Nước Ý tranh luận về việc chấp nhận người đồng tính vào chức linh mục

106

Nước Ý tranh luận về việc chấp nhận người đồng tính vào chức linh mục

cath.ch, Raphael Zbinden, 2025-01-13

Ở Ý, các ứng viên chức linh mục không còn phải che giấu tình trạng đồng tính của họ | Ảnh minh họa © Ivan Radic/Flickr/CC BY 2.0

Ngày thứ năm 9 tháng 1-2025, Hội đồng Giám mục Ý (CEI) công bố bản hướng dẫn trong đó có điều kiện chấp nhận các ứng viên đồng tính vào chức linh mục. Công bố này tạo tranh cãi ở Ý và nhiều nơi khác.

Các định hướng và chuẩn mực được Hội đồng Giám mục Ý lần thứ 78 tổ chức tại Assisi từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 11 năm 2023 đã được thông qua.

Hội đồng Giám mục Ý nêu rõ trên trang web: “Văn bản được Tòa thánh xác nhận qua sắc lệnh của Bộ Giáo sĩ, trình bày tiến trình đào tạo linh mục được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn đầu mang tính khai tâm để xây dựng sự gắn kết nội tại. Giai đoạn hai là khám phá Dân Chúa và để cộng đồng Kitô giáo tham gia nhiều hơn vào việc đào tạo các ứng viên chức linh mục.”

Văn bản này được đưa ra để thử nghiệm trong ba năm, có lẽ sẽ không được chú ý nếu không có câu “sự phân định không được giới hạn ở khuynh hướng đồng tính, nhưng là tầm nhìn toàn bộ về nhân cách ứng viên”. Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục Ý nhắc lại, “sự khiết tịnh trong đời sống độc thân là điều kiện thiết yếu”. Các ứng viên được yêu cầu không ủng hộ “văn hóa đồng tính”.

Một tiến bộ “giả tạo”?

Một mở đầu không thể không gây tranh cãi, đặc biệt trên báo chí ở Ý và nhiều nơi khác. Một số cơ quan truyền thông hoan nghênh sự phát triển được cho là tích cực, hướng tới sự hòa nhập rộng hơn trong Giáo hội. Tuy nhiên, nhiều người chỉ trích các ”điều kiện” đặt ra cho các ứng viên đồng tính, họ xem đây là “đạo đức giả”.

Nhật báo Le Monde ngày 10 tháng 1-2025 lưu ý: “Những quy tắc gợi nhớ đến chính sách ‘không hỏi, không nói’ được quân đội Mỹ áp dụng trong nhiều năm, buộc các quân nhân đồng tính sống trong sợ hãi sẽ “bị trục xuất khỏi quân đội nếu bị phát hiện”.

Trang tin tức Ý ilsussidiario.net mỉa mai: “Trên thực tế, vấn đề không hề tồn tại: từ xa xưa, những người đồng tính đã là linh mục, họ giữ những vị trí quan trọng trong cộng đồng và không ai ngạc nhiên”. Một thực tế Đức Phanxicô xác nhận trong một câu nói đùa không phù hợp (sau đó ngài đã xin lỗi) ám chỉ có “bầu khí “frocciagine” tiếng lóng của người La-mã nói về người đồng tính, một từ ngữ mang tính xúc phạm khi nói về họ.

Những nhận xét “xúc phạm” của giáo hoàng có đúng lúc không?

Có mâu thuẫn trong các văn bản?

Trang ilsussidiario.net nhấn mạnh: “Vì vậy, những gì chúng ta thấy trên bàn của Hội đồng Giám mục Ý chắc chắn không phải là điều mới mẻ, dù chúng hoàn toàn mới khi tuyên bố khuynh hướng tình dục này phù hợp với chức thánh.”

Điều này trái ngược với thực tế năm 2006, khi Bộ Giáo dục Công giáo với sự chấp thuận của Đức Bênêđíctô XVI đã quy định: “Nếu một ứng viên đồng tính hoặc có khuynh hướng đồng tính sâu đậm, vì lương tâm, linh hướng cũng như cha giải tội có nhiệm vụ thuyết phục họ không nên đi tiếp con đường chịu chức.” Những tuyên bố này có vẻ mâu thuẫn với nhau và chắc chắn sẽ tạo tranh cãi trong Giáo hội.

Trang web tiếng Pháp Tribune chrétienne nhấn mạnh: “Trước các câu hỏi này, không chỉ giáo dân nhưng cả linh mục đều chờ lời giải thích, vì đằng sau những tiêu chuẩn mới này không chỉ là tương lai của việc đào tạo linh mục mà còn là tương lai của nhận thức về Giáo hội trong một thế giới đang đi tìm điểm quy chiếu.”

Linh mục thần học gia Nicolas Glasson, phụ trách ơn gọi tại giáo phận Lausanne, Geneva và Fribourg (Thụy Sĩ) khẳng định với trang Công giáo Thụy sĩ, các chỉ thị tương tự như chỉ thị của Giáo hội Ý không nằm trong chương trình nghị sự. Đây là vấn đề tế nhị, cần được giải quyết theo từng trường hợp cụ thể. Nguyên tắc phân định của các nhà lãnh đạo chủng viện trước hết là xem xét con người trên cơ sở tài liệu của Bộ Giáo dục Công giáo năm 2006, linh mục Glasson lưu ý: “Điểm cần chú ý là xác định những gì có thể là khuynh hướng đồng tính ăn sâu như Văn bản năm 2006 của Bộ Giáo dục Công giáo đã mô tả. Liệu người đó có thể sống với khuynh hướng của mình mà không gây nguy hiểm không?”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch