Đức Lêô XIV: Làm sao một nhà truyền giáo ở Peru lại thành người đứng đầu Vatican

217

Đức Lêô XIV: Làm sao một nhà truyền giáo ở Peru lại thành người đứng đầu Vatican

Cưỡi ngựa đi thăm các vùng xa xôi ở Lambayeque, miền Bắc Peru. Trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô sau khi được bầu ngày 8 tháng 5, cựu giám mục Chiclayo, người nói được năm thứ tiếng đã chào “giáo phận thân yêu” của mình bằng tiếng Tây Ban Nha.

parismatch.com, Olivier O’Mahony, phóng viên tại Chicago, cùng với Arthur Herlin tại Rôma và Amanda Chaparro tại Cuzco (Peru), 2025-05-15

Năm 1985, Robert Francis Prevost chịu chức và đến Peru. Ở một đất nước bị khủng hoảng, ngài phục vụ người nghèo trong 20 năm. Sau khi được phong hồng y, ngài là một trong những nhân vật chủ chốt bên cạnh Đức Phanxicô, trước khi kế vị Đức Phanxicô.

Được phong linh mục, ngài xem mình là người sống giữa giáo dân và phục vụ tha nhân, một nhà truyền giáo, một công dân toàn cầu. Ngài không chút ngần ngại khi được Nhà Dòng gởi đi Peru.

Ngài đến Chulucanas, miền Bắc Peru, vùng đất chìm trong nghèo đói và xung đột vũ trang. Nổi bật nhờ khả năng lãnh đạo, ngài được bổ nhiệm làm chưởng ấn. Sau một năm làm Giám tỉnh Dòng Augustinô tại Illinois (Mỹ), ngài trở lại Peru, lần này ngài đến Trujillo, miền Bắc Peru. Ngài điều hành Đại chủng viện Dòng Augustinô trong 10 năm và giảng dạy giáo luật. Ngài dấn thân cho người nghèo, đến với các cộng đồng nông thôn vùng núi, vùng ven biển, nhiều khi ngài phải đi ngựa để đến đó.

Giáo dân trẻ yêu tính hài hước của linh mục mộc mạc này. Tại Chulucanas trong những năm 1980. © Hình ảnh của gia đình.

Giám mục mặc y phục địa phương đi thăm dãy Andes cùng với cha Farfan năm 2019. © Hình ảnh của gia đình

Anh hùng của người Peru và bây giờ là giáo hoàng của họ

Tại Peru, ngài là anh hùng. Jorge Bergoglio giám mục Buenos Aires và Robert Francis Prevost nhanh chóng quý mến nhau. Năm 2013, Đức Phanxicô bổ nhiệm linh mục Prevost làm giám quản tông tòa Chiclayo, một năm sau Đức Phanxicô phong linh mục Prevost làm giám mục. Prevost vào quốc tịch Peru, một nhu cầu ngoại giao nhưng cũng là một chọn lựa xuất phát từ trái tim.

Ở đất nước bị chia rẽ giữa cánh tả cực đoan của Thần học giải phóng và cánh hữu cực đoan của Opus Dei, linh mục Prevost là người dung hòa. Nhà báo Paola Ugaz, từng nhiều lần phỏng vấn ngài, mô tả ngài là người “điềm tĩnh, cảm thông, biết lắng nghe nhưng không run tay khi cần quyết định dứt khoát”.

Đầu năm 2023, ngài kêu gọi cứu trợ các nạn nhân lũ lụt tại Lambayeque, Peru.© Hình ảnh của gia đình

 Tháng 8 năm 2024, khi trở lại Chulucanas mừng kỷ niệm 60 năm giáo phận, ngài chúc lành cho mùa thu hoạch chuối và chanh. AFP / © Paul Suncion.

Năm 2022, ngài bị cáo buộc bao che hai linh mục địa phương lạm dụng ba thiếu nữ từ 15 năm trước. Ngài phủ nhận; hồ sơ bị bác vì hết thời hiệu và thiếu bằng chứng. Năm 2023, khi Đức Phanxicô đề nghị ngài về Rôma nhận chức vụ mới, ngài được phong hồng y, ngài nhận lời với chút do dự. Người anh trai John của ngài chia sẻ: “Nếu được, ngài muốn ở lại Peru.”

Một người quyền lực ở Vatican

Tại Vatican, ngài được giao lãnh đạo Bộ Giám mục, một vị trí then chốt. Dù kín tiếng, ngài nhanh chóng trở nên không thể thiếu. Cuốn “sổ tay liên lạc” (từ ngữ bị tránh dùng ở Vatican) của ngài ngày càng dày thêm. Ngài rất thân với Đức Phanxicô; dù có vài bất đồng, nhưng giữa hai người là một tình bạn sâu sắc và sự kính trọng lớn lao.

Khi Đức Phanxicô qua đời ngày 21 tháng 4, nhiều người bắt đầu thấy ở nhà truyền giáo quốc tế Prevost một lựa chọn khả dĩ. Nhất là khi hồng y ứng viên sáng giá Pietro Parolin mắc sai lầm nghiêm trọng: trong thánh lễ sau tang lễ Đức Phanxicô, ngài hầu như không nói đến tính hiệp hành nguyên tắc sống còn của Đức Phanxicô. Hồng y Canada Michael Czerny nhận định: “Sự im lặng của ngài thật đáng chú ý.” Tại các bữa ăn tối và các cuộc họp kín trước mật nghị, tên của Prevost được nhắc đến nhiều. Ngôn ngữ thảo luận chủ yếu là tiếng Anh, thay vì tiếng Ý. Một chủ đề trọng tâm: tài chính Vatican đang ở trong tình trạng rất xấu. Người kế vị Đức Phanxicô phải là người gần với giáo dân, mạnh tay trong quản trị, và đủ uy tín để đoàn kết Giáo hội đang phân rẽ. Prevost hội đủ mọi yếu tố.

 Sau khi mặc phẩm phục giáo hoàng, Đức Lêô XIV trở lại Nhà nguyện Sixtine để cầu nguyện trước bàn thờ. Ngày 8 tháng 5. ABACA / © ABACA

Trong một thời gian dài, nỗi lo Vatican bị CIA thao túng đã dập tắt ngay từ đầu mọi khả năng của một Giáo hoàng người Mỹ.

Lâu nay, việc chọn một người Mỹ làm giáo hoàng bị loại trừ vì lo ngại CIA chi phối Vatican. Nhưng ở Rôma, Prevost không còn bị xem là “người Mỹ chính thống”, họ gọi ngài là “Người Mỹ gốc la-tinh, Yankee latin”. Ngài thuộc đảng Cộng hòa, nhưng qua việc công khai chỉ trích phó tổng thống JD Vance là “sai lầm”, người dân hiểu ngài theo khuynh hướng bảo thủ truyền thống, phản đối ông Trump.

Trước thềm mật nghị, hồng y Joseph Tobin nói với hồng y Prevost: “Bob, có thể là anh đấy. Tôi mong anh chuẩn bị.” Ngày 7 tháng 5, trong bài phát biểu trước các hồng y, ngài khẳng định: “Hiệp hành là cùng nhau làm việc.”

Chiều ngày thứ bảy, các hồng y vào Nhà nguyện Sistine, nơi vừa được kiểm tra kỹ để đảm bảo không có máy nghe lén. Các hồng y nộp điện thoại, thề giữ kín các thảo luận. Cửa gỗ khép lại. Họ bị cắt đứt khỏi thế giới.

Vòng bầu đầu tiên trễ vì một hồng y giảng thuyết 90 tuổi nói quá lâu. Kết quả: Parolin có hơn 40 phiếu – dẫn đầu nhưng chưa đạt hai phần ba. Khói đen. Sáng hôm sau, Parolin nhích lên gần 50 phiếu nhưng vẫn không có được đồng thuận. Prevost bắt đầu rút ngắn khoảng cách. Các ứng viên khác dần biến mất khỏi cuộc đua. Giờ ăn trưa, các hồng y thảo luận quanh đĩa mì Ý. Hồng y Chicago, Blase Cupich nói: “Mọi chuyện đã rõ ràng.”

Tối 8 tháng 5, lúc 19 giờ 30, Robert Prevost xuất hiện trên ban công Đền thờ Thánh Phêrô. Trước đó, ngài vào căn phòng Nước Mắt gần Nhà nguyện Sistine để cầu nguyện và để trút cảm xúc. AFP / © ANDREJ ISAKOVIC

Trong vòng bỏ phiếu thứ tư, tên ngài được đọc liên tục. Ngài nhắm mắt, tay ôm đầu và cúi đầu. Khi có 89 phiếu, ngưỡng tối thiểu, ngài ngẩng đầu. Tiếng vỗ tay vang lên. Hồng y Parolin hỏi ngài có chấp nhận không. Ngài trả lời: “Accepto, chấp nhận”. Khi được hỏi ngài muốn lấy danh hiệu gì, ngài trả lời: “Lêô.” Ngài vào “phòng nước mắt” để thay lễ phục.

Trong khi đó, các phiếu được đốt trong lư hương. 18 giờ 08  khói trắng bốc lên từ mái Nhà nguyện Sistine. Trên Quảng trường Thánh Phêrô, hàng chục ngàn người reo hò. Đức Robert Prevost bước ra ban công. Truyền hình Mỹ phản ứng chậm, họ không nhận ra ngài và không hiểu tên ngài khi tên ngài được đọc bằng tiếng la-tinh. Gần như chẳng ai tiên đoán giáo hoàng này… hay đó là bàn tay Thiên Chúa?

Một trùng hợp, tại mật nghị trước, Jorge Bergoglio cũng ngồi đúng chỗ Prevost ngồi hôm nay.

Hơn 150.000 tín hữu đến nghe ngài nói chuyện. Bài phát biểu kéo dài gần bảy phút. REUTERS / © Murad Sezer

Sáng hôm sau ngày 10 tháng 5, ngài đến cầu nguyện ở mộ Đức Phanxicô, Giáo hoàng đã phong hồng y cho ngài ở Đền thờ Đức Bà Cả, nơi an nghỉ “giáo hoàng của người nghèo”.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Từ Robert Francis Prevost đến Lêô XIV, tiểu sử của Tân Giáo hoàng

Đức Lêô XIV, Giáo hoàng của cân bằng và xoa dịu

Vì sao Đức Lêô XIV sẽ là Giáo hoàng Dòng Âugustinô cao cả và tốt lành

Học thuyết ngoại giao của Đức Lêô  XIV: Hòa bình, Công lý, Chân lý

Hồng y Parolin: “Trong thời gian mật nghị, Đức Lêô XIV không bao giờ mất đi nụ cười dịu hiền của ngài.”

Đức Lêô XIV – Vị Mục Tử Nhân Lành