20 năm ngày Đức Gioan Phaolô II qua đời: 5 câu nói ghi dấu ấn triều của ngài
lepelerin.com, Xavier Le Normand, 2025-04-02
© OlegD / stock.adobe.com
Cách đây 20 năm, Đức Gioan Phaolô II qua đời. Bài viết ghi lại năm câu nói để lại dấu ấn sâu đậm triều của ngài.
“Xin anh chị em đừng sợ! Xin anh chị em mở rộng cửa để đón nhận Đức Kitô!”
Ngày 22 tháng 10 năm 1978, trong thánh lễ khai mạc sứ vụ Giám mục Roma, ngài đã nói câu nói nổi tiếng nhất của ngài, ngài mượn lời Chúa Giêsu (Mt 17, 7) để mời gọi nhân loại đón nhận một niềm hy vọng mới giữa thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
“Hỡi nước Pháp, trưởng nữ của Giáo hội, con có trung thành với lời hứa ngày con chịu phép Rửa không?”
Là người nói tiếng Pháp và yêu mến nước Pháp, Giáo hoàng đã tám lần viếng thăm đất nước này, trong đó có một chuyến đến đảo Réunion. Chuyến tông du đầu tiên là năm 1980, mười hai năm sau biến cố tháng 5-1968, vào thời điểm làn sóng tục hóa bắt đầu trở thành đặc điểm lâu dài của nước Pháp. Ngài xem nước Pháp là “người giáo dục các dân tộc” nhờ “liên kết với khôn ngoan vĩnh cửu” và trước thực trạng này, ngài lo lắng và mong muốn khơi dậy một sức sống đức tin mới tại đây.
“Tôi là con của dân tộc này, nên tôi cảm nghiệm sâu xa những khát vọng cao đẹp của họ – khát vọng sống trong sự thật, trong tự do, trong công lý, trong tình liên đới xã hội – khát vọng được sống cuộc đời của chính mình.”
Tháng 6 năm 1983, ngài về quê hương Ba Lan. ngài đã về một lần vào năm 1979, không lâu sau khi được bầu chọn. Khi ấy, Ba Lan vẫn là quốc gia vệ tinh của Liên Xô, nhưng quyền lực của chính quyền bắt đầu suy yếu dưới áp lực của các cuộc biểu tình quy mô lớn của Công đoàn Đoàn Kết (Solidarnos) thành lập năm 1980,
Gắn bó sâu đậm với quê hương, nhiều lần ngài lên tiếng để ủng hộ phong trào này. Với người dân Ba Lan và nhiều người trên thế giới, ngài là biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại các chế độ cộng sản độc tài. Ngài được cho là nhân vật chủ chốt góp phần vào sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991.Trong suốt 26 năm triều của ngài, ngài đã về Ba Lan chín lần, thường là những chuyến đi dài ngày.
“Chúng ta hãy nhận trách nhiệm của người tín hữu kitô trước những tệ nạn hôm nay.”
Theo ngài, Năm Thánh 2000 là thời khắc hòa giải với Thiên Chúa, đầu tiên là phải nhìn nhận lỗi lầm của mình. Vì thế, ngày 12 tháng 3 năm 2000, nhân danh Giáo hội, ngài xin tín hữu kitô tha thứ cho nhiều lỗi lầm đã phạm.
Trong nghi thức sám hối chưa từng có này, sáu ý nguyện cầu được đọc lên, xin ơn tha thứ cho những tội lỗi đã phạm nhân danh kitô giáo. Một trong các ý nguyện này kêu gọi: “Chúng ta cầu nguyện, để khi tưởng nhớ đau khổ mà người dân Israel đã chịu trong suốt dòng lịch sử, người tín hữu kitô biết nhìn nhận tội lỗi mà nhiều anh chị em của mình đã phạm chống lại dân giao ước.”
“Cha đã tìm kiếm các con. Giờ đây, các con đến thăm cha. Cha cám ơn các con.”
Đó là lời cuối cùng của ngài, được phát ngôn viên Joaquin Navarro-Valls thuật lại. Khi ngài hấp hối và thế giới theo dõi những giờ phút cuối của ngài, mỗi tối, giáo dân tụ họp ở Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện dưới cửa sổ phòng của ngài.
Tối 1 tháng 4 năm 2005, phát ngôn viên của ngài cho biết, có lẽ ngài đang nghĩ đến giới trẻ mà ngài đã gặp khắp nơi trong các chuyến đi của ngài. Hướng về họ, ngài đã nhiều lần lặp lại lời này: “Cha đã tìm kiếm các con. Giờ đây, các con đến thăm cha. Cha cám ơn các con.”
Ngài qua đời tối 2 tháng 4.
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch