Mùa Chay năm nay không có Đức Phanxicô ở Rôma

83

Mùa Chay năm nay không có Đức Phanxicô ở Rôma

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, Rôma, 2025-03-05

Các Hồng y cử hành ngày bắt đầu Mùa Chay ở Rôma nhưng không có sự hiện diện của Đức Phanxicô, ngài vào bệnh viện từ ngày 14 tháng 2 vì bị nhiễm trùng đường hô hấp. Tình trạng sức khỏe của ngài đã làm giáo dân lo lắng.

Sau hơn ba tuần nằm bệnh viện, tình trạng sức khỏe của ngài chưa có gì chắc chắn. Mùa Chay bắt đầu với Lễ Tro đã không có ngài, ngài phải mất một thời gian dài để hồi phục nên không chắc ngài có thể cử hành các nghi thức Phục sinh.

Trong bài giảng Lễ Tro, Đức Phanxicô nói về cái chết: “Cái chết là một thực tế chúng ta phải đối diện, đó là dấu hiệu của bấp bênh, của cuộc sống phù du. Tro bụi nhắc chúng ta nhớ chúng ta là ai.” Ngài nhấn mạnh đến sự nhỏ bé và mong manh của con người khi bệnh tật, một sự đi xuống nhưng ngài cũng nhấn mạnh đến cái chết, chúng ta không gạt cái chết ra bên lề như xã hội gạt.

Theo các bản tin y tế, bệnh viêm phổi là triệu chứng của một tình trạng phức tạp, thông báo luôn nói tình trạng của ngài ổn định, nhưng chưa có chẩn đoán nào đưa ra.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Gemelli tận tụy săn sóc cho bệnh nhân nổi tiếng của họ. Cuộc họp báo của các bác sĩ vẫn chưa có trong chương trình nghị sự (tính đến ngày của bài viết 5 tháng 3). Hồng y Tổng Giám mục Phụ Tá Quốc vụ khanh Edgar Pena Parra cho biết: “Giống như mọi người, ngài cũng bị mong manh vì bệnh tật.” Nhưng Đức Phanxicô được các bác sĩ có chuyên môn cao như Giáo sư Massimo Antonelli, một trong những chuyên gia hàng đầu về điều trị suy hô hấp săn sóc, bác sĩ luôn thận trọng về diễn biến sức khỏe của Đức Phanxicô. Một nguồn tin uy tín cho biết gia đình của ngài ở Argentina đã đến Rôma ngày thứ tư Lễ Tro.

Một mức độ đặc biệt

Sự mong manh cực độ và sự lo lắng trong 40 ngày Mùa Chay là một tình trạng đặc biệt. Nhưng sự lo lắng này không làm giảm đi sự sốt sắng của giáo dân đọc Kinh Mân Côi mỗi tối cho ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô hay trước bệnh viện Gemelli. Họ là các tu sĩ nam nữ, các khách hành hương đến đây.

Tối thứ ba, trong số vài trăm người có mặt, có một gia đình người Bỉ đang đi du lịch Rôma, ba người con của họ nài nỉ xin được đến Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho ngài. Em Alexandra 12 tuổi nói: “Con đến đây để chúc ngài mạnh khỏe, để mọi sự xảy ra tốt đẹp với ngài”, em nói trong khung cảnh tuyệt đẹp của Quảng trường Thánh Phêrô được chiếu sáng.

Không xa đó, một linh mục từ Burkina Faso đến làm việc ở Rôma, mỗi tối linh mục đến đây cầu nguyện, linh mục cho biết: “Chúa là bác sĩ giỏi nhất. Chúng tôi xin Chúa săn sóc Giáo hoàng, an ủi, thêm sức mạnh cho ngài trong cơn đau này. Chúng tôi cầu nguyện và trông cậy vào Chúa để Ngài thực hiện ý của Ngài. Chúng tôi mong Đức Phanxicô được bình phục. Ai cũng ở trong bàn tay Chúa và ai ở trong tay Chúa đều được Ngài gìn giữ.”

Chiều thứ tư đám đông thưa dần trên đồi Aventin, một trong bảy ngọn đồi của Rôma. Vatican tổ chức Lễ Tro, giáo dân tuần hành ở  Nhà thờ Saint-Anselme do các tu sĩ dòng Biển Đức dẫn đầu và ở vương cung thánh đường Thánh Sabina do các tu sĩ dòng Đa Minh hướng dẫn. Linh mục Augustin Laffay không ngạc nhiên vì năm nay không đông người: “Năm nay mọi người đều thấy thiếu ngài. Hồng y De Donatis thay thế Đức Phanxicô trong sự kiện đặc biệt này tại đền thờ đơn sơ này. Với những ai ở đây, họ đặc biệt cầu nguyện cho ngài.”

Những lời giải thích

Đọc Kinh Mân Côi, thuốc men chữa trị, Giáo hội cầu nguyện để Đức Phanxicô được bình phục. Ngày chúa nhật 2 tháng 3, ngài “cám ơn tình cảm và sự gần gũi của giáo dân trong lúc này, mọi người nâng đỡ tôi. Tôi xin chân thành cám ơn. Tôi xin chúc anh chị em một chúa nhật tốt lành.”

Như thường lệ, ở Rôma trong những trường hợp này luôn có các lời giải thích. Liệu có phải đây là lời “giã từ” không? Các chuyên gia này làm ô nhiễm thành phố với đủ loại tin đồn.

Tin đồn cuối cùng là liệu ngài có ý định giảm đa số phiếu bầu hiện tại thành đa số tối thiểu không (50+1). Nhưng như thế sẽ phá vỡ truyền thống đã có từ 7 thế kỷ nay: đa số áp đảo sẽ làm chậm tiến trình mật nghị, nhưng bảo đảm phiếu bầu không thể tranh cãi cho người được chọn mà các Hồng y thường bị chia rẽ. Đức Phanxicô luôn giữ tinh thần hài hước, ngày 25 tháng 2 ngài nói đùa về sự bất hòa kinh niên này. Đó là ngày hôm sau của buổi canh thức đầu tiên cầu nguyện cho ngài, trong đó nhiều hồng y có nhiều khuynh hướng khác nhau dự: “Phải có bệnh của tôi để kết hợp các anh trong sự hiệp thông, vậy tôi phải đau hoài!”

Không có tin là tin tốt. Các bác sĩ không có bản tin ngắn gọn cho các nhà báo hôm nay. Nếu không có tin là ngài đã ổn định và đang bình phục, nhưng giáo dân vẫn tiếp tục cầu nguyện, đọc Kinh Mân Côi cho ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô.

Một khả năng từ nhiệm

Bên cạnh các vấn đề này, tình hình hiện nay của Rôma sẽ có các vắng mặt. Đức Phanxicô đã 88 tuổi, sức khỏe của ngài đã yếu. Ngoài những nhạy cảm về hàng giáo sĩ, rất nhiều người nghĩ Rôma sẽ không bao giờ trở lại như trước. Vatican có thể đi qua giai đoạn như đã từng đi qua từ năm 2001 đến năm 2005 khi sức khỏe của Đức Gioan-Phaolô II suy yếu, nhưng ngài vẫn cầm cự đến cùng. Tổng giám mục danh dự Ba Lan, Hồng y Stanislaw Dziwisz thư ký của Đức Gioan-Phaolô II đã nói vào ngày thứ ba: “Đức Gioan-Phaolô II lãnh đạo Giáo hội cho đến phút cuối. Chúa Kitô không xuống Thập giá!” Phần lớn các Hồng y đều nghĩ như vậy.

Một nguồn tin thường tiếp xúc thường xuyên với Đức Phanxicô cho biết: “Ngài sẽ không bao giờ từ nhiệm.” Năm 2013 khi được bầu, ngài đã viết một thư từ nhiệm trong trường hợp bất khả kháng ngài không thể đảm nhiệm chức vụ và trao thư này cho Hồng y Bertone, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao. Hai năm trước, trong chuyến đi Congo và Nam Sudan, ngài tâm sự với các tu sĩ Dòng Tên: “Tôi đã viết một thư trao cho Hồng y Bertone, nếu vì lý do bất khả kháng, tôi không đủ sức khỏe và không còn khả năng đảm nhận chức vụ, tôi sẽ từ nhiệm.” Người sự cẩn thận này, rất nhiều lần ngài nói với các nhà báo, cho đến khi nào ngài còn sáng suốt, ngài sẽ không từ nhiệm.

Nhưng ngày 24 tháng 2, vấn đề này lại được đặt ra khi Hồng y Pietro Parolin và Tổng Giám mục Phụ Tá Quốc vụ khanh Edgar Pena Parra vào bệnh viện Gemelli thăm ngài. Theo đó một công nghị sẽ được triệu tập cho việc phong hai thánh sắp tới. Thế giới nhỏ bé của Vatican nhớ lại ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Bênêđíctô XVI đã triệu một công nghị để công khai tuyên bố ngài từ nhiệm. Nhưng một nguồn tin nội bộ của Vatican đính chính: “Dù sao Đức Phanxicô không cần triệu tập công nghị để công bố ngài từ nhiệm. Ngài có thể làm việc này bất cứ lúc nào, chỉ cần đơn giản viết một thông báo.”

Một điều chắc chắn thứ hai: thời “nhiếp chính” của Vatican sẽ không bao giờ được nhắc đến. Nhiều người bên ngoài nghĩ sẽ không có quyết định nào mà không có sự đồng ý trước của Giáo hoàng. Nhưng chính điều ngược lại mới xảy ra. Giáo triều la-mã, cơ quan quản trị trung ương của Rôma tận tụy làm việc không ngừng nghỉ. Đúng là Đức Phanxicô xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết, ngài làm việc độc đoán trên nhiều hồ sơ. Đây là một ngoại lệ. Việc quản lý Giáo hội chỉ giải quyết tạm thời hoặc khi giáo hoàng bận và chỉ trình cho ngài các quyết định quan trọng và khẩn cấp. Hệ thống mềm dẽo đã chứng minh và thích ứng từng ngày theo cách của người Ý.

Suy nghĩ về việc kế nhiệm đã mở

Điều chắc chắn thứ ba: suy nghĩ về việc kế nhiệm Đức Phanxicô đã mở. Không một hồng y nào muốn đánh mất sự tôn trọng Giáo hoàng đã được bầu, dù ngài rất bệnh. Nhưng khả năng có một mật nghị hoàn toàn có thể hiện thực trong thời gian tới, và việc phục hồi chậm của Đức Phanxicô đã thúc đẩy cho việc này. Các Hồng y là những người quan tâm đầu tiên, vì thế các ngài chuẩn bị nhưng không hấp tấp.

Không có gì mới dưới ánh mặt trời. Nếu Đức Bênêđíctô XVI đã làm thế giới bất ngờ khi ngài từ nhiệm năm 2013, thì Vatican cũng đã chứng kiến các công nghị trong bốn năm cuối của Đức Gioan-Phaolô II. Tin tức cho biết những người đã từng bầu cho Đức Bergoglio trong mật nghị bầu Hồng y Ratzinger năm 2005 là những người ngày nay chỉ trích các Hồng y “bảo thủ” vì đã suy nghĩ đến triều tiếp theo. Nhưng không thể tránh tất cả các xu hướng suy nghĩ…

“Trạng thái kích thích thần kinh”, danh từ ở Rôma nói về các Hồng y thân cận với Đức Phanxicô, trong đó có nhiều tu sĩ Dòng Tên, trạng thái này có thể giải thích bằng hai tác động không mong muốn của chính sách phong Hồng y của Đức Phanxicô, đã đổi mới gần 80% nghị viện Giáo hội.

Một mặt, Đức Phanxicô vượt con số tối thiểu cần thiết là 120. Hiện có 137 Hồng y dưới 80 tuổi đủ điều kiện bỏ phiếu. Việc này sẽ tự động thiết lập số lượng cần thiết hai phần ba, phải cần  91 phiếu thuận nên việc lựa chọn trở nên khó khăn. Hiệu ứng bất ngờ thứ hai: việc đề cử các mục tử địa phương lên hàng Hồng y, phong các Hồng y Giáo hội cần, nhưng lại rất đa dạng. Điều này gây sự chia rẽ chưa từng có trong việc bầu cử. Nhiều chuyên gia và Hồng y cho rằng có được đa số là chuyện khó làm nhất.

Trong bài giảng Đức Phanxicô viết ngày Lễ Tro, ngài nhấn mạnh đến hy vọng: “Hy vọng làm sống lại đống tro tàn của chúng ta. Nếu không có hy vọng này, chúng ta sẽ bị buộc phải thụ động vươn lên trong sự mong manh của thân phận con người, và khi đối diện với cái chết, chúng ta buồn và tuyệt vọng, rồi kết thúc như những người ngốc. Niềm hy vọng Phục sinh hướng đến điều dẫn chúng ta đến sự yếu đuối của mình, chúng ta xin Chúa tha thứ (…) Chúng ta hướng cuộc sống của chúng ta về Chúa, để Chúa là dấu chỉ hy vọng cho thế giới.”

Marta An Nguyễn dịch

Trong 12 năm, Đức Phanxicô minh chứng chức giáo hoàng là một sứ mệnh, không phải là một công việc

Sức khỏe của Đức Phanxicô đã được cải thiện