Nói dối và tội phạm đến Thần Khí

46

Nói dối và tội phạm đến Thần Khí

Ronald Rolheiser, 2025-01-13

Không có gì nguy hiểm về mặt tâm lý lẫn luân lý cho bằng nói dối, phủ nhận sự thật. Chúa Giêsu cảnh cáo, chúng ta có thể phạm một tội không thể tha thứ (nguyên văn lời Ngài) khi phạm đến Thần Khí.

Đó là tội gì? Vì sao không thể tha thứ? Tội này liên kết như thế nào với việc không nói thật?

Và đây là bối cảnh khi Chúa Giêsu nói lời cảnh báo này. Ngài vừa trừ quỷ, có vài người chứng kiến chuyện này họ tin  theo giáo lý của họ, chỉ có những ai đến từ Thiên Chúa mới có thể trừ quỷ. Nhưng họ ghét Chúa Giêsu, nên việc Ngài trừ quỷ là một sự thật khó chịu với họ, khó chịu đến mức họ chọn phủ nhận những gì họ vừa tận mắt chứng kiến. Thế là, trái với mọi điều họ đã biết là có thật, họ khẳng định Chúa Giêsu trừ quỷ nhờ phép của quỷ vương Beelzebub. Họ dư biết không phải vậy. Họ biết mình đang phủ nhận sự thật.

Phản ứng đầu tiên của Chúa Giêsu là cố làm cho họ thấy họ nói dối. Ngài viện đến logic, Ngài lập luận nếu quỷ Beelzebub lại đi trừ quỷ, thì có phải là nhà Satan tự chia rẽ và cuối cùng nó sẽ sụp đổ. Nhưng họ cứ khăng khăng với lời phủ nhận của họ. Lúc đó, trong bối cảnh cụ thể này, Chúa Giêsu nói lời cảnh cáo về mối nguy phạm một tội không thể tha thứ: phạm đến Thần Khí.

Về căn bản, lời cảnh cáo này là gì?

Những người Chúa Giêsu nhắm đến đã phủ nhận một hiện thực mà họ vừa thấy tận mắt, chỉ vì quá khó để họ tiếp nhận sự thật ấy. Cho nên họ phủ nhận sự thật, họ hoàn toàn ý thức mình đang nói dối.

Lời nói dối đầu tiên của chúng ta không nguy hiểm đến vậy, vì chúng ta vẫn còn biết mình đang nói dối. Nguy cơ là nếu chúng ta cứ khăng khăng với lời nói dối ấy và tiếp tục phủ nhận (và nói dối), thì chúng ta đi đến mức độ tin vào lời nói dối, xem nó là sự thật, và xem sự thật là giả dối. Lúc đó, sự xuyên tạc được xem là nhân đức, và như thế tội này trở nên không thể tha thứ, không phải vì sự tha thứ không được ban nhưng vì chúng ta không còn tin mình cần được tha thứ, không muốn tha thứ hay mở lòng để đón nhận tha thứ.

Theo bất cứ cách nào, mỗi khi chúng ta nói dối, chúng ta phủ nhận sự thật là chúng ta bắt đầu nhốt lương tâm lại, và nếu chúng ta cứ nhất quyết làm, thì cuối cùng (không nói quá) chúng ta làm tâm hồn bị biến thái đến nỗi với chúng ta, giả dối trông như sự thật, bóng tối trông như ánh sáng, và địa ngục trông như thiên đàng.

Địa ngục chưa bao giờ là một bất ngờ kinh khủng với những người hạnh phúc và căn bản thành thật. Địa ngục chỉ phát triển trọn vẹn qua sự thiếu thành thật lâu dài, được duy trì khi chúng ta phủ nhận hiện thực quá lâu đến nỗi xem sự thiếu thành thật là sự thật. Không có ai trong địa ngục ăn năn và mong sao mình có một cơ hội khác để sống và chết đi cho tốt đẹp. Nếu có người ở trong địa ngục, thì người đó, bất kể bản thân đang thống khổ, lại cảm thấy xem thường và khinh thị sự ngây thơ của những người thành thật đang ở thiên đàng.

Và tại sao đó là tội “phạm đến Thần Khí”?

Trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Galát, ngài đưa ra hai con đường căn bản để chúng ta sống. Chúng ta có thể sống ngoài Thần Khí. Và chúng ta sống như thế mỗi khi chúng ta sống dâm bôn, thờ quấy, hận thù, bất hòa, chia rẽ, và không thành thật. Chính nói dối đẩy chúng ta đến đó. Ngược lại, chúng ta sống trong Thần Khí khi chúng ta sống trong bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Và chúng ta được như thế mỗi khi chúng ta thành thật. Do đó, mỗi khi nói dối, mỗi khi phủ nhận hiện thực, mỗi khi phủ nhận sự thật, là chúng ta (hoàn toàn và thực tế) đang bước ra khỏi Thần Khí và phạm thượng vì khinh thị Thần Khí.

Satan là vua dối trá. Chính vì thế mà nguy cơ lớn nhất trong thế giới chúng ta chính là khối lượng lời nói dối, tin giả, tin sai sự thật, phủ nhận thẳng thừng mỗi khi chúng ta thấy sự thật không hợp với ý thích của mình, phủ nhận hiện thực hiện diện gần như khắp nơi. Chẳng có gì mang tính hủy hoại và nguy hiểm cho sức khỏe linh hồn, cho khả năng tạo cộng đồng giữa chúng ta, cho tương lai của hành tinh, cho ý thức của chính chúng ta cho bằng thẳng thừng phủ nhận sự thật.

Khi sự thật bị phủ nhận: khi sự thật lịch sử bị viết lại để xóa bỏ một sự thật đau lòng, khi có người cho rằng chuyện bạn tận mắt chứng kiến không xảy ra, khi có người bảo cuộc diệt chủng Do Thái không xảy ra, khi có người bảo ở đất nước này chưa hề có chế độ nô lệ, khi có người nói không có trẻ em chết ở Sandy Hook, thì như vậy không chỉ là không tôn trọng hàng triệu người, mà con nhạo báng với ý thức của cả một văn hóa.

Khi có chuyện gì đó xảy ra rồi sau đó bị phủ nhận, thì đó không chỉ là giễu cợt với sự thật, mà còn gieo tai họa cho ý thức chúng ta, đặc biệt với người nói dối.

J.B. Thái Hòa dịch