Các Hồng y, thần học gia, nhà báo… Ai là những người tạo “vòng tin tưởng” của Đức Phanxicô?
la-croix.com, I.Media, Camille Dalmas, 2025-03-11
Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, người cộng tác kiên định và không thể thiếu của Đức Phanxicô, tại Rôma ngày 24 tháng 2. MASSIMO VALICCHIA / NurPhoto/AFP
Đức Phanxicô và các cộng sự trung thành…, để điều hành Giáo hội trong thời gian ngài nằm bệnh viện, ngài cần dựa vào một nhóm nhỏ các cộng sự tin cậy. Một mạng lưới ngài quen dùng để bỏ qua các cấu trúc của Giáo triều La-mã.
Từ bệnh viện Gemelli, ngài tiếp tục sứ mệnh của ngài. Nhưng ngài tin vào những ai để lèo lái con thuyền Giáo hội? Trong những ngày ở bệnh viện, một số ít người được phép ra vào phòng ngài, đó là hai thư ký riêng Argentina Daniel Pellizzon và Juan Cruz Villalon, và ông Fabio Salerno người Calabria.
Hai người đầu Đức Phanxicô đã quen từ Buenos Aires: năm 2011 ngài phong chức linh mục cho Cruz Villalon, còn linh mục Pellizzon thì đã giúp ngài sắp xếp hồ sơ lưu trữ cá nhân năm 2011-2012. Linh mục Salerno là nhân viên ngoại giao của Tòa thánh. Các nhân viên này ngược với các thư ký nhiều ảnh hưởng và công khai của Đức Gioan-Phaolô II như Hồng y Stanislaw Dziwisz, của Đức Bênêđíctô XVI như Tổng giám mục Georg Gänswein.
Kể từ khi được bầu chọn, Đức Phanxicô luôn cố gắng chống lại tệ nạn “triều đình” thịnh hành ở Vatican, theo ngài đó là “bệnh phong hủi của giáo hoàng”. Nhưng tệ nạn này không chấm dứt được trò chơi ân huệ và sỉ nhục khi chúng ta thấy số phận của một số “sao băng” bị gạt ra ngoài lề sau thời gian họ được ân sủng. Trong số này có linh mục Argentina, chuyên gia môi trường Augusto Zampini, và Hồng y Angelo De Donatis, cựu giám mục Rôma.
Các vụ thất sủng nổi tiếng
Vụ thất sủng đình đám nhất là vụ của Tổng giám mục Georg Gänswein, người đứng đầu Phủ Giáo hoàng thời Đức Bênêđíctô XVI, năm 2020 Tổng giám mục bị đình chỉ công việc, năm 2023 bị cách chức. Tổng giám mục Gänswein là người cho mình là người liên kết triều Đức Bênêđíctô XVI và triều Đức Phanxicô. Để đến được với Đức Bênêđíctô XVI phải qua Tổng giám mục Gänswein.
Vụ thứ nhì là vụ của Hồng y nhiếp chính Leonardo Sapienza, người làm việc trong bóng tối trong hơn ba mươi năm, Đức Phanxicô đã thay thế mà không thăng chức, không tưởng thưởng. Để đến được với Đức Phanxicô, phải qua Hồng y Sapienza. Một linh mục hiểu rõ Đức Phanxicô cho biết: “Dù sao đi nữa, ngài là người đã làm mọi thứ, ngay cả với Giám mục Gänswein.” Đức Phanxicô có lòng kính mến Đức Phaolô VI, một Giáo hoàng không tránh khỏi những phản đối trong nội bộ Giáo hội công giáo.
Tại Vatican, ngay cả Phủ Quốc vụ khanh, bộ phận trung tâm của Giáo triều La-mã đôi khi cũng ngạc nhiên trước một Giáo hoàng không ngần ngại tiến hành công việc mà không có sự tham dự của họ. Từ năm 2013, Đức Phanxicô đã tước bỏ một số đặc quyền của cơ quan này trong việc quản lý Giáo hội. Hồng y Angelo Becciu bị kết án năm năm rưỡi tù vì vụ tai tiếng tài chính “Tòa nhà London”, đây là một trong những vụ thất sủng tiêu biểu.
Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, nhà ngoại giao tài ba và là người thân cận trung thành, cộng sự không thể thiếu và không thể thay thế của Đức Phanxicô. Hồng y cùng với Tổng giám mục Edgar Pena Parra đã đến thăm Đức Phanxicô ở bệnh viện. Trong thời gian Đức Phanxicô vắng mặt kéo dài, các “nhân vật trung thành” đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì hoạt động guồng máy Vatican.
Thực tế Đức Phanxicô ít dựa vào guồng máy Giáo triều và không ngần ngại bỏ qua Giáo triều, đặc biệt từ khi ngài thành lập Hội đồng Hồng y C9. Hội đồng giúp ngài cải cách Giáo triều, tập hợp một số cộng sự thân cận của ngài như Hồng y Oswald Gracias, Tổng giám mục danh dự của Bombay, người “chia sẻ xác tín với ngài: Công đồng Vatican II vẫn phải được áp dụng cho đến ngày nay”. Hồng y Marcello Semeraro, cựu thư ký của Hội đồng C9 là kiến trúc sư vĩ đại của cuộc cải cách Giáo triều. Một linh mục từng làm việc với Hồng y Semeraro cho biết: “Chúng ta không bao giờ biết ngài nghĩ gì. Ngài là Bộ trưởng Bộ Phong thánh là “nơi đậu xe”, nhưng ngài là cố vấn thân cận của Đức Phanxicô”.
Đức Phanxicô cũng dựa vào mạng lưới Dòng Tên, dù mối quan hệ của ngài với Dòng Tên không phải lúc nào cũng tốt. Một linh mục ở Rôma khẳng định: “Họ có cùng văn hóa nên mọi việc trở nên dễ dàng hơn.” Trong số các bạn thân của ngài có Hồng y Jean-Claude Hollerich, nhà cựu truyền giáo ở Nhật Bản, tổng tường trình của Thượng hội đồng và là thành viên của C9, có linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, là tâm điểm chú ý kể từ khi linh mục không còn làm Giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo, nhưng luôn gần gũi với Đức Phanxicô.
Cuối cùng, Giáo hoàng có thể tin tưởng vào chuyên môn của Hồng y Gianfranco Ghirlanda, chuyên gia giáo luật nổi tiếng và là kiến trúc sư vĩ đại của cuộc cải cách Giáo triều. Một người quen ở Rôma cho biết: “Suy nghĩ của ngài hoàn toàn phù hợp với những gì Đức Phanxicô đang thực hiện.”
Từ năm 2013, Đức Phanxicô chưa bao giờ về Argentina, nhưng ngài có các đồng hương ở Rôma. Ngoài hai thư ký, ngài còn có Hồng y Victor Manuel Fernández từ Buenos Aires, người bạn thân của ngài từ Hội nghị Aparecida Nam Mỹ năm 2007, hai ngài thường ăn cơm với nhau. Hồng y Fernández là một trong các thần học gia tác giả Tông huấn Amoris Laetitia, được Đức Phanxicô giao đứng đầu bộ Giáo lý Đức tin, một bộ rất quan trọng.
Một nhân vật Argentina khác được Đức Phanxicô bổ nhiệm ở Rôma là chuyên gia “thần học giải phóng” Emilce Cuda, được tác giả Austen Ivereigh, người viết tiểu sử Đức Phanxicô cho là “người phụ nữ hiểu Đức Phanxicô”, bà phục vụ ở hai Giáo hoàng Học viện và từ năm 2021, bà là thư ký của Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh.
Để đề cử những người ngài mến chuộng, đôi khi Đức Phanxicô phải cải tổ Giáo triều: ngài đề cử nhà báo Salvatore Cernuzio, 37 tuổi, đứng đầu một trong những văn phòng biên tập truyền thông của Vatican, hoặc Gleison de Paula Souza, 40 tuổi, cựu chủng sinh nhưng bây giờ là người cha gia đình làm thư ký của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống. Người tin tưởng cuối cùng và quan trọng nhất là Hồng y Joseph Farrell, đứng đầu bộ này. Với tư cách là Hồng y nhiếp chính, Hồng y là người sẽ đảm trách công việc khi Giáo hoàng từ nhiệm hoặc qua đời.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Ở trung tâm Giáo triều: Nhà Thánh Marta phòng số 201, một văn phòng khác của Đức Phanxicô
Bị bệnh, Đức Phanxicô buộc phải bỏ một số việc quan trọng, ngài chuẩn bị một cuộc sống mới