Con người Chúa Giêsu và mầu nhiệm Chúa Kitô
Ronald Rolheiser, 2025-03-17
Tôi được nuôi dạy theo tinh thần Công giáo La-mã, tôi hấp thụ đặc tính của Công giáo La-mã. Vào chủng viện, lấy bằng thần học, dạy thần học ở Đại học vài năm tôi mới bắt đầu phân biệt “Chúa Giêsu” và “Chúa Kitô”. Trước đó, với tôi, cả hai luôn là một, đồng nhất, Chúa Giêsu Kitô.
Trong tâm trí tôi, Chúa Giêsu Kitô là một người, là ngôi hai trong Ba Ngôi, đã mặc lấy xác phàm nhập thể và vẫn là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng biện hộ cho chúng ta và là bạn của chúng ta trên trời. Khi cầu nguyện, nói chuyện hay trong các liên hệ, tôi không phân biệt giữa Chúa Giêsu và Chúa Kitô. Trong nhiều năm viết bài, tôi đơn giản dùng “Chúa Giêsu” và “Chúa Kitô” luân phiên nhau.
Dần dà qua nhiều năm, chuyện này đã có thay đổi và tôi bắt đầu phân biệt rõ hơn giữa Chúa Giêsu và Chúa Kitô. Chuyện này bắt đầu từ một nhận thức sâu hơn về những gì mà các Phúc âm và thánh Phaolô nói rằng thực tại của Chúa Kitô là mầu nhiệm lớn lao hơn Chúa Giêsu trong lịch sử, mặc dù ngài luôn lấy Chúa Giêsu làm tâm điểm. Tôi càng thấy rõ hơn sự phân biệt và tầm quan trọng này lúc tôi bắt đầu kết nối hơn với những người phái Phúc âm, cả sinh viên và đồng nghiệp.
Trong tinh thần thông công đức tin với các nhóm phái Phúc âm khác nhau, tôi bắt đầu thấy có một trong những khác biệt về giáo hội học giữa phái Phúc âm và Công giáo La mã. Người Công giáo La-mã chúng ta dù không lờ Chúa Giêsu nhưng rất chú trọng vào Chúa Kitô, còn phái Phúc âm thì dù không lờ Chúa Kitô, nhưng lại rất chú trọng vào Chúa Giêsu.
Cách chúng ta hiểu Hội thánh, hiểu Phép Thánh Thể, hiểu lời mời gọi hàng đầu của các Phúc âm, tất cả đều phủ bóng qua cách chúng ta hiểu chính mình trong mối quan hệ với Chúa Giêsu và Chúa Kitô.
Đâu là điểm quan trọng cần thiết trong chuyện này?
Đâu là điểm khác biệt giữa nói “Chúa Giêsu” và nói “Chúa Kitô”? Có khác biệt nào giữa cầu nguyện với Chúa Giêsu và cầu nguyện với Chúa Kitô, giữa liên hệ với Chúa Giêsu hay liên hệ với Chúa Kitô không?
Có một khác biệt, và là khác biệt quan trọng. Chúa Kitô không phải là tên khác của Chúa Giêsu, kiểu như Jack Smith, Susan Parker, hay Giêsu Kitô. Dù chúng ta dùng hai tên này với nhau là đúng, và chúng ta thường dùng trong lời cầu nguyện (Chúng con nguyện xin nhờ danh Giêsu Kitô, Chúa chúng con), nhưng có một phân biệt quan trọng.
Chúa Giêsu là một nhân vị, là ngôi thứ hai trong Ba Ngôi, nhân vị thánh thiêng đã nhập thể, và là nhân vị kêu gọi chúng ta mật thiết diện đối diện với Ngài. Chúa Kitô là mầu nhiệm mà chúng ta là một phần trong đó. Mầu nhiệm Chúa Kitô bao gồm con người Chúa Giêsu, nhưng cũng bao gồm cả chúng ta. Chúng ta không phải là một phần thân thể Chúa Giêsu, nhưng chúng ta là một phần thân thể Chúa Kitô.
Là tín hữu kitô, chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là thân thể của Chúa Kitô, rằng Phép Thánh Thể là thân thể của Chúa Kitô, và khi được rửa tội chúng ta cũng là thân thể của Chúa Kitô. Thánh Phaolô nói rõ: chúng ta, cộng đoàn kitô hữu, là thân thể Chúa Kitô trên địa cầu, cũng như Chúa Giêsu và Phép Thánh Thể là thân thể Chúa Kitô. Và thánh Phaolô nói theo nghĩa đen. Chúng ta (cộng đoàn kitô) không giống như một thân thể, hay một thân thể huyền bí, ẩn dụ, cũng không đại diện hay thay thế thân thể Chúa Kitô. Thay vào đó, chúng ta là thân thể Chúa Kitô trên địa cầu, mang lại xác thịt vật chất cho Thiên Chúa trên mặt đất.
Đây là ngụ ý cho cương vị môn đệ kitô hữu. Chúa Giêsu là một nhân vị, một nhân vị mời gọi chúng ta mật thiết diện đối diện với Ngài (và cũng là điều mà phái Phúc âm xem là mục đích của cương vị môn đệ kitô hữu). Chúa Kitô là một phần của một mầu nhiệm lớn hơn, bao gồm Chúa Giêsu, nhưng cũng bao gồm mỗi một người chúng ta. Trong mầu nhiệm này, chúng ta được kêu gọi nên mật thiết không chỉ với Chúa Giêsu, mà còn với nhau và với vạn vật thụ tạo. Trong Chúa Kitô, mục đích của cương vị môn đệ kitô hữu là hiệp thông sự sống với Chúa Giêsu, với nhau, và với vạn vật thụ tạo (bởi mầu nhiệm Chúa Kitô cũng mang tính hoàn vũ).
Tôi xin có một gợi ý, dù có thể sẽ thành đơn giản hóa quá mức: Người Công giáo La-mã và phái Phúc âm có thể học hỏi từ nhau về chuyện này.
Người Công giáo La-mã chúng ta học từ các anh chị em phái Phúc âm cách để chú trọng nhiều vào Chúa Giêsu cũng như chúng ta đang chú trọng vào Chúa Kitô, để như phái Phúc âm, chúng ta có thể nhận rõ hơn (như trong Phúc âm Thánh Gioan) rằng ở trọng tâm cương vị môn đệ kitô hữu là lời mời gọi mật thiết diện đối diện với một nhân vị, Chúa Giêsu (chứ không chỉ với một mầu nhiệm).
Ngược lại, phái Phúc âm có thể học hỏi từ người Công giáo La -mã để chú trọng nhiều vào Chúa Kitô như vào Chúa Giêsu, và như vậy xác định cương vị môn đệ một cách rộng lớn hơn sự mật thiết cá nhân với Chúa Giêsu, và định nghĩa Giáo hội một cách rộng lớn hơn sự thông công đơn giản. Liên hệ với Chúa Kitô hướng chúng ta về Phép Thánh Thể như một sự kiện chung. Cũng vậy, nó cũng ngụ ý rằng chúng ta xem cương vị môn đệ kitô hữu không chỉ là lời mời gọi đến với sự mật thiết với Chúa Giêsu, mà còn là sáp nhập vào thân thể Hội thánh không chỉ bao gồm Chúa Giêsu mà còn bao gồm cả cộng đoàn những người tin như bản chất của thân thể này.
Chúng ta có thể học hỏi từ nhau để nghiêm túc hơn với cả Chúa Giêsu và Chúa Kitô.
J.B. Thái Hòa dịch