Hơn mười ngàn người lớn sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào lễ Phục Sinh

25

Hơn mười ngàn người lớn sẽ lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào lễ Phục Sinh

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2025-04-10

Đêm Phục sinh năm nay sẽ có 10.384 người lớn được rửa tội tại Pháp. Hình ảnh photogolfer / stock.adobe.com

Chỉ trong hai năm, số người xin lãnh nhận Bí tích Rửa tội đã tăng gấp đôi.

Tại Pháp, số người lớn xin rửa tội trong Giáo hội công giáo tăng không ngừng. Theo số liệu của Hội đồng Giám mục Pháp công bố ngày 10 tháng 4, trong đêm Phục Sinh 19 rạng 20 tháng 4 sẽ có 10.384 người lớn được rửa tội. Năm 2023 là 5.423 người, năm 2024 là 7.135 người. Ngoài ra thanh thanh niên từ 12 đến 18 tuổi xin rửa tội cũng gia tăng đáng kể: từ 2.953 của năm 2023 lên 7.404 người năm 2025. Năm nay sẽ có 17.788 thiếu niên và người lớn xin rửa tội.

Giáo hội gọi “dự tòng” là những người sẽ nhận Bí tích Rửa tội. Họ theo một chương trình đào tạo nghiêm túc kéo dài hai năm: học giáo lý, được các giáo dân có kinh nghiệm tại các giáo xứ đồng hành. Khoảng 11.000 người công giáo đồng hành, 80% là giáo dân tự nguyện đảm nhận mục vụ này. Diễn viên Gad Elmaleh làm cuốn phim Ở lại một chút (Reste un peu) năm 2022 về tiến trình trở lại và được đồng hành của ông.

“Con ở lại một chút”, cuốn phim về đức tin nhưng không có Chúa Kitô

Điều cấm trong phim Con ở lại một chút: người do thái và hồi giáo cấm con cái của họ vào nhà thờ công giáo

Nghệ sĩ hài Gad Elmaleh: “Dự tòng là nghệ thuật đánh võ thiêng liêng”

 “Làn sóng dự tòng gia tăng không phải hiện tượng nhất thời”

Theo nhiều mục tử, trong thời kỳ dịch Covid-19 và các đợt cách ly, nhiều người đã bắt đầu quay về với đời sống nội tâm. Thống kê cho thấy rõ điều này: từ năm 2015 đến 2022, con số dao động khoảng 4.000 trường hợp rửa tội mỗi năm. Mức tăng chỉ bắt đầu từ năm 2023, trong khi cần hai năm để chuẩn bị rửa tội.

Một yếu tố nền tảng khác giải thích sự gia tăng các trường hợp rửa tội của thanh thiếu niên và người lớn là do sự sụt giảm nghiêm trọng số trẻ sơ sinh được rửa tội tại Pháp: năm 2000, cứ hai trẻ em em sơ sinh thì có một em được rửa tội; đến năm 2024, chỉ còn một trong ba em. Tổng giáo phận Strasbourg là ví dụ điển hình. Đây là nơi có tỷ lệ rửa tội người lớn thấp nhất so với dân số, vì việc rửa tội cho trẻ nhỏ ở đây vẫn còn cao.

Theo Tổng giám mục Olivier de Germay, giáo phận Lyon và là giám mục phụ trách hồ sơ rửa tội người lớn trong Hội đồng Giám mục cho biết: Khảo sát hàng năm về dự tòng cho thấy làn sóng dự tòng cả người lớn lẫn giới trẻ không phải là hiện tượng nhất thời”. Trong phần giới thiệu số liệu năm 2025, ngài cho đây là “dấu chỉ đến từ Chúa”. Ngài viết: “Chúng ta có thể xem đây là một khích lệ từ Chúa, Đấng nhắc nhở chúng ta chính Ngài là Người Chủ của sứ vụ, chính Ngài thu hút con người, chạm đến trái tim và mặc khải chính mình.” Dù có đến 52% dự tòng xuất thân từ môi trường kitô giáo, nhưng người hồi giáo cũng trở lại đạo, họ chiếm 4% số dự tòng.

“Một luồng sinh khí trong mùa Chay”

Linh mục Jean-Baptiste Siboulet, tuyên úy cho sinh viên giáo phận Nantes nhận định trong cùng tài liệu: “Đã hai năm nay, chúng tôi thấy một luồng sinh khí trong mùa Chay. Các bạn trẻ bắt đầu tìm kiếm trên mạng xã hội. Họ muốn ‘giữ chay’, nghĩa là ‘nhịn ăn một chút, cầu nguyện một chút và đi lễ’. Sự tò mò thiêng liêng này có lẽ được hiệu ứng Ramadan thúc đẩy (năm nay diễn ra cùng thời điểm Phục sinh), cũng có thể trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng đích thực. Các bạn trẻ này tìm kiếm cảm giác thuộc về một cộng đoàn, họ tìm đến Giáo hội như một cộng đoàn trước khi gắn bó với Đức Kitô. Trong cuộc sống rời rạc, với tương lai có vẻ ảm đạm, đức tin là nền tảng vững chắc để xây dựng cuộc đời.”

Bà Catherine Lemoine, phụ trách mục vụ giới trẻ cấp quốc gia, nhận xét: “Các bạn trẻ quen thuộc với mạng xã hội này rất tự nhiên khi nói về đức tin của mình. Họ thoải mái khi mang tượng ảnh tôn giáo. Họ dám thể hiện, họ làm chủ đức tin của mình. Hơn thế nữa, họ sống tốt, họ khao khát Thiên Chúa và khao khát tình huynh đệ.”

Anaë Delion, 20 tuổi, dự tòng tại Nantes, chia sẻ trong tài liệu mục vụ: “Tôi xuất thân từ gia đình vô thần nên rất xa lạ với tôn giáo, chưa bao giờ có ai chung quanh tôi theo kitô giáo, tôi cũng chưa từng được giáo dục tôn giáo. Lần đầu tôi đến với đức tin công giáo là tháng 1 năm 2022. Khi đó, tôi không lê chân ra khỏi giường, không còn gì làm tôi rung động, tôi chỉ biết ngồi đó buồn bã. Rồi tôi tình cờ nghe nói về Mùa Chay. Không hiểu sao, vào đúng khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy như có một sức mạnh trong tim thôi thúc tôi tìm hiểu xem đó là gì. Tôi muốn biết tất cả. Về sau, tôi nhận ra, thật ra trái tim tôi đang đi tìm Chúa. Hai tháng sau, ngày 2 tháng 3 năm 2022, tôi bắt đầu mùa Chay đầu tiên của tôi. Từ đó, tôi chưa bao giờ rời xa Chúa.”

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch