Theo Hồng y Radcliffe, Hòa bình và công lý là giải pháp cho Ukraine

37

Theo Hồng y Radcliffe, Hòa bình và công lý là giải pháp cho Ukraine

cath.ch, Raphaël Zbinden, 2025-02-24

Hồng y Timothy Radcliffe, cựu Bề trên Tổng quyền của Dòng Đa Minh đã viết một thư để lên tinh thần cho các tu sĩ Đa Minh ở Ukraine. Vào thời điểm mà đất nước đang trải qua một giai đoạn quan trọng trong lịch sử, ngài nhắc lại sẽ không có hòa bình thực sự nếu không có hòa giải và công lý.

Ngày 24 tháng 2 năm 2025, trong một thư gởi các tu sĩ Dòng Đa Minh ở Ukraine, ngài viết: “Lịch sử ơn cứu độ của chúng ta đầy những con người sống trong niềm hy vọng chờ đợi.” Bức thư được gởi theo đề nghị của Cha Giám tỉnh JaroslawłKrawiec, Cha đều đặn viết các “Lá thư từ Kiev” phản ánh tình hình tại chỗ kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Trước hoàn cảnh khó khăn hiện nay, Hồng y Timothy Radcliffe luôn mang niềm hy vọng cho các tu sĩ Đa Minh đang phục vụ sát cánh bên người dân bị ảnh hưởng chiến tranh, ngài nhắc lại các gương mẫu trong Kinh Thánh: “Abraham và Sara đã chờ đợi 20 năm để có người con được hứa ban; Môsê và dân Israel chờ 40 năm trong sa mạc để được vào Đất Hứa, nơi chính ông Môsê cũng không bao giờ được đặt chân đến.”

Giữ vững phẩm giá giữa thời buổi phi nhân tính

Hồng y Radcliffe, một cách “tiêu biểu rất Đa Minh” để chờ đợi trong hy vọng là tiếp tục học hỏi, giảng dạy và thuyết giảng. Ngài nhấn mạnh: “Bạo lực ngày càng nhận chìm thế giới này tưởng chừng như vô nghĩa. Nhưng chúng ta vẫn học và rao giảng Lời Chúa, vì chúng ta tin ánh sáng của Chúa không bao giờ tắt: ‘Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối không diệt được ánh sáng’ (Ga 1,5).”

Hồng y Radcliffe, người Anh, Dòng Đa Minh là một trong số 21 tân hồng y được Đức Phanxicô bổ nhiệm. © Grégory Roth

Trong thư, Hồng y nhắc lại: “Anh chị em chúng ta ở Iraq đã đáp lại tội ác phủ xuống đất nước họ bằng cách mở trường học, tiếp tục học và dạy.” Cha Lukasz Popko, giáo sư Kinh Thánh kể: “Ở Gaza, trong túp lều, một tu sĩ chúng ta dạy cách phục chế đồ gốm cổ trong bom đạn. Và có ít nhất mười sinh viên! Giữa thời phi nhân, điều khôn ngoan nhất chính là tiếp tục sống nhân bản.”

Tình hình Ukraine ngày càng bế tắc

Khi quân Nga tiến vào Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022, Ukraine đã trải qua ba năm chiến tranh. Đến năm 2024, quân đội Nga dần chiếm ưu thế và kiểm soát hơn 20% lãnh thổ Ukraine. Các nước phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã viện trợ hàng chục tỷ đô la vũ khí và hỗ trợ hạ tầng, giúp Ukraine chống đỡ.

“Mặc cho các thế lực trần gian hành động ra sao, chúng ta vẫn kiên trì và chủ động chờ đợi bình an của Chúa.”

Tình hình này có thể thay đổi nếu Tổng thống Donald Trump trở lại nắm quyền. Ông từng đặt nghi vấn về việc Mỹ ủng hộ Ukraine và Tổng thống Volodymyr Zelensky. Hiện nay, ông muốn trực tiếp thương thuyết ngừng bắn với Vladimir Putin, sau khi đặt điều kiện viện trợ là những hợp đồng độc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên của Ukraina. Nếu Kiev dứt khoát từ chối và Mỹ ngừng viện trợ, thất bại quân sự là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng nếu chấp nhận “kế hoạch” của Donald Trump, nhiều khả năng sẽ dẫn đến một nền “hòa bình” cưỡng ép, trong đó người Ukraina sẽ là bên thua thiệt nhất.

Hòa bình không chỉ là chấm dứt chiến tranh

Trước tình hình này, Hồng y Radcliffe đặt câu hỏi: “Hiện tại chúng ta nói thương thuyết hòa bình đang diễn ra. Nhưng đó sẽ là thứ hòa bình nào?” Ngài nhắc lại lời thông điệp Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, một văn kiện của Công đồng Vatican II: “Hòa bình không chỉ là sự vắng mặt của chiến tranh; cũng không phải là việc duy trì thế cân bằng giữa các bên thù địch, càng không thể là kết quả của một chế độ độc tài. Hòa bình là công trình của công lý.” Ngài đặt vấn đề: “Liệu những cuộc thương thuyết này có thực sự hướng đến công lý, hay chỉ phục vụ lợi ích của các thế lực lớn?”

Hòa giải là điều không thể thiếu

Dù thế giới hành xử như thế nào, Hồng y Radcliffe kêu gọi: “Chúng ta vẫn mong chờ bình an của Chúa, bằng cách làm hòa ngay với người trong gia đình, với khu phố, với cộng đoàn tôn giáo chúng ta còn xa cách. Toàn thể gia đình Đa Minh hiệp thông với anh em trong niềm chờ đợi này, bằng những hành động từ chối đầu hàng sự dữ và từ chối sống theo toan tính lợi ích.”

“Ngay cả những năm tháng đau khổ này cũng sẽ sinh hoa kết trái”

Ngài kể một câu chuyện sau Thế chiến II: “Một linh mục Đa Minh người Pháp đến dâng lễ tại một ngôi làng giữa những người từng hợp tác với phát xít và những người từng tham gia kháng chiến. Khi bước lên bàn thờ, ngài thấy rõ sự thù hằn giữa họ. Ngài nói: ‘Tôi sẽ không bắt đầu Thánh lễ cho đến khi mọi người trao cho nhau cái hôn bình an.’ Ban đầu, không ai nhúc nhích. Rồi một người dũng cảm bước lên. Sau đó là một dòng người. Hòa bình bắt đầu từ đó. Tôi phải trao bình an của Chúa cho ai hôm nay?”

“Chiến thắng đã được bảo đảm”

Ngài kết thúc thư: “Bằng cách nào đó, trong sự quan phòng khôn dò của Thiên Chúa, ngay cả những năm tháng đau thương này cũng sẽ sinh hoa kết quả như Thập giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh mở ra sự sống Phục Sinh. Ngày hôm nay, điều đó khó hình dung, nhưng Chúa đang gieo hạt giống mới mẻ và tốt lành, dù một số người trong chúng ta không bao giờ thấy được thành quả ấy.  Chiến thắng đã được đảm bảo, dù chúng ta không thể hình dung nó sẽ có hình hài như thế nào.”

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch