Đức Lêô XIV – Vị Mục Tử Nhân Lành

35

Đức Lêô XIV – Vị Mục Tử Nhân Lành

Việc Giáo hoàng Leo XIV – vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Hoa Kỳ – được bầu chọn đã mở ra một kỷ nguyên mới. Con đường sự nghiệp khác thường của ngài, từng gắn bó với nhiều năm làm nhà truyền giáo tại Peru, cùng đời sống tâm linh sâu sắc sẽ giúp ngài trở thành người xây dựng những nhịp cầu giữa một thế giới đầy chia rẽ và một Giáo hội đang khao khát sự hiệp nhất.

famillechretienne.fr, Antoine-Marie Izoard, 2025-05-15

Ngày 8 tháng 5, tại quảng trường Thánh Phêrô, dưới vòng tay của hàng cột Bernin như đang ôm lấy nhân loại, tiếng reo “Habemus papam!” vang lên từ đám đông tụ họp để chào đón vị giáo hoàng mới Lêô XIV. Ngài đứng lặng trên ban-công trong một thời gian dài, có vẻ ngỡ ngàng như chính đám đông đang chiêm ngắm vị giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử sinh ra tại Hoa Kỳ. Giây phút ấy, ngài cũng xúc động không kém, khi đối diện với dân Chúa trong vai trò giám mục mới của thành Roma.

Tối hôm đó, dù ở quảng trường hay trước màn hình tivi, ai cũng bị ấn tượng bởi vẻ điềm tĩnh đầy trang nghiêm của ngài, bởi sự bình an toát ra từ ngài , điều ngài muốn lan tỏa ngay từ những lời đầu tiên: “Bình an cho anh chị em!” Gương mặt ngài ánh lên một niềm vui sâu lắng, và trong khoảnh khắc hai tay chắp lại, đầu cúi nhẹ, nụ cười đầy thần khí ấy như kết nối trời và đất.

Trong bài suy niệm đầu tiên của ngài tại kinh Regina Cæli, ngài khẳng định: “Giáo hội rất cần ơn gọi.”

Từ khi bắt đầu sứ vụ, Lêô XIV đã thể hiện sự tiếp nối con đường của Đức Giáo hoàng Phanxicô tiền nhiệm. Ngài cũng gợi nhớ đến Đức Bênêđictô XVI qua sự dịu dàng và chiều sâu thần học, đặc biệt là điểm chung trong tình yêu đối với thánh Augustinô. Ngài nhắc lại lời mời gọi “Đừng sợ!”  vang vọng từ lời của thánh Gioan Phaolô II năm 1978…Việc chọn tên hiệu Lêô cũng không phải tình cờ. Như Đức Lêô XIII đã dẫn dắt Giáo hội bước vào thế kỷ XX bằng Thông điệp xã hội Rerum Novarum giữa thời cách mạng công nghiệp, thì Lêô XIV hôm nay mong muốn Giáo hội có thể đối diện và trả lời những hệ quả của cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo. Ở mỗi thời đại, Thiên Chúa lại ban cho Giáo hội vị giáo hoàng mà thế giới đang cần.

Một người cha cho các tín hữu

Có thể nói rằng vị mục tử nhân lành đang dẫn dắt đoàn chiên là một “con chiên năm chân” chăng? Trước Mật nghị, người ta đã tiên đoán đây sẽ là một kỳ bầu chọn rộng mở, với số lượng hồng y cử tri kỷ lục và phần lớn không quen biết nhau. Thế nhưng, giữa làn khói trắng và nghi thức cổ truyền bất biến, Giáo hội đã mang đến một bất ngờ mới: nhanh chóng chọn một vị giáo hoàng có thể đối mặt với những thách thức mà các hồng y đã nêu ra từ trước.Họ đã chọn một con người có khả năng bắc nhịp cầu giữa Bắc và Nam bán cầu, giữa Giáo triều Roma nơi ngài được triệu về hai năm trước và các Giáo hội địa phương mà ngài rất am tường. Hành trình độc đáo của ngài, từng là nhà truyền giáo ở Nam Mỹ, bề trên một dòng tu và giám mục giúp ngài có cái nhìn sâu sắc và toàn diện về Giáo hội trong mối tương quan với thế giới. Dù sinh ra ở Bắc Mỹ, Lêô XIV là một công dân toàn cầu. Ngài cũng là người Peru, mang dòng máu Ý, Pháp, thậm chí có gốc gác châu Phi. Các nhà nghiên cứu gia phả Pháp khẳng định ngài là bà con xa với Catherine Deneuve, Édouard Philippe và cả Albert Camus… Nhưng với chúng ta, điều ấy không quan trọng bằng điều này: Lêô XIV là một người cha, và chúng ta đón nhận ngài như thế. Ngài là vị mục tử nhân lành, người quyết tâm gìn giữ sự hiệp nhất của đoàn chiên quanh Đức Kitô.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Từ Robert Francis Prevost đến Lêô XIV, tiểu sử của Tân Giáo hoàng

Đức Lêô XIV: Làm sao một nhà truyền giáo ở Peru lại thành người đứng đầu Vatican

Đức Lêô XIV, Giáo hoàng của cân bằng và xoa dịu

Vì sao Đức Lêô XIV sẽ là Giáo hoàng Dòng Âugustinô cao cả và tốt lành

Học thuyết ngoại giao của Đức Lêô  XIV: Hòa bình, Công lý, Chân lý

Hồng y Parolin: “Trong thời gian mật nghị, Đức Lêô XIV không bao giờ mất đi nụ cười dịu hiền của ngài.”