Sau khi Đức Phanxicô rời bệnh viện: các lo ngại cho một triều giáo hoàng đi chậm lại
Ngày 23 tháng 3 -2025, từ cửa sổ bệnh viện Gemelli, Đức Phanxicô chào giáo dân trước bệnh viện sau năm tuần nằm bệnh viện. Ngài về lại Nhà Thánh Marta để tĩnh dưỡng ít nhất 2 tháng. (Ảnh của Filippo MONTEFORTE / AFP)
liberation.fr, Bernadette Sauvaget, 2025-03-24
Nhẹ nhõm khi thấy Đức Phanxicô đã qua cơn nguy kịch, thế giới công giáo vẫn lo lắng cho tương lai triều của ngài. Sức khỏe mong manh buộc ngài phải giảm bớt các hoạt động, làm dấy lên lo ngại về một triều bị chậm lại và cuối cùng có thể suy yếu dần như trường hợp của Thánh Gioan-Phaolô II.
Những tuần vừa qua, Rôma tràn ngập các câu hỏi này. Ngài sẽ ra sao? Ngài còn đủ sức để lãnh đạo Giáo hội không, một nhiệm vụ ngài đã kiên trì đảm trách trong suốt 12 năm qua? Chúng ta đã thấy một phần câu trả lời này vào ngày chúa nhật 23 tháng 3 khi ngài xuất hiện chỉ khoảng một phút rưỡi trên ban công bệnh viện Gemelli để chào và ban phép lành cho giáo dân.
Tiều tụy, gầy yếu, khuôn mặt hằn rõ mệt mỏi, cổ tay băng kín có lẽ để che vết bầm của các ống truyền dịch. Ngài bị hụt hơi sau khi nói được vài lời cám ơn giáo dân. Khi thấy trong đám đông có một phụ nữ lớn tuổi cầm bó hoa vàng, ngài cố gắng đưa tay làm dấu thánh giá để ban phép lành cho hàng ngàn giáo dân có mặt. Sau đó, trên chiếc Fiat 500 trắng quen thuộc, ngài ghé Nhà thờ Đức Bà Cả để đặt hoa tạ ơn Đức Mẹ nhưng ngài không xuống xe, ngài sợ nhiễm trùng nên tránh tiếp xúc với đám đông chờ ngài ở đây. Đây là ngôi đền thờ ngài chọn làm nơi chôn cất của ngài.
Một bài toán nhiều ẩn số
Dù thế giới công giáo đã tạm yên tâm, tương lai triều của ngài vẫn là một dấu hỏi lớn. Trong cuộc họp báo ngày thứ sáu 21 tháng 2 tại bệnh viện Gemelli, các bác sĩ cho biết ngài cần ít nhất hai tháng tĩnh dưỡng, tránh tiếp xúc với đám đông (đặc biệt là trẻ em) để phòng tái nhiễm phổi, họ khuyên ngài nên giảm bớt công việc, hạn chế các cuộc gặp gỡ. Nói cách khác, trong vài tuần tới công việc của ngài sẽ chậm lại, một điều chưa từng thấy ở ngài. Ngài vốn là người không thích bị kiểm soát, tự quản lý lịch trình, luôn gần gũi với giáo dân, sẵn sàng ôm các trẻ em hay người khuyết tật.
Trong suốt 38 ngày ở bệnh viện, ngài được các bác sĩ khen là bệnh nhân gương mẫu dù ngài là người có cá tính rất mạnh. Ngài không dễ bị áp đặt những hạn chế mà ngài không tự chọn. Trong thời gian nằm viện, ngài vẫn tiếp tục bổ nhiệm các giám mục, ký các văn kiện quan trọng, tiếp tục lãnh đạo Giáo hội. Theo nhật báo Ý Il Messaggero, ngài duyệt qua các thông báo y tế công bố trong thời gian này và không nói đến tình trạng sức khỏe suy yếu của ngài.
Quyết định rời bệnh viện làm nhiều người bất ngờ, kể cả những nhân vật cao cấp thân cận trong Giáo triều như Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, Hồng y Víctor Manuel Fernández, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin cũng không biết. Một nguồn tin Vatican xác nhận: “Quyết định này được thảo luận với các bác sĩ và được đưa ra trong một nhóm nhỏ vào ngày thứ năm hoặc thứ sáu vừa qua.”
Vậy ngài có theo lời khuyên của bác sĩ không? Đây là nhiệm vụ của những người thân cận nhất của ngài: thuyết phục giáo hoàng làm việc không biết mệt mỏi này chấp nhận nghỉ ngơi theo lời khuyên của bác sĩ. Những người thân cận của ngài là ba thư ký riêng, trong đó có linh mục Argentina Juan Cruz Villalón, người làm cầu nối giữa Giáo triều và bệnh viện Gemelli cùng với ông Massimiliano Strappetti, y tá và là nhân vật không thể thiếu bên cạnh ngài. Ngoài ra, một nhóm hồng y thân tín có vai trò quan trọng như Hồng y Victor Fernández (Argentina), Hồng y Dòng Tên Michael Czerny (Canada) và Hồng y Robert Prevost (Mỹ), nhân vật được đánh giá cao về năng lực. Cũng không thể bỏ qua Tổng giám mục Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, linh mục Dòng Tên có ảnh hưởng lớn trong vòng thân tín của ngài.
Không có chuyện từ nhiệm
Ba sự kiện lớn sắp tới sẽ giúp đánh giá mức độ phục hồi của Đức Phanxicô. Ngày 8 tháng 4, ngài dự kiến tiếp đón Quốc vương Anh Charles III và Hoàng hậu Camilla. Nếu cuộc gặp này bị hủy, đó sẽ là dấu hiệu không mấy tích cực (*). Tiếp đó là Tuần Thánh và lễ Phục Sinh, một chuỗi sự kiện đòi hỏi phải có nhiều sức khỏe cả với một giáo hoàng khỏe mạnh. Liệu Đức Phanxicô có thể cử hành không (*)? Nếu có, ngài sẽ xuất hiện trong tình trạng nào? Hay ngài vẫn cần phải được bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm trùng và phải ở lại Nhà Thánh Marta? Cuối cùng, chuyến tông du Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến vào cuối tháng 5 có thể sẽ phải hủy bỏ. Trong cuộc họp báo, các bác sĩ cho biết: “Tất cả sẽ được xem xét theo từng giai đoạn.”
Hiện tại, khả năng ngài từ nhiệm như Đức Bênêđíctô XVI đã từ nhiệm đã bị loại trừ. Ít nhất, đó là thông điệp Tòa Thánh truyền tải trong những ngày qua, đặc biệt qua sự xuất hiện rất ngắn ngủi của ngài ngày chúa nhật 23 tháng 3 vừa qua. Dù suy yếu, ngài vẫn giữ được minh mẫn. Nhưng nhiều người ở Rôma lo ngại một tình trạng giống như tình trạng của Đức Gioan-Phaolô II: một quá trình suy yếu kéo dài đến mức ngài không thể tiếp tục lãnh đạo và quyền hành dần rơi vào tay những người xung quanh. Đức Phanxicô có để lại chỉ thị cho những Hồng y thân tín với ngài như Hồng y Czerny hay Hollerich để tránh tình trạng này không? Không ai biết. Ngoại trừ ngài và những người trong cuộc.
Têrêxa Trần Tuyết Hiền dịch
(*): Giờ chót hôm nay 26 tháng 3, cuộc gặp đã hủy.
Đức Phanxicô trong thời gian tĩnh dưỡng: hồi phục chức năng, thánh lễ, công việc…