Đức Phanxicô trong Năm Thánh Người bệnh: “Chia sẻ nỗi đau là một bước tiến tới sự thánh thiện.”

30

Đức Phanxicô trong Năm Thánh Người bệnh: “Chia sẻ nỗi đau là một bước tiến tới sự thánh thiện.”

Ngày chúa nhật 6 tháng 4, trong Thánh lễ bế mạc Năm Thánh Người bệnh và Ngày Thế giới Y tế tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô xin chúng ta đừng loại trừ những người dễ bị tổn thương nhất. Theo ngài, giường bệnh hay phòng bệnh là “nơi thánh thiện” để chúng ta nghe tiếng Chúa và đổi mới đức tin.

Đức Phanxicô trong Ngày Người bệnh và Ngày Thế giới Y tế. (Vatican Media)

vaticannews.va, Jean-Benoỵt Harel, Vatican, 2025-04-06

Sau năm tuần ở bệnh viện Gemelli, Đức Phanxicô về Nhà Thánh Marta tĩnh dưỡng, ngài không thể dự Năm Thánh Người bệnh và ngày Thế giới Y tế, ngài viết bài giảng và Hồng y Rino Fisichella đọc thay ngài. Sau các bài đọc của chúa nhật thứ năm Mùa Chay, Hồng y cho biết: “Cách chúng ta vài mét, từ Nhà Thánh Marta, Đức Phanxicô đang ở rất gần chúng ta. Ngài dự Bí tích Thánh Thể này như tất cả các người bệnh tật và yếu đuối khác qua truyền hình.”

Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta

Trích dẫn các văn bản phụng vụ, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến sự hiện diện thường trực của Thiên Chúa bên cạnh dân Ngài: “Với người dân Israel đang bị lưu đày ở Babylon, Thiên Chúa cho họ một điều mới, một hy vọng khi họ không còn hy vọng nữa. Những gì đang được sinh ra là một dân tộc mới. Dân tộc này sống xa Giêrusalem “không còn cử hành các nghi lễ long trọng, họ đã học theo một cách khác để gặp Chúa: trong hoán cải tâm hồn, trong việc thực hành luật pháp và công lý, trong sự quan tâm đến người nghèo và người thiếu thốn, trong các việc làm thương xót”.

Điều tương tự cũng đúng với người phụ nữ ngoại tình bị các kinh sư và người pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu, Ngài không lên án người phụ nữ này, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Ngược lại, ngay lúc những người muốn hành quyết bà đã nắm chặt các hòn đá trong tay, thì chính lúc đó Chúa Giêsu bước vào cuộc đời bà, bảo vệ bà và cứu bà khỏi bạo lực của những người này, đem đến cho bà sức mạnh để bà có thể bắt đầu một cuộc sống mới.”

Mỗi lần, dù dường như không còn hy vọng, Chúa vẫn hiện diện, vì không gì có thể ngăn cản Chúa “gõ cửa trước nhà chúng ta”, Ngài khuyến khích chúng ta mở lòng đón nhận một tình yêu thiêng liêng, đón nhận ân sủng của Ngài khi thử thách trở nên khó khăn.

Giường bệnh, nơi linh thiêng của cứu rỗi và cứu chuộc

Đức Phanxicô nói tiếp: “Trong số những thử thách này, bệnh tật chắc chắn là một trong những thử thách khó khăn và gian nan nhất của con người, khi đó chúng ta mới nhận ra cuộc sống mong manh đến thế nào. Thử thách có thể làm tan biến niềm hy vọng vào tương lai. Nhưng không hẳn vậy. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta và chính lúc sức lực của chúng ta cạn kiệt, chúng ta thấy được sự an ủi qua sự hiện diện của Ngài. Chúa đã thành người phàm và đã biết đau khổ. Chúng ta trao nỗi đau cho Ngài, chúng ta sẽ nhận được lòng trắc ẩn, sự gần gũi và dịu dàng.”

Khi đón nhận tình yêu này, mỗi người được kêu gọi chia sẻ tình yêu đó xung quanh mình, trở thành “thiên thần”, sứ giả của sự hiện diện của Chúa, biến giường bệnh thành “nơi thánh, nơi cứu rỗi và cứu chuộc”.

Người bệnh là ơn trong cuộc sống của người chăm sóc

Phát biểu trước các nhân viên y tế,các bệnh nhân, Đức Phanxicô khuyến khích họ nuôi dưỡng đời sống bằng lòng biết ơn, lòng thương xót và hy vọng, tất cả là ơn của Chúa từ những cử chỉ yêu thương dù nhỏ hay lớn.

“Hãy để sự hiện diện của người bệnh bước vào cuộc sống của anh chị em như một ơn để chữa lành trái tim, thanh lọc trái tim khỏi mọi thứ không phải là lòng bác ái, sưởi ấm bằng ngọn lửa trắc ẩn nhẹ nhàng và cháy bỏng.”

Ngày lễ Người bệnh và Nhà truyền giáo Y tế. (Vatican Media)

Một trường học để yêu và được yêu

Sau 15 ngày dưỡng bệnh tại Nhà Thánh Marta, Đức Phanxicô cho biết ngài đang trải qua giai đoạn khó khăn của căn bệnh, “cảm thấy yếu đuối, phụ thuộc vào người khác về nhiều mặt và cần được hỗ trợ”.

Ngài cho biết: “Đây là trường học để học yêu thương và để được yêu thương mỗi ngày, (…) được buông bỏ và tự tin vào tương lai. Bệnh nhân trên giường nghe tiếng Chúa và đức tin được củng cố”.

Trong Thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđíctô XVI viết: “Tầm mức nhân đạo được xác định chủ yếu trong tương quan với đau khổ.” Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Cùng nhau đối diện với đau khổ giúp chúng ta nhân văn hơn. Chia sẻ nỗi đau là một bước quan trọng trên bất kỳ hành trình nào hướng tới sự thánh thiện.”

Cuối cùng, ngài xin chúng ta không được gạt “những người yếu đuối ra khỏi cuộc sống, loại trừ đau khổ ra khỏi môi trường chúng ta, nhưng biến đau khổ và nỗi đau thành cơ hội để nuôi dưỡng hy vọng qua tình yêu Thiên Chúa đã đầu tiên đặt để vào tâm hồn và sẽ tồn tại mãi mãi”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Đức Phanxicô bất ngờ xuất hiện tại Thánh lễ mừng Năm Thánh Người Bệnh tại Vatican

Ngày lễ Người bệnh và Nhà truyền giáo Y tế. (Vatican Media)