Chân dung Tân giáo hoàng Lêô XIV

30

Chân dung Tân giáo hoàng Lêô XIV

Đức Lêô XIV là nhà truyền giáo ở Peru, cựu Tổng trưởng Bộ Giám mục

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Laurence Desjoyaux và Aymeric Christensen, 2025-05-08

Giáo hoàng Lêô XIV trên ban-công Đền thờ Thánh Phêrô ngày 8 tháng 5 năm 2025. ALBERTO PIZZOLI / AFP

Hòa bình, sứ mệnh, đồng nghị, “cùng nhau”: đó là những từ nổi bật trong bài phát biểu đầu tiên của Giáo hoàng Lêô XIV, ngài  bước vào mật nghị một ngày trước đó với tên Robert Francis Prévost. Ngài là Giáo hoàng đầu tiên sinh tại Hoa Kỳ, lập tức ngài đã chạm đến tâm hồn giáo dân với những xúc động của ngài – nước mắt trào trên mắt, nụ cười tự nhiên, lời nói giản dị, ấm áp và tràn đầy đức tin.

Một mật nghị nhanh chóng, chỉ có bốn vòng bỏ phiếu cho thấy ngài đã nhanh chóng được các hồng y chấp nhận! Nhưng với nhiều người công giáo trên khắp thế giới, họ chưa biết ngài khi ngài ra ban-công Đền thờ Thánh Phêrô lúc 7:20 tối thứ năm 8 tháng 5: lựa chọn này đã tạo bất ngờ. Dù tên của ngài đã bắt đầu xuất hiện trong các phiên họp chung trước mật nghị, nhưng ngài không nằm trong danh sách các Hồng y “papabili” được nhắc đến nhiều.

“Chúa yêu thương tất cả mọi người”

Qua lời nói đầu tiên và qua tên hiệu của ngài, Đức Lêô XIV cho thấy ngài nối tiếp đường lối của Đức Phanxicô, ngài nhắc đến nhiều lần và cám ơn Đức Phanxicô rất nhiều. Ngài nói với giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô: “Tôi xin gởi lời chào bình an đến anh chị em tất cả, ở khắp mọi nơi, ở mọi dân tộc, trên toàn trái đất lời chào bình an! Đây là bình an của Chúa Kitô phục sinh, một bình an vô song đến từ Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả chúng ta vô điều kiện. (…) Sự dữ sẽ không thể thắng thế. Tất cả chúng ta đều ở trong tay Chúa. (…) Không sợ hãi, tất cả chúng ta đoàn kết nắm tay nhau, cùng với Thiên Chúa, chúng ta tiến về phía trước: chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô, Ngài đi trước chúng ta. Thế giới cần ánh sáng của Ngài”, giáo dân  hô vang tên Đức Lêô XIV “Giáo hoàng vạn tuế, Viva il papa!”

Vì sao chúng ta nên lắng nghe những lời đầu tiên của tân giáo hoàng

Ngài cám ơn các hồng y: “Tôi cũng xin cám ơn tất cả các hồng y đã chọn tôi làm người kế vị Thánh Phêrô, cùng đi với anh em như một Giáo hội hiệp nhất, luôn tìm kiếm hòa bình, công lý, luôn làm việc như những người trung thành với Chúa Giêsu Kitô, không sợ hãi, để công bố Tin Mừng, để trở thành nhà truyền giáo. Tôi là tu sĩ Dòng Thánh Augustinô. Thánh Augustinô đã nói: ‘Với anh em, tôi là một tín hữu kitô, vì anh em, tôi là giám mục.’ Theo nghĩa này, tất cả chúng ta có thể cùng nhau hướng về quê Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. (…) Chúng ta muốn trở thành một Giáo hội công đồng, một Giáo hội biết bước đi, luôn tìm kiếm hòa bình, luôn tìm kiếm lòng bác ái, luôn tìm cách gần gũi với tất cả những ai đang đau khổ.”

Một bài phát biểu kết hợp tư tưởng về tính công đồng, về sợi dây xã hội và tinh thần cởi mở của Đức Phanxicô, về chiều kích tâm linh của Đức Bênêđíctô XVI, về tinh thần truyền giáo “không sợ hãi” của Đức Gioan-Phaolô II.

Một tổng hợp

Dù ngài là kết nối liên tục của Giáo triều nhưng ngài vẫn cho thấy cá tính riêng của ngài, đặc biệt ngài nhấn mạnh ngài là tu sĩ Dòng Thánh Augustinô, người có tội được tha tội, người cha của Giáo hội, tác giả quyển “Tự thú”. Ngài xuất hiện với khăn các phép và mũ mozetta đỏ, giống Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI trước ngài, Đức Phanxicô đã không mặc các phẩm phục này trong lần xuất hiện đầu tiên của ngài. Một quan sát viên Vatican cho biết: “Ngài là người kín đáo, giản dị và nghiêm túc. Người lắng nghe, người rất khiêm tốn và cân bằng. Ngài là người có tư duy tổng hợp và cởi mở với quốc tế.”

Mới 69 tuổi, ngài còn trẻ và có nhiều đức tính các hồng y đã đề cập trong các phiên họp chung. Vừa là nhà truyền giáo vừa là người am hiểu Giáo triều, ngài sống ở Peru, đất nước có tình hình chính trị bất ổn nhưng lại kế thừa nhiều văn hóa. Từ năm 2023, ngài là Bộ trưởng Bộ Giám mục, có mặt tại Rôma và liên lạc với các Giáo hội trên khắp thế giới. Là người của thực địa và thiết bị, ngài là hình ảnh tổng hợp giữa hai thái cực thường đối lập nhau ở Rôma.

Điều hành Giáo hội

Các hồng y bầu cho ngài – nhiều hồng y ở những nơi người công giáo đôi khi chỉ là thiểu số – muốn chọn một nhà truyền giáo, một người Bắc Mỹ gốc Pháp-Ý, làm truyền giáo ở Peru, người có khả năng xoa dịu căng thẳng ở Giáo triều, vốn bị lung lay dưới thời Đức Phanxicô. Một Giáo hoàng có gốc gác sâu xa và  thành quả của toàn cầu hóa, ngài nói và hiểu được nhiều ngôn ngữ: Anh,  Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và La-tinh. Ngài thoải mái cả ở Vatican lẫn trên thực địa.

Giáo dân chờ ngài xuất hiện ở ban-công đã không thất vọng: “Tôi không biết Hồng y Prévost nhưng tôi yêu mến Đức Lêô XIV ngay sau khi ngài được bầu. Ngài đã chinh phục tôi ngay những lời đầu tiên, với lời kêu gọi khẩn thiết về hòa bình và công lý, với đôi mắt ướt và nụ cười gần như trẻ thơ của ngài. Tôi không nghĩ tôi vui mừng xúc động đến như vậy khi tôi thấy ngài trên ban-công. Tôi nghĩ đó là ‘sự phấn khích của đức tin’ mà Đức Phanxicô đã nói đến trong thánh lễ tại Vélodrome ở Marseille. Ngọn gió của Chúa Thánh Thần thổi và đánh thức hy vọng trong tôi. Và Kinh Kính Mừng khi ngài cầu nguyện với giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài cùng với tất cả giáo dân… Sứ điệp của ngài thật tốt đẹp.”

Sự nhạy cảm xã hội được phát triển ở Peru

Nhưng, ngoài những lời nói và cử chỉ đầu tiên, Đức Lêô XIV là ai? Ngài sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, bang Illinois, một giáo phận sinh động, thân phụ của ngài là hiệu trưởng trường học, người gốc Pháp và Ý, mẹ của ngài là thủ thư, người gốc Tây Ban Nha. Ngài lớn lên cùng hai anh ở vùng  ngoại ô Nam Chicago. Năm 22 tuổi ngài vào tập viện Dòng Thánh Augustinô và khấn trọn năm 26 tuổi. Một ơn gọi còn trẻ nhưng đã trưởng thành.

Là người có bằng toán học, bằng thạc sĩ thần học và bằng tiến sĩ giáo luật, ngài chịu chức năm ngài 27 tuổi. Năm 1985 ngài đi truyền giáo ở Peru, khởi đầu cho một loạt các chuyến đi giữa Bắc Mỹ và Châu Mỹ Latinh. Hai năm sau, năm 1987 ngài về Hoa Kỳ để phụ trách quảng bá ơn gọi và điều hành các hoạt động truyền giáo. Chuyến dừng chân ở Mỹ chỉ kéo dài một năm, sau đó ngài về lại Peru, ngài điều hành chủng viện Trujillo trong một thập kỷ. Ngoài ra ngài còn điều hành một giáo xứ nghèo ở ngoại ô thành phố.

Ngài là người có năng lực quản lý, năm 1999 ngài được bầu làm Bề trên Tỉnh dòng “Madre del Buon Consiglio” của Tổng giáo phận Chicago, sau đó ngài làm Bề trên Tổng quyền Dòng Âugutinô, ngài được các tu sĩ tin tưởng: ngài làm hai nhiệm kỳ liên tiếp. Năm 2014, ngài về lại Peru một lần nữa: một năm sau khi được bầu, Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm giám quản tông tòa giáo phận Chiclayo, nơi ngài được phong giám mục một năm sau đó, rồi ngài làm Giám quản tông tòa Callao năm 2020. Ngài đã ở hơn 20 năm ở Châu Mỹ Latinh, ngài phát triển một tinh thần nhạy cảm xã hội và quan tâm đến tình trạng nghèo đói tại đây.

“Thiên chức của tôi là làm truyền giáo”

Cuộc ‘phiêu lưu’ của ngài ở Giáo triều bắt đầu năm 2023 khi Đức Phanxicô giao cho ngài điều hành Bộ Giám mục. Vài tháng sau ngài được phong Hồng y. Trong một phỏng vấn với ông Andrea Tornielli, giám đốc Truyền thông Vatican, ngài tuyên bố ngài vẫn là nhà truyền giáo: “Giống như mọi tín hữu kitô, ơn gọi của tôi là nhà truyền giáo để loan báo Tin Mừng ở bất cứ nơi nào tôi đến. Cuộc sống của tôi đã thay đổi nhiều, tôi có cơ hội phục vụ Đức Thánh Cha, phục vụ Giáo hội ở Giáo triều Rôma. Đó là sứ mệnh rất khác so với sứ mệnh tôi đã có trước đây, nhưng đó cũng là cơ hội mới để trải nghiệm một chiều kích trong cuộc sống của tôi, luôn ‘xin vâng’ khi được yêu cầu phục vụ. Chính trong tinh thần này, tôi kết thúc sứ mệnh của tôi ở Peru, sau tám năm rưỡi làm giám mục và gần 20 năm làm nhà truyền giáo, để bắt đầu một sứ mệnh mới ở Rôma.”

Ngài cho biết: “Chính lời ‘xin vâng’ khi tôi được Đức Phanxicô phong hồng y tháng 9 năm 2023 – một trong những công nghị  cuối cùng của cố Giáo hoàng – và lời ‘xin vâng’ hôm nay khi hơn hai phần ba các hồng y bầu tôi làm Giáo hoàng: cùng là một lời Xin vâng.” 

Nhạy cảm với sự hiệp nhất của Giáo hội

Trung thành với chức vụ mục tử “có mùi của đàn chiên”, ngài cho rằng không nên “ẩn mình sau một ý tưởng về thẩm quyền mà ngày nay không còn ý nghĩa. Thẩm quyền chúng ta là thẩm quyền phục vụ, đồng hành với các linh mục, là mục tử và là giáo viên. Chúng ta thường quan tâm đến việc giảng giáo lý, cách sống đức tin, nhưng chúng ta có nguy cơ quên rằng nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là giảng dạy ý nghĩa của việc biết Chúa Giêsu Kitô và làm chứng về sự gần gũi của chúng ta với Ngài. Điều trước hết và quan trọng nhất: truyền đạt vẻ đẹp của đức tin, vẻ đẹp và niềm vui khi biết Chúa Giêsu khi chúng ta chia sẻ trải nghiệm của mình.

Trong cùng phỏng vấn, ngài lên án những cuộc tranh cãi phe phái và chia rẽ về ý thức hệ đang làm chia rẽ thế giới công giáo: “Sự thiếu đoàn kết là vết thương đau đớn của Giáo hội. Sự chia rẽ và tranh cãi trong Giáo hội không giúp ích gì. Giám mục chúng ta phải đặc biệt đẩy nhanh tiến trình hướng tới sự hiệp nhất, hướng tới sự hiệp thông trong Giáo hội.” Khẩu hiệu giám mục của ngài là “Dans Illo una unum, Trong Chúa Kitô chúng ta là một” được Thánh Augustinô viết trong bài giảng về Thánh vịnh 127. Đây chắc chắn là chủ đề được nhiều  hồng y họp ở Nhà nguyện Sistine quan tâm, các ngài đã nhiều lần đề cập đến sự hiệp nhất của Giáo hội như một trong những vấn đề chính của mật nghị năm 2025.

Dưới sự bảo trợ của Giáo hoàng Lêô XIII

Một dấu hiệu đáng chú ý khác: việc lựa chọn tên Lêô XIV. Trong ký ức chung của Giáo hội công giáo, Giáo hoàng Lêô XIII là giáo hoàng cuối cùng của thế kỷ 19, biểu thị một hình thức cân bằng giữa các khuynh hướng khác nhau trong Hồng y đoàn. Đức Lêô XIII là giáo hoàng rất kiên định về mặt giáo lý, cho đến nay ngài được biết nhiều với Thông điệp Tân Sự, Rerum novarum, thông điệp xã hội đầu tiên trong lịch sử. Dưới sự bảo trợ Đức Lêô XIII, Đức Lêô XIV thể hiện mong muốn lắng nghe và hiểu thời đại, một thời đại bị đánh giá về sự gia tăng bất bình đẳng toàn cầu và những đột phá công nghệ chưa từng có.

Marta An Nguyễn dịch

Tân giáo hoàng: 5 hồ sơ khẩn đang chờ ngài giải quyết
Đức Lêô XIV đưa ra chương trình và phương pháp làm việc của ngài

Giáo hoàng tiếp theo: 10 vấn đề quan trọng theo nhà vatican học Edward Pentin

Hòa bình, di sản, chính trị và một lá phiếu định sẵn? Bốn chìa khóa sau cuộc bầu chọn Giáo hoàng Lêô XIV

Vì sao các hồng y bỏ phiếu cho Đức Lêô XIV?