Ronald Rolheiser, 2025-02-10
Trong những năm cuối đời, Thomas Merton sống ở một ẩn viện bên ngoài tu viện, hy vọng được cô tịch thêm, nhưng cô tịch là một điều viển vông, và nó cứ mãi chạy trốn ngài.
Rồi một sáng nọ, trong một khoảnh khắc, ngài nhận thấy mình đã tìm thấy cô tịch. Tuy nhiên, điều ngài trải nghiệm đã làm cho ngài ngạc nhiên. Hóa ra, cô tịch không phải là một tình trạng ý thức được biến đổi hay là một nhận thức cao hơn về Thiên Chúa và sự siêu việt trong cuộc đời chúng ta. Theo những gì ngài trải nghiệm, thì cô tịch đơn giản là bình an trong chính mình, ý thức một cách tri ân và hít lấy một cách bình an sự phong phú vô vàn trong cuộc đời mình. Cô tịch hệ tại ở việc thân mật ngủ với trải nghiệm của mình, bình an trong đó, ý thức sự phong phú và kỳ diệu của nó.
Nhưng đâu dễ như vậy. Hiếm được như vậy lắm. Chúng ta hiếm khi thấy mình bình an với thời khắc hiện tại trong bản thân mình. Vì sao? Vì chúng ta được dựng nên như vậy. Chúng ta quá hăng hái so với thế giới này. Khi Thiên Chúa đặt chúng ta vào thế giới này, thì như sách Giảng viên đã nói, Ngài đặt sự “vô tận” vào lòng chúng ta và vì thế chúng ta không dễ bình an với cuộc sống của mình.
Chẳng hạn như, trong đoạn về nhịp điệu các mùa trong sách Giảng viên. Tất cả mọi sự đều có thời điểm và thời của nó. Một thời để sinh, một thời để chết, một thời để gieo, một thời để gặt, một thời để giết, một thời để chữa… cứ thế mà tiếp. Rồi sau khi đưa ra nhịp điệu tự nhiên của thời gian và các mùa, tác giả kết lại bằng những lời này: Thiên Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc, nhưng Thiên Chúa đã đưa sự vô tận vào tâm hồn con người, nên từ đầu đến cuối, chúng ta cứ lạc nhịp với thời gian và các thời.
“Vô tận” trong tiếng Do thái là Olam, một từ có cùng ý với “vĩnh cửu” và “siêu việt”. Một vài bản dịch tiếng Anh viết như sau: Thiên Chúa đã đặt ý thức về quá khứ và tương lai vào lòng chúng ta.Có lẽ lối diễn đạt rõ nhất cho điều này chính là cách chúng ta thường trải nghiệm điều này trong đời mình. Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng thật khó để bình an trong thời khắc hiện tại, bởi vì quá khứ và tương lai không để chúng ta yên. Chúng luôn mãi nhuốm màu lên quá khứ.
Quá khứ ám ảnh chúng ta với những lời ru và giai điệu mà chúng ta nửa nhớ nửa quên, khơi lên trong chúng ta những ký ức về tình yêu tìm thấy và đánh mất, về những vết thương chẳng bao giờ lành, và những cảm giác mơ hồ về những hoài niệm, hối tiếc và mong muốn bám vào một thứ gì đó từng có. Quá khứ luôn mãi gieo thao thức vào thời khắc hiện tại.
Còn tương lai? Nó cũng xuyên thấu vào hiện tại, ló dạng lên như một lời hứa và mối đe dọa, luôn mãi đòi chúng ta phải chú ý, luôn mãi gieo lo lắng vào cuộc đời chúng ta, luôn mãi tước đi năng lực nghỉ ngơi trong hiện tại của chúng ta.
Hiện tại luôn bị nhuốm màu của những nỗi ám ảnh, mối thương tâm, mối lao tâm và lo lắng vốn chẳng mấy liên quan đến những người đang ngồi cùng bàn với chúng ta bây giờ.
Các triết gia và thi sĩ đã đặt nhiều tên cho chuyện này. Platon gọi nói là “cơn điên đến từ các vị thần”, các nhà thơ Hinđu gọi đó là “hoài niệm về vô tận”, Shakespeare nói về “khao khát bất diệt”, Thánh Augustinô có định nghĩa có lẽ là lừng danh hơn tất cả, ngài gọi đó là thao thức không thể xóa bỏ Thiên Chúa đặt vào lòng con người để con người không thể nào tìm được mái ấm nếu mái ấm đó không vô tận và vĩnh cửu – “Lạy Chúa, Ngài đã tạo chúng con cho Ngài, và tâm hồn chúng con khắc khoải mãi cho đến khi được nghỉ yên trong Ngài”.
Và thế là, rất hiếm khi chúng ta hiện diện bình an trong đời, hay thoải mái trong chính mình. Nhưng như T.S. Eliot từng nói, “sự dằn vặt” này có một ý định thiêng liêng với chủ ý của Thiên Chúa.
Linh mục Henri Nouwen, trong một đoạn văn phi thường, đã xác định sự vật lộn này và mục đích của nó: “Cuộc đời chúng ta là một thời gian ngắn sống trong kỳ vọng, một thời gian mà nỗi buồn và niềm vui quấn lấy nhau trong mỗi một khoảnh khắc. Có chất buồn thấm đẫm mọi thời khắc đời sống. Dường như chẳng điều gì là vui thú trọn vẹn hoàn toàn, nhưng thậm chí trong cả những thời khắc hạnh phúc nhất của hiện hữu này chúng ta vẫn cảm nhận một thoáng đượm màu buồn. Trong mọi thỏa mãn, vẫn nhận thức được giới hạn, Trong mọi thành công vẫn có nỗi sợ bị ganh ghét. Phía sau nụ cười là giọt nước mắt. Trong mọi vòng tay ôm, vẫn có sự cô đơn. Trong mọi tình bạn, vẫn có ngăn cách. Và trong tất cả những gì rạng rỡ, vẫn nhận thấy bóng tối quanh mình. Nhưng trải nghiệm thân mật này, với mỗi một chút của sự sống được chạm đến bởi một chút của cái chết, có thể hướng chúng ta vượt quá những giới hạn hiện sinh. Nó có thể làm thế bằng cách khiến chúng ta nhìn quá kỳ vọng để hướng đến ngày mà lòng chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui toàn vẹn, một niềm vui mà không ai lấy được của chúng ta”.
Tâm hồn thao thức của chúng ta giữ chúng ta khỏi quên mất ngọn lửa thiêng liêng trong mình.
J.B. Thái Hòa dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...