Đứng trong hay đứng ngoài Giáo hội

27

Đứng trong hay đứng ngoài Giáo hội

americamagazine.org, Nhà báo, nhà văn Helene Stapinski, 2025-02-04

Tôi ra khỏi Giáo hội, bây giờ các con tôi đang vào Giáo hội. Tôi có thể hiểu vì sao nhiều cha mẹ lo lắng khi con cái họ bỏ nhà thờ. Tôi cũng lo lắng cho các con tôi. Chúng sẽ “chọn” có đức tin theo cách tôi đã không chọn. Nhưng tôi biết Chúa đang tác động vào cuộc sống của chúng, của Dean và Helene. Và đó là nguồn an ủi sâu đậm của tôi.

Một học sinh cúi đầu cầu nguyện trong Thánh lễ tại Trại Quo Vadis ở Trường trung học Thánh Antôn ở South Huntington, New York, ngày 10 tháng 7 năm 2021. (Ảnh CNS/Gregory A. Shemitz)

Câu chuyện tuần này của trang America là câu chuyện của nữ ký giả Helene Stapinski và con trai Dean Jamieson, ngoài 20 tuổi của bà. Anh là nhà văn ở Brooklyn, rất gắn bó với Giáo hội công giáo, một Giáo hội mà mẹ anh đã rời bỏ cách đây hai mươi năm vì các vụ khủng hoảng lạm dụng tình dục.

Trong Dấu hiệu của Thời (Signs of the Times), Zac và Ashley thảo luận về các cáo buộc của Phó Tổng thống James David Vance, ông cho rằng các Giám mục Mỹ đã chỉ trích chính quyền Trump đàn áp người nhập cư vì họ làm tổn hại đến “lợi nhuận ròng” của người dân; một đe dọa đóng băng của các cơ quan từ thiện công giáo, các chương trình hỗ trợ tài chính liên bang; và tài liệu mới nhất của Vatican về “mối quan hệ giữa Trí tuệ nhân tạo và Trí tuệ con người” đề cập đến các thách thức về mặt đạo đức do AI đặt ra, cảnh báo chống lại việc “tạo ra một thay thế Chúa”.

 “Đi ra hay gắn kết lại? Tôi đã rời Giáo hội, nhưng bây giờ Giáo hội dường như đang cuốn hút các con ngoài hai mươi của tôi”.

Tôi rời Giáo hội ngay sau khi các con tôi chào đời. Cả hai con tôi đều được rửa tội, nhưng vụ bê bối lạm dụng tình dục cũng như các vấn đề chiến tranh văn hóa làm tôi tức giận bỏ đi và không bao giờ quay lại nữa.

Nhưng mỗi năm một lần, tôi đưa các con về giáo xứ Đức Mẹ Czestochowa ở New Jersey của chúng tôi để dự lễ tưởng niệm cha tôi, các con tôi chưa bao giờ biết ông. Ông hoạt động tích cực trong nhà thờ Ba Lan chúng tôi, được rửa chân trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, được cầm giỏ đi hàng ghế này đến hàng ghế khác để xin tiền trong thánh lễ. Gia đình tôi sống gần nhà thờ tân-gôtíc ở một con đường yên tĩnh rợp bóng cây. Tôi vào ca đoàn, đọc các bài đọc trong thánh lễ. Sau đó tôi vào Cơ quan Tình nguyện của Dòng Tên.

Nhưng tôi đã bỏ tất cả để theo đuổi cuộc sống thế tục, trong hy vọng mong manh điều này sẽ không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển đạo đức và luân lý của các con tôi. Tôi dạy các con chuyện gì đúng, chuyện gì sai, tôi mua Kinh thánh dành cho trẻ em để các con đọc, thỉnh thoảng tôi nhắc Chúa Giêsu cho các con biết. Tôi giải thích với các con Chúa Giêsu không phải là vấn đề. Vấn đề là Giáo hội.

Việc tôi không đi nhà thờ không bao giờ làm chúng bận tâm. Một lần nọ trong bữa ăn tối gia đình, một giám mục địa phương hỏi Dean, con trai nhỏ của tôi, rằng chúng tôi đi nhà thờ nào. Dean trả lời thẳng: “Chúng con không đi nhà thờ.” Trong một lần đi thăm nhà thờ tân-gôtíc thường niên của chúng tôi, trước thánh lễ, linh mục chào hỏi chúng tôi, Dean lúc đó 6 tuổi nói với linh mục: “Con chỉ ở lại để hát hai bài thôi.”

Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi hai đứa con ngoài hai mươi của tôi bắt đầu quan tâm đến Giáo hội công giáo. Mọi chuyện bắt đầu khi chúng tôi đi Paris năm ngoái. Paulina, con gái tôi đang học nghệ thuật năm thứ hai ở đây. Trước khi đến, tôi hỏi con các tiệm ăn, các viện bảo tàng nào con đặc biệt thích. Con tôi nói: “Chúng ta phải đến Cluny, đó là viện bảo tàng con thích ở Paris.”

Tôi chưa bao giờ nghe nói đến Cluny, tôi tìm trên Google: đó là viện bảo tàng nghệ thuật thời trung cổ ở trong một tu viện thế kỷ 15. Con gái tôi chưa bao giờ tỏ ra thích thú với nghệ thuật tôn giáo, nhưng có lẽ chuyến thăm Tu viện Kín ở Thượng Manhattan đã có tác động lớn hơn tôi nghĩ. Tôi đã từng sống ở Siena khi còn là sinh viên đại học và rất xúc động trước hình ảnh Các Bà mẹ Madonna buồn bã ru con. Tôi thích xem các tràng hạt bằng ngà voi được chạm khắc tinh xảo, những chiếc chén thánh nạm đá quý và những bản thảo bằng vàng óng ánh. Nhưng tôi chưa bao giờ nói những chuyện này với con tôi.

Dean năm nay 25 tuổi, là nhà văn viết tiểu thuyết. Các tác phẩm của Dean viết về một vị thánh thời trung cổ bị lãng quên, một thiếu niên người Mỹ tự làm hại mình để trở thành thánh và một hướng dẫn viên du lịch bị bệnh và chết khi đi hành hương ở Ý. Gần đây thỉnh thoảng Dean đi lễ ở nhà thờ Thánh Augustinô, nhà thờ ở Brooklyn gần nhà Dean, đối diện với hiệu sách yêu thích của nó. Cách đây hai năm, chiếc nhà tạm bằng vàng nạm đá quý trị giá 2 triệu đô la của nhà thờ bị đánh cắp. Đó là những gì tôi biết về giáo xứ này nên tôi sẽ đi với Dean để biết nhà thờ này. Phong cách phục hưng Gôtíc mang phong cách Victoria, với những bức tường màu kem và các hình ảnh chiếu sáng treo trên trần hình vòm. Nhưng nó rất hoành tráng với các cột trụ Côrintô cao chót vót và các cửa sổ kính màu khổng lồ khắc cảnh Chúa Giáng sinh và vị thánh bảo trợ giáo xứ. Trong một quận có nhiều nhà thờ ấn tượng, Nhà thờ Thánh Augustinô thường được gọi là Nhà thờ Đức Bà Park Slope. Khi tôi hỏi Dean vì sao con thích nhà thờ này, Dean trả lời vì thích vẻ bên ngoài của nhà thờ.

Tôi đã bỏ tất cả để theo đuổi cuộc sống thế tục, trong hy vọng mong manh điều này sẽ không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển đạo đức và luân lý của các con tôi.

Nhưng sau đó Dean nói với tôi: “Không chỉ có tính thẩm mỹ mới thu hút con. Còn nhiều điều hơn thế nữa. Con rất thất vọng, buồn bã về chủ nghĩa tiêu dùng và việc tích lũy của cải một cách tham lam, con xem Giáo hội là giải pháp thay thế cho tất cả những điều này. Những điều không giải thích được hoàn toàn và quá phức tạp. Con thích khái niệm về ý chí tự do của Giáo hội. Chúng ta là người biết lựa chọn, biết điều gì là tội, điều gì không. Mình phải chịu trách nhiệm về hành động của mình. Và Chúa Giêsu không phải là nạn nhân. Chúa đã chọn cái chết.”

Khi bắt đầu viết về công giáo, Dean cho biết anh đã chạm đến một điều gì đó sâu sắc và có ý nghĩa. Anh quan tâm đến “mặc cảm tội lỗi, đến đau khổ, đến lòng thương xót, đến căm thù và tàn ác, những điều rất con người mà tôi từng đấu tranh và được Giáo hội Công giáo nêu rõ ràng”. Dean luôn đấu tranh với những những chuyện như sinh hạ đồng trinh, bản chất thiêng liêng của Chúa Giêsu. Anh nói: “Tôi cảm nhận nếu mình dốc hết sức thì phải dốc toàn lực. Đó chính là đức tin, đúng không?” Anh thừa nhận anh chưa hoàn toàn dốc hết lực.

Có vẻ như nhiều người khác ở tuổi của Dean cũng vậy. Trang Catholic Leader (Lãnh đạo Công giáo) gần đây cho biết số lượng người trẻ dự thánh lễ ngày càng tăng, có lẽ do mong muốn nối kết với xã hội sau đại dịch Covid. Nhưng Covid đã biến mất và người trẻ tiếp tục dấn thân. Hơn một trăm tín hữu dự thánh lễ ở nhà thờ Thánh Augustinô ngày chúa nhật hôm đó, không chỉ có người cao tuổi ngồi ở hàng ghế đầu như thường lệ, nhưng còn có các cặp vợ chồng trẻ, các thanh niên độc thân điệu nghệ mặc áo sơ mi nỉ. Tôi bị sốc bởi số lượng người tham gia và số liệu địa dư. Linh mục Frank Tumino mặc lễ phục Mùa Vọng màu tím giảng bài giảng súc tích và đúng lúc, ngài xin những người tham dự biết ơn những gì mình có và chia sẻ với người khác. Chúng ta phải yêu Chúa và yêu thương nhau. Dĩ nhiên đó là điểm cơ bản của kitô giáo và cũng là thông điệp thường bị bỏ qua.

Linh mục Tumino chào các bạn trẻ trước khi rước lễ, cha giải thích nghi thức rước lễ: “Khi các bạn nhận bánh thánh, các bạn  cúi đầu và nói Amen, các bạn không nói cám ơn hay nói câu nào khác”. Họ cười và đi rước lễ, đầu cúi xuống và nói “Amen”.

Hôm sau tôi điện thoại nói chuyện với Cha Tumino về các thanh niên trẻ của cha, cha nói có rất nhiều người trẻ đến nhà thờ đến nỗi ngài phải cân nhắc xem có nên ra thông báo: “Xin các bạn đưa cha mẹ đi lễ!” Cha cho biết, mới đầu có một số bạn bị thu hút bởi chính nét đẹp của nhà thờ: “Sự tuyệt vời của nhà thờ Thánh Augustinô dạy cho họ biết chúng ta thật nhỏ bé trên thế giới này, nhưng Chúa luôn ở bên chúng ta. Có những bạn bị cuốn hút nhờ tiếng chuông, âm nhạc, nghi thức, thánh lễ tiếng La-tinh và hương trầm. Nhưng họ thực sự muốn được hòa nhập và hướng lòng vào đúng chỗ.”

Một số giáo dân trẻ được nuôi dưỡng trong đức tin, một số khác thì hoàn toàn mới mẻ với đức tin. Một số người đến rồi đi, một số khác đến hằng tuần, linh mục cho biết: “Khi đối diện với nhiều bất ổn và lo lắng, tất cả đều đi tìm kiếm. Họ muốn bình an và Giáo hội phải đáp ứng nhu cầu này. Lo lắng là một chuyện, nhưng ở một mình với lo lắng là điều đáng sợ. Khi đến đây, họ không đơn độc.”

Đại dịch đơn giản là bản xem trước của những gì sắp xảy ra. Văn hóa của những người nổi tiếng, phim siêu anh hùng và dòng TikTok liên tục không thể xoa dịu nỗi kinh hoàng hiện sinh đang rình rập về biến đổi khí hậu, về AI, về chiến tranh phi nghĩa, về sự tàn ác không kiềm chế đối với người nhập cư. Chúng ta đang lo lắng và ngày càng lo lắng hơn trong một thế giới dường như đang mất kiểm soát.

Và Cha Tumino cho rằng cộng đồng chỉ là một phần của sức hút: “Rất nhiều người bảo chúng ta nên muốn gì. Những người trẻ này đang nhận ra họ cần gì.”

Giống như Thánh Augustinô ngày xưa, Dean và những người trẻ bây giờ không đến nhà thờ vì thói quen hay vì nghi lễ bắt buộc nhưng họ đến một cách tự do, họ không chỉ đi tìm truyền thống, tìm sự huyền bí của đức tin nhưng còn đi tìm ý nghĩa thực sự và câu trả lời cho quá nhiều câu hỏi – những câu hỏi mà chúng ta, với tư cách là cha mẹ, chưa thể và sẽ không bao giờ có thể trả lời được.

Một học sinh trung học trong cộng đoàn của Cha Tumino bắt đầu đọc Kinh thánh, em đến gặp cha để xin rước lễ và thêm sức. Vì học sinh là trẻ vị thành niên nên linh mục phải xin phép cha mẹ. Bây giờ mẹ của cậu bé bắt đầu đi lễ, bà đến gặp Cha Tumino và nói: “Cha có tin là con tôi đã đưa tôi trở lại với Giáo hội không?”

Trước khi cúp máy, Cha Tumino nói với tôi: “Có lẽ con trai của anh cũng là phương tiện để đưa anh về với Giáo hội đấy”.

Tôi nói: “Có thể và có lẽ là vậy.”

Marta An Nguyễn dịch