Ronald Rolheiser, 2025-03-10
Kinh Thánh tường thuật câu chuyện các môn đệ của Chúa Giêsu không thể trừ được một con quỷ. Khi họ hỏi Chúa Giêsu tại sao lại như vậy, Ngài trả lời có những con quỷ không thể trục xuất bằng lời cầu nguyện. Con quỷ Chúa Giêsu nói đến trong chuyện này đã nhập vào một người câm điếc.
Tôi muốn nêu tên một con quỷ khác có vẻ cũng không thể bị trục xuất bằng lời cầu nguyện, đó là con quỷ luôn phá hoại các mối liên hệ cá nhân, gia đình, cộng đồng và Giáo hội của chúng ta bằng hiểu lầm và chia rẽ, làm chúng ta mãi mãi khó khăn trong việc hiệp thông mang sự sống đến cho người khác.
Chúng ta cần lời cầu nguyện đặc biệt nào để trục xuất con quỷ này? Đó là lời cầu nguyện thinh lặng chung, gần giống với lời cầu nguyện Thinh lặng Quaker.

Lời cầu nguyện Thinh lặng Quaker là gì?
Tôi xin nói qua về lịch sử Quaker: Quaker là một nhóm các giáo phái Tin Lành, với các thành viên gọi nhau là giáo hữu, nhưng họ thường được gọi là Quaker vì một tuyên bố lừng danh của nhà sáng lập George Fox (1624-1691). Chuyện kể rằng trước mặt một vài quan chức chính quyền đang cố uy hiếp ông, ông cầm quyển Kinh Thánh lên và nói: Đây là lời của Thiên Chúa, hãy run rẩy đi! (run rẩy = quake).
Với những người Quakers, nhất là ở thời kỳ đầu, việc cầu nguyện chung của họ chủ yếu là ngồi lại với nhau trong thinh lặng, chờ Thiên Chúa phán với họ. Họ thinh lặng ngồi, chờ quyền năng Thiên Chúa đến và cho họ điều gì đó mà họ không thể tự đem lại cho mình, cụ thể là sự hiệp thông thực sự để cùng nhau vượt lên các chia rẽ đang chia cách họ. Dù họ ngồi riêng từng người, nhưng lời cầu nguyện của họ là chung một cách triệt để. Họ ngồi đó như một thân thể duy nhất, cùng nhau chờ Thiên Chúa cho họ sự hiệp nhất mà họ không thể tự đem lại cho mình.
Có lẽ đây là việc mà tín hữu kitô giáo chúng ta có thể thực hành hôm nay, khi thấy mình bất lực trước sự chia rẽ ở khắp nơi (trong gia đình, giáo hội và đất nước)? Suy cho cùng, tín hữu kitô chúng ta là một cộng đồng trong Thân thể Chúa Kitô, một cơ thể hữu cơ duy nhất, và khoảng cách vật chất không thật sự phân chia chúng ta được, vì thế có lẽ tín hữu kitô chúng ta nên bắt đầu cầu nguyện thường xuyên, ngồi lại với nhau trong thinh lặng của phái Quaker, như một cộng đồng, thinh lặng ngồi đó, cùng nhau chờ đợi, chờ Thiên Chúa đến và cho chúng ta sự hiệp thông mà chúng ta không không đủ sức để mang lại cho mình.
Về mặt thực tế, làm thế nào để được như vậy? Tôi xin đề nghị: mỗi ngày, chúng ta dành một thời gian để ngồi thinh lặng, một mình hoặc lý tưởng nhất là với người khác, trong một thời gian cố định (15 hoặc 20 phút), với dự định trước hết không phải là nuôi dưỡng sự mật thiết với Thiên Chúa (như trong việc suy niệm riêng), nhưng ngồi với nhau trong sự hiệp thông với tất cả mọi người trong Thân thể Chúa Kitô (và với tất cả những ai thiện tâm ở khắp nơi) để xin Thiên Chúa đến và cho chúng ta sự hiệp thông vượt lên chia rẽ.
Đây cũng có thể là một nghi thức mạnh mẽ cho hôn nhân và gia đình. Có lẽ một trong những liệu pháp chữa lành nhất trong hôn nhân chính là hai người thường xuyên ngồi lại với nhau trong thinh lặng, xin Thiên Chúa cho họ điều mà họ không thể tự cho mình, cụ thể là hiểu nhau vượt lên căng thẳng của cuộc sống hằng ngày. Tôi nhớ hồi nhỏ, gia đình tôi lần hạt chung với nhau mỗi tối, và nghi thức này cũng có hiệu quả như lời cầu nguyện Thinh lặng Quaker, xoa dịu các căng thẳng tích tụ trong ngày, làm gia đình chúng tôi bình an hơn.
Tôi gọi đây là lời cầu nguyện Thinh lặng Quaker, nhưng có nhiều dạng suy niệm và chiêm niệm khác nhau cũng có cùng ý này. Chẳng hạn Thánh Eugene de Mazenod nhà sáng lập Dòng Hiến sĩ đã để lại cho chúng tôi lời cầu nguyện gọi là Hương nguyện Oraison. Ý nghĩa của việc cầu nguyện này là: các Hiến sĩ phải sống với nhau trong cùng một cộng đoàn, nhưng chúng tôi là Hội dòng trải rộng trên 60 quốc gia trên thế giới. Làm sao chúng tôi có thể hiệp thông với nhau bất chấp khoảng cách?
Bằng lời cầu nguyện Oraison. Thánh Eugene khuyên chúng tôi dành nửa tiếng mỗi ngày để ngồi trong thinh lặng, một thời gian để không chỉ hiệp thông với Thiên Chúa, mà còn hiệp thông với mọi Hiến sĩ trên toàn thế giới. Cũng giống như lời cầu nguyện Thinh lặng Quaker, đây là lời cầu nguyện mà mỗi người ngồi một mình, trong thinh lặng, nhưng hiệp thông, xin Thiên Chúa hình thành nên sự hiệp thông nối kết mọi khoảng cách và khác biệt. Khi Chúa Giêsu nói có những con quỷ không thể bị trục xuất bằng lời cầu nguyện, là Ngài đang nói về chuyện này. Có lẽ con quỷ được nhắc đến cụ thể nhất chính là con quỷ hiểu lầm và chia rẽ. Chúng ta đều biết mình bất lực thế nào trong việc trục xuất nó. Ngồi lại với nhau trong thinh lặng chung, xin Thiên Chúa làm cho chúng ta một điều vượt quá sức chúng ta, như vậy có thể trừ đi con quỷ hiểu lầm và chia rẽ.
J.B. Thái Hòa dịch
Con người Chúa Giêsu và mầu nhiệm Chúa Kitô
Thích điều này:
Thích Đang tải...