnh một số khía cạnh cơ bản: sự trở lại với quyền tối thượng của Chúa Kitô trong lời loan báo; sự hoán cải truyền giáo của toàn thể cộng đồng kitô giáo; sự tăng trưởng về tính đồng thuận và tính công đồng; chú ý đến cảm thức đức tin sensus fidei, đặc biệt trong các hình thức chân thực và bao hàm nhất của nó, như lòng đạo đức bình dân; quan tâm trìu mến đến những người nhỏ bé nhất, những người bị bỏ rơi; đối thoại can đảm và tin tưởng với thế giới đương đại trong các thành phần và thực tại khác nhau.

Đó là những nguyên tắc Phúc Âm luôn làm sinh động và truyền cảm hứng cho cuộc sống và công việc của Gia đình Thiên Chúa, những giá trị qua đó khuôn mặt thương xót của Chúa Cha được mặc khải và tiếp tục được mặc khải nơi Chúa Con làm người, là niềm hy vọng cuối cùng của những ai chân thành đi tìm chân lý, công lý, hòa bình và tình huynh đệ.

Chính vì cảm thấy được tiếp tục kêu gọi theo đuổi mục tiêu này nên tôi nghĩ đến việc chọn tên Lêô XIV. Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là nhờ Đức Lêô XIII, với thông điệp lịch sử Rerum Novarum, đã giải quyết vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lớn đầu tiên; và hôm nay Giáo hội trao di sản học thuyết xã hội này để đáp ứng một cuộc cách mạng công nghiệp và phát triển trí tuệ nhân tạo, đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ nhân phẩm, công lý và việc làm của con người.

Anh em thân mến, tôi muốn kết thúc phần đầu buổi họp này với lời cầu chúc của tôi – và tôi xin đề xuất với anh em – lời cầu mà Thánh Phaolô VI năm 1963, đã viết khi bắt đầu sứ vụ Phêrô của ngài: “Nguyện xin ngọn lửa đức tin và tình yêu này lan tỏa khắp thế giới, thắp sáng mọi người thiện chí, soi sáng con đường cùng nhau cộng tác, liên tục được sự phong phú của Thiên Chúa, chính quyền năng của Thiên Chúa, mà nếu không có sự trợ giúp của Ngài thì không có gì là có giá trị, không có gì là thánh thiện” (Sứ điệp Qui fausto die, ngày 22 tháng 6 năm 1963).

Mong sao những cảm xúc này cũng là của chúng ta, được chuyển thành lời cầu nguyện và cam kết, với sự giúp đỡ của Chúa. Tôi xin cám ơn!

Marta An Nguyễn dịch

Giovanni Maria Vian: “Đức Lêô XIV đã chuẩn bị rất kỹ”

Một giáo hoàng có thể làm gì… và không thể làm gì

Mật nghị: điều tra hậu trường của cuộc bầu cử bất ngờ

Những bước đi thành công đầu tiên của Đức Lêô XIV

Đức Lêô XIV thận trọng tìm một Giáo hội hiệp nhất trong một thế giới chia rẽ