Tòa Thánh kêu gọi các quốc gia quy định về trí tuệ nhân tạo AI để bảo vệ trẻ em

48

Tòa Thánh kêu gọi các quốc gia quy định về trí tuệ nhân tạo AI để bảo vệ trẻ em

cath.ch, I.Media, 2025-03-20

Ngày 20 tháng 3 năm 2025, Hồng y Peter Turkson, Chưởng ấn Học viện Giáo hoàng Khoa học Xã hội phát biểu trong buổi giới thiệu Hội nghị về những rủi ro và cơ hội của AI với trẻ em: “Ngày nay Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đang ở với chúng ta, nhưng điều chúng ta không muốn thấy là tác động tiêu cực của nó trên trẻ em.”

Hội nghị diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng 3 tại Casina Piô IV, trụ sở của Học viện Giáo hoàng Khoa học, với sự tham gia của Viện Nhân học thuộc Giáo hoàng Học viện Gregorian, Quỹ Tuổi Thơ (Childhood Foundation) tổ chức do Nữ hoàng Silvia Thụy Điển sáng lập cùng nhiều chuyên gia của các Đại học danh tiếng (Oxford, Harvard, Viện Max Planck) và đại diện của các tổ chức quốc tế như Nghị viện Châu Âu, Thượng viện Anh, Hội Hiệp sĩ Malta. Hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin đọc diễn văn khai mạc.

Một công cụ “rất kích thích nhưng cũng rất đáng sợ”

Hồng y Turkson nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy nghĩ về AI một công cụ vừa rất kích thích nhưng cũng đáng sợ để bảo vệ trẻ em khỏi những tác động tiêu cực. Giáo sư Joachim Von Braun, nhà kinh tế, xã hội học người Đức, Chủ tịch Giáo hoàng Học viện Khoa học nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự lo ngại về những nguy hại của AI trên trẻ em, những nguy hại ngày càng được các cộng đồng khoa học làm sáng tỏ như chứng nghiện mạng xã hội, làm thay đổi trạng thái tinh thần và sự phát triển trí não ở trẻ em.” Giáo sư  lên án việc dùng AI để xâm phạm đời tư của trẻ em cũng như việc điều khiển và thao túng hành vi, bóc lột và dụ dỗ tình dục trẻ em. Tuy nhiên, bên cạnh những nguy cơ này, ông cũng nhấn mạnh đến cơ hội mà AI có thể mang lại trong lĩnh vực giáo dục. Ba Britta Holmberg, Phó Tổng thư ký Quỹ Tuổi Thơ khẳng định: “Công nghệ vừa là một phần của vấn đề, nhưng cũng phải là một phần của giải pháp.”

Giáo sư Von Braun nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có là một cơ chế “quy định quốc tế” để bảo vệ trẻ em trước các nguy hại của AI. Giáo sư lấy làm tiếc về một dự luật liên quan đã được đưa lên Nghị viện Châu Âu hai năm nay nhưng vẫn chưa được thông qua.

Vatican, một trong những tiếng nói tích cực về AI

Những năm gần đây, Vatican liên tục có những sáng kiến nhằm kêu gọi quy định quốc tế và tăng cường sự kiểm soát AI. Năm 2020, Học viện Giáo hoàng về Sự sống đã khởi xướng “Lời kêu gọi Rôma vì một nền AI đạo đức” được nhiều tổ chức công và tư hưởng ứng.

Ngày 14 tháng 6 năm 2024, Đức Phanxicô dự Phiên họp G7 tại Bari (Ý) thảo luận về trí tuệ nhân tạo. Ngài dành trọn thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình 2024 và Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội 2024 để nói về chủ đề này.

Gần đây, ngày 28 tháng 1, bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Văn hóa Giáo dục đã có một công bố chung với tiêu đề “Trí tuệ Nhân tạo và Trí tuệ Con người”. Trước đó, Chính quyền Vatican cũng đã ban hành các hướng dẫn về AI nhằm điều chỉnh việc ứng dụng công nghệ này trong nội bộ quốc gia nhỏ bé Vatican.

Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch

Đức Phanxicô tại Hội nghị Thượng đỉnh Paris về AI: “Tình yêu giá trị hơn trí tuệ”

“Không thể đi bên lề AI: “Lý do  Giáo hội phát triển mô hình AI cho riêng mình”