Tìm Chúa Giêsu trong hoàng hôn của kitô giáo

42

Tìm Chúa Giêsu trong hoàng hôn của kitô giáo

Ronald Rolheiser, 2025-03-31

Ngày nay, chúng ta cảm nghiệm Chúa Giêsu ở đâu trong một thế giới dường như quá chật kín với những bận tâm riêng của mình nên chẳng có chỗ nào cho Ngài?

Linh mục Tomas Halik, cây viết thiêng liêng trong quyển sách gần đây Hoàng hôn của kitô giáo đã khuyên: “Khi thế giới ngày càng có ít chỗ rõ ràng cho Chúa Giêsu, chúng ta cần tìm kiếm Ngài hơn nữa trong những nơi mà Ngài ẩn danh. Chúng ta hãy tìm Ngài ‘bằng tiếng Ngài’ như Maria Mácđala, chúng ta tìm Ngài nơi những người lạ trên đường như các môn đệ trên đường Ê-mau, chúng ta tìm Ngài nơi những vết thương của thế giới như tông đồ Tôma, chúng ta tìm Ngài khi Ngài đi qua những cánh cửa đóng kín vì sợ hãi, chúng ta tìm Ngài nơi Ngài mang đến ơn tha thứ và những khởi đầu mới.”

Lời mời gọi ở đây là chúng ta phản ứng tốt hơn với những dấu chỉ của thời đại, vì chúng ta đang sống trong cái mà cha Halik gọi là “hoàng hôn của kitô giáo”.

Hoàng hôn của kitô giáo là gì?

Cha Halik phân biệt ba giai đoạn trong lịch sử kitô giáo: Buổi sáng kitô giáo là thời trước năm 1500, thời tiền hiện đại, thời trước thế tục hóa. Buổi trưa của kitô giáo là thời thế tục hóa và hiện đại hóa, căn bản là từ thế kỷ 19 đến thế hệ chúng ta. Hoàng hôn kitô giáo là thời chúng ta ngày nay, thời hậu hiện đại, khi chúng ta đang chứng kiến sự đổ vỡ của nhiều nơi trên thế giới đã từng có ảnh hưởng trên đức tin và tôn giáo.  Và theo cha Halik, ảnh hưởng của những chuyện này chính là đức tin kitô giáo bây giờ đã vượt quá những hình thức tôn giáo trước đây.

Ồ! Một phát biểu thật táo bạo! Tuy nhiên, điều mà cha Halik đề xuất không phải là đức tin đang chết, kitô giáo đang chết, hay là các giáo hội đang chết. Đúng hơn, theo cha, kitô giáo ngày nay thấy mình đang phần nào vô gia cư về văn hóa, ở một thời mà quá nhiều cấu trúc xã hội từng nâng đỡ kitô giáo đang sụp đổ, vì thế đức tin kitô giáo cần tìm một hình dạng mới, một mái nhà mới, các phương thức diễn tả mới, các vai trò xã hội và văn hóa mới, và các đồng minh mới.

Và làm sao để làm được? Chúng ta không biết. Nhưng cha Halik gợi ý: kitô giáo sẽ không đánh mất căn tính và trở thành đức tin không tôn giáo như mọi người sợ. Kitô giáo sẽ không tan rã thành một linh đạo mơ hồ, không có giáo lý, không có ranh giới và theo kiểu riêng tư. Thay vào đó, hy vọng chính tinh thần tích cực và đa dạng vốn làm cho nhiều kitô hữu sợ hãi (ngược đời thay) lại là thời kỳ thai nghén của kitô giáo tương lai.

Theo cha Halik, những thách thức kitô giáo đối diện ngày nay đang mời gọi chúng ta đưa đức tin vào một không gian mới, như thánh Phaolô đã làm khi đưa kitô giáo ra khỏi những ranh giới của do thái giáo thời đó. Cha Halik giải thích: “Tôi tin kitô giáo của thời sau, trên tất cả sẽ là một cộng đồng của một diễn tả mới và sâu sắc hơn về hai nguồn mặc khải thần thánh là Kinh thánh và truyền thống, nhất là về tiếng Chúa trong những dấu chỉ thời đại.”

Làm sao để có được? Đó chính là đề nghị của quyển sách này. Từng chương một đặt ra những khả thể về cách chúng ta có thể đọc những dấu chỉ thời đại một cách can đảm hơn, đồng thời thay vì làm giảm nhẹ bất kỳ thực chất nào của đức tin kitô giáo thì chúng ta đọc những dấu chỉ của thời đại dẫn dắt chúng ta đi vào một nhận thức sâu sắc hơn cả về Kinh thánh và truyền thống, nhất là để chúng ta có thể hợp nhất Chúa Kitô của sự tiến hóa vũ trụ với Chúa Giêsu Phục sinh một cách hòa hợp hơn; và nhận ra cả hai đều không chỉ hiện diện trong những điều rõ ràng nơi đức tin và nơi việc thờ phượng mà còn hiện diện ẩn danh trong sự tiến hóa của nền văn hóa và xã hội chúng ta.

Như vậy, chúng ta cần tìm kiếm Chúa Giêsu Kitô, không chỉ nơi các sách thánh, giáo hội, việc thờ phượng, lớp giáo lý và sự thông công kitô giáo rõ ràng của chúng ta, dù chúng dĩ nhiên là những nơi đáng để tìm kiếm. Nhưng, như Maria Mácđala, chúng ta cần nhận ra tiếng Ngài nơi người canh gác nghĩa địa; nơi các môn đệ trên đường Êmau, khi không còn có câu trả lời, chúng ta cần nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi người lạ nói những lời làm cho lòng chúng ta bừng cháy; như Tôma kém tin, chúng ta cần vượt qua những hoài nghi của mình về sự sống lại của Chúa bằng cách chạm đến vết thương của Ngài nơi những người nghèo và người đau khổ; như cộng đoàn đầu tiên của Chúa Giêsu đã khép mình sau cánh cửa đóng kín vì sợ hãi, chúng ta cần nhận ra Ngài mỗi khi có điều gì đó bất ngờ len vào nỗi sợ rối ren của chúng ta để đem lại bình an, và chúng ta cần nhận ra sự hiện diện của Ngài bên trong chúng ta mỗi khi chúng ta nhận được ơn tha thứ và được tăng sức để khởi đầu lần nữa. Đây không phải là một thời để chết, mà là thời kairos, thời chúng ta được mời gọi mở đôi mắt để nhận ra Chúa Kitô theo cách thức mới, thời Chúa đang đi cùng chúng ta theo những cách thức chúng ta chưa quen.

J.B. Thái Hòa dịch

U sầu và tâm hồn