Mười quyển sách sách hàng đầu của tôi năm 2024
Ronald Rolheiser, 2024-12-30
Hé lộ đầy đủ, tôi không đọc hết. Với cuộc sống bận rộn đầy áp lực, tôi chỉ có một ít thì giờ ngắn để đọc bất cứ thứ gì không liên quan trực tiếp đến công việc của tôi, nhưng tôi cố gắng trung thành với kỷ luật tôi tự đặt cho tôi nhiều năm nay, mỗi ngày đọc từ 8 đến 10 trang một quyển sách (không tính tạp chí và báo), một năm cộng lại tôi cũng đọc được vài ngàn trang.
Trong số những trang này, tôi sẽ giới thiệu 10 quyển sách nào? Và đây là danh sách của tôi.
Những quyển sách tâm linh: mỗi quyển đều có ý nghĩa riêng của nó:
Richard Gaillardetz, Tôi còn thở, tôi còn hy vọng – Bí ẩn về cái chết
(While I Breathe I hope – A Mystagogy of Dying), được Grace Mariette Agoli biên tập. Đây là quyển sách ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất trong năm qua. Richard Gaillardez là thần học gia nổi tiếng tại Đại học Boston, qua đời vì bệnh ung thư tháng 11 năm 2023. Quyển sách là những suy ngẫm trong những tháng cuối đời của ông, một đức tin đáng chú ý và đáng nể trọng. Ông không để hụt giờ chết nhưng xem đây như một ơn. Quyển sách là một phần của ơn này.
Mark Joseph Williams, Dòng suối ân sủng (Torrent of Grace), hành trình chữa lành của một tín hữu công giáo sống sót sau khi bị giáo sĩ lạm dụng, ông giải quyết vấn đề theo con đường tha thứ và hòa giải sau nhiều năm bị tổn thương. Ông kể câu chuyện của ông nhưng không tạo cảm giác tội lỗi cho những người liên hệ, ông để lại cho tất cả mọi người, đặc biệt cho Giáo hội một thử thách cần thiết. Quý độc giả nên đọc câu chuyện chữa lành này.
John Mark Comer, Thực hành Con đường: Ở với Chúa Giêsu, Trở nên giống Ngài, Làm như Ngài đã làm (Practicing the Way: Be with Jesus, Become like Him, Do as He Did). Tín hữu Tin lành, John Mark Comer có khuynh hướng đại kết rộng rãi và có cái nhìn sâu sắc về thần học. Đây là quyển sách xuất sắc, một hướng dẫn thực tế để đào sâu tinh thần môn đệ kitô của bất kỳ ai, bất kể giáo phái nào.
Mirabai Starr, Chủ nghĩa thần bí thông thường, Cuộc sống của bạn như vùng đất thiêng liêng (Ordinary Mysticism, Your Life As Sacred Ground). Mirabai Starr là tín hữu, là nhà thần bí dù bà không chính thức tuyên xưng bà thuộc tôn giáo nào. Bà đưa ra cụm từ Tôi là người tâm linh nhưng không tôn giáo, theo nghĩa bình thường. Và vì bà không nói về bất kỳ tôn giáo hay giáo phái nào, nên lời nói của bà mang lại điều gì đó cho bất kỳ ai thuộc bất kỳ tôn giáo hay giáo phái nào.
Peter Halldorf, Yêu Giáo hội của người anh em như Giáo hội của chính mình – Tuyên ngôn về sự hiệp nhất các kitô hữu (To Love Your Neighbor’s Church As Your Own – A Manifest for Christian Unity). Peter Halldorf là tín hữu Luther Tin lành, Chính thống Đông phương. Một Giám mục Nghi lễ Đông phương tặng cho tôi quyển sách này trong cuộc Họp Đại kết mùa hè vừa qua. Tác giả phác thảo một tầm nhìn sâu sắc và sâu rộng về đại kết và hiệp nhất kitô giáo hơn hầu hết các sách tôi đã đọc. Quyển sách nhỏ này là một kho báu.
Brian Swimme & Monica DeRaspe-Bolles, Câu chuyện về Noosphere. Có lẽ mang tính khoa học hơn là tâm linh, quyển sách rất dễ đọc sẽ giúp quý độc giả hiểu nguồn gốc vũ trụ và cách các nguồn gốc này phù hợp hoàn toàn với tầm nhìn kitô giáo.
Raymond E. Brown, Mỗi năm theo mùa, tôi đọc lại các sách của tác giả Raymond Brown về Mùa Vọng, Lễ Giáng Sinh, Tuần Thánh, Lễ Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống. Mỗi quyển chỉ 90 trang nhưng đây là một khóa học Kinh thánh chính.
Donna Freitas, Ước mơ, Tôi đã đánh mất đức tin như thế nào và Vì sao tôi muốn tìm lại đức tin (Wishful Thinking, How I Lost My Faith and Why I Want to Find It). Freitas được biết đến với những quyển sách trong lãnh vực tình dục, bà viết hồi ký về cuộc đấu tranh của chính bà với đức tin và cuộc đấu tranh đó đã trở nên phức tạp như thế nào do trải nghiệm cá nhân của bà khi bà bị một linh mục lạm dụng tình dục. Điều làm cho quyển sách khác với những quyển sách khác thuộc loại này là cụm từ thứ hai trong tiêu đề “Vì sao tôi muốn tìm lại đức tin”.
Trong số những quyển sách học thuật, tôi khuyên quý độc giả nên đọc quyển này:
William T. Cavanaugh, Công dụng của việc thờ ngẫu tượng (The Uses of Idolatry). Thần học gia Charles Taylor trong tác phẩm kinh điển Thời đại Thế tục (A Secular Age) đã nói về việc chúng ta hiện đang sống trong thời của vỡ mộng, chúng ta không còn nhìn thấy bất cứ điều gì đằng sau thực tế thực nghiệm. Tác giả khẳng định, chúng ta không có thiên thần, không có linh hồn, không có ác quỷ, không có thần thánh, chỉ có thực tế kinh nghiệm. Theo ông, chúng ta sống kiểu “nhân cách đệm”, có nghĩa thế giới linh hồn và ma quỷ không còn ảnh hưởng đến chúng ta nữa. Hậu quả là chủ nghĩa bất khả tri và vô thần bây giờ trở thành những lựa chọn dễ dàng. Tác giả Cavanaugh phản đối lập luận này, ông cho rằng chúng ta không hề thất vọng. Đúng hơn chúng ta chỉ đơn giản bị mê hoặc bởi những linh hồn, ác quỷ và thần thánh (theo kinh nghiệm) khác nhau. Ông tin, vấn đề của chúng ta không phải là chủ nghĩa vô thần, nhưng là thờ ngẫu tượng. Đơn giản chúng ta thờ những vị thần mới và sợ những con quỷ mới. Điều thú vị này là một điều đáng đọc, mặc dù không phải là chuyện dễ dàng.
Còn tiểu thuyết thì đây không phải là năm thành công của tôi, tôi vừa không có thì giờ để đọc, vừa thất vọng với nhiều quyển sách tôi đã đọc. Nhưng những quyển sách này nổi bật:
Anne Michaels, Held. Được đề cử giải Booker năm nay, đây là tác phẩm văn học xuất sắc nhất của Anne Michaels, dù cốt truyện không phải lúc nào cũng dễ theo dõi. Nhưng Anne Michaels luôn đáng đọc.
Và tất cả lựa chọn sách đều dựa theo châm ngôn nổi tiếng của Thánh Augustinô: Thị hiếu không phải để tranh cãi.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch