Có nên tìm cách thay đổi mẹ chồng không?
famillechretienne.fr, ban biên tập, 2024-05-25
Câu nói thường nghe của các cô dâu: “Mẹ chồng tôi làm tôi bực mình, nhưng chồng tôi không hiểu… Anh đứng về phía bà để chống lại tôi, anh không đừng về phía tôi.”
Lời khuyên của chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình của Trung tâm tư vấn Mots Croisés.
Dù Valentine đã giải thích với Paul rằng mẹ anh quá áp đặt, có khi bà thao túng nhưng anh không hiểu vấn đề nằm ở đâu, không hiểu vì sao vợ mình lại bực mình như vậy. Anh cảm thấy bị kẹt giữa người anh yêu và mẹ, người anh không muốn làm bà thất vọng.
Bà mẹ chồng chủ động, chắc chắn bà có ý tốt, luôn muốn làm điều tốt cho con! Có lẽ “quá” tốt chăng? Bà có cần phải ghé nhà con trong tuần để xem con có thiếu gì không? Vì sao bà muốn can thiệp vào việc dạy dỗ con cái? Dù có ý tốt, nhưng khi lo mọi thứ cho con trai làm như người vợ không đủ khả năng quán xuyến, bà thực sự có làm ai vui không?
Mỗi người cần tìm cho mình một khoảng cách phù hợp
Làm thế nào để “đón nhận” và yêu thương con dâu mà vẫn tôn trọng nhân cách của con với tất cả những khác biệt về xã hội, gia đình và giáo dục?
Một ngày nọ, Valentine về nhà và thấy màn phòng khách đã được thay… Giọt nước đã tràn ly! Bao nhiêu ấm ức cố nén để giữ hòa khí và tránh đặt chồng vào tình thế khó xử đã bùng nổ. Nhưng như thế lại cần thiết để tiếp tục xây dựng tương quan giữa hai vợ chồng! Vì nếu im lặng quá lâu, hiểu lầm sẽ chồng chất, và rồi rất khó để có cân bằng lại. Có thể mẹ chồng sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Nhưng Valentine và Paul thì phải trưởng thành, gắn bó hơn, nếu không, căng thẳng và mâu thuẫn về ranh giới hai bên sẽ ngày càng leo thang. Mỗi người cần tìm khoảng cách phù hợp: không quá gần, cũng không quá xa. Vì thế phải mất thời gian và đòi hỏi phải nói chuyện với nhau, và có thể cả những cuộc tranh luận gay go.
Cố gắng hiểu quan điểm của nhau
Trong hôn nhân, mỗi người đều đóng vai trò người trung gian, giúp người kia thấy rõ hơn cách gia đình của mình sinh hoạt, cũng như các ứng xử còn trẻ con trong quan hệ cha mẹ con cái. Sự hiện diện của người bạn đời buộc mỗi người phải điều chỉnh lại cách cư xử, nhất là khi chúng bị chi phối do áp đặt, do gắn bó thái quá hay khống chế tất cả những gì cản trở người kia sống thật con người của họ, không cần biện minh hay phải gay gắt khẳng định bản thân.
Tất nhiên, cả hai cần biết nhượng bộ để tránh mâu thuẫn thành gay gắt. Họ phải cố gắng hiểu quan điểm của nhau: Người kia xuất thân từ đâu? Họ đang trải qua chuyện gì? Vì sao họ phản ứng như vậy?… Những khác biệt thế hệ, càng bị khuếch đại do xã hội thay đổi cũng góp phần tạo căng thẳng.
Có một số cách giúp vượt chúng ta qua trở ngại: trước hết, cố gắng tạo khoảng cách và dám nói những gì chúng ta bận tâm. Để làm được, chúng ta áp dụng phương pháp đối thoại không bạo lực. Nếu mẹ chồng không muốn nghe, trong trường hợp này phải ưu tiên nghe tiếng nói của vợ/chồng hơn cha mẹ. Sau đó, cần suy ngẫm về những ràng buộc vô hình làm vợ chồng không được tự do: tôn giáo, tiền bạc hay tài sản cha mẹ cho, cảm giác tội lỗi không đúng chỗ, những áp đặt vô lý…
Đối diện với sự thật luôn là con đường dẫn đến tự do!
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch